Đánh giá thực trạng chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Hà Nam - nghiên cứu qua điều tra xã hội học

MAI THÀNH CHUNG (NCS. Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Đánh giá thực trạng hiệu quả chính sách thu hút đầu tư là một việc làm cần thiết đối với các nhà quản lý của một địa phương. Thông qua việc đánh giá chính sách thu hút đầu tư sẽ giúp cho lãnh đạo địa phương có cái nhìn toàn diện hơn và có thể đưa ra được những quyết sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của chính địa phương mình. Bài viết được thực hiện dựa trên những nghiên cứu đánh giá từ những số liệu thu thập được thông qua điều tra xã hội học được tác giả thực hiện trong thời gian vừa qua tại tỉnh Hà Nam. Với những số liệu khảo sát này có thể phần nào khái quát được hiệu quả của các chính sách thu hút đầu tư tại tỉnh Hà Nam, đây cũng là một phần trong nghiên cứu mà tác giả đang thực hiện thời gian vừa qua.

Từ khóa: Chính sách thu hút đầu tư, tỉnh Hà Nam.

1. Thực trạng chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Hà Nam

1.1. Đối với chính sách xúc tiến đầu tư

Các nhà đầu tư đồng ý với phát biểu rằng “Các chương trình xúc tiến đầu tư đã tổ chức mang lại giá trị cho nhà đầu tư” với 4,2 điểm, là tiêu chí được đánh giá cao nhất trong các tiêu chí thuộc nhóm chính sách xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam. Tiếp ngay sau đó là sự đánh giá cao về “Mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ, thông tin quan trọng về đầu tư được cung cấp đầy đủ, kịp thời” từ các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Hà Nam, với điểm đánh giá là 4,21. Tiêu chí nhận được kết quả đánh giá thấp nhất là tiêu chí về “Định hướng xúc tiến đầu tư từng thời kỳ và hàng năm được công bố rõ ràng cho nhà đầu tư” với 3,35 điểm trên thang 5, tương đương với mức ý nghĩa Trung bình/Bình thường. Hai tiêu chí cũng có điểm đánh giá không cao là tiêu chí “Danh mục dự án thu hút đầu tư theo từng thời kỳ và hàng năm được truyền thông rõ ràng đến nhà đầu tư” và tiêu chí “Tổ chức bộ máy xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam là hợp lý, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư”, đều đạt 3,4 điểm (Bảng 1 và Hình 1).

Khi tìm hiểu thêm về các tiêu chí không được đánh giá cao, tác giả nhận thấy một số vấn đề có liên quan như sau:

- Đối với việc công bố rõ ràng cho nhà đầu tư định hướng xúc tiến đầu tư và danh mục dự án thu đầu tư từng thời kỳ, hiện tại trên cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam có mục “Chính sách ưu đãi, cơ hội đầu tư, các dự án mời gọi vốn đầu tư”, tuy vậy thông tin khá cũ. Các thông tin về các dự án có nhu cầu thu hút vốn đầu tư, danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, các dự án thu hút đầu tư giai đoạn,… đều đã cũ, được cập nhật lần cuối cùng vào những năm 2014 và 2015.

Ngoài thông tin trên trang web, có thể tìm thấy danh mục các dự án thu hút đầu tư theo giai đoạn và danh mục các dự án đang đàm phán, xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam trong phụ lục của kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh. Danh mục các dự án thu hút đầu tư theo giai đoạn với các thông tin về ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư và địa điểm thu hút đầu tư (thường là các khu công nghiệp). Danh mục các dự án đang đàm phán, xúc tiến đầu tư gồm các thông tin: tên dự án, địa điểm, quy mô đầu tư và giá trị đầu tư. Về hình thức, kế hoạch xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh được ban hành và chưa tìm thấy trên cổng thông tin điện tử nên có thể các nhà đầu tư chưa thực sự thuận tiến khi muốn tiếp cận thông tin này.

