TÓM TẮT:

An sinh xã hội (ASXH) là một trong những trụ cột cơ bản của hệ thống chính sách ASXH  được Đảng và Nhà nước ta quan tâm xây dựng. Tuy nhiên, sau 35 năm đổi mới, hệ thống an sinh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề và đề xuất các giải pháp đảm bảo ASXH để thúc đẩy phục hồi kinh tếtăng trưởng trong những năm tới.

Từ khóa: an sinh xã hội, phục hồi kinh tế, tăng trưởng bao trùm.

1. Thực tiễn triển khai các chính sách ASXH thời gian qua

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Sản xuất, kinh doanh bị đình trệ dẫn đến doanh nghiệp (DN) phá sản, ngừng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng. Tình trạng người lao động (NLĐ) không có việc làm, giảm thu nhập trở nên phổ biến. Các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là lao động trong khu vực phi chính thức càng khó khăn hơn, do sinh kế của họ gắn nhiều với các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm cao. Trong tình hình đó, chính sách ASXH kịp thời sẽ góp phần hỗ trợ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho NLĐ, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với NLĐ và DN, ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg về việc thực hiện gói hỗ trợ gần 62 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho NLĐ bị mất việc, giảm thu nhập và các DN chịu tác động của đại dịch. Tuy nhiên, có những khó khăn, bất cập phát sinh khi triển khai thực hiện gói hỗ trợ trên thực tế. Chỉ có 4 nhóm đối tượng nhận được hỗ trợ, đó là: người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo trong danh sách. Việc rà soát, lập danh sách các nhóm lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng gặp nhiều trở ngại, kéo dài do thiếu căn cứ để thực hiện. Nhiều lao động làm việc trong DN hay khu công nghiệp bị tác động, nhưng do không có hợp đồng lao động, nên không có cơ sở để xem xét. Mặt khác, do mức hỗ trợ thấp, thời gian hỗ trợ ngắn (1-3 tháng, tối đa 3 tháng), nên nhiều hộ kinh doanh cá thể không đề nghị hỗ trợ. Các DN bị ảnh hưởng tuy muốn vay vốn ngân hàng để trả lương ngừng việc cho NLĐ song gặp khó khăn với các quy định  như phải chứng minh tài chính, xuất trình hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm nên cũng không tiếp cận được gói hỗ trợ. Tính đến cuối năm 2020, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng chỉ giải ngân được 12,8 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 20,6%). Sau 1 năm triển khai thực hiện, cho đến quý II/2021, cả nước vẫn chưa giải ngân được 1/4 gói hỗ trợ. Ngay cả các đối tượng ưu tiên trong diện được hỗ trợ tiền mặt cũng chỉ nhận được tổng số tiền bằng 1-2% quy mô gói hỗ trợ.

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư (tháng 4/2021), rút kinh nghiệm từ những bất cập khi triển khai gói hỗ trợ 52 nghìn tỷ đồng, việc hỗ trợ cho DN và người dân ở những vùng tâm dịch như TP. Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ đã có những đổi mới trong cách làm, giúp cho tiền hỗ trợ đến được những hộ gia đình và cá nhân gặp khó khăn trong giai đoạn cách ly xã hội. Hộ chính sách, hộ nghèo, NLĐ bị chấm dứt hợp đồng do đại dịch. Tuy nhiên, các lao động phi chính thức, lao động làm nghề tự do không có hợp đồng, do chưa phải là đối tượng ưu tiên, nên hầu hết không nhận được hỗ trợ.

2. Kết quả thực hiện chính sách ASXH trong năm 2021

- Về hỗ trợ ASXH

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2021, Trung ương và các địa phương đã dành số tiền 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động (kinh phí 13.033 tỷ đồng); hơn 42,8 triệu lượt NLĐ và các đối tượng khác với (kinh phí 58.449 tỷ đồng).

Nổi bật nhất là các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68), Nghị quyết số 116/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (Nghị quyết số 116). Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 trong toàn quốc là hơn 33.564 tỷ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng (gồm 378.331 lượt đơn vị sử dụng lao động, hơn 30 triệu lượt NLĐ và các đối tượng khác).

