TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 đã có những diễn biến cực kỳ phức tạp ở thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, khiến cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại. Để đối phó với đại dịch, các công ty kiểm toán buộc phải thay đổi hình thức kiểm toán truyền thống sang hình thức kiểm toán từ xa. Bằng phương pháp nghiên cứu tại bàn, tác giả giới thiệu về hình thức kiểm toán từ xa và một số điểm cần quan tâm khi thực hiện hình thức kiểm toán này ở các giai đoạn, như: lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và hoàn thành hợp đồng kiểm toán. Tác giả cũng đưa ra một số khuyến nghị cho cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp và các công ty kiểm toán nhằm vận dụng thành công hình thức kiểm toán còn mới mẻ này tại Việt Nam.

Từ khóa: kiểm toán từ xa, Covid-19, kiểm toán, công ty kiểm toán.

1. Đặt vấn đề

Từ ngày 27/4/2021, Việt Nam phải đương đầu với trận đại dịch Covid-19 tái diễn lần thứ 4 với muôn vàn khó khăn, gian khổ, gây ra những tác động tiêu cực vô cùng to lớn tới nền kinh tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2021, đã có gần 79.700 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể cũng như hoàn tất thủ tục giải thể, nếu so sánh với cùng giai đoạn năm 2020 thì số lượng này tăng 25,5% [2]. Nhằm ngăn chặn đà lây lan khủng khiếp của đại dịch, chính phủ Việt Nam đã tiến hành biện pháp cách ly toàn xã hội theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 đối với 20 tỉnh, thành phố, theo phương châm: “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” [12]. Các biện pháp đối phó dịch bệnh được triển khai quyết liệt, hạn chế tối đa khả năng di chuyển của người dân. Điều này đã làm cho nhiều ngành nghề không thuộc nhóm thiết yếu gặp khó khăn trong việc triển khai các hoạt động, trong đó có ngành kiểm toán độc lập [10]. Kiểm toán độc lập cần làm việc trực tiếp với khách hàng ở nhiều bước, như ký kết hợp đồng kiểm toán, thử nghiệm kiểm soát, thử nghiệm cơ bản… [8]. Việc áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm khống chế các ca lây nhiễm khiến kiểm toán viên không thể thực hiện công việc một cách trực tiếp. Hơn nữa, công ty kiểm toán cũng không được kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng nhằm đảm bảo hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống [14]. Vì vậy, các công ty kiểm toán đã nhanh chóng tìm kiếm giải pháp thay thế và giải pháp sử dụng hình thức kiểm toán từ xa được lựa chọn làm phương án chuẩn bị cho các tình huống xấu hơn.

Kiểm toán từ xa đã được các công ty kiểm toán trên thế giới lựa chọn nhằm đối phó với tình hình giãn cách xã hội kéo dài và được coi như là “một thực tại mới” [3]. Việc sử dụng hình thức này có nhiều ưu điểm, như: cắt giảm các chi phí (di chuyển đến công ty khách hàng, hậu cần cho đoàn kiểm toán), sử dụng nhiều kiểm toán viên ở các khu vực khác nhau cùng tham gia vào một cuộc kiểm toán, cải tiến việc soát xét chứng từ… Tuy nhiên, kiểm toán từ xa cũng có những bất lợi, như không thể thực hiện các quan sát trực tiếp, làm cho việc xây dựng mối quan hệ với những người được kiểm toán trở nên khó khăn, hay việc thiếu tương tác trực tiếp với những thành viên ở công ty khách hàng có thể tạo ra các cơ hội gian lận [9]. Tuy nhiên, kiểm toán từ xa là một phương pháp và cũng là một xu thế tất yếu, có thể áp dụng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Vì vậy, các doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam và các kiểm toán viên cần được trang bị lại những kiến thức và kỹ năng cần thiết ở tất cả các cấp bậc nhằm đảm bảo chất lượng cuộc kiểm toán [7]. Bài nghiên cứu này có mục tiêu giới thiệu về kiểm toán từ xa và một số vấn đề cần chuẩn bị khi tiến hành cuộc kiểm toán từ xa thông qua việc xem xét các nghiên cứu có liên quan đến chủ đề “kiểm toán từ xa”, nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp kiểm toán trong quá trình chuyển đổi sang kiểm toán từ xa thông qua phương pháp nghiên cứu tại bàn (desk research).