- Về tổ chức bộ máy xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam, hiện tại các hoạt động quản lý đầu tư do UBND tỉnh chỉ đạo, Sở KH&ĐT, và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam thực hiện. Trung tâm xúc tiến đầu tư thuộc Sở KH&ĐT là đơn vị triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư gồm: Dịch vụ tư vấn về đấu thầu; Dịch vụ tư vấn cho nhà đầu tư (lập hồ sơ, lựa chọn địa điểm, thủ tục đầu tư,…); Tư vấn đầu tư xây dựng công trình; Tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo; Cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Bảng 1. Kết quả đánh giá đối với chính sách xúc tiến đầu tư

Các tiêu chí

Mã biến

Điểm đánh giá

Nhóm chính sách

Điểm trung bình đánh giá

[1. Định hướng xúc tiến đầu tư từng thời kỳ và hàng năm được công bố rõ ràng cho nhà đầu tư]

XTĐT1

3.35

Xúc tiến đầu tư

3.71

[2. Danh mục dự án thu hút đầu tư theo từng thời kỳ và hàng năm được truyền thông rõ ràng đến nhà đầu tư]

XTĐT2

3.40

[3. Giữa cơ quan xúc tiến đầu tư với nhà đầu tư có mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ, thông tin quan trọng về đầu tư được cung cấp đầy đủ, kịp thời]

XTĐT3

4.18

[4. Tổ chức bộ máy xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam là hợp lý, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư]

XTĐT4

3.40

[5. Các chương trình xúc tiến đầu tư đã tổ chức mang lại giá trị cho nhà đầu tư]

XTĐT5

4.20

Nguồn: Kết quả khảo sát điều tra xã hội học thông qua SPSS22

1.2. Đối với chính sách ưu đãi đầu tư

Tiêu chí được đánh giá cao nhất trong các tiêu chí thuộc nhóm chính sách ưu đãi đầu tư là về sự phù hợp trong việc xác định đối tượng ưu đãi đầu tư theo ngành nghề. Với câu phát biểu “Đối tượng ưu đãi đầu tư theo ngành nghề được tỉnh Hà Nam áp dụng là hợp lý”, các nhà đầu tư đồng ý ở mức 4,3 điểm trên thang đo 5 điểm, tương ứng với mức ý nghĩa là Rất đồng ý / Rất hài lòng. Tiếp ngay sau đó là sự đánh giá cao đối với việc xác định đối tượng ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực. Với phát biểu “Đối tượng ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực (công nghệ cao, nông nghiệp, sử dụng nhiều lao động,…)  được tỉnh Hà Nam áp dụng là hợp lý”, điểm đánh giá là 4,05. Tiêu chí nhận được kết quả đánh giá thấp nhất là tiêu chí về việc áp dụng các hình thức ưu đãi đầu tư mới, chỉ với 3,8 điểm, tương đương với mức ý nghĩa Trung bình/Bình thường. Tiêu chí về các chính sách giảm thuế cho nhà đầu tư đạt 3,91 điểm, tương đương ý nghĩa Trung bình/Bình thường. (Bảng 2, Hình 2)

Bảng 2. Kết quả đánh giá đối với chính ưu đãi đầu tư

[6. Tỉnh Hà Nam có nhiều hình thức ưu đãi mới và hữu ích]

UDĐT1

3.80

Ưu đãI đầu tư

3.97

[7. Tỉnh Hà Nam có nhiều chính sách giảm thuế cho nhà đầu tư]

UDĐT2

3.91

[8. Đối tượng ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực (công nghệ cao, nông nghiệp, sử dụng nhiều lao động…)  được tỉnh Hà Nam áp dụng là hợp lý]

UDĐT3

4.05

[9. Đối tượng ưu đãi đầu tư theo ngành nghề được tỉnh Hà Nam áp dụng là hợp lý]

UDĐT4

4.13

            Nguồn: Kết quả khảo sát điều tra xã hội học thông qua SPSS22

Hiện tỉnh Hà Nam áp dụng ưu đãi tiền thuê đất và ưu đãi tiền thuê hạ tầng, so với các tỉnh khác đã ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi (như: Khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tiền thuê đất; Ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất; Về giao đất, cho thuê đất từ quỹ đất công của tỉnh không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất,…) thì các nhận xét về việc Hà Nam chưa có nhiều hình thức ưu đãi mới là có cơ sở.

