Đăng ký doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam: Thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. Trương Thành Thiện (Công ty Luật Trương Thành Thiện)

TÓM TẮT:

Hoạt động đăng ký doanh nghiệp vô cùng quan trọng không chỉ cho doanh nghiệp thực hiện khởi sự doanh nghiệp, mà còn là cơ sở để Nhà nước quản lý hoạt động đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Do đó, để hoạt động đăng ký doanh nghiệp đạt hiệu quả và đảm bảo lợi ích cho các chủ thể, đòi hỏi cần phải có nhiều giải pháp để hoàn thiện trong công tác đăng ký doanh nghiệp. Nghiên cứu này đánh giá thực trạng đăng ký doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện việc thực thi pháp luật đăng ký doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam (2021), tính đến cuối năm 2020, TP.HCM có 254.699 doanh nghiệp (DN). Tại địa bàn TP.HCM đã tồn tại tình trạng các DN “ma”, “mất tích”, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN), nhiều đối tượng đã lợi dụng thủ tục thông thoáng để đăng ký thành lập DN, lấy tư cách pháp nhân của DN để hoạt động vi phạm pháp luật. Bên cạnh những khó khăn trong công tác thực thi pháp luật DN của các cơ quan QLNN TP.HCM, hiện nay, việc thực thi pháp luật của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đối với ĐKDN theo Luật DN cũng đang gặp nhiều tồn tại, vướng mắc, cần sớm được cải thiện.

Để tạo điều kiện cho các DN nhanh chóng thành lập, gia nhập thị trường, hạn chế DN vi phạm Luật DN, hướng tới mục đích đảm bảo sự phát triển bền vững của cộng đồng của DN, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, việc nghiên cứu công tác thực thi pháp luật ĐKKD trên địa bàn Thành phố để tìm ra những ưu điểm, hạn chế của pháp luật, cũng như việc thực thi pháp luật của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đối với ĐKDN với mục đích hoàn thiện pháp luật tăng cường hiệu quả việc thực thi có vai trò vô cùng quan trọng và mang tính cấp thiết.

2. Tình hình thi hành pháp luật về ĐKDN ở TP.HCM

Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, tình hình DN đăng ký thành lập mới trong năm 2020 của TP.HCM đã có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Trong năm 2020, TP.HCM có 41.423 DN thành lập mới (bằng 92,5% so với năm 2019) với số vốn đăng ký đạt 1.131.281 tỷ đồng. Mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhưng Thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Công tác hỗ trợ thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường được tăng cường thông qua các hoạt động giao thương giữa các DN trong và ngoài nước.

Các hội, hiệp hội DN đã tích cực phát huy vai trò cầu nối giữa DN với chính quyền với nhiều hoạt động thiết thực, như: thành lập Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, “Café doanh nhân cuối tuần”,… đồng thời duy trì và tổ chức thường xuyên sinh hoạt định kỳ hàng tháng để tạo điều kiện cho các DN giao lưu, gặp gỡ, liên kết kinh tế và nắm bắt các chủ trương, chính sách của Thành phố.

Công tác thông tin, đối thoại DN được triển khai nhanh, rộng khắp, tạo niềm tin trong cộng đồng DN. Các chương trình tọa đàm, đối thoại DN với nội dung thiết thực, từng bước tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.

TP.HCM không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 30% - 40%, có những thủ tục giảm 10 lần so với trước đây, đơn cử như rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp phép lao động cho người nước ngoài từ 15 ngày xuống còn 9 ngày. TP.HCM cũng rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục khai thuế, nộp thuế; đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xử lý nhiều thủ tục khác liên quan đến DN, như: Thủ tục đăng ký DN qua mạng, cấp phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển phát nhanh kết quả giải quyết về tận nhà cho DN. Đặc biệt, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung của Thành phố đã tạo thuận lợi trong việc liên thông, liên kết các thủ tục hành chính với nhau theo một quy trình phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị.

3. Đánh giá việc thực thi pháp luật về đăng ký DN trên địa bàn TP.HCM

3.1. Ưu điểm

Thứ nhất, TP.HCM đã cơ bản đạt được những mục tiêu của Chương trình cải cách ĐKDN Quốc gia sau 10 năm triển khai thực hiện một cách triệt để và sâu rộng, góp phần chuẩn hóa, pháp lý hóa, tin học hóa quy trình nghiệp vụ ĐKDN.

Thứ hai, với vai trò là cơ quan nhà nước thực hiện nghiệp vụ ĐKDN, tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường, cơ quan ĐKDN TP.HCM đã từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng hình ảnh cơ quan ĐKDN tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nữa các yêu cầu của DN, của các cơ quan QLNN và của cộng đồng.

