Nhìn lại chặng đường 60 năm qua với quá nhiều dấu ấn đáng tự hào, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm thao vẫn luôn tự hào giữ vai trò tiên phong, là lá cờ đầu trong ngành sản xuất phân bón cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Những trang sử Vàng vẻ vang

Ngày 8/6/1956, Lễ khởi công động thổ xây dựng Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao - tiền thân của Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã diễn ra trong không khí trọng thể và đầy quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo, của các chuyên gia Liên Xô cùng hàng ngàn công nhân lao động.

Chiến dịch
Chiến dịch 1.000 ngày đêm trên công trường

Ngay sau Lễ khởi công, hàng nghìn cán bộ, công nhân, quân nhân, thanh niên xung phong cùng các chuyên gia Liên Xô đã bước vào “Chiến dịch 1.000 ngày đêm trên công trường" với quyết tâm xây dựng Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.

Biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ trên “đại công trình” ấy trong suốt 3 năm thi công xây dựng, để đến ngày 24/6/1962, công trình đầu tiên lớn nhất đất nước về sản xuất phân bón Supe lân - đứa con đầu lòng của ngành Hóa chất Việt Nam đã chính thức hoàn thành và bước vào sản xuất. Kể từ đây, Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao bắt đầu mở ra trang sử vẻ vang của mình.

Cắt băng
Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cắt băng khánh thành Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, ngày 24/6/1962

Sau 2 tháng bước vào sản xuất, ngày 19/8/1962, Nhà máy vinh dự được Bác Hồ về thăm. Chuyến thăm của Bác trở thành một sự kiện đặc biệt xúc động và chứa chan tình cảm của vị cha già dân tộc với anh em cán bộ, công nhân Nhà máy. Thực hiện lời dạy của Bác, tập thể cán bộ, công nhân toàn nhà máy đã cố gắng quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến cuối năm 1962, Nhà máy máy đã chạy ổn định.

Bác Hồ
Bác Hồ về thăm Nhà máy ngày 19/8/1962

Nhớ về những ký ức của một thời khó khăn, gian khổ nhưng đầy tự hào của Nhà máy, ông Lê Quốc Khánh - nguyên thứ trưởng Bộ Công nghiệp, nguyên Giám đốc Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao xúc động chia sẻ: Nhà máy đi vào sản xuất và ổn định được đến năm 1965 thì bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn gian khổ nhất của 10 năm kháng chiến: vừa sản xuất vừa chiến đấu. Nhà máy là một trong những mục tiêu đánh phá trọng điểm của Mỹ vào ngành công nghiệp ở miền Bắc. Từ năm 1965 đến 1972, Nhà máy chịu tất cả 27 trận bom, trong đó cđánh trúng dây chuyền sản xuất 3 lần.

Bom Mỹ
Nhà máy là một trong những mục tiêu đánh phá trọng điểm của Mỹ vào ngành công nghiệp ở miền Bắc

Trận ném bom đầu tiên đã đánh trúng phân xưởng A xít khiến hàng chục tấn xúc tác bị trào ra ngoài, gây thiệt hại lớn về máy móc, thiết bị. Anh em kỹ thuật phải mất 3 tháng mới khôi phục được. Một khó khăn nữa trong thời kỳ này là hệ thống giao thông vận tải bị hư hỏng nặng nề do bị bom Mỹ bắn phá ác liệt, khiến nguồn nguyên liệu để sản xuất khan hiếm, việc vận chuyển phân bón đi các tỉnh tiêu thụ cũng bị ngừng trệ.

Để duy trì sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều sáng kiến đã được áp dụng như: Thanh niên xung kích giải phóng toa xe quặng; sáng kiến chuyển hình thức vận tải phân bón từ xe tải sang thuyền, phà đẩy, xe cải tiến song song với toa xe đường sắt để vừa vận chuyển nguyên liệu sản xuất vừa vận chuyển sản phẩm tiêu thụ.

Ông Lê Quốc Khánh
Ông Lê Quốc Khánh - Nguyên thứ trưởng Bộ Công nghiệp, nguyên Giám đốc Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao 

Mặc dù bị địch tấn công với cường độ ngày càng ác liệt, sản xuất luôn trong điều kiện thiếu quặng trầm trọng, thiếu điện, vật tư, thiết bị… nhưng Nhà máy vẫn kiên cường bám trụ sản xuất. Từng cân phân lân, từng giọt a xít kèm theo hàng chục tấn sản phẩm khác vẫn tiếp tục được ra đời dưới làn bom đạn của kẻ thù để cung cấp cho quốc phòng và sản xuất công - nông nghiệp trên toàn miền Bắc và là hậu phương vũng chắc cho chiến trường miền Nam.

Có thể nói, những năm tháng lịch sử hào hùng nhất của Nhà máy với ngọn lửa cách mạng được hun đúc từ tinh thần anh dũng, từ khối óc sáng tạo và từ đôi bàn tay khéo léo, những người công nhân - người chiến sỹ đã kiên cường vừa sản xuất vừa chiến đấu đã viết lên những trang sử vàng của Nhà máy Supe Lâm Thao.

Từ công suất ban đầu 100.000 tấn Supe phốt phát, 40.000 tấn Axit sunphuric/năm, đến nay, Công ty đã sản xuất được 800.000 tấn Supe lân, 750.000 tấn NPK-S, 300.000 tấn Lân nung chảy và 280.000 tấn Axit sunfuric/năm.