2. Kiểm toán từ xa

2.1. Khái niệm kiểm toán từ xa

Kiểm toán từ xa là “quy trình mà kiểm toán viên kết hợp công nghệ thông tin và truyền thông với việc phân tích dữ liệu bằng máy tính để đánh giá và báo cáo về tính chính xác của dữ liệu tài chính và hệ thống kiểm soát nội bộ, thu thập bằng chứng điện tử cũng như tương tác với bên được kiểm toán mà không phụ thuộc vào vị trí thực tế của kiểm toán viên” [11]. Tổ chức ISO cũng đã chuẩn hóa các yêu cầu về kiểm toán từ xa thông qua việc xác định: “cuộc kiểm toán từ xa được tiến hành khi tổ chức thực hiện công việc hoặc cung cấp dịch vụ thông qua việc sử dụng một

môi trường trực tuyến cho phép mọi người ở vị trí địa lý bất kỳ thực thi được các quá trình (ví dụ qua mạng nội bộ công ty, "điện toán đám mây ").

Các cuộc kiểm toán từ xa đề cập đến việc sử dụng công nghệ để thu thập thông tin, phỏng vấn bên được đánh giá,… khi phương pháp "gặp mặt trực tiếp” là không thể hoặc không yêu cầu như vậy.” [5].

Hình 1: Các thành phần của kiểm toán từ xa [11]

kiểm toán từ xa

Các thành phần của một cuộc kiểm toán từ xa thể hiện ở 2 khía cạnh quan trọng chính, đó là khía cạnh về công nghệ và khía cạnh về hành vi. Đâylà điều mà các công ty kiểm toán cần tập trung để đảm bảo triển khai thành công cuộc kiểm toán từ xa. Các thành phần được thể hiện ở Hình 1. Các kiểm toán viên trực tiếp và từ xa của nhóm kiểm toán đều sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tương tác với cả những người quản lý quá trình và tương tác trong nhóm lẫn nhau. Kiểm toán viên cũng sử dụng các công cụ tự động để trích xuất và phân tích dữ liệu từ hệ thống của bên được đánh giá nhằm kiểm tra các giao dịch và kiểm soát nội bộ. [11]

2.2. Một số vấn đề cần quan tâm

Kiểm toán từ xa có cùng mục tiêu và quy trình thực hiện với kiểm toán trực tiếp. Tuy nhiên, trọng tâm, sự ràng buộc trách nhiệm và việc thực hiện các giai đoạn kiểm toán này có những điểm khác nhau [8]. Những thay đổi về cách thức và địa điểm mà kiểm toán viên đang thực hiện có thể đòi hỏi các doanh nghiệp kiểm toán phải ứng phó với sự thay đổi của môi trường, ví dụ bằng cách xem xét các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng liên quan đến việc chỉ đạo và giám sát các nhóm kiểm toán và đánh giá công việc của họ. [9] Ở cấp độ hợp đồng kiểm toán, kiểm toán viên cần nâng cao nhận thức về khả năng có gian lận hoặc sai sót, bao gồm cả gian lận trong báo cáo tài chính, với tầm quan trọng của việc thực hiện thái độ hoài nghi nghề nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các thủ tục kiểm toán. Cụ thể, những công đoạn kiểm toán cần chú ý như sau.

2.2.1. Giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán

Lập kế hoạch kiểm toán là giai đoạn rất quan trọng trong mọi cuộc kiểm toán, đặc biệt là khi thực hiện kiểm toán từ xa, bởi vì việc thay đổi về phương pháp, vị trí làm việc tại đơn vị được kiểm toán sẽ khó khăn hơn. Nhóm kiểm toán viên cần tổ chức cuộc họp để thảo luận về phạm vi và lịch trình, việc đánh giá và xác định rủi ro tổng thể báo cáo tài chính và rủi ro ở các tài khoản cần thận trọng hơn, không chỉ đối với thủ tục phân tích mà còn đối với việc đánh giá các bằng chứng kiểm toán thu thập được trong việc thực hiện kiểm tra chọn mẫu [3]. Ngoài ra, kiểm toán viên phải dành đủ thời gian thích hợp để giải thích phương pháp kiểm toán từ xa cho những người tham gia, bao gồm việc giải thích về những điểm tương đồng và khác biệt được dự đoán giữa kiểm toán trực tiếp mà các bên liên quan đã quen và kiểm toán từ xa. Ví dụ về các loại thông tin cần được đề cập bao gồm cách thức và thời điểm chia sẻ thông tin, công nghệ nào sẽ được sử dụng (mọi thứ từ máy ảnh đến máy bay không người lái đến hỗ trợ qua điện thoại di động), những giấy phép nào cần phải xin trước để thu thập video và chụp ảnh tĩnh và những khu vực bí mật hoặc hạn chế nào cần được xem xét hoặc tránh [9].