Thứ ba, TP.HCM đã phối kết hợp trong việc xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN bao gồm toàn bộ thông tin có giá trị pháp lý về DN trên phạm vi cả nước, tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan đầu mối tổng hợp thông tin về ĐKDN để phản ánh kịp thời và đầy đủ tình trạng pháp lý của DN trên thị trường, đáp ứng các yêu cầu thống kê của các cơ quan và phục vụ các báo cáo kinh tế - xã hội của trung ương cũng như địa phương.

Thứ tư, các quy định về đăng ký thành lập DN là một bộ phận quan trọng của ngành Luật kinh doanh, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý DN có hiệu quả. Từ khi có Luật DN năm 1990 đến nay, chế định về đăng ký thành lập DN ngày càng hoàn thiện hơn, đã thể hiện rõ các căn cứ, cơ sở, nội dung và các vấn đề cụ thể của đăng ký thành lập DN. Đăng ký thành lập DN được lập trên quy mô cả nước, các cấp, giúp cho công tác quản lý DN hiệu quả hơn.

Thứ năm, pháp Luật DN nói chung, đăng ký thành lập DN nói riêng đã góp phần khắc phục được tình trạng phân biệt đối xử, tạo dựng được thế và lực trong thương mại quốc tế, mở rộng thị trường thu hút đầu tư, được hưởng những ưu đãi thương mại, tạo dựng được môi trường phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước, góp phần giữ gìn hòa bình, tiếp thu trình độ quản lý và chuyển giao công nghệ.

Công tác đăng ký thành lập DN của các cấp, các ngành đã trở thành cơ sở quan trọng để định hướng cho phát triển thống nhất và đồng bộ, trở thành công cụ để quản lý và cũng trở thành phương tiện để đảm bảo sự đồng thuận xã hội. Đăng ký thành lập DN đã tích cực hỗ trợ cho phát triển kinh tế được cân đối, phát triển có chính sách hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, chính sách phát triển thương nghiệp miền núi, hải đảo và đồng bào dân tộc. Đồng thời, quy trình tổ chức thực hiện đăng ký thành lập DN cũng là dịp để doanh nhân tham gia cụ thể vào sự nghiệp chung có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến lợi ích thiết thực của mình. Qua đó trật tự xã hội được bảo đảm, củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ QLNN xây dựng chính quyền vững mạnh.

3.2. Hạn chế

- Bất cập liên quan đến quản lý đăng ký ngành nghề kinh doanh

Quy định của Luật DN hiện hành không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy Chứng nhận ĐKDN. Tuy nhiên, khi đăng ký thành lập DN, chủ thể kinh doanh vẫn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành cấp IV trong Hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

Trên thực tế, hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam hiện nay vẫn chưa bao quát hết tất cả các ngành kinh tế. Có nhiều DN dự định đăng ký kinh doanh những ngành, nghề không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc ngành nghề mà pháp luật không cấm, nhưng những ngành nghề đó không có trong mã ngành kinh tế, hay có quy định, nhưng tên ngành không được đăng ký như mong muốn của DN và pháp luật chuyên ngành cũng không có quy định cụ thể.

Hiện tại, theo quy định của Luật DN, đã bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận ĐKDN, dẫn tới khó khăn cho công tác hậu kiểm. Cụ thể, khi cơ quan chức năng kiểm tra DN có kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký hay không, thì thay vì kiểm tra trong giấy chứng nhận ĐKDN, cơ quan kiểm tra phải tra soát, đối chiếu, tổng hợp nhiều nguồn từ quy định chung đến quy định của luật chuyên ngành. Đối với DN chỉ kinh doanh một vài ngành nghề, công tác kiểm tra còn đơn giản; nhưng đối với DN kinh doanh nhiều ngành nghề, việc kiểm tra sẽ khó khăn.

- Bất cập về thủ tục hành chính

Một số thủ tục hành chính không còn phù hợp, không cần thiết, tạo ra gánh nặng chi phí và làm chậm quá trình gia nhập thị trường.

Theo quy định tại Điều 32 Luật DN 2020 quy định: “DN sau khi được cấp Giấy chứng nhận ĐKDN, phải thông báo trên Cổng thông tin quốc gia về ĐKDN theo trình tự, thủ tục và phải nộp phí theo quy định”. Trong khi đó, tại Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 01/2021/NĐCP quy định về trình tự thủ tục công bố nội dung ĐKDN như sau: “Việc đề nghị công bố nội dung ĐKDN được thực hiện tại thời điểm DN nộp hồ sơ ĐKDN”. Như vậy, thời điểm công bố nội dung ĐKDN được quy định chưa thống nhất.

