Đảm bảo cung ứng điện an toàn phục vụ Tết Nhâm Dần và phục hồi kinh tế - xã hội hậu dịch bệnh

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần tới gần và sau đó cả đất nước sẽ bước vào giai đoạn thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Điện là rất lớn, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định và vận hành thị trường điện công bằng, minh bạch.

Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định và minh bạch, khách quan

Báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Thứ trưởng Đặng Hoàng An và đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra tình hình cung ứng điện ngày 30/1/2022, đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, tổng công suất lắp điện của hệ thống điện quốc gia đến thời điểm hiện nay đạt trên 78.000MW, trong đó thủy điện khoảng 17.000MW (chiếm 22,6%), năng lượng tái tạo 20.400MW (chiếm 26,5%). Quy mô hệ thống điện tăng nhanh.

Nhu cầu tiêu thụ điện trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần dự kiến ở mức 395 - 455 triệu kWh, tăng khoảng 4% so với Tết Nguyên đán 2021; đạt khoảng 54-63% so với trung bình tuần 3 là 725 triệu kWh (trước Tết 2 tuần).

Đặc biệt, thời điểm buổi trưa ngày mùng 1 Tết, nguồn năng lượng tái tạo có khả năng phát lớn hơn cả phụ tải tiêu thụ (công suất đặt của nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) 20.690 MW so với phụ tải tiêu thụ dự báo 14.678 MW). Tình trạng thừa nguồn dịp Tết Nguyên đán diễn ra trầm trọng hơn các năm do sự xâm nhập lớn của năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia.

Đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) báo cáo đoàn công tác Bộ Công Thương
Đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) báo cáo đoàn công tác Bộ Công Thương

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và EVN, A0 đã lập phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia, đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan để đề nghị phối hợp vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định, liên tục, đảm bảo cung cấp điện.

“Đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn hiện là ưu tiên số một, do vậy A0 trước đó đã tính toán quán tính tối thiểu để tránh “va đập”, rung động trên hệ thống bằng cách giữ cấu hình của các nguồn điện truyền thống là điện than và thủy điện, giảm hấp thụ năng lượng tái tạo”, đại diện A0 khẳng định. 

Cụ thể, A0 đang duy trì huy động thủy điện và nhiệt điện than ở mức khoảng 7.000MW, còn lại đối với các dự án khác đã tham gia vào thị trường điện huy động theo ưu tiên giá thành thấp. Việc điều tiết công suất phát các nguồn điện tái tạo lên lưới được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương.

 Đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) báo cáo đoàn công tác Bộ Công Thương

Chia sẻ với những khó khăn nhất định của công tác điều độ đảm bảo hệ số an toàn của hệ thống điện trong bối cảnh các dự án năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nhờ các cơ chế hấp dẫn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận thời gian vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, phụ tải thấp, A0 đã nỗ lực rất cao để điều độ hệ thống tương đối an toàn. 

Về thị trường điện, A0 đã quán triệt nghiêm cơ chế Chính phủ ban hành, thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Công Thương và EVN để một mặt điều độ hệ thống an toàn, mặt khác điều hành thị trường điện khách quan. 

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhu cầu điện của đất nước sẽ ngày càng lớn, nhất là khi bước vào triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh phát triển mạnh, phụ tải tăng nhanh nhưng không đồng đều giữa các vùng, miền.

“A0 cần tiếp tục điều độ, điều hành sao cho hợp lý, phải có lượng điện ổn định từ nguồn nền là thủy điện và nhiệt điện than; những nguồn khác đã tham gia thị trường điện phải cố gắng khai thác, sử dụng để cân bằng giữa bảo đảm điện năng và cân đối thị trường điện, bảo đảm lợi ích của các nhà sản xuất điện. Cần điều hành khách quan, minh bạch, quán triệt nghiêm cơ chế của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công Thương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Trước mắt, để đảm bảo cung ứng điện trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới, Bộ trưởng để nghị A0 tiếp tục phát huy kinh nghiệm đã có, chuẩn bị tất cả các phương án, tình huống và dự phòng đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực thông qua các kịch bản để vận hành hệ thống điện ổn định trên quy tắc bảo đảm hệ thống an toàn và vì lợi ích của người sử dụng điện, huy động các nguồn điện giá thành rẻ hơn, nhưng cố gắng bảo đảm công bằng giữa các nguồn điện, chủ sở hữu nhà nước - tư nhân.

Đặc biệt, cần thường xuyên công khai minh bạch và cung cấp thông tin cho báo chí để người dân và doanh nghiệp, chủ đầu tư có thể nắm bắt nhanh nhất, chính xác nhất.

EVN phát huy vai trò trong phát triển thị trường điện  

Báo cáo của EVN tại buổi làm việc cho thấy, năm 2021, EVN đã đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước và đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo đúng yêu cầu của Chính phủ và Bộ Công Thương. 

Một số kết quả nổi bật như: giá trị tăng thêm ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24% và đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (tăng 4,82%) và đóng góp 0,19 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP (2,58%).

Đặc biệt, trong năm 2021 EVN đã cấp điện mới cho gần 15.000 hộ dân chưa có điện tại các địa bàn khó khăn. Tính đến cuối năm 2021, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia là 99,65%, tăng 0,13% so với năm 2020.

Các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được nâng cao, năm 2021 thời gian mất điện bình quân (SAIDI) giảm còn 319 phút, giảm 11% so với năm 2020; tổn thất điện năng toàn Tập đoàn ở mức 6,27%, giảm 0,15% so với năm 2020.