Các thành viên sau khi lập kế hoạch kiểm toán cần xây dựng hoàn chỉnh lịch trình kiểm toán, điều chỉnh các vị trí khác với kiểm toán tại chỗ (ví dụ: định nghĩa tốt hơn về nhiệm vụ của các thành viên khác nhau trong nhóm), yêu cầu tổ chức xác định những người được kiểm toán và đảm bảo sự sẵn sàng của họ vào những thời điểm xác định, kiểm tra việc sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông trước khi kiểm toán để xác nhận rằng có một kết nối ổn định và mọi người kể cả kiểm toán viên và những thành viên của đơn vị được kiểm toán biết cách sử dụng công nghệ. Sự hợp tác của đơn vị được kiểm toán là một yêu cầu thiết yếu để cuộc kiểm toán từ xa thành công. Kiểm toán viên cần yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu cần thiết trước cuộc kiểm toán và nêu rõ ngày cần thông tin (ít nhất 5 ngày trước ngày kiểm toán), những phương pháp cung cấp tài liệu điện tử nào mà khách hàng cần thực hiện (scan chứng từ, sử dụng chữ ký số, hình thức gửi sổ sách kế toán…) [3].

Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 1 - Chuẩn mực chung có quy định báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần. Nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình. Với tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giải thể hoặc phải dừng hoạt động một số lĩnh vực, dẫn đến báo cáo tài chính phải được lập trên một cơ sở thay thế (ví dụ cơ sở giá thanh lý hoặc giá thực tế có thể thực hiện).

Các doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi các diễn biến của dịch Covid-19 và xác định ảnh hưởng tới tình hình tài chính và khả năng hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các biện pháp cũng như các quyết định để quản lý rủi ro [15]. Tuy nhiên, kiểm toán viên có thể khó đánh giá xem liệu tình hình hiện tại có gây ra nghi ngờ trọng yếu về khả năng tiếp tục hoạt động liên tục của công ty hay không. Vì vậy, kiểm toán viên cần xem xét đầy đủ tác động của dịch bệnh đến doanh nghiệp được kiểm toán và phải hoài nghi khi thực hiện đánh giá, cũng như các tài liệu làm việc của họ phải thể hiện bằng chứng về sự hoài nghi đó. Vì lẽ đó, kiểm toán viên cần dành đủ thời gian cho việc đánh giá hoạt động liên tục và chấp nhận rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường đối với hầu hết các khách hàng bởi vì không thể trực tiếp đánh giá, trao đổi [9].

2.2.2. Giai đoạn thực hiện kiểm toán

Xét về mặt kỹ thuật, kiểm toán từ xa và kiểm toán truyền thống có nhiều điểm tương đồng, cũng bắt đầu bằng các thử nghiệm kiểm soát và thử nhiệm cơ bản, trong đó việc xem xét tài liệu do khách hàng cung cấp có những điểm mà kiểm toán viên cần lưu ý khi thực hiện từ xa. Sau khi xem xét xong các tài liệu đã được cung cấp, kiểm toán từ xa thu thập thêm bằng chứng nhằm củng cố cho các ý kiến kiểm toán của mình thông qua hình thức giao tiếp ảo với khách hàng, nhân viên và các bên liên quan. Tùy thuộc vào loại quy trình kiểm toán được chọn, mỗi phương án sau đó được hỗ trợ bởi nhiều loại công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp [4].