1.3. Đối với chính sách hỗ trợ đầu tư

Nhóm chính sách hỗ trợ được đầu tư thuộc nhóm chính sách được các nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao so với nhóm chính sách xúc tiến đầu tư và chính sách hỗ trợ đầu tư. Tiêu chí đánh giá về chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và chính sách hỗ trợ tín dụng là hai tiêu chí có kết quả đánh giá cao với số điểm đạt lần lượt là: 4,3 - 4,25 điểm trên thang 5, đều tương đương với mức ý nghĩa rằng các nhà đầu tư Rất đồng ý / Rất hài lòng với các chính sách này. Được đánh giá ở mức khá là chính sách hỗ trợ tiếp cận mặt bằng và chính sách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh Hà Nam, đều đạt mức 4,13 điểm. Đáng chú ý trong nhóm chính sách này, tiêu chí về chính sách hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hà Nam không được các nhà đầu tư đánh giá cao, chỉ đạt mức 3.4 điểm trên thang điểm 5, tương đương với mức ý nghĩa Trung bình/Bình thường.

Qua tìm hiều, mặt dù tỉnh Hà Nam đã triển khai một số chính sách hỗ trợ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, như: Hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở đào tạo nghề và theo đề án đào tạo nghề; Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động với mức 1.000.000 đồng/lao động; Hỗ trợ miễn phí tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp… Tuy vậy, để có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực về cả số lượng và đặc biệt là chất lượng theo yêu cầu của các nhà đầu tư, tỉnh Hà Nam cần phải tìm ra các giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới. (Bảng 3, Hình 3)

Bảng 3. Kết quả đánh giá đối với chính sách hỗ trợ đầu tư

[10. Chính sách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh Hà Nam là tốt]

HTĐT1

4.13

Hỗ trợ đầu tư

4.01

[11. Chính sách hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hà Nam là tốt]

HTĐT2

3.40

[12. Chính sách hỗ trợ tín dụng của tỉnh Hà Nam là tốt]

HTĐT3

4.25

[13. Chính sách hỗ trợ tiếp cận mặt bằng của tỉnh Hà Nam là tốt]

HTĐT4

4.13

[14. Chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ của tỉnh Hà Nam là tốt]

HTĐT5

3.93

[15. Chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh Hà Nam là tốt]

HTĐT6

4.30

[16. Chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển của tỉnh Hà Nam là tốt]

HTĐT7

3.93

            Nguồn: Kết quả khảo sát điều tra xã hội học thông qua SPSS22

 1.4. Đối với chính sách thu hút vốn đầu tư

Trong 3 nhóm chính sách xúc tiến, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thì nhóm chính sách hỗ trợ đầu tư có điểm đánh giá cao nhất, là 4,25 điểm tương đương với mức ý nghĩa các nhà đầu tư Rất đồng ý/Rất hài lòng với các chính sách này. Tiếp sau đó, các nhà đầu tư Đồng ý/Hài lòng với nhóm chính sách ưu đãi đầu tư và nhóm chính sách xúc tiến đầu tư với giá trị lần lượt là 4,13 và 3,93 điểm. Cuối cùng, sự hài lòng của nhà đầu tư có thể được khẳng định thông qua quyết định ưu tiên lựa chọn Hà Nam là điểm đầu tư trong các dự án đầu tư kế tiếp. Với câu phát biểu “Chúng tôi (nhà đầu tư) ưu tiên lựa chọn đầu tư vào tỉnh Hà Nam so với các địa phương khác”, điểm đánh giá nhận được từ các nhà đầu tư là 4,2 điểm, tương đương với mức ý nghĩa là họ Đồng ý/Hài lòng với câu phát biểu này. (Bảng 4, Hình 4)

Bảng 4. Sự hài lòng của các nhà đầu tư

[17. Chúng tôi (nhà đầu tư) hài lòng với chính sách xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam]

SHL1

3.93

Sự hài lòng của nhà đầu tư

4.13

[18. Chúng tôi (nhà đầu tư) hài lòng với chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Hà Nam]

SHL2

4.13

[19. Chúng tôi (nhà đầu tư) hài lòng với chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh Hà Nam]

SHL3

4.25

[20. Chúng tôi (nhà đầu tư) ưu tiên lựa chọn đầu tư vào tỉnh Hà Nam so với các địa phương khác]

SHL4

4.20

            Nguồn: Kết quả khảo sát điều tra xã hội học thông qua SPSS22

 2. Đánh giá chung về chính sách thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Hà Nam trong thời gian qua

