TÓM TẮT:

Nghiên cứu thực hiện trên các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhằm làm sáng tỏ nhân tố nào được ngân hàng quan tâm và có ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định phát triển cho vay đối với các DNVVN tại tỉnh Đắk Lắk. Kết quả từ phân tích cho thấy: Lợi nhuận, Tổng tài sản, Tỷ lệ tài sản thế chấp/tổng tài sản là các nhân tố được ngân hàng quan tâm và có ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định phát triển cho vay đối với các DNVVN tại tỉnh Đắk Lắk.

Từ khóa: Ngân hàng thương mại cổ phần, cho vay, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhân tố tác động, HD Bank.

1. Mở đầu

Trong quá trình biến đổi, tự do hóa và cổ phần hóa ở Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng, được chính quyền và xã hội thừa nhận cả về lý luận và thực tiễn [1; 2; 3]. Theo Sách trắng về DNVVN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa mới công bố, loại hình doanh nghiệp này có tầm quan trọng to lớn vì giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chiếm tỷ lệ cao trên tổng số doanh nghiệp cả nước [18]. Tại Việt Nam, chỉ xét các doanh nghiệp có đăng ký, tỷ lệ này là trên 97%. DNVVN đóng góp tới 40% GDP cả nước và sử dụng 50% lực lượng toàn nền kinh tế trong nước [18]. Đối với các địa phương tại Tây Nguyên, DNVVN là trụ cột của kinh tế địa phương, trong đó có cả tỉnh Đắk Lắk [19].

Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7 - 8%/năm [15; 17]. Với mục tiêu như vậy, việc phát triển cho vay ngân hàng giữ vai trò cực kỳ quan trọng [10;11;12]. Nhiệm vụ đó được các ngân hàng quán triệt đầy đủ với trách nhiệm cao. Trong bối cảnh đó, việc phát triển cho vay của ngân hàng sẽ gắn liền với quyết định của ngân hàng có cho DNVVN được phép vay vốn, hay không được phép vay vốn của ngân hàng [16]. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh - Chi nhánh Đắk Lắk (HDB Chi nhánh Đắk Lắk) là một chi nhánh của HDB kinh doanh trên địa bàn một tỉnh vùng đồng bào thiểu số, địa hình chia cắt với điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn [20]. Việc tăng trưởng dư nợ còn có những mặt hạn chế nhất định, chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh, thị phần cho vay chiếm tỷ trọng thấp. Có thể thấy, về ngắn hạn cũng như dài hạn, việc phát triển cho vay luôn là mục tiêu hàng đầu của HDB Chi nhánh Đắk Lắk, đặc biệt là đối với nhóm khách hàng DNVVN , vì đây là nhóm khách hàng đầy tiềm năng tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk [19].

Nghiên cứu này thực hiện trên các DNVVN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm làm sáng tỏ nhân tố nào có ảnh hưởng đến quyết định cho vay vốn của doanh nghiệp. Thời điểm thu thập số liệu vào đầu quý 4 năm 2019. Đây là thời điểm thích hợp vì các hoạt động kinh doanh của các DNVVN đã và đang hoạt động ổn định, không chịu tác động do yếu tố thời vụ về doanh thu như thời điểm cuối năm. Số liệu được thực hiện dựa trên các báo cáo thuyết minh vay vốn mà các DNVVN này thực hiện và được lưu giữ tại HDB Chi nhánh Đắk Lắk. Tiêu chuẩn và quy định về DNVVN được dựa trên Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 16/7/2018 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2. Phương pháp nghiên cứu

Về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cho nghiên cứu dựa vào Nghị định số 37-NĐCP được ban hành năm 2018. Nghị định này nêu rõ, các DNVVN  có số lượng lao động từ 1-300 người hoặc tổng tài sản dưới 100 tỷ đồng. Trong thực tế, có những DNVVN có số lao động nhỏ hơn 300 người, nhưng lại có tài sản lớn hơn quy định. Thêm nữa trong thực tế, lại có các DNVVN có tài sản doanh nghiệp ít hơn quy định nhưng số lao động lớn hơn 300 người. Vì vậy, để tránh việc không hội đủ tiêu chí như trên, trong tổng số 160 DNNVV được lựa chọn đều đáp ứng được cả 2 tiêu chí do Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bảng 1. Đặc điểm các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mẫu nghiên cứu

dac-diem-cac-doanh-nghiep-vua-va-nho-trong-mau-nghien-cuuNguồn: Số liệu DNVVN tại HDB Chi nhánh Đắk Lắk.

Nghiên cứu này được thực hiện trên 160 DNVVN có hồ sơ vay vốn gửi tại HDB Chi nhánh Đắk Lắk. Các DNVVN này đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Danh sách các DNVVN vay vốn trong điều tra được lấy trong cơ sở dữ liệu của Phòng khách hàng doanh nghiệp và cho vay vốn tại HDB Chi nhánh Đắk Lắk và được lựa chọn ngẫu nhiên để phân tích. Số liệu điều tra được lấy tại các báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh của DNVVN theo trong 3 quý liên tiếp tính đến tháng 11 năm 2019, do DNVVN gửi tới bộ phận thẩm định dự án vay vốn của HDB Chi nhánh Đắk Lắk [20]. Quá trình phân tích số liệu từ các báo cáo tài chính này cho thấy đặc điểm của các DNVVN vay vốn tại HDB Chi nhánh Đắk Lắk là phù hợp với các tiêu chí theo như quy định của Nhà nước như tại Bảng 1. Do các DNVVN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều hoàn thành các tài sản thế chấp nên nghiên cứu này không trình bày trong Bảng 1. Mô hình hồi quy binary logistic cũng chỉ thích hợp với biến số phụ thuộc nhị phân, nên việc phân loại như trên để sử dụng trong quá trình phân tích là hoàn toàn hợp lý [8; 9].

4. Kết quả nghiên cứu

Để biết được ảnh hưởng của từng nhân tố tới quyết định cho vay vốn của ngân hàng đối với các DNVVN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nghiên cứu này sử dụng phân tích hồi quy Logistic [7;9]. Phương pháp phân tích này có nhiều điểm ưu việt hơn các phương pháp khác, bởi vì phương pháp này có thể tận dụng được những ưu điểm của phương pháp phân tích phân lập (discriminant analysis) vừa tận dụng được những ưu điểm của phương pháp phân tích hồi quy tương quan, khi mà biến độc lập của phương pháp hồi quy logistic lại là một biến nhị phân binary chứ không phải là một biến số học (numerical) [5;9].

Sử dụng thống kê T-Test độc lập để kiểm tra giá trị trung bình về tài sản, về lao động và doanh thu của DNVVN 2 nhóm được vay và không được vay cho thấy mức ý nghĩa thống kê 2 chiều đạt mức ý nghĩa là 0,000. Do vậy, số lượng phân bố của 2 nhóm DNVVN như đã nêu trên là hợp lý, vì vậy 2 nhóm DNVVN này được sử dụng để kiểm định, đánh giá việc quyết định phát triển cho vay của HDB Chi nhánh Đắk Lắk [20].

Bảng 2.  Phân tích hồi qui tương quan logistic - tác động của các yếu tố vay vốn tới quyết định cho vay tại HDB Chi nhánh Đắk Lắk

phan-tich-hoi-qui-tuong-quan-logistic

Ghi chú:  * Mức ý nghĩa thống kê 0,05     ** Mức ý nghĩa thống kê 0,01

               Biến phụ thuộc: Cho vay = 1; Không cho vay = 0

Sử dụng phần mềm SPSS 20, kết quả phân tích hồi quy logistics đối với 8 biến số đầu vào của các DNVVN vay vốn tín dụng tại tỉnh Đắk Lắk được thể hiện ở Bảng 2. Các biến số độc lập đầu vào của phương trình hồi quy logistic gồm có các yếu tố như: Quy mô vay vốn, Lợi nhuận doanh nghiệp; Giá trị tài sản cố định; Giá trị tài sản lưu động; Giá trị tổng tài sản; Tỷ lệ tài sản thế chấp/tổng tài sản; Tỷ suất nợ hiện hành/vốn chủ sở hữu; Thời gian tập huấn lũy tiến tính bằng tuần cho đến thời điểm nộp đơn vay vốn tại ngân hàng. Cụ thể: Biến số X2 (Lợi nhuận) có hệ số Bê ta trong mô hình hồi quy logistic là 0,32 với mức ý nghĩa thống kê là 0,001 là khá cao và biến số này có ảnh hưởng đến quyết định cho vay vốn của HDB Chi nhánh Đắk Lắk. Tiếp đến là biến số Tổng tài sản X5 với hệ số Bê ta là 3,56 và mức ý nghĩa thống kê là 0,45 nhỏ hơn 0,5. Biến số X6 (Tỷ lệ tài sản thế chấp/Tổng tài sản) có ảnh hưởng theo chiều thuận đến quyết định cho vay vốn của HDB Chi nhánh Đắk Lắk khi hệ số Beta của phương trình logistic là 1,02 với mức ý nghĩa thông kê là vừa đủ 0,05. Các biến số còn lại như Biến số X1 (Quy mô lao động) có ảnh hưởng không nhiều đến quyết định cho vay vốn với hệ số Beta là 0,021 nhưng không đạt mức ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa thống kê là 0,306. Biến số X3 (Tài sản cố định) và X4 (Tài sản lưu động); X7 (Tỷ suất nợ/chủ sở hữu) X8 (Thời gian tập huấn, tổng số tuần) tương tự không có ảnh hưởng đến quyết định cho vay vốn của HDB Chi nhánh Đắk Lắk đối với DNVVN trên địa bàn Đắk Lắk.

Mô hình hồi quy logistic mà nghiên cứu này sử dụng cho thấy chỉ số 2-log likelihood đạt tới giá trị 169,15 hệ số tương quan Nagelkder R Square đạt tới 0,699, kết hợp với các chỉ số khác cho ta thấy 69,9 % sự thay đổi của mô hình đã được giải thích từ hồi qui logistic và đây là một hệ số tương quan khá cao [4]. Các kết quả kiểm định thống kê này cho thấy tính chắc chắn của mô hình mà chúng tôi sử dụng trong phân tích. Chỉ số thống kê phản ánh tính chính xác của mô hình cho thấy tỷ lệ dự đoán của mô hình là khá cao, lên tới trên 70% một lần nữa xác nhận lại kết luận đưa ra. Kết quả thực nghiệm của mô hình hồi quy logistic do SPSS thực hiện được trình bày ở trên cho thấy rằng mô hình mà chúng tôi sử dụng là hoàn toàn hợp lý và cho kết quả chắc chắn [6].

5. Kết luận

Kết quả từ phân tích định lượng ở trên cho thấy quy mô lao động, tài sản cố định và tài sản lưu động, tỷ suất tài sản thế chấp trên tổng số tài sản nợ và thời gian tập huấn không phải là những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến quyết định phát triển cho vay đối với các DNVVN tại tỉnh Đắk Lắk. Trái lại, những yếu tố như: Lợi nhuận, Tổng tài sản, Tỷ lệ tài sản thế chấp/tổng tài sản, mới là các nhân tố được ngân hàng quan tâm và có ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định phát triển cho vay đối với các DNVVN tại tỉnh Đắk Lắk.

Kết quả nghiên cứu này giống nhiều với các nghiên cứu trước đây chẳng hạn như của Thanh và cộng sự (2016) [16]; của Marc Cowling and Paul Westhead (2016) [15]; Haminton và Fox (1998) [17]. Điều này cho thấy, các ngân hàng thương mại vẫn dựa vào tiêu chí truyền thống để đưa ra các quyết định cho vay vốn đối với các DNVVN, không chỉ ở nước ta, ở tỉnh Đắk Lắk mà còn ở các quốc gia khác. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100, tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc so với năm 2018.

Có thể nhận định rằng, các ngân hàng thương mại chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNVVN, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao [10]. Các ngân hàng thương mại chưa có các sản phẩm - dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNVVN, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt. Đặc biệt, thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp, cũng là một trong những “rào cản” khiến các ngân hàng thương mại chưa thể giải ngân cho DNVVN [12].