Qua 4 lần cải tạo, mở rộng, nâng công suất thiết kế, đến nay Công ty đã sản xuất gần 2 triệu tấn phân bón chứa lân/năm, trong đó: 800.000 tấn Supe lân, 750.000 tấn NPK-S và 280.000 tấn Axit Sunfuric đảm bảo chất lượng theo TCCS đã công bố.

Công ty vinh dự được Nhà nước 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng,14 Huân chương các loại cùng nhiều giải thưởng uy tín về chất lượng.

Vững bước tương lai

Trong giai đoạn phát triển mới, Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đặc biệt chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đổi mới công nghệ, thiết bị và phát triển các sản phẩm mới như: Supe lân vi sinh; Phân bón hữu cơ khoáng; phân bón NPK-S hàm lượng dinh dưỡng cao thế hệ mới…

Đồng thời, từng bước triển khai giải pháp gắn tem thông minh QR code để quản lý sản phẩm tồn kho, truy xuất, hướng dẫn sử dụng và quản lý vùng tiêu thụ khi sản phẩm ra thị trường. Với việc Công ty triển khai gắn Tem thông minh có gắn mã QR code cho các sản phẩm phân bón Lâm Thao đã giúp bà con nông dân hoàn toàn yên tâm khi sử dụng phân bón.

Phan bon vi sinh
Ông Phạm Thanh Tùng (trái), Tổng Giám đốc Công ty Supe Lâm Thao và các đại biểu chứng kiến xuất bán sản phẩm phân bón HCK và NPK-S hàm lượng dinh dưỡng cao thế hệ mới đầu tiên ra thị trường

Để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trong lĩnh vực sản xuất phân bón, Công ty đã triển khai áp dụng và cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng, môi trường theo các tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015.

Đây là kết quả của sự nỗ lực trong việc cải tiến và chuẩn hóa các hoạt động trong toàn Công ty, khẳng định uy tín thương hiệu sản phẩm của Supe Lâm Thao trên thị trường, không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn đảm bảo môi trường, vì sự phát triển bền vững trong tương lai.

Mã QR
Gắn tem thông minh QR code để quản lý sản phẩm tồn kho, truy xuất, hướng dẫn sử dụng và quản lý vùng tiêu thụ khi sản phẩm ra thị trường

Trong 60 năm qua, Công ty đã cung cấp cho ngành nông nghiệp khoảng 30 triệu tấn phân bón các loại; sản xuất hàng chục vạn tấn các sản phẩm hoá chất cần thiết để phục vụ cho các ngành kinh tế. Các sản phẩm phân bón với hình ảnh “3 nhánh cọ” đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nhật Bản
Các sản phẩm phân bón với hình ảnh “3 nhánh cọ” đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nói về mục tiêu phát triển sắp tới của Công ty, ông Phạm Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Với mục tiêu xây dựng công ty phát triển mạnh mẽ hơn, tập thể cán bộ lãnh đạo và người lao động Công ty tiếp tục phát huy bề dầy truyền thống cùng với tinh thần lao động sáng tạo, không ngừng đổi mới, duy trì và giữ vững chất lượng sản phẩm phân bón, không ngừng đầu tư cải tiến về công nghệ về thiết bị phục vụ cho sản xuất.

Bên cạnh việc giữ vững các sản phẩm truyền thống, Công ty sẽ tiếp tục phát triển những sản phẩm mới nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng phân bón của bà con nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Duy trì và phát triển vững chắc các thị trường truyền thống đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản trị, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi công nghệ số, hướng tới chuyển đổi số toàn diện vào năm 2024.

Tính riêng năm 2021, Công ty đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển sản xuất kinh doanh với kết quả: Doanh thu tiêu thụ đạt 2.900 tỷ đồng, bằng 102,7% kế hoạch năm, tăng 21,6% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách 52 tỷ đồng, bằng 120,9% kế hoạch năm, tăng 136% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế đạt 85 tỷ đồng; bằng 236,1% kế hoạch năm, tăng 240% so với cùng kỳ, thu nhập bình quân của người lao động đạt 9,67 triệu đồng/người/tháng, tăng 23,9% so với cùng kỳ.

Trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng

Xác định người lao động là nhân tố quyết định sự thành công của Công ty, song song với sản xuất, kinh doanh, Công ty luôn chú trọng nâng cao đời sống người lao động cả về vật chất cũng như tinh thần.

Không chỉ quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động, Công ty còn không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, đảm bảo đủ tiêu chuẩn định lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động 2 lần/năm nhằm sớm phát hiện bệnh hiểm nghèo để có hướng chăm sóc, điều trị tại chỗ hoặc gửi lên tuyến trên.

100% người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tham gia loại hình bảo hiểm con người. Đảm bảo việc làm ổn định cho 2.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, tăng cường thực hiện dân chủ trong Công ty, tạo sự thống nhất, đoàn kết, môi trường làm việc cởi mở, thân thiện.

Mẹ VNAH
Công ty đang nhận phụng dưỡng suốt đời 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng

Không chỉ nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, Công ty còn thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực tham gia công tác nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội và hướng đến cộng đồng.

Hiện nay, Công ty đang nhận phụng dưỡng suốt đời 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng, quan tâm thăm hỏi, tặng quà các thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam; chia sẻ với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; chung tay phòng chống dịch Covid-19.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức - dẫu biết khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước còn rất lớn, nhưng với bản lĩnh đã được trui rèn và khát vọng cống hiến luôn "rực cháy" trong mỗi con người Supe Lâm Thao, cùng với bề dày lịch sử ấy, với tâm huyết và kỳ vọng của nhiều thế hệ, sẽ tiếp thêm động lực và cảm hứng để Công ty tiếp tục có những bước phát triển mới, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.