Xem xét tài liệu từ xa tương tự như xem xét tài liệu tại cơ sở, với một số điểm mà kiểm toán viên cần lưu tâm. Đầu tiên là kiểm toán viên có thể mất nhiều thời gian hơn để đơn vị được kiểm toán chuẩn bị và tải tài liệu lên nền tảng chia sẻ tập tin (Google Drive, Onedrive, SharePoint, ổ đĩa dùng chung,...) so với việc cung cấp quyền truy cập vào thư mục chứa tập tin khi kiểm trực tiếp tại trụ sở khách hàng. Tùy thuộc vào phương pháp tài liệu hóa (hồ sơ giấy, hệ thống lưu trữ cơ sở dữ liệu,...), nhân viên của đơn vị được kiểm toán sẽ cần dành thời gian để chuyển đổi các hồ sơ này sang định dạng số phù hợp và tải lên các tập tin. Thứ hai là kiểm toán viên nên có sự linh hoạt trong việc tiếp nhận và xem xét thông tin dưới bất kỳ hình thức nào dễ thu thập nhất để giảm thiểu gánh nặng cho khách hàng. Nếu có thể, cần xem xét khả năng truy cập của hệ thống tập tin số của đơn vị được kiểm toán từ xa. Thông thường, quyền truy cập trực tiếp có thể được cấp trên cơ sở tạm thời, chỉ trong suốt thời gian đánh giá và cần xem xét cẩn thận để xây dựng các chiến lược hiệu quả để xem xét, thu thập và phân tích dữ liệu từ xa. Ví dụ, tùy thuộc vào số lượng hồ sơ cần xem xét, phương pháp kiểm toán bằng cách chọn mẫu có thể là lựa chọn tốt nhất. Cho dù xem xét toàn bộ hay một phần dữ liệu sẵn có, chiến lược này nên được thảo luận với đơn vị được kiểm toán để đảm bảo họ cung cấp thông tin chính xác giúp hỗ trợ chiến lược chọn mẫu. Không giống như đánh giá hồ sơ tại chỗ, kiểm toán từ xa thường không cho phép đặt các câu hỏi đồng thời. Khi xem xét hồ sơ từ xa, kiểm toán viên nên ghi chú và viết ra các câu hỏi sẽ được hỏi trong cuộc phỏng vấn từ xa. Tuy nhiên, một cách để kết hợp việc đặt câu hỏi đồng bộ trong quá trình kiểm toán từ xa là thiết lập hội nghị từ xa qua video giữa người kiểm toán phần hành và người được giao nhiệm vụ thực hiện phần hành tương ứng. Điều này cho phép các tài liệu được chia sẻ và xem xét, đồng thời đưa ra các câu hỏi và câu trả lời trong thời gian thực [9].

Phỏng vấn từ xa được thực hiện theo cách tương tự như phỏng vấn trực tiếp và có thể được tiến hành bằng cách lên lịch cuộc gọi điện video với những cá nhân quan trọng bằng cách sử dụng bất kỳ công nghệ sẵn có nào (ví dụ: Microsoft Teams, Skype và Zoom). Lên kế hoạch phỏng vấn 30 - 90 phút với các nhà quản lý của đơn vị được kiểm toán. Các cuộc phỏng vấn ngắn hơn, 15 phút có thể được thực hiện với nhân viên được chỉ định có trách nhiệm thực hiện và các cuộc phỏng vấn ngắn (10 phút) có thể được thực hiện với các nhân viên cơ sở chung được lựa chọn, những người có trách nhiệm phụ trợ cho trọng tâm của cuộc đánh giá. Những điều này giúp kiểm toán viên nội bộ có được kiến thức về văn hóa chung. Cuộc gọi có hình ảnh được ưu tiên hơn so với cuộc gọi chỉ thoại, vì các tín hiệu thông qua ngôn ngữ hình thể là một phần quan trọng của giao tiếp và thường bị mất nếu không có hình ảnh. Việc chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn từ xa sẽ tốn thêm thời gian cho kiểm toán viên. Mỗi kiểm toán viên nên chuẩn bị sẵn danh sách các câu hỏi và các luận điểm liên quan đến thông tin bổ sung nào là cần thiết, dựa trên thông tin từ việc xem xét tài liệu [8].

