CPTPP có hiệu lực: 66% dòng thuế nhập khẩu vào Việt Nam chính thức được xóa bỏ

Theo Hiệp định CPTPP, các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ Biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Các thành viên CPTPP đã thống nhất sẽ giữ nguyên các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định TPP trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. Theo đó, các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ Biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình. Các cam kết mở cửa thị trường được thể hiện chi tiết theo từng dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu của mỗi nước CPTPP.

Nhìn chung, phần lớn các nước CPTPP áp dụng một mức thuế nhập khẩu chung cho tất cả các đối tác khác. Các nước áp dụng chung Biểu thuế quan nhập khẩu bao gồm Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Niu-Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam. Trong khi đó, một số nước khác áp dụng Biểu thuế nhập khẩu riêng cho từng nước CPTPP khác nhau (Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản và Mê-hi-cô). Tuy nhiên, một số nước trong nhóm này như Chi-lê và Ca-na-đa chỉ áp dụng mức thuế nhập khẩu riêng với một số ít dòng thuế, còn lại thì áp dụng chung đối với phần lớn Biểu thuế.

Về cơ bản, các cam kết về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan nhập khẩu trong CPTPP được chia làm ba nhóm chính:

- Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay: Thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

- Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình: Thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình). Trong CPTPP, phần lớn là lộ trình 3-7 năm, tuy nhiên trong một số trường hợp, lộ trình có thể là trên 10 năm. Cá biệt, có một số rất ít dòng thuế có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trên 20 năm.

- Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ): Đối với nhóm hàng hóa này, thuế nhập khẩu chỉ xóa bỏ hoặc cắt giảm với một khối lượng hàng hóa nhất định (gọi là xóa bỏ/giảm thuế trong hạn ngạch). Với khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.

Cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam

Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.

Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình trên 10 năm, ví dụ như bia, rượu, thịt gà, sắt thép, ô tô con dưới 3.000 phân phối. Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với đường, trứng, muối (nằm trong lượng hạn ngạch WTO) và ô tô đã qua sử dụng.

Cam kết thuế nhập khẩu của các nước CPTPP đối với Việt Nam

Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Một số cam kết thuế nhập khẩu của các đối tác CPTPP như sau:

- Ca-na-đa cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

- Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 86% số dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản), và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm. Trong Hiệp định CPTPP, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của ta.

- Pê-ru cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% số dòng thuế vào năm thứ 17 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

- Mê-hi-cô cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

- Chi-lê cam kết xóa bỏ 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,9% số dòng thuế vào năm thứ 8 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

- Ốt-xtrây-li-a cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 2,9 tỷ USD) ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.

- Niu-di-lân cam kết xóa bỏ 94,6% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 101 triệu USD). Vào năm thứ 7 kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.

- Xinh-ga-po cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định.

- Ma-lai-xi-a cam kết xóa bỏ 84,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, số dòng thuế cam kết cắt giảm của Ma-lai-xi-a lên tới 99,9%.

- Bru-nây cam kết xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.

Cam kết của các nước theo một số nhóm hàng

Giày dép

78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Ca-na-đa sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại. Riêng giầy da lần đầu tiên được Nhật Bản cam kết trong hiệp định thương mại tự do sẽ được giảm dần đều và xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Thuế nhập khẩu giầy dép vào Mê-hi-cô và Pê-ru cũng được giảm dần đều và xóa bỏ vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Thủy sản

Các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Ca-na-đa và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mê-hi-cô sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Gạo

Với việc được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Ca-na-đa. Mê-hi-cô cũng là thị trường mới, xuất khẩu khoảng 70.000 tấn/năm và sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng gạo xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn chịu sự điều chỉnh bởi hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Nhật Bản trong WTO. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã ký Thỏa thuận Hợp tác Phát triển Chuỗi Giá trị Gạo nhằm cải thiện khả năng gạo Việt Nam trúng thầu hạn ngạch thuế quan WTO của Nhật.

Cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều

Các mặt hàng này sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng Mê-hi-cô xóa bỏ thuế cà phê hạt Robusta vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Đồ gỗ

Xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất sang các nước Ca-na-đa, Pê-ru sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

 

Tuấn Hưng