Hiệu quả thực hiện chính sách khuyến công đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua cho thấy chính sách khuyến công đang được triển khai phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tại địa phương, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và hậu Covid hiện nay.

Tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp, cơ sở CNNT

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) là đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công, đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải thiện việc làm, duy trì  ổn định xã hội và phát triển kinh tế nông thôn, mặt khác, đối tượng này hầu hết là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa, nguồn lực sản xuất, kinh doanh còn thiếu và yếu.

Trong giai đoạn từ cuối năm 2019 đến năm 2021, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phải đối mặt với những tác động tiêu cực chưa từng có trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: giảm nhu cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng, hủy đơn hàng (trong nước cũng như xuất khẩu), thiếu nguyên liệu, gián đoạn vận chuyển… . Trong đó, đối tượng chịu tác động nhiều bởi đợt bùng phát này là các doanh nghiệp, cơ sở sản CNNT, so với các doanh nghiệp lớn thì doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ nguồn lực cả về tài chính và kỹ năng quản lý.

khuyến công Đắk Nông
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ HTX Nông nghiệp hữu cơ Bechamp đã đầu tư Máy rang cà phê mang lại nhiều hiệu quả

Một số tác động của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa khi các lệnh phong tỏa được áp dụng và việc sử dụng mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến” nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả đã vô tình gây cản trở lớn cho doanh nghiệp cả về chi phí  lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian sinh hoạt cho người lao động. Các biện pháp hạn chế đi lại và lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư công… nhưng khả năng phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn diễn ra chậm, tình hình hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có bước tiến khả quan.

Trong nền kinh tế hội nhập, tự do hóa toàn cầu thì cạnh tranh là một cơ chế kinh tế tốt khi nền kinh tế sử dụng đầy đủ, hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, về trung hạn, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế, mức độ phá sản và thất nghiệp tăng cao.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Trên cơ sở phân tích những tác động của đại dịch Covid đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa, ngành Công Thương Đắk Nông đề ra một số giải pháp cơ bản trong việc thực hiện chính sách khuyến công hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa trong ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid như:

Tổng kết đánh giá hiệu quả của chính sách khuyến công hiện tại nhằm điều chỉnh, bổ sung, nâng cao mức hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT. Mặc dù kinh phí hỗ trợ của ngân sách cho cơ sở CNNT chỉ ở mức độ động viên, khuyến khích nhưng cũng phải đảm bảo tính tương  ứng với nguồn vốn mà cơ sở đã đầu tư để thực hiện đề án.

khuyến công
Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông đầu tư Máy tách màu, phân loại hạt từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia

Ngoài ra, cần có sự phối hợp, liên kết hỗ trợ giữa các ngành để tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất từ khâu tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra, ưu tiên cho những sản phẩm chủ lực, thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu. Kết hợp các chương trình phát triển nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chương trình giảm nghèo…

Tương tự, cần có bộ phận chuyên trách trong công tác tham mưu quản lý, tổ chức triển khai, theo dõi, giám sát thực hiện chính sách khuyến công từ cấp trung ương, cấp tỉnh đến cấp cơ sở (huyện, thị, xã, phường, thị trấn), từ đó công tác phối hợp thực hiện mới đảm bảo sự xuyên suốt, việc theo dõi, giám sát, nắm bắt thông tin, nhu cầu của cơ sở được chặc chẽ, kịp thời hơn.

Đồng thời, công tác xây dựng, tổ chức triển khai chương trình chính sách khuyến công (Trung ương và địa phương) hàng năm cần kịp thời với nhu cầu thụ hưởng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Đặc biệt, hiệu quả chính sách khuyến công được đánh giá trên cơ sở vận dụng, phát huy hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT sau khi thụ hưởng chính sách khuyến công của nhà nước. Do đó, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT cần khai thác tốt nhất lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ để phát huy hiệu quả sản xuất thông qua việc thụ hưởng chính sách khuyến công để đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tích cực thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu thị trường phát triển sản phẩm. Tham gia các hoạt động  xúc tiến thương mại được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Trong 03 năm (2019-2021) khuyến công tỉnh Đắk Nông đã thực hiện hỗ trợ máy móc thiết bị cho 35 doanh nghiệp từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) và khuyến công địa phương (KCĐP). Trong năm 2022, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tham mưu hỗ trợ máy móc thiết bị, thiết kế bao bì cho 16 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.