Riêng tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5.438 tỷ đồng (tương đương 32,7% kế hoạch dự toán). Nhóm chính sách này hỗ trợ cho 375.857 đơn vị sử dụng lao động và gần 11,4 triệu NLĐ. Cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã rà soát và thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với 11.238.000 NLĐ được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022, với tổng số tiền tạm tính tương đương gần 4.322 tỷ đồng.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 58/63 tỉnh, thành phố. Qua đó, hỗ trợ 844 đơn vị sử dụng lao động và 160.005 NLĐ, tổng kinh phí 1.112,4 tỷ đồng. chính sách hỗ trợ bằng tiền hỗ trợ khoảng 25,8 nghìn tỷ đồng cho hơn 18 triệu đối tượng. Ngân sách nhà nước đã chi 14.902 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho hơn 11,25 triệu đối tượng. Nghị quyết số 68 cũng trợ giúp hơn 14,91 triệu NLĐ tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ, với tổng kinh phí 19.600 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết,…

- Về chính sách hỗ trợ người có công

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ưu đãi người có công với cách mạng chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 vừa qua. Tiếp đó, ngày 24/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Từ đó, nâng cao các cơ chế, chính sách, mức ưu đãi với người có công với cách mạng  so với trước.

Chính sách kịp thời và đầy tính nhân văn bổ sung thêm khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân. Cụ thể, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong năm 2021 là 1,624 triệu đồng, tăng hơn so với mức chuẩn trợ cấp hằng tháng là 1,318 triệu đồng áp dụng từ năm 2015. Đặc biệt, mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, tương đương 4,872 triệu đồng. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến Ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng.

Cả nước hiện có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, chiếm khoảng 10% dân số, được hưởng chính sách ưu đãi. Trong số này, gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Trong năm 2021, cơ quan chức năng đã công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 611 liệt sĩ, cấp đổi lại hơn 10.000 Bằng Tổ quốc ghi công.

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên cả nước đã cơ bản hoàn thành. Gần 393.707 hộ gia đình người có công được hỗ trợ, kinh phí thực hiện hơn 10 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động hơn 130 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa khoảng 1.000 nhà tình nghĩa. Khoảng 1.000 sổ tiết kiệm với kinh phí hơn 2 tỷ đồng cũng được dành tặng người có công. 3.830 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

- Về về chính sách BHXH

Số người tham gia BHXH vào cuối năm 2021 ước đạt hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Lĩnh vực BHXH cũng ghi nhận những thành công bước đầu trong quá trình chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của hơn 98 triệu dân đã hình thành, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, được liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Một trong những điểm mới của năm là hiệp định song phương về BHXH lần đầu tiên được ký giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ngày 14/12/2021, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định song phương về BHXH. Qua đó, giúp quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ hai nước được bảo vệ, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia BHXH. Thời gian tham gia đóng BHXH của NLĐ là công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà NLĐ đó đã tham gia đóng BHXH ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng thời gian này sẽ là căn cứ để Quỹ BHXH Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét NLĐ hưởng chế độ lương hưu.

- Về chăm lo các đối tượng yếu thế trong đại dịch

Để hỗ trợ một số đối tượng yếu thế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 68 đã đến với 24.400 NLĐ mang thai và 376.385 trẻ em dưới 6 tuổi là con của NLĐ. Hơn 707 nghìn đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí gần 473 tỷ đồng. Gần 52,9 nghìn trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung 1 triệu đồng/người.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng hành cùng 46 địa phương hỗ trợ gần 14,7 tỷ đồng cho 3.321 trẻ em. Trong số này, 2.840 trẻ mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 được hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi em. Cùng với đó, 481 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19  cũng được hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ.

Chính phủ quyết định xuất cấp hơn 158,1 nghìn tấn gạo để hỗ trợ cho hơn 2,7 triệu hộ dân với gần 10,5 triệu nhân khẩu vào các dịp: Tết Nguyên đán, thiếu đói giáp hạt, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã xuất cấp gần 142 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho hơn 9,46 triệu người (khoảng 2,4 triệu hộ) thiếu đói do đại dịch Covid-19.

Năm 2021, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 18,5 nghìn tỷ đồng thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội. Hơn 356 tỷ đồng được dành thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người khuyết tật.

Đến nay, cả nước có gần 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Khoảng 100 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề. Có 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động là người khuyết tật.

- Về phục hồi và phát triển thị trường lao động gắn với bảo đảm ASXH

Trong năm 2021, thị trường lao động nước ta phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý III/2021, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm ở quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tác động sâu sắc đến đời sống của NLĐ, khiến khoảng 2,2 triệu NLĐ đang làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở về địa phương. So với quý III/2021, số LĐ có việc làm trong quý IV/2021 đã có dấu hiệu phục hồi sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, sự phục hồi này chủ yếu do số lao động phi chính thức tăng, cho thấy sự phục hồi chưa bền vững.

