Đưa điện về thôn, bản

Cao Bằng là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em sinh sống, đời sống người dân còn khó khăn, thêm vào đó là kết cấu hạ tầng chưa phát triển đồng bộ. Chính vì vậy, việc đưa điện về các thôn, bản ở Cao Bằng luôn gặp nhiều khó khăn. Việc đưa điện lưới quốc gia tới 105.841 hộ dùng điện (đạt 85,86%), số hộ nông thôn có điện trên toàn tỉnh đạt 81,1% như hiện nay, là cả một nỗ lực rất lớn của PC Cao Bằng. Cùng đó, lưới điện sau khi tiếp nhận cũng được PC Cao Bằng cải tạo, duy tu sửa chữa thường xuyên. Với các biện pháp quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ đã giảm tổn thất điện năng, giảm quá tải, khiến hệ thống điện hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, giảm sự cố và góp phần tiết kiệm điện năng cho tỉnh Cao Bằng.

PC Cao Bằng tiếp nhận lưới điện nông thôn để bán điện trực tiếp đến từng hộ dân

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, PC Cao Bằng cùng với các cơ quan, ban ngành liên quan của tỉnh phối hợp lập phương án tiếp nhận lưới điện nông thôn để bán điện trực tiếp đến từng hộ dân nông thôn trên toàn địa bàn tỉnh. Sau một thời gian triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã có 80,45% số hộ có điện và được sử dụng điện đúng với mức giá quy định của Nhà nước.

Vì sự phát triển ngành Điện

Được biết, so với ngành Điện cả nước, PC Cao Bằng có sản lượng điện thương phẩm hàng năm ở mức thấp, chưa đến 400 triệu kWh. Tuy nhiên, ngoài việc vận hành ổn định, an toàn lưới điện, PC Cao Bằng đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý, vận hành lưới điện nhằm góp phần vào sự phát triển chung của ngành Điện. Riêng trong năm 2013, PC Cao Bằng đã triển khai thực hiện chương trình quản lý kinh doanh trên hệ thống CMIS 2.0 nhờ đó nâng cao được nghiệp vụ quản lý. Nội dung, các quy trình kinh doanh được triển khai từ cấp Công ty đến cơ sở, trong đó có việc quản lý thiết bị đo đếm, quy trình kiểm soát hóa đơn; giao nộp tiền điện; quy định kiểm tra kinh doanh điện năng… Hệ thống trang website được duy trì cập nhật các dịch vụ trực tuyến để thuận lợi cho khách hàng...

Trong thời gian tới, để đáp ứng hơn nữa chất lượng cung cấp điện năng, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả kinh doanh điện năng và chất lượng các dịch vụ cung cấp cho khách hàng sử dụng điện, PC Cao Bằng đã tích cực triển khai các phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong Công ty dựa trên 2 bộ quy tắc của EVN và EVN NPC, tạo tiền đề cho sự phát triển các giá trị văn hóa, vừa tạo động lực tinh thần cho CBCNV-LĐ.

Tiếp tục khẳng định

Ngày 11/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 512/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế tỉnh Cao Bằng đến 2020 và tầm nhìn đến 2025. Cụ thể, đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân của Cao Bằng đạt khoảng 13,8%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 14,2%/năm. Đồng thời phấn đấu đưa thành phố Cao Bằng trở thành đô thị hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh... Và như vậy, ngay từ lúc này ngành Điện Cao Bằng cần có tư duy mới để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Cao Bằng.

Nhìn lại chặng đường 46 năm xây dựng và phát triển có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, nhờ vào sự đoàn kết nhất trí cao của tập thể CBCNV-LĐ, Công ty Điện lực Cao Bằng đã vững vàng đi lên, thu được những thành quả rất đáng trân trọng, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh Cao Bằng.