Chủ tịch HĐQT EVN Dương Quang Thành
Chủ tịch HĐQT EVN Dương Quang Thành

Năm 2022, EVN lấy chủ đề là “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả” để điều hành hệ thống điện. Thực hiện Quyết định số 3062/QĐ-BCT ngày 31/12/2021 của Bộ Công Thương về phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022, EVN đã xây dựng kế hoạch để đáp ứng mức tăng trưởng điện 7,3%, đồng thời lập phương án đáp ứng kịch bản cao ở mức 11,5% khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát và kinh tế - xã hội tăng trưởng 6-6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đến nay, việc cung ứng điện của 30 ngày đầu tiên tháng 1/2022 đã được thực hiện tốt và sẽ tiếp tục phát huy trong cả năm 2022.

Ngày 29/1/2022 (tức 27 Tết) là ngày nghỉ Tết đầu tiên, điện thương phẩm toàn quốc đạt 563 triệu kWh, tăng 11,14% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó miền Bắc tăng 10,19%, miền Nam tăng 11,63%, Hà Nội tăng 5,61%, TP. Hồ Chí Minh tăng 3,74%. 

Công suất cực đại toàn quốc ngày 29/1/2022 đạt 27.734MW, tăng 9,34% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó năng lượng tái tạo chiếm 78%. 

Đường dây 500kV, 220kV, 110kV cũng như lưới điện phân phối không có sự cố; hệ thống điện vận hành ổn định, không để xảy ra hiện tượng quá áp, không xảy ra sự cố về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm

Trong những ngày còn lại của kỳ nghỉ lễ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức công tác đảm bảo điện và thực hiện mục tiêu đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục ở mức cao nhất, bám sát kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Trung tâm A0 cũng đã lập phương thức huy động nguồn điện và thông báo cho từng nhà máy điện, nhất là các nhà máy năng lượng tái tạo về biểu đồ huy động công suất trong từng giờ để các đơn vị chủ động trong vận hành, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống điện quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua, bối cảnh đặc biệt đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành điện.

Nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã phát triển đột biến trong những năm gần đây, chiếm khoảng 26,5% tổng công suất đặt toàn quốc và dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022, tạo ra rủi ro cho điều độ hệ thống điện.

Hệ thống truyền tải bộc lộ bất cập khi những vùng có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lại có phụ tải thấp, muốn huy động được nguồn phải truyền tải đi nơi khác hoặc phát triển các ngành sản xuất tiêu thụ tại chỗ.

Phụ tải phân bố không đều trong phạm vi cả nước, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang xuất hiện hiện tượng đứt gãy rất nhiều chuỗi cung ứng về vật tư, nguyên liệu, thiết bị hay thậm chí cả nguồn nhân lực.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia vào quá trình sản xuất điện cũng đặt ra thách thức trong vận hành an toàn, điều độ an toàn và vận hành thị trường công bằng, minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bất chấp những khó khăn đó, thời gian qua EVN đã thể hiện khá xuất sắc vai trò quan trọng quan trọng của EVN với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước chủ lực trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng điện, đồng thời giúp Nhà nước điều độ và vận hành thị trường điện. 

EVN đã tham mưu cho Bộ Công Thương và Chính phủ rất nhiều cơ chế, chính sách để điều hành hệ thống tương đối tốt, vừa cung ứng đủ điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, vừa tham gia điều độ tương đối an toàn và vận hành thị trường điện tương đối minh bạch.

Dù vậy, Bộ trưởng nhận định thời gian tới thách thức đối với ngành điện nói chung và EVN nói riêng còn rất lớn. Làm sao để bảo đảm điện cho các vùng miền, cho quá trình phát triển kinh tế xã hội đã là một vấn đề, nhưng thách thức lớn hơn thế là làm sao để điều độ hệ thống điện an toàn, ổn định đi đôi với đảm bảo công khai, minh bạch giữa các thành phần tham gia lĩnh vực sản xuất và truyền tải điện, hay nói cách khác là tham gia cung ứng điện cho nền kinh tế quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra công tác cung ứng điện tại Trạm biến áp 110kV Yên Phụ (Hà Nội)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra công tác cung ứng điện tại Trạm biến áp 110kV Yên Phụ (Hà Nội)

Do đó, Bộ trưởng đề nghị EVN tiếp tục phát huy vai trò của mình, chỉ đạo các đơn vị thành viên nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khu vực và các quốc gia phát triển để tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chính sách, cơ chế chính xác, hợp lý. Trước mắt, tham gia đề xuất sửa đổi Luật Điện lực để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới cũng như đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

“Dù thế nào, EVN, với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện năng, dứt khoát vẫn phải đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nguồn điện và tham gia bình ổn thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đánh giá phương án cung ứng điện dịp Tết Nhâm Dần đã tương đối bài bản, Bộ trưởng lưu ý Tập đoàn và các đơn vị tuyệt đối không chủ quan, công tác triển khai thực hiện phương án đã đặt ra và việc kiểm tra giám sát là hết sức cần thiết.

Thay mặt Ban cán sự, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời chúc mừng năm mới dồi dào, sức khỏe, an khang, hạnh phúc đến lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân và người lao động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, chúc ngành điện năm mới tích cực thi đua để giành nhiều thắng lợi mới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Thy Thảo