Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine định hình lại dòng chảy dầu thô toàn cầu

Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đang khiến dòng chảy dầu thô toàn cầu thay đổi. Châu Âu hiện tăng cường nhập khẩu dầu thô từ châu Phi và Hoa Kỳ; trong khi đó, Nga đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.

Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đang định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu. Theo đó, các nhà cung ứng dầu mỏ châu Phi đang tăng cường nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Trong khi đó, dưới tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang khu vực châu Á.

Lần gần nhất thị trường chứng kiến những thay đổi quy mô toàn cầu về phía nguồn cung và dòng chảy dầu mỏ là cách đây hơn mười năm trước, khi hoạt động khai thác dầu đá phiến được mở rộng tại Hoa Kỳ.

Giới quan sát nhận định ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đồng thuận trong việc ngưng nhập khẩu hơn 75% lượng dầu thô từ Nga thì Nga vẫn phần nào giảm được sức ép do nước này đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.

Khai thác dầu thô của Nga
 Nga hiện giảm giá bán các sản phẩm dầu của mình đến 25% và đẩy mạnh xuất khẩu dầu sang khu vực châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Gần đây, Nga đã giảm giá bán các sản phẩm dầu của mình đến 25%. Trong tháng 4 vừa qua, châu Á đã vượt châu Âu để trở thành thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga. Các đối tác tại châu Á đã nhập khẩu gần 71,7 triệu thùng dầu thô từ Nga trong tháng 4, cao gấp 2 lần so với mức trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 3.

Công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics SA (Thuỵ Sĩ) cho biết lượng dầu thô chuyển từ Nga đến châu Á qua đường biển đã tăng ít nhất 50% kể từ đầu năm đến nay bất chấp việc vận chuyển theo phương thức này gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, EU và Anh cấm các tàu thuộc sở hữu hoặc mang cờ Nga ghé cảng và ngày càng nhiều các chủ tàu, công ty bảo hiểm từ chối thực hiện giao dịch đến các lô dầu khí của Nga.

Các chuyên gia cho biết miễn là dòng chảy dầu thô từ Nga sang châu Á vẫn được duy trì tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường hiện nay có thể sẽ không bị nghiêm trọng hơn.

Ông Norbert Rücker, Trưởng ban nghiên cứu kinh tế của tập đoàn ngân hàng Julius Baer (Thuỵ Sĩ), nhận định “Trừ khi phương Tây gây áp lực ngoại giao lên những người mua châu Á, chúng tôi không thấy khả năng tăng chênh lệch nguồn cung và giá dầu thô tăng vọt".

Trước đó, ngân hàng đầu tư Bank of America (BofA) cảnh báo giá dầu thô Brent có thể vượt ngưỡng 150 USD/thùng trong thời gian ngắn nếu như nguồn cung dầu thô của Nga ra thị trường quốc tế bị suy giảm mạnh. Hồi đầu tháng 5, Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ông Mohammad Barkindo nhận định việc tìm kiếm nguồn cung dầu nhằm thay thế nguồn cung từ Nga là điều gần như không thể khi sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga lên tới hơn 7 triệu thùng/ngày. Trong tháng 3, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức trên 139 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 14 năm vừa qua vì lo ngại nguồn cung dầu thô từ Nga suy giảm.

Các dữ liệu cho thấy nếu tính cả nguồn cung dầu thô của Nga ra thị trường quốc tế thông qua các đường ống dẫn dầu thì tổng lượng xuất khẩu dầu thô của Nga trong tháng 4 vừa qua ở mức trên 8 triệu thùng/ngày – tương đương với mức trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra.

Trong khi đó, các quốc gia phương Tây đang tăng cường mua dầu thô từ châu Phi nhằm thay thế nguồn cung từ Nga. Trong tháng 4, lượng dầu thô từ khu vực Tây Phi được các nhà máy lọc hoá dầu tại châu Âu nhập khẩu đã tăng 17% so với mức trung bình giai đoạn 2018 – 2021.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy các quốc gia Tây Bắc châu Âu đang nhập khẩu 660.000 thùng dầu/ngày, chủ yếu từ Nigeria, Angola và Cameroon, trong tháng 5 vừa qua. Trước khi cấm nhập khẩu dầu thô, EU nhập khẩu khoảng 2,4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga.

Dữ liệu cũng cho thấy lượng dầu thô xuất khẩu của khu vực Tây Phi sang Ấn Độ trong tháng 4 chỉ đạt 280.000 thùng/ngày, giảm gần 50% so với hồi tháng 3 do Ấn Độ đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô từ Nga. Ước tính Ấn Độ đã mua khoảng 3,36 triệu tấn dầu thô từ Nga trong tháng 5, gấp 9 lần trung bình tháng năm 2021. Dầu thô Urals của Nga hiện có giá khoảng 95 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent là 120 USD/thùng.

Nguồn cung dầu thô từ khu vực Bắc Phi sang châu Âu trong tháng 4 cũng tăng tới 30% so với hồi tháng 3. Đáng chú ý, lượng hàng đến Tây Bắc châu Âu từ cảng Sidi Kerir (Ai Cập) đã tăng gấp đôi, lên trên mức 400.000 thùng/ngày trong tháng 5 vừa qua. Giới phân tích cho rằng phần lớn lượng hàng đi theo tuyến đường này là dầu thô của Saudi Arabia.

Cùng với đó, Hoa Kỳ cũng đang tăng cường cung ứng dầu cho châu Âu. Hãng phân tích thị trường Kpler (Bỉ) cho biết lượng dầu thô được châu Âu nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong tháng 5 tăng hơn 15% so với hồi tháng 3, đạt 1,45 triệu thùng/ngày.

Giới quan sát cũng cho biết do nhu cầu của châu Âu đối với các nguồn cung dầu thô khác ngoài Nga tăng vọt đã đẩy giá một số loại dầu thô tăng cao. Ví dụ, giá dầu thô ngọt nhẹ của Nigeria đang được chào bán với giá cao hơn ít nhất là 7 USD so với giá dầu thô Brent.

Duy Quang