2.2.3. Giai đoạn hoàn thành kiểm toán

Cuộc họp kết thúc đối với kiểm toán từ xa cũng giống như cuộc họp kết thúc đối với kiểm toán truyền thống. Các kiểm toán viên nên sắp xếp cuộc họp kết thúc từ một đến hai ngày sau các cuộc phỏng vấn từ xa. Điều này cho phép các thành viên trong nhóm đánh giá xem xét các ghi chú và phát hiện của chính họ, cũng như có một cuộc họp nội bộ nhóm kiểm toán từ xa để biên soạn các kết quả đánh giá dự thảo sơ bộ. Cuộc họp kết thúc cuộc đánh giá là cơ hội để trình bày các kết quả đánh giá dự thảo sơ bộ này cho những người có trách nhiệm của các bên liên quan, giải quyết bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào và thảo luận về con đường tiến tới việc hoàn thiện kết quả đánh giá và cải tiến liên tục. Các bút toán điều chỉnh, thư quản lý và dự thảo báo cáo tài chính cũng được trao đổi trong phiên họp kết thúc [9].

Như vậy, kiểm toán từ xa cũng tạo ra những khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp kiểm toán vừa và nhỏ, bởi vì các yêu cầu về công nghệ, về nguồn nhân lực có thể sử dụng tốt và hỗ trợ về công nghệ, về những hiểu biết liên quan đến an toàn thông tin và gian lận trong môi trường máy tính [6]. Tuy nhiên, không vì điều này mà chất lượng kiểm toán bị giảm [1,7]. Do rủi ro kiểm toán cao hơn, nên các doanh nghiệp kiểm toán sẽ tập trung vào kiểm soát chất lượng và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, nhằm giảm thiểu rủi ro kiểm toán, cũng như tăng cường sử dụng sự tư vấn của các chuyên gia nhằm hỗ trợ cho các vấn đề về công nghệ thông tin và truyền thông [13].

3. Thảo luận

Trước tình hình đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc chuẩn bị trước phương án kiểm toán thay thế nhằm đảm bảo hoạt động kiểm toán không bị gián đoạn là một yêu cầu cấp thiết. Hơn nữa, đại dịch còn là một hồi chuông đánh động các bên liên quan trong kiểm toán như Bộ Tài chính, Hiệp hội Nghề nghiệp kiểm toán, các công ty kiểm toán trong việc đưa ra các kịch bản ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Tác giả có một số khuyến nghị như sau:

Dưới góc độ là cơ quan quản lý chuyên môn, Bộ Tài chính nói chung và Cục Quản lý giám sát kế toán và kiểm toán nói riêng cần có một một văn bản chính thức hướng dẫn về những nguyên tắc, cách thức và những vấn đề cần chú ý. Những nội dung trong chuẩn mực kiểm toán cần được hiểu phù hợp với hình thức kiểm toán từ xa để các doanh nghiệp kiểm toán có được một định hướng chung, thống nhất, đảm bảo chất lượng giữa các doanh nghiệp kiểm toán được đồng đều.

Dưới góc độ là hiệp hội nghề nghiệp, Hội Kiểm toán viên Việt Nam nên tập hợp các thông lệ tốt của các nước trên thế giới khi áp dụng phương pháp kiểm toán từ xa, có nghiên cứu phù hợp với thực tiễn Việt Nam để tạo thành một quyển cẩm nang, giúp các doanh nghiệp kiểm toán, đặc biệt là các doanh nghiệp kiểm toán nhỏ và vừa thực hành kiểm toán theo đúng quy trình, đảm bảo tính trung thực, khách quan, tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả kiểm toán. Đối với các cá nhân hành nghề kiểm toán, trong các chương trình cập nhật kiến thức của Hội, cần tăng cường các nội dung hỗ trợ phương pháp kiểm toán từ xa để phát triển các kỹ năng cần thiết của kiểm toán viên hành nghề.

Dưới góc độ là những người trực tiếp thực hiện các cuộc kiểm toán, các công ty kiểm toán cần củng cố, tăng cường hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, thiết lập mạng lưới các doanh nghiệp có khả năng cung cấp các chuyên gia công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ trong các cuộc kiểm toán từ xa. Việc đào tạo và đào tạo lại các nhân viên kiểm toán để cải thiện và bổ sung những kỹ năng cần thiết cho một cuộc kiểm toán từ xa cũng là một yêu cầu cần tiến hành ngay. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng những kịch bản, phương án và quy trình, hồ sơ cần thu thập cho một cuộc kiểm toán từ xa và thảo luận với các doanh nghiệp khác để tìm ra được một giải pháp hài hòa, mang tính chất bền vững cho mình.