2.1. Những thành công

Có thể khẳng định rằng, chính sách thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Hà Nam trong thời gian qua đã góp phần quan trọng mang lại kết quả và hiệu quả thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số thành công nổi bật trong chính sách này có thể kể đến là:

Thứ nhất, định hướng chiến lược thu hút vốn đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2020 được xác lập và triển khai rất đồng bộ mang lại hiệu quả cao. Tiếp cận về sản phẩm - thị trường theo quan điểm marketing được thể hiện khá rõ nét, từ việc xác định loại đối tác đầu tư (phân khúc khách hàng nào) và lĩnh vực, ngành nghề thu hút đầu tư (sản phẩm nào) là rất rõ ràng. Điều này tạo thuận lợi cho bộ máy vận hành hoạt động có hướng đích và cộng hưởng sức mạnh.

Thứ hai, chính sách thu hút vốn đầu tư vào tỉnh đã được xác lập dựa trên lợi thế cạnh tranh của địa phương và được triển khai đúng thời điểm. Hà Nam là một tỉnh đã có sẵn và đồng thời cũng xây dựng được lợi thế cạnh tranh địa phương, thông qua các yếu tố như: các điều kiện đầu vào về tài nguyên thiên nhiên, con người và cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp hỗ trợ và có liên quan, cùng với môi trường chính sách giúp phát huy lợi thế cạnh tranh của Hà Nam trong thu hút vốn đầu tư so với các địa phương khác.

Thứ ba, theo tiếp cận vòng đời sản phẩm, những nhà hoạch định chính sách thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Hà Nam đã thể hiện hiểu biết về vòng đời sản phẩm (các ngành sản xuất), để có các chính sách thu hút đầu tư đón đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất giữa các quốc gia phát triển hơn, đồng thời tránh được việc thu hút vốn đầu tư vào các ngành sản xuất đã bão hòa.

2.2. Những hạn chế

Bên cạnh những thành công đáng ghi nhận nêu trên đây, các chính sách thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Hà Nam còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, cặp sản phẩm - thị trường trong thu hút vốn đầu tư mà Hà Nam giới thiệu và theo đó thu hút được các nhà đầu tư bỏ vốn vào tỉnh còn đơn điệu. Sản phẩm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp mà chưa có các sản phẩm là dịch vụ hoặc nông nghiệp công nghệ cao. Thị trường các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vốn là những khách hàng truyền thống, lâu đời và có mức độ tập trung cao về khu vực địa lý (cùng châu Á) cũng như tập trung cao về ngành nghề. Điều này có thể gây ra rủi ro nếu điều kiện của các nhà đầu tư ở các nước sở tại có biến động, đặc biệt là biến động về chính trị, ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động về xu hướng chuyển dịch sản xuất. Kết quả là tại thời điểm này, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Hà Nam đạt mức rất cao, đòi hỏi phải có những chiến lược sản phẩm - thị trường mới cho giai đoạn mới.

Thứ hai, chính sách xúc tiến đầu tư vào tỉnh còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Hình thức xúc tiến cơ bản thường gặp như phát hành các ấn phẩm truyền thông, tổ chức đầu mối liên hệ với các nhà đầu tư, tổ chức các đoàn công tác đi các tỉnh hoặc các quốc gia khác để xúc tiến đầu tư, hoặc tiếp đón các nhà đầu tư đến làm việc tại tỉnh,… là những hoạt động xúc tiến đầu tư chính, chưa có nhiều hình thức xúc tiến đầu tư mới và hấp dẫn. Bên cạnh chiến lược xúc tiến đầu tư, thông điệp xúc tiến đầu tư cũng bị dàn trải, vụn vặt theo các đối tác, thông điệp định vị để thu hút đầu tư (để trả lời câu hỏi vì sao phải đầu tư vào tỉnh Hà Nam) chưa được xác định rõ nét. Khả năng tiếp cận các thông tin về đầu tư vào tỉnh đối với các nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Khả năng cập nhật và thuận tiện trong việc tiếp cận thông tin đối với các nhà đầu tư còn bị giới hạn, các thông tin đăng tải trên cổng thông tin xúc tiến đầu tư của tỉnh tại trang web http://invest.hanam.gov.vn/ còn thiếu về số lượng, hạn chế về nội dung và còn có nhiều thông tin cũ.

Thứ ba, chính sách ưu đãi đầu tư còn nghèo nàn về hình thức và nội dung, đồng thời cũng thiếu tính linh hoạt và khả năng cá biệt hóa ưu đãi cho các nhà đầu tư khác nhau là chưa cao. Điều này được liên hệ trong marketing là hiện tượng sử dụng ‘marketing đại trà” (sử dụng cùng một công thức marketing giống nhau cho tất cả các nhà đầu tư), sẽ dẫn đến việc kém hiệu quả. Việc ưu đãi thuế rất sâu có thể làm hài lòng nhà đầu tư này, nhưng có thể không thực sự cần so với các nhà đầu tư khác. Việc thiếu các chính sách ưu đãi đầu tư mới và hấp dẫn cũng thể hiện việc quan điểm tiếp cận về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh còn cũ và bị động.

Thứ tư, chính sách hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Hà Nam về tổng thể đã được các nhà đầu tư đánh giá cao những vẫn có những tiêu chí chưa đạt như mong muốn, cụ thể như chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoặc còn thiếu vắng các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ năm, sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và quản lý chính sách thu hút vốn đầu tư vào tỉnh còn chưa đủ mọi giao diện, điều này thể hiện ở các nội dung đánh giá kết quả thu hút vốn đầu tư mới chỉ tập trung vào hai nhóm đối tượng chính là nhà đầu tư và nhà nước, trong khi đó các bên lợi ích liên quan đến hoạt động đầu tư vào tỉnh bao gồm nhiều đối tượng khác nữa. Việc giới hạn sự quan tâm này có thể dẫn đến hiệu ứng đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Nam chưa cao và còn tồn tại hệ lụy liên quan đến môi trường, hay liên quan đến các điều kiện sống của người dân trong tỉnh.

Một số tồn tại khác như: Chất lượng dịch vụ cung cấp cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu công nghiệp đôi khi chưa được đảm bảo, còn tình trạng mất điện, tụt điện áp, thiếu nước sạch theo tiêu chuẩn và đủ áp lực nước theo nhu cầu của các nhà đầu tư; Hệ sinh thái dịch vụ cho chuyên gia nước ngoài còn hạn chế. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư còn chậm so với yêu cầu của Tỉnh ủy và của UBND tỉnh.

Với những thành công cũng như những hạn chế còn tồn tại, trong giai đoạn tới, tỉnh Hà Nam cần có những chính sách phù hợp hơn nữa để có thể phát huy được những thành công cũng như hạn chế những tồn tại nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế của tỉnh nhà và có thể tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế của một tỉnh cửa ngõ Thủ đô.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Văn Hiến (2016), Nghiên cứu marketing thực hành, NXB Tài chính.
  2. Michael E. Porter (2008), "Lợi thế cạnh tranh quốc gia", NXB Trẻ.
  3. Michael E. Porter (2011), "Phát triển kinh tế vùng và địa phương", Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Việt Nam.
  4. UBND tỉnh Hà Nam, BQL các khu công nghiệp (2020), Báo cáo số 103/BQL-KCN, Tình hình xây dựng và phát triển các KCN 6 tháng đầu năm 2020 gửi Bộ KH&ĐT ngày 29.7.2020.
  5. UBND tỉnh Hà Nam (2020), Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam, các năm 2015 đến T7.2020.
  6. Sở Kế hoach và Đầu tư Hà Nam (2020), Báo cáo tổng kết công tác các năm 2011 đến T7.2020.
  7. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam (2020), Báo cáo kết quả thu hút đầu tư các năm 2011 đến T7.2020.
  8. UBND tỉnh Hà Nam (2011), Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 v/v phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
  9. William N. Dunn (2016), Public Policy Analysis, Routledge.

Evaluating the effectiveness of Ha Nam Province’s investment attraction policies through sociological surveys

Postgraduate student Mai Thanh Chung

Thuongmai University

ABSTRACT:

It is necessary for local authorities to evaluate the current effectiveness of their investment attraction policies in order to promote the local economic development. This paper is based on data sets which are collected from sociological surveys in recent years in Ha Nam Province. The analysis of these data sets reveals a general view of the effectiveness of Ha Nam Province’s investment attraction policies.

Keywords: Investment attraction policy, Ha Nam Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]