hàng hóa

Thông tin tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước tháng 8/2022 vừa qua cho biết, nhìn chung hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 8 có xu hướng tăng, giảm đan xen.

Thị trường hàng hóa sôi động

Trong nước, thị trường hàng hóa tháng 8 khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm thực phẩm tăng mạnh trong các dịp Rằm tháng 7 và chuẩn bị cho dịp Rằm Trung thu.

Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn. Mặt hàng thịt lợn sau thời gian có biến động tăng giá, sang tháng 8 đã ổn định trở lại. Riêng mặt hàng xăng dầu, giá biến động tăng giảm với biên độ lớn trong thời gian ngắn cùng với việc một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tước Giấy phép có thời hạn theo quy định. Cung cầu, giá cả các mặt hàng khác nhìn chung không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 8/2022 đạt 481.225 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước, trong đó các nhóm tăng chủ yếu là lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, văn hóa phẩm (với mức tăng từ 2,1-5,3%) do bắt đầu vào thời gian học sinh đi học trở lại và chuẩn bị chuyển mùa; các nhóm đồ dùng dụng cụ gia đình và phương tiện đi lại, du lịch, dịch vụ giảm nhẹ (giảm 0,6-2,8%) do vào giai đoạn tháng 7 âm lịch và mùa mưa bão nên nhu cầu các hàng hóa, dịch vụ trên giảm.

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 8 tháng đầu năm 2022 đạt 3.679.230 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021 (8 tháng năm 2021 giảm 4,69% so cùng kỳ năm 2020 do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt được mức tăng trưởng khá tốt (tăng 15,4% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm tăng 12-26,7%), nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trưởng mạnh sau thời gian giảm vì dịch bệnh Covid-19 (với mức tăng từ 48,1-240,1%), dịch vụ khác tăng 24,2%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 8 tháng đầu năm vẫn tăng 15,1%.

Thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước được thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Từ ngày 15/7/2021 đến 14/8/2022, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 6.593 vụ, phát hiện, xử lý 4.252 vụ vi phạm; thu nộp Ngân sách Nhà nước trên 31 tỷ đồng.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu

Dự báo, thị trường hàng hóa vào giai đoạn cuối năm sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã cơ bản hồi phục sau dịch bệnh Covid-19 cùng với sự giám sát, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành, nguồn cung hàng hóa sẽ bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá một số loại hàng hóa có thể có biến động tăng do ảnh hưởng của giá thế giới và chi phí sản xuất, kinh doanh tăng.

kiểm tra hàng hóa

Do đó, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Công Thương chủ trì/phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hoá trong nước thay thế nhập khẩu; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đồng thời tổ chức tốt công tác thông tin dự báo để chủ động, bám sát thị trường trong công tác điều hành thị trường trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

xăng dầu

Đối với mặt hàng xăng dầu, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường (do giá xăng dầu tăng cao nên mức hạn mức tín dụng của các năm trước chỉ còn tương đương với 50-70% lượng nhập khẩu theo nhu cầu của doanh nghiệp).

"Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được nhập khẩu xăng dầu thuận lợi để kịp thời cung ứng xăng dầu cho thị trường; sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành", Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị.