Đánh giá mức độ chuyển đổi số theo định hướng đại học thông minh tại Trường Đại học Giao thông vận tải

THS. VŨ NGỌC TÚ - THS. NGUYỄN VĂN KHOA (Trường Đại học Giao thông Vận tải)

TÓM TẮT:

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các tiêu chí đo lường mức độ tiếp cận để đánh giá mức độ chuyển đổi số (CĐS) theo định hướng đại học thông minh tại Trường Đại học Giao thông Vận tải dựa trên quan điểm của 2 nhóm đối tượng, đó là giảng viên và sinh viên. Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động CĐS theo định hướng ĐHTM tại Trường Đại học Giao thông Vận tải.

Từ khóa: chuyển đổi số, giáo dục đại học, đại học thông minh, Trường Đại học Giao thông Vận tải.

1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công cuộc CĐS diễn ra mạnh mẽ đang định hình lại vai trò và tổ chức hoạt động của các đại học. Điều này dẫn đến một số thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội đột phá trong giáo dục đại học. CĐS trong giáo dục đại học cũng chính là nền tảng để một trường đại học có thể phát triển theo định hướng nhà trường thông minh. Nắm bắt được xu hướng này, những năm qua, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã có những bước đi ban đầu trong việc ứng dụng CĐS vào việc xây dựng khung kiến trúc điện tử để hướng tới một trường đại học thông minh và đã đạt được những kết quả nhất định. Để tiếp tục có các bước đi đúng đắn, tập trung nguồn lực có trọng điểm trong việc thúc đẩy CĐS theo định hướng đại học thông minh, việc đánh giá mức độ CĐS của Nhà trường vô cùng quan trọng và cần thiết.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học

CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2021).

CĐS trong các cơ sở giáo dục đại học là một quá trình thay đổi về công nghệ và tổ chức của các cơ sở đó, chủ yếu dựa trên sự phát triển của công nghệ số. Thực hiện CĐS là xây dựng các giá trị cốt lõi của giáo dục đại học, phát triển các cách thức mới và hiệu quả hơn để làm phong phú và mở rộng sứ mệnh của giáo dục đại học (Bùi Ngọc Sơn và cộng sự, 2022).

Theo Nguyễn Cao Trí (2020) CĐS giúp nâng cao hiệu quả đào tạo cho người dạy và người học, cải thiện chất lượng và hiệu quả vận hành của trường đại học.

2.2. Phương pháp và công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số theo định hướng đại học thông minh

Đại học thông minh là sự tích hợp các khái niệm đổi mới, sáng tạo với công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thông minh và nền tảng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là nền tảng công nghệ số và những ứng dụng của nó (Tikhomirov và Dneprovskaya (2015), Uskov và cộng sự (2016)).

Để đánh giá cụ thể mức độ CĐS theo định hướng đại học thông minh, nhóm nghiên cứu tham khảo và sử dụng các tiêu chí khảo sát đã được đề xuất trong nghiên cứu của Bùi Ngọc Sơn và cộng sự (2022). (Bảng 1)

Bảng 1. Các tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số

Mã hóa

Tiêu chí

A. Mức độ trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH)

A1

Hệ thống phòng học đa phương tiện với những thiết bị trình diễn thông tin, âm thanh, hình ảnh cơ bản (máy chiếu, màn chiếu, hệ thống loa, micro).

A2

Hệ thống các phòng máy tính.

A3

Các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành.

A4

Thư viện truyền thống (chỉ cung cấp sách, học liệu bản in) có hệ thống phần mềm quản lí thư viện tương ứng.

B. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ giảng dạy và NCKH

B1

Cổng thông tin (website), hệ thống email của nhà trường.

B2

Hệ thống phần mềm quản lí sinh viên (đăng kí học tập, kết quả học tập).

B3

Cổng đào tạo điện tử cung cấp các khoá học Online, Blended Learning trong nhà trường.

B4

Hệ thống phần mềm quản lí đào tạo (phân công giảng dạy, thời khóa biểu, thống kê NCKH…) dành cho các cán bộ giảng dạy.

B5

Hệ thống truy cập Internet không dây toàn trường.

B6

Hệ thống kiểm tra, đánh giá trên máy tính.

B7

Thư viện điện tử cung cấp tài liệu, cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế phục vụ giảng dạy, NCKH.

