Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Trả lời câu hỏi của phóng viên về cán cân thương mại tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 30/9/2021, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, quý II và quý III năm 2021 đã ghi nhận thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, đặc biệt là đã tác động trực tiếp đến trung tâm sản xuất công nghiệp lớn, tại các tỉnh thành phía Bắc là các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang; phía Nam có TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An và 13 tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long. 

Trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu theo vùng miền, khu vực 19 tỉnh, thành phố phía Nam chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việc các địa phương này thời gian qua áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao nhất theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí cao hơn cả Chỉ thị 16, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã có tác động rất lớn đến các hoạt động sản xuất, qua đó ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu. 

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, hiện nay, tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu vẫn đang ở mức cao, tính chung 9 tháng ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, với 242,65 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu trong 9 tháng, nước ta đang nhập siêu 2,13 tỷ USD, nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu thì tương đương 0,8%. 

“Đây là một khoảng cách không phải là quá lớn và chúng ta còn 3 tháng của quý IV”, ông Trần Thanh Hải nhận định. 

Chính vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng nếu như không có biến động lớn trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh, 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam, lấy lại được sự phục hồi, đà tăng trưởng, Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng đến thời điểm kết thúc năm 2021, cán cân thương mại sẽ duy trì ở mức cân bằng. 

“Và nếu như tình hình lạc quan hơn, chúng ta có thể xuất siêu ở tỷ lệ nhất định”, ông Trần Thanh Hải nói.

Báo cáo của Bộ Công Thương phân tích, có 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm 2021: 

(i) Kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp của ta đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất; 

(ii) Giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu nước ta; 

(iii) Giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu; 

(iv) Xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay. Trong đó, tháng 6 do dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9 dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng ta có lợi thế. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại.

Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến”. Nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử… Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Do đó, từ nay đến cuối năm để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 23/8/2021 về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.