Về phía các ngân hàng thương mại còn gặp nhiều khó khăn thách thức khi cho DNVVN vay vốn bởi việc thiếu tài sản đảm bảo, thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn còn hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, có thể là các nhân tố dẫn đến việc khó cho vay dựa trên dòng tiền. Bên cạnh đó, DNVVN thường ngại hoàn thiện thủ tục vay vốn do thói quen, do thiếu thông tin, thiếu cán bộ hiểu biết về tài chính, về thủ tục vay vốn [1;3]

Các chuyên gia tài chính cho rằng, tín dụng là yếu tố cốt lõi của một doanh nghiệp. Chính sách tín dụng rộng mở và nhiều hỗ trợ sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việc cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng diễn ra trong bối cảnh Chính phủ nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do còn nhiều vướng mắc [18;19].

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vo, T. T., T.C. Tran, V. D. Bui and D. C. Trinh (2011), ‘Small and Medium Enterprises Access to Finance in Vietnam’, in Harvie, C., S. Oum, and D. Narjoko (eds.), Small and Medium Enterprises (SMEs) Access to Finance in Selected East Asian Economies. ERIA Research Project Report 2010-14, Jakarta: ERIA. Pp 151-192.
  2. Chính phủ (2018). “Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam”.
  3. Lê Xuân Bá, Trần Kim Hào, Nguyễn Hữu Thắng, 2006. Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
  4. Mason R.&Lin D.& Marchal W.(2000). Statistical Techniques for Business and Economics, 10th Ed, McGraw - Hill International Edition.
  5. Gerard E. Dallal, Ph.D. “Logistic Regression”, http://www.tufts.edu/~gdallal/logistic.htm6.
  6. Hair, Anderson Tatham, and Black et al. “Multivariate Data Analysis”. 5th Ed, Prentice Hall (2004).
  7. Cooper D. & Schindler P. “Business Research Methods”. 7th Ed.McGraw - Hill International Edition.
  8. Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
  9. Mason R.&Lin D.& Marchal W.(2000). Statistical Techniques for Business and Economics, 10th Ed, McGraw - Hill International Edition.
  10. Nguyễn Đăng Dờn, 2018, Tín dụng - Ngân hàng. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thống kê. Tái bản lần thứ 3.
  11. Sơn N and Wolfe (2016). ‘Determinants of Successful Access to Bank Loans by Vietnamese SMEs: New Evidence from the Red River Delta’. Journal of Internet Banking and Commerce, April 2016, vol. 21, No. 1, pp 1-23.
  12. Nguyễn Minh Kiều, 2007. Tín dụng và Thẩm định tín dụng ngân hàng. TP. HCM: Nhà xuất bản Tài chính.
  13. Quy định số 1627/2001/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 31/12/2001 về việc ban hành quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
  14. Marc Cowling and Paul Westhead (2016). ‘Bank lending decisions and small firms: does size matter? International Journal of Entrepreneurial Behaviour & Research, Vol. 2 No. 2, 1996, pp. 52-68.
  15. Thanh V&Cuong N & Dung T & Chieu T (2016) ‘Small and Medium Enterprises Access to Finance in Vietnam’. Chương 6, Báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
  16. Robert T. Hamilton & Mark A. Fox (1998). The financing preferences of small firm owners’. International Journal of Entrepreneurial Behaviour & Research, Vol. 4 No. 3, 1998, pp. 239-248.
  17. MPI (2019). Sách trắng về doanh nghiệp Việt Nam. Nhà xuất bản Thống kê 2019.
  18. Niên giám Thống kê tỉnh Đắc Lắc (2019).
  19. HD Bank (2018). Báo cáo tổng kết hoạt động của ngân hàng HD Bank thành phố HCM chi nhánh Đắc Lắc.

 

EVALUATING FACTORS AFFECTING THE DEVELOPMENT OF LOANS

FOR SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISE BY HO CHI MINH CITY

DEVELOPMENT COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - DAK LAK BRANCH

Assoc. Prof. PhD. THAI THANH HA

Foreign Trade University

NGUYEN QUANG HUNG

 Tay Nguyen University

ABSTRACT:

The study was conducted on small and medium-sized enterprises (SMEs) in Dak Lak province, in order to clarify which factors are most interested in banks and have the strongest influence on loan development decisions for SMEs in Dak Lak province. The results from the analysis show that: Profit, Total assets, Mortgage / total assets ratio are the factors that and have the strongest influence on the loan development decision for SMEs in Dak Lak province.

Keywords: Joint stock commercial bank, loan, small and medium enterprises, impact factor, HD Bank.