Theo quy định tại Điều 206 Luật DN 2020 quy định: “DN có quyền tạm ngừng kinh doanh, nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh…”. Theo quy định tại Điều 45 Luật DN năm 2014, Điều 44 Luật DN 2020, các chi nhánh, văn phòng đại diện của DN đều là đơn vị phụ thuộc của DN. Các hoạt động, nhiệm vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện do DN ủy quyền, nên tình trạng pháp lý của DN và chi nhánh, văn phòng đại diện phải giống nhau. Tuy nhiên, Luật DN chưa quy định khi DN tạm ngừng kinh doanh, hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn thì chi nhánh, văn phòng đại diện sẽ bị tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn theo DN, để phù hợp với quy định tại Điều 44 Luật DN 2020. Việc này dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý DN sau thành lập của các cơ quan QLNN nói chung và cơ quan quản lý thuế (cơ quan thuế, cơ quan hải quan) nói riêng.

- Bất cập về phiếu lý lịch tư pháp

Theo khoản 4 Điều 2 Luật lý lịch tư pháp năm 2009 quy định “Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý DN, hợp tác xã trong trường hợp DN, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản”.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật DN 2020 quy định tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam: “Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng”. Đồng thời, cũng tại khoản này quy định: “Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập DN phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh”. Như vậy, khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập DN, Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể yêu cầu người đăng ký thành lập DN cung cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

Tuy nhiên, theo quy định từ Điều 19 đến Điều 22 Luật DN 2020 thành phần hồ sơ ĐKDN của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, DN tư nhân, công ty cổ phần không có thành phần bắt buộc là Phiếu Lý lịch tư pháp. Hơn nữa theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập DN hoặc DN nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký DN theo quy định”. Do vậy, khi Cơ quan đăng ký kinh doanh xét thấy cần thiết hoặc thấy nghi ngờ về nhân thân chủ thể ĐKDN thuộc trường hợp không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam tại điểm e khoản 2 Điều 18 Luật DN 2014, Cơ quan đăng ký kinh doanh mới yêu cầu nộp bổ sung Phiếu Lý lịch tư pháp.

Thực tế, lợi dụng tình trạng cơ quan đăng ký kinh doanh không thể biết được về người xin thành lập DN một cách chính xác, nên một số đối tượng tại TP.HCM đã thành lập DN không nhằm mục đích kinh doanh, mà thực tế là lừa gạt, gian lận. Hiện tượng thường xuyên xảy ra là người thành lập DN mang tính thời vụ, chỉ trong thời gian ngắn, thuê mướn người lao động không có trình độ, kiến thức làm giám đốc - người đại diện pháp luật, rồi lấy tư cách pháp nhân của DN để trốn thuế, buôn bán hàng lậu, xuất nhập khẩu hàng lậu, buôn bán bất động sản - lừa đảo, buôn bán hóa đơn bất hợp pháp,… Có những trường hợp giám đốc DN là công nhân, thợ hồ, người tàn tật, mất trí nhớ, thậm chí cả những người đã chết từ lâu vẫn được đứng tên là người đại diện pháp luật của DN.

- Bất cập về đặt tên DN

Hiện nay chưa có quy định rõ ràng về đặt tên DN. Tại Điều 38 Luật DN 2020 quy định cấm “Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc khi đặt tên DN hoặc hộ kinh doanh”. Ngày 01/10/2014, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên DN phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tuy nhiên, những quy định cũng chưa rõ, còn mơ hồ, khó xác định trên thực tế. Quy định này mang tính nguyên tắc, chưa rõ ràng, nội hàm của “văn hóa”, “đạo đức” và “thuần phong mỹ tục” là vô cùng đa dạng và khó có sự thống nhất chung.

Có những cái tên DN gây nhiều tranh cãi, nhiều cách hiểu khác nhau, hoặc không có nghĩa, nghe rất kỳ lạ. Thực tế tại TP.HCM, cũng có nhiều cái tên DN nghe kỳ lạ, cơ quan đăng ký kinh doanh không có cơ sở để xác định vi phạm “văn hóa”, “đạo đức” hay “thuần phong mỹ tục”, nên vẫn cấp giấy chứng nhận DN, chẳng hạn như: quán Buddha Bar and Grill, Công ty TNHH Dịch vụ  A đến Z,…

4. Giải pháp hoàn thiện việc thực thi pháp luật ĐKDN tại TP.HCM

Thứ nhất, tăng cường sự phối kết hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh. Đây là một trong những yêu cầu của quá trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh nhằm nâng cao sự minh bạch, giảm thiểu chi phí không cần thiết cho DN, tạo được niềm tin cho các cá nhân, DN khi tham gia, gia nhập thị trường.