B8

Các loại học liệu số (bài giảng điện tử, phim dạy học, phần mềm dạy học, mô phỏng số).

B9

Các phần mềm (bản quyền) cơ bản cung như chuyên biệt cho các chuyên ngành như Office 365, phần mềm hỗ trợ hoạt động cộng tác trên Internet (MS Teams, Zoom,…), các phần mềm tính toán, mô phỏng, thiết kế, xử lí đồ họa.

Nguồn: Bùi Ngọc Sơn và cộng sự (2022)

Thứ bậc đánh giá dựa trên tỷ lệ đối tượng khảo sát lựa chọn các tiêu chí đánh giá (Thứ bậc số 1: >90%; Thứ bậc số 2: 80%-90%; Thứ bậc số 3: 70%-80%; Thứ bậc số 4: 60%-70%; Thứ bậc số 5: dưới 60%).

3. Mức độ chuyển đổi số theo định hướng đại học thông minh tại Trường Đại học Giao thông Vận tải

Để đánh giá mức độ CĐS theo định hướng đại học thông minh tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhóm nghiên cứu tiến hành lấy ý kiến khảo sát trên 2 nhóm đối tượng, đó là cán bộ giảng viên và sinh viên của Nhà trường về mức độ tiếp cận với các khía cạnh CĐS trong Nhà trường.

Nhóm nghiên cứu áp dụng các tiêu chí đã được xây dựng trong nghiên cứu của Bùi Ngọc Sơn và cộng sự (2022) để khảo sát mức độ phát triển thành trường đại học thông minh trong quá trình CĐS của Trường Đại học Giao thông Vận tải. Phiếu khảo sát trực tuyến được thiết kế trên công cụ Google Form và gửi trực tiếp đến 2 nhóm đối tượng là cán bộ giảng viên và sinh viên của Nhà trường. Thời gian khảo sát tháng 9/2022. (Bảng 2)

Bảng 2. Cơ cấu mẫu nghiên cứu đối tượng giảng viên

TT

Tiêu chí

Phân nhóm

Số quan sát

Tỷ lệ (%)

1

Giới tính

Nữ

134

45,9

 

Nam

159

54,1

2

Độ tuổi

Dưới 30

74

25,3

 

Từ 31 - 45

135

46,2

 

Từ 46 - 60

84

28,5

3

Đơn vị

Khoa Công trình

65

22,3

 

Khoa Cơ khí

45

15,4

 

Khoa Vận tải - Kinh tế

50

16,9

 

Khoa Điện - Điện tử

33

11,3

 

Khoa Khoa học cơ bản

31

10,6

 

Khoa Công nghệ thông tin

24

8,1

 

Khoa Lý luận chính trị

17

5,7

 

Khoa Kỹ thuật xây dựng

15

5,2

 

Khoa MT và ATGT

13

4,5

4

Trình độ

Kỹ sư/Cử nhân

37

12,5

 

Thạc sĩ

157

53,7

 

Tiến sĩ

99

33,8

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2022

Mức độ trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ giảng dạy và NCKH theo quan điểm đánh giá của nhóm giảng viên: Tiêu chí A1 được nhóm giảng viên đánh giá cao ở thứ bậc 1 với lựa chọn của trên 90% người được khảo sát. Tiêu chí A2 được nhóm giảng viên đánh giá ở thứ bậc 3 với 79,86% lựa chọn của người được khảo sát. Hai tiêu chí A3, A4 được nhóm giảng viên đánh giá ở thứ bậc 4 với khoảng dao động từ 50%-70% lựa chọn của người được khảo sát. (Hình 1)

Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ giảng dạy và NCKH theo quan điểm đánh giá của nhóm giảng viên: Hai tiêu chí B1, B9 được nhóm giảng viên đánh giá cao ở thứ bậc 1 với lựa chọn của trên 90% người được khảo sát. Tiêu chí B4 được nhóm giảng viên đánh giá cao ở thứ bậc 2 với 86,01% lựa chọn của người được khảo sát. Hai tiêu chí B2, B5 được nhóm giảng viên đánh giá ở thứ bậc thứ 3 với mức 70-80% lựa chọn của người được khảo sát. Các tiêu chí còn lại đều bị nhóm giảng viên đánh giá ở dưới thứ bậc 4 với khoảng dao động 20-40% lựa chọn của người được khảo sát. (Hình 1)

Bảng 3. Cơ cấu mẫu nghiên cứu đối tượng sinh viên

TT

Tiêu chí

Phân nhóm

Số quan sát

Tỷ lệ (%)

1

Giới tính

Nữ

242

41,3

 

Nam

344

58,7

2

Khóa học

K59

38

6,5

 

K60

125

21,3

 

K61

137

23,4

 

K62

147

25,1

 

K63

139

23,7

3

Khoa

Khoa Cơ bản

11

1,8

 

Khoa Cơ khí

89

15,2

 

Khoa Công nghệ thông tin

91

15,5

 

Khoa Công trình

99

16,9

 

Khoa Điện - Điện tử

72

12,3

 

Khoa Kỹ thuật xây dựng

36

6,2

 

Khoa Môi trường và ATGT

27

4,6

 

Khoa Quản lý xây dựng

57

9,7

 

Khoa Vận tải - Kinh tế

104

17,8

 

Tổng

 

586

100

                                Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2022

 

Mức độ trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ giảng dạy và NCKH theo quan điểm đánh giá của nhóm sinh viên: Tiêu chí A1 được nhóm sinh viên đánh giá cao ở thứ bậc 1 với lựa chọn của trên 90% người được khảo sát. Hai tiêu chí A2, A3 được nhóm sinh viên đánh giá ở thứ bậc 3 với khoảng dao động từ 70-80%% lựa chọn của người được khảo sát. Tiêu chí A3, A4 được nhóm sinh viên đánh giá ở thứ bậc 4 với 67,92% lựa chọn của người được khảo sát. (Bảng 3, Hình 2)

Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ giảng dạy và NKCH theo quan điểm đánh giá của nhóm sinh viên: Ba tiêu chí B1, B2 và B9 được nhóm sinh viên đánh giá cao ở thứ bậc 1 với lựa chọn của trên 90% người được khảo sát. Sáu tiêu chí còn lại B3-B8 đều bị nhóm sinh viên đánh giá ở mức dưới thứ bậc 4 với dưới 60% lựa chọn của người được khảo sát.

Như vậy, nhóm sinh viên có mức độ tiếp cận cao đối với mã B1 - B9 - B2. Nhóm sinh viên có mức độ tiếp cận thấp đối với mã B4 - B5 - B7 - B8 - B3 - B6. (Bảng 4)

Bảng 4. Mức độ chuyển đổi số theo định hướng đại học thông minh của Trường Đại học Giao thông Vận tải dưới quan điểm đánh giá của giảng viên, sinh viên

Tiêu chí

A1

A2

A3

A4

B1

B2

B3

B4

B5

B6

B7

B8

B9

Thứ bậc

Giảng viên

1

3

4

4

1

3

5

2

3

5

5

5

1

Sinh viên

1

3

4

3

1

1

5

5

4

5

5

5

1

                             Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2022

4. Kết luận và khuyến nghị

Đối với khía cạnh trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ giảng dạy và NCKH thì Trường Đại học Giao thông Vận tải đã trang bị tốt hệ thống phòng học đa phương tiện với những thiết bị trình diễn thông tin, âm thanh, hình ảnh cơ bản (máy chiếu, màn chiếu, hệ thống loa, micro) phục vụ hoạt động giảng dạy, cả 2 nhóm giảng viên và sinh viên đều có mức độ tiếp cận cao đối với các trang thiết bị này. Các cơ sở vật chất khác như hệ thống các phòng máy tính; các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành; thư viện truyền thống tuy đã được đầu tư trang bị khá đồng bộ, nhưng mức độ tiếp cận của 2 nhóm giảng viên và sinh viên chỉ ở mức khá hoặc trung bình.

Đối với khía cạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ giảng dạy và NKCH thì Trường Đại học Giao thông vận tải đã triển khai ứng dụng đồng bộ và hiệu quả cổng thông tin (website), hệ thống email của nhà trường cho cả giảng viên và sinh viên; hệ thống phần mềm quản lý sinh viên (đăng ký học tập, kết quả học tập); các phần mềm (bản quyền) cơ bản cũng như chuyên biệt cho các chuyên ngành như Office 365, phần mềm hỗ trợ hoạt động cộng tác trên Internet (MS Teams, Zoom…) với mức độ tiếp cận cao và thường xuyên của hai nhóm đối tượng giảng viên và sinh viên. Tuy nhiên, cổng đào tạo điện tử cung cấp các khóa học Online, Blended Learning trong nhà trường; hệ thống kiểm tra, đánh giá trên máy tính; thư viện điện tử cung cấp tài liệu, cơ sở dữ liệu; các loại học liệu số lại có mức độ tiếp cận thấp trên cả 2 nhóm đối tượng. Về hệ thống truy cập Internet không dây toàn trường, mặc dù đã có triển khai, nhưng vẫn bị đánh giá ở mức trung bình, vì có một số khu vực không được phủ sóng hoặc chất lượng tín hiệu truy cập yếu.