Trước những tác động khó lường của đại dịch tới thị trường lao động trong nước, tháng 12 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Chương trình nhằm từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với đó, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động. Tiến tới xây dựng và hình thành thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

3. Một số hạn chế, thách thức đối với ASXH hiện nay

Đến nay lĩnh vực ASXH vẫn chưa thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, các chủ thể và nguồn lực xã hội. Các hoạt động an sinh hiện đang bộc lộ sự thiếu đồng bộ về thể chế trong điều kiện kinh tế thị trường khi các dịch vụ công không còn được bao cấp như trước, dẫn đến lúng túng trong thực hiện.

Nguồn lực của Nhà nước dành cho ASXH chủ yếu dựa vào ngân sách với khả năng hạn chế. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, trợ cấp xã hội mới chỉ đến được một bộ phận đối tượng yếu thế.

Các hình thức bảo hiểm chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội đa dạng và chưa theo kịp với sự phát triển của kinh tế thị trường; chất lượng các dịch vụ xã hội nhìn chung còn thấp, với không ít tiêu cực, rào cản và thủ tục phiền hà trong tiếp cận dịch vụ. Nhiều nhóm cư dân không thể ứng phó với những rủi ro thiên tai, dịch bệnh, thậm chí bị loại trừ trong các chính sách hỗ trợ. Chênh lệch mức sống gia tăng gây thiệt thòi cho người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương, hạn chế cơ hội và điều kiện tiếp cận các dịch vụ an sinh.

Việc xác định đối tượng hỗ trợ còn thiếu khách quan, chưa thống nhất. Không ít hộ gia đình có điều kiện nhưng vẫn có tên trong danh sách được hỗ trợ của dự án giảm nghèo. Trong khi đó, các đối tượng yếu thế lại không có khả năng tiếp cận được chương trình an sinh và BHXH. Họ không chỉ rơi vào vòng xoáy đói nghèo, mất thu nhập, mà còn đồng thời chịu gánh nặng bệnh tật, sức khỏe kém, không có đất sản xuất, thiếu vốn,... Hiện nay, nhiều rủi ro khó lường, luôn rình rập trong cuộc sống như tai nạn giao thông, đau ốm, dịch bệnh, thiên tai, đe dọa tính mạng của người dân và thách thức sự bền vững của ASXH.

Đặc thù của ASXH nước ta là sự bao cấp về nguồn lực hoạt động. Nhà nước đảm nhiệm cùng một lúc hai chức năng: vừa là người ban hành chính sách, vừa là người thực hiện chính sách thông qua bộ máy hành chính các cấp, dẫn đến sự thiếu phân tách giữa quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ. Cán bộ chính quyền tại nhiều địa phương vừa xét duyệt đối tượng hỗ trợ, vừa thực hiện việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho ASXH còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách công, với diện che phủ thấp và mức hỗ trợ có hạn. Người dân nông thôn, nhất là các dân tộc thiểu số là những nhóm xã hội phải đối mặt với những rủi ro, khó khăn trong cuộc sống. Người dân ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp đang gặp khó khăn do chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác ASXH còn ít về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa đủ sức hỗ trợ kịp thời trong những tình huống cấp bách, khủng hoảng.

Có thể nói, do nguồn lực và các biện pháp bảo vệ, bảo trợ của hệ thống an sinh còn hạn chế nên người dân chủ yếu dựa vào sự trợ giúp của gia đình, người thân mỗi khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, sự biến đổi của giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức, thu hẹp quy mô và cấu trúc gia đình đang đặt ra những thách thức đối với các thành viên trong gia đình, đòi hỏi việc xây dựng một hệ thống ASXH hiện đại, đáp ứng được nhu cầu và phù hợp với tình hình mới.

Hệ thống ASXH tuy từng bước mở rộng về phạm vi và đối tượng, song chất lượng các dịch vụ nhìn chung còn hạn chế. Các hình thức bảo hiểm chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân, số lượng NLĐ rút sổ bảo hiểm một lần gia tăng cho thấy niềm tin của xã hội vào hệ thống này còn hạn chế. Các chính sách hỗ trợ được ban hành song bất cập khi vào thực tế, chưa bảo đảm được sự bền vững của ASXH. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn và thất nghiệp ở thành thị, nhất là trong thanh niên, còn cao.

4. Giải pháp đảm bảo ASXH để thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng bao trùm trong những năm tới

Để thực hiện công tác chăm lo, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân nhất là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch nhằm góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo tăng trưởng bao trùm và bền vững, thời gian tới đây, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần có giải pháp toàn diện, nâng cao năng lực quốc gia về ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh... nhất là đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực ứng phó cho cơ sở và từ cơ sở một cách kịp thời, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Thứ hai, đảm bảm nguồn lực để thực hiện tốt chức năng của các trụ cột ASXH.