Với một sự chuẩn bị tốt, ngành Kiểm toán Việt Nam sẽ chủ động đối phó với đại dịch Covid-19 nói riêng và các thiên tai, dịch bệnh nói chung trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Albitar, Khaldoon, et al. (2020). Auditing in times of social distancing: The effect of Covid-19 on auditing quality. International Journal of Accounting & Information Management, 29(1), 169-178.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021. Truy cập tại http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=50931&idcm=188
  3. Castka, P.; Zhao, X.; Bremer, P.; Mirosa, M. and Wood, L. (2021). Remote auditng and assessment during the COVID-19 pandemic in New Zealand and China. Learnings from the food industry and guidance for the future. A report for New Zealand China Food Protecton Network, Wellington, New Zealand.
  4. Hay, David, Shires, Karen and Van Dyk, Debbie. (2021). Auditing in the time of COVID - the impact of Covid-19 on auditing in New Zealand and subsequent reforms. Pacific Accounting Review, 33(2), 179-188.
  5. The International Organization for Standardization (2018). ISO 19011:2018 - Guidelines for auditing management systems.
  6. Mchedlishvili, Manana, and Nana Zazadze (2021). Results of Covid-19 on small and medium practice auditing firms. Ecoforum Journal, 10(2), 746-749.
  7. Ngọc Thủy (2021). Giữ chất lượng kiểm toán trong bối cảnh Covid-19. Truy cập tại http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-03-14/giu-chat-luong-kiem-toan-trong-boi-canh-covid-19-101019.aspx
  8. Phan, Jillian (2020). The new norm: How to adapt to remote auditing. California CPA, 89(4), 9-12.
  9. Roy Litzenberg and Carrie F. Ramirez (2020). Remote auditing for covid-19 and beyond: Short-term and long-term implications. [Online] Availabile at https://iiabelgium.org/wp-content/uploads/2020/05/EHSKB-Remote -Auditing-for-COVID-19-and-Beyond.pdf
  10. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (2021). Công văn số 3786/SYT-NVY ngày 20/6/2021 V/v hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố TP. Hồ Chí Minh.
  11. Teeter, Ryan A., Michael G. Alles, and Miklos A. Vasarhelyi. (2010). The remote audit: A Research Framework. Journal of Emerging Technologies in Accounting, 207, 73-88.
  12. Thủ tướng Chính phủ (2020). Chỉ thị số 16/CT-TT về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
  13. The International Federation of Accountants - IFAC (2021). Using Specialists in the COVID-19 Environment. [Online] Availbile at https://www.ifac.org/system/files/publications/files/FINAL-Covid-19-and-Ethics-Using-Specialists-in-the-Covid-19-Environment.pdf
  14. Ủy ban Chứng khoán (2021). Công văn số 4375/UBCK-GSĐC về việc soát xét báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021.
  15. Yadav, Sandeep and Srivastava, Jagriti. (2021) CSR, audit quality and firm performance during Covid-19: An organizational legitimacy perspective. MPRA Paper 108967, University Library of Munich, Germany.

THE COVID-19 PANDEMIC AND REMOTE AUDIT:

SOME CONSIDERATIONS

• PHAM TRUONG QUAN1

• QUACH MINH NGOC2

1Faculty of Finance - Banking, Industrial University of Ho Chi Minh City

2Faculty of Accounting - Auditing, Industrial University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The COVID-19 pandemic has had complicated developments in the world in general and in Vietnam in particular, creating unprecedented obstacles to businesses. In response to the  Covid-19 pandemic, audit firms are forced to change from traditional audits to remote audits. By using the desk research method, this study introduce the remote audit and some notes on conducting a remote audit including stages of audit planning, audit testing and audit compilation engagement. Based on the study’s findings, some recommendations for goverment agencies, trade associations and audit firms are made to facilitate the implementation of remote audit in Vietnam.  

Keywords: remote audit, Covid-19, audit, audit firm.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 11 năm 2022]