Điều này thể hiện mặc dù đã có sự nỗ lực trong việc đáp ứng các mục tiêu CĐS của Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhưng vẫn còn những trang thiết bị được đầu tư trong quá trình CĐS và mức tiếp cận của giảng viên và sinh viên của trường còn chưa tương xứng.

Qua các kết quả khảo sát, đánh giá nêu trên cho thấy, theo lộ trình CĐS hiện tại, Trường Đại học Giao thông Vận tải mới đạt được mức khởi điểm, nhiều nội dung CĐS vẫn đang trong giai đoạn đề xuất và thử nghiệm, chất lượng đầu ra của hoạt động CĐS chưa thực sự cao và vẫn còn nhiều rủi ro trong hoạt động quản trị.

Nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động CĐS theo định hướng đại học thông minh tại Trường Đại học Giao thông Vận tải:

  • Tuyên truyền tư tưởng cho cán bộ giảng viên, sinh viên của Nhà trường thông qua phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tư tưởng, quyết tâm thực hiện CĐS trong Nhà trường đến từng cán bộ giảng viên, sinh viên; cùng nhau xây dựng văn hóa số trong Nhà trường.
  • Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ giảng viên, sinh viên kiến thức, kỹ năng công nghệ để đáp ứng yêu cầu CĐS.
  • Thúc đẩy phát triển học liệu số: Thực hiện ở tất cả cấp học, ngành học, học phần gắn với việc thẩm định nội dung, chia sẻ học liệu giữa các đơn vị.
  • Nâng cao mức độ tiếp cận của giảng viên, sinh viên đối với các cơ sở vật chất như hệ thống các phòng máy tính; các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành; thư viện truyền thống.
  • Hoàn thiện và mâng cao mức độ ứng dụng cổng đào tạo điện tử cung cấp các khóa học Online, Blended Learning trong nhà trường; hệ thống kiểm tra, đánh giá trên máy tính; thư viện điện tử cung cấp tài liệu, cơ sở dữ liệu; các loại học liệu số.

LỜI CẢM ƠN: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông Vận tải, trong đề tài mã số T2022-KT-006.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. Hà Nội: NXB Thông tin và Truyền thông.
  2. Bùi Ngọc Sơn, Nguyễn Thị Hương Giang và Nguyễn Khang (2022). Đánh giá tác động của chuyển đổi số đến khả năng phát triển mô hình đại học thông minh tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, 5(18), 58-63.
  3. Nguyễn Cao Trí (2020). Chuyển đổi số và thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục đại học: Cách tiếp cận mới và kinh nghiệm từ Trường Đại học Văn Lang. Kỷ yếu hội thảo: Đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững (Tr. 103-11). Hà Nội: NXB Văn phòng hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực.
  4. Tikhomirov Vladimir và N Dneprovskaya (2015). Development of strategy for smart University. In: 2015, Open Education Global International Conference, 22-24 April. Banff, Canada.
  5. Uskov Vladimir L, Jeffrey P Bakken, Akshay Pandey, Urvashi Singh, Mounica Yalamanchili và Archana Penumatsa (2016). Smart university taxonomy: Features, components, systems. In: Uskov, V., Howlett, R., Jain, L. (eds) Smart Education and e-Learning 2016. USA: Springer, Cham.

Assessing the University of Transport and Communications’s digital transformation towards being a smart university

MA. VU NGOC TU1

MA. NGUYEN VAN KHOA1

1University of Transport and Communications

Abstract:

This study uses measurements to assess the digital transformation level of the University of Transport and Communications in order to become a smart university. The study analyzes perspectives of the university’s lecturers and students. Based on the study’s findings, some implications are made to facilitate the University of Transport and Communications’s digital transformation towards being a smart university.

Keywords: digital transformation, higher education, smart university, University of Transport and Communications.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11  năm 2022]