Thứ hai, rút ngắn, đơn giản hóa quy trình đăng ký kinh doanh bằng cách rà soát triệt để những khâu yếu và lấy đi nhiều thời gian như trình ký lãnh đạo, công tác văn thư, văn phòng. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy quy trình ở Việt Nam vẫn còn tốn nhiều thời gian của DN và nó làm giảm chỉ số hấp dẫn đầu tư của Việt Nam rất nhiều. Do vậy, chúng ta phải xem xét lại quy trình để có thể làm giảm được thời gian và thủ tục nâng cao được vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư. 

Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý công tác đăng ký kinh doanh. Cần nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, tăng cường kỷ luật, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thực hiện thủ tục hành chính.

Thứ tư, thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật chuyên ngành và pháp luật liên quan trong quá trình thực hiện; trên cơ sở kết quả rà soát đó, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ theo quy định. Bên cạnh đó, liên tục cập nhật các văn bản pháp luật về ĐKDN và các văn bản khác có liên quan khi có sự thay đổi, bổ sung một cách công khai đến người dân và DN.

Thứ năm, hoàn thiện mạng thông tin trên toàn quốc, triển khai tới 63 tỉnh thành; Tăng cường tính minh bạch của môi trường kinh doanh thông qua việc công khai hóa và xã hội hóa thông tin có giá trị pháp lý về ĐKDN; Nghiên cứu, hoàn thiện các ứng dụng, dịch vụ trên Hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia, cho phép các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các DN đặc thù thực hiện đăng ký thông qua Hệ thống.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng QLNN đối với DN sau đăng ký thành lập qua việc tăng cường phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước liên quan.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về ĐKDN, tiến tới thống nhất việc ĐKDN cho mọi loại hình DN thuộc mọi khu vực kinh tế, không phân biệt trong nước và nước ngoài.

Thứ tám, chủ động và bằng nhiều cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DN cho cộng đồng DN và người dân; phối hợp với Đài Truyền hình, Báo chí, Ban Tuyên giáo, các tổ chức Hội, Hiệp hội,... xây dựng các chương trình tuyên truyền Luật DN, Luật Đầu tư, tiếp tục tích cực viết bài để đăng trên Cổng thông tin ĐKDN quốc gia, Website của Sở.

Thứ chín, hợp tác quốc tế học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến, đặc biệt các quốc gia, vùng lãnh thổ hàng đầu về chỉ số môi trường kinh doanh: Cử các cán bộ, công chức tham gia công tác, học hỏi kinh nghiệm về quá trình đăng ký DN, kỹ thuật soạn thảo, tư duy làm luật... trong các chương trình hợp tác quốc tế

5. Kết luận

Luật DN năm 2020 đã có những bước tiến mới, song việc hướng dẫn thi hành để bắt nhịp và đáp ứng yêu cầu cuộc sống là vấn đề thiết thực cấp bách, đòi hỏi phải có những phương hướng và giải pháp thiết thực. Sự thay đổi của hệ thống pháp luật cùng những chính sách phù hợp từ phía các ban ngành như sự thay đổi về cơ quan đăng ký DN với những chức năng, nhiệm vụ được cụ thể hóa sẽ tạo ra môi trường làm việc để tiếp nhận các chủ thể đến đăng ký DN dễ dàng hơn. Đây thực sự là một cải cách rất tiến bộ trong hoạt động cấp phép đăng ký DN, tạo ra môi trường thông thoáng trong hoạt động đầu tư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Minh Chiến (2016). Nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp - Đổi mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 1(286), tr.25-29.
  2. Lê Thị Thanh - Đỗ Ngọc Thanh (2016). Pháp luật tài chính doanh nghiệp so sánh giữa Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Doanh nghiệp 2005. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/phap-luat-tai-chinh-doanh-nghiep-so-sanh-giua-luat-doanh-nghiep-2014-va-luat-doanh-nghiep-2005-109000.html
  3. Nguyễn Thị Thu Thủy (2015). Hoàn thiện pháp luật về đăng ký kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thanh Tùng (2020). Một số bất cập, hạn chế về thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-bat-cap-han-che-ve-thanh-lap-to-chuc-va-hoat-dong-cua-doanh-nghieptheo-luat-doanh-nghiep-nam-2014-72708.htm

THE BUSINESS REGISTRATION UNDER VIETNAM’S REGULATIONS: THE PRACTICE IN HO CHI MINH CITY

Master.  TRUONG THANH THIEN

Truong Thanh Thien Law Firm

ABSTRACT:

The business registration is a very important activity as it enables the enterprise to officially do business activities and it helps the state to govern enterprises. In order to make the business registration more effective and beneficial for enterprises, it is important to complete the business registration process. This paper assesses the current business registration in Ho Chi Minh City in recent years. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to strengthen the enforcement of business registration in Ho Chi Minh City.

Keywords: enterprise, business registration, the Law on Enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]