Vấn đề bảo đảm ASXH phải dựa trên 3 trụ cột, 3 thành tố chính: (1) Giảm thiểu rủi ro thông qua BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; (2) Khắc phục rủi ro thông qua bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách người có công;  (3) Phòng ngừa rủi ro trên cơ sở việc làm bền vững, năng suất cao, phục hồi và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trước những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, công tác mở rộng và bảo đảm ASXH phải đồng thời gắn với phát triển việc làm, thu nhập thỏa đáng, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn cho NLĐ. Trong đó, “giải pháp gốc” là tập trung nâng cao trình độ NLĐ ở 2 khu vực: Lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động và lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành, lĩnh vực có năng suất thấp sang lĩnh vực lao động có năng suất cao; tăng năng suất lao động bằng cách đầu tư công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề và quản trị DN,…

Một giải pháp căn cơ khác là thực hiện hiệu quả BHYT toàn dân cùng với việc quản lý chặt chẽ nguồn quỹ này; đồng thời thực hiện cho được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW là bao phủ BHXH toàn dân và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi người tham gia. Làm sao để BHYT, BHXH thực sự trở thành những chính sách trụ cột trong hỗ trợ ASXH. Cũng có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm ASXH là việc thực hiện giảm nghèo phải đa chiều và thực sự bền vững. Phải tiếp cận theo tư duy là chuyển người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể và quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, nhóm hộ, coi đây là “đòn bẩy” cho công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu tăng dần gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và nâng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, bất cập,...  tạo cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ nhất có thể cho lĩnh vực ASXH. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ việc thực hiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực ASXH để đảm bảo các nguồn lực cho lĩnh vực này được sử dụng đúng mục đích.

Thứ tư, nghiên cứu bổ sung chính sách mới, tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ, nhằm bao phủ những khoảng trống trong chính sách ASXH. Bên cạnh đó, chăm lo tốt hơn cho đời sống của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, còn nhiều khó khăn và dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đối với trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ năm, phát triển đồng bộ hệ thống bảo hiểm, đẩy mạnh hình thức bảo hiểm tự nguyện, xử lý nghiêm vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài. Đồng thời, thúc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình ASXH.

5. Kết luận

Bảo đảm ASXH là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Thực tế từ nhiều năm nay, các trụ cột ASXH được đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ quan điểm phát triển kinh tế gắn liền với sự tiến bộ và công bằng xã hội. Cần bảo đảm để mọi người dân có thể tiếp cận và thụ hưởng ASXH, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong tình hình mới, việc tăng cường và hoàn thiện hệ thống ASXH trở thành một đòi hỏi bức thiết, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cuộc sống và sức khỏe của nhân dân, tiến tới ổn định kinh tế - xã hội.

Trong những năm tới đây, việc bảo đảm thực hiện tốt các trụ cột ASXH chính là giải pháp căn cơ nâng cao đời sống, giảm rủi ro trước thiên tai, dịch bệnh cho người dân được coi là nhiệm vụ quan trọng trước mắt cũng như lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ đó, giúp quá trình phục hồi kinh tế được nhanh, bền vững và giải quyết vấn đề tăng trưởng bao trùm “không để ai lại phía sau” như Nghị quyết của Đảng đã đặt ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đặng Nguyên Anh (2021): Đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới, Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương, truy cập tạihttp://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/dam-bao-an-sinh-xa-hoi-trong-tinh-hinh-moi.html
  2. Ban Cán sự Đảng Chính phủ (2010): Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020, Hà Nội.
  3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2021): Báo cáo tình hình công tác và kết quả thực hiện các chính sách xã hội năm 2021, Hà Nội.
  4. Hoàng Văn Cương (2021): Giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc ở Việt Nam để phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới, Báo cáo chuyên đề thuộc Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2021, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia. Hà Nội. 2021.
  6. Ủy ban về Các vấn đề xã hội (2021: Một số ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Báo cáo chuyên đề tháng 10 năm 2021, Hà Nội.

 Ensuring the social security - The solution to promote Vietnam’s economic recovery and inclusive growth in the coming years

HOANG VAN CUONG 1

NGUYEN XUAN TOAN 2

HOANG NAM ANH 2

1 Research Department for Social Issues, Central Institute for Economic Management (CIEM), Ministry of Planning and Investment (MPI)

2  University of Economic and Technical Industries (UNETI)

ABSTRACT:

Social security is one of the basic pillars of the social policy system, which is paid great attention by the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. However, after 35 years of renovation, the social security system of Vietnam has not fully met the demand of people. This paper focuses on clarifying a number of issues and proposes solutions to ensure the social security system of Vietnam in order to promote the country’s economic recovery and inclusive growth in the coming years.

Key words: social security, economic recovery, inclusive growth.      

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]