Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa

ThS. PHẠM HỒNG SƠN - ThS. NGUYỄN DUY NGỌC (Khoa Quản lý đất đai và Bất động sản, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh)

vinh khanh

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá thực trạng tình hình quản lý và sử dụng đất của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, xác định một số nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý và sử dụng đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng như công tác quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, các giải pháp nâng cao đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi các lâm phần trên địa bàn nghiên cứu.

Từ khóa: quản lý và sử dụng đất, đồng bào dân tộc, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

1. Đặt vấn đề

Huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương có dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với 23.446 người, chiếm 62,5% dân số toàn huyện. Huyện Khánh Vĩnh cũng là địa phương có diện tích lớn đất rừng trên cả nước, tuy nhiên việc thực thi những chính sách quản lý và sử dụng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập, việc sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn kém hiệu quả, tồn tại nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số.

Do đó, nghiên cứu thực trạng sử dụng và quản lý đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh là rất cần thiết. Vì vậy, bài nghiên cứu “Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa”, từ đó xác định một số nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý và sử dụng đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng như công tác quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, các giải pháp nâng cao đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi các lâm phần trên địa bàn nghiên cứu.

khanh vinh

2. Phương pháp nghiên cứu

- Thu thập thông tin thứ cấp từ các cơ quan, ban ngành trên địa bàn nghiên cứu; sưu tầm và thu thập qua internet, thư viện, báo chí những tài liệu, số liệu liên quan qua sách, báo, tạp chí, các văn kiện Nghị quyết, các chương trình nghiên cứu đã được xuất bản, các kết quả nghiên cứu đã công bố của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

- Điều tra khảo sát, thu thập thông tin sơ cấp từ đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đất đai và các nông hộ.

- Mã hóa và phân tích các số liệu đã thu thập, thống kê mô tả được sử dụng để phân tích toàn bộ nội dung của báo cáo.

- So sánh diện tích các loại đất tại các thời điểm khác nhau để thấy được sự biến động đất đai; so sánh diện tích sử dụng đất của các đối tượng sử dụng đất là đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khác như người Kinh và hai lâm trường.

- Biên tập, chỉnh sửa cho rõ, đẹp bản đồ hành chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất huyện Khánh Vĩnh năm 2018, bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, bản đồ vị trí sử dụng đất của người dân trong hai lâm trường.

- Đối tượng nghiên cứu của đề tài là thực trạng quản lý và sử dụng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số người Raglai (người bản địa), chính sách đất đai và hiệu quả thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

3. Kết quả

3.1. Thực trạng trạng sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh    

Bảng 1. Hiện trạng sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện trạng sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số

Nguồn: Tính toán của tác giả

Bảng 1 cho thấy, dân số của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh chiếm 73,88%, nhưng tổng diện tích đất sử dụng chỉ chiếm 59,15%. Mặt khác, người Kinh với dân số chỉ chiếm 26,12% nhưng diện tích sử dụng đất chiếm 40,85%. Đối với đất nông nghiệp, người đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng phần lớn đất rừng sản xuất với diện tích 2.811,40 (chiếm 95,15%). Đây là các vùng đất kém màu mỡ, không chủ được việc tưới tiêu, hiệu quả kinh tế tương đối thấp hơn các loại hình sử dụng đất nông nghiệp khác.

khanh vinh
Dân số của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh chiếm 73,88%, nhưng tổng diện tích đất sử dụng chỉ chiếm 59,15%

Bên cạnh đó, các loại đất sản xuất nông nghiệp như đất trồng lúa, trồng cây hàng năm khác và trồng cây lâu năm, người dân tộc thiểu số, sử dụng với diện tích chưa tương xứng với quy mô dân số đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất - kinh doanh như các nhà xưởng chế biến, sản xuất nông sản, các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng... phần lớn do người Kinh sử dụng với diện tích 10,21% chiếm 98,46%, người đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có một bộ phận rất nhỏ có kinh tế tương đối khá và có sử dụng đất sản xuất - kinh doanh chỉ với diện tích 0,16ha chiếm 1,54%. Đối với đất ở, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ sử dụng với tỷ lệ 60,66% chưa tương xứng với quy mô dân số 73,88%.

Bảng 2. Hiệu quả kinh tế của các loại hình sử dụng đất nông nghiệp

Hiệu quả kinh tế của các loại hình sử dụng đất nông nghiệp

Nguồn: Tính toán của tác giả

Kết quả điều tra khảo sát cũng cho thấy quy mô diện tích đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ khoảng 0,1861ha/người, thấp hơn rất nhiều so với người Kinh 0,3637ha/người; quy mô sử dụng đất phi nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số là 0,004ha/người, chưa bằng 1/2 quy mô diện tích sử dụng đất phi nông nghiệp bình quân trên đầu người của người Kinh (0,0098ha/người). Diện tích sử dụng đất bình quân trên đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số thấp hơn rất nhiều so với người Kinh. Các trường hợp tích tụ đất đai diễn ra rất phức tạp, ngày càng nhiều các trường hợp người Kinh thu mua đất đai của người đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến rất nhiều người dân tộc thiểu số thiếu, thậm chí không có đất ở, đất sản xuất nông nghiệp.

3.2. Đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số

Các loại nông sản chính được canh tác trên đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh hiện nay bao gồm: lúa, ngô, sắn, mía, cà phê, bưởi, sầu riêng, xoài, mít, keo. Bảng 2 cho thấy diện tích phân bổ cho việc sử dụng đất nông nghiệp canh tác các loại nông sản cho thấy phần lớn diện tích đất canh tác nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số là trồng keo (rừng sản xuất) với diện tích 2.811,4ha. Diện tích trồng ngô (774,53ha) và trồng sắn (1.053,21ha) là tương đối lớn nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực của đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh rất thấp. Tất cả các loại hình sử dụng đất nông nghiệp, lợi nhuận đều không đạt đến 30 triệu đồng/ha, nhưng đây là các loại hình sản xuất quan trọng, giúp ổn định vấn đề lương thực của người dân.

Các loại hình trồng bưởi, sầu riêng, cà phê, tương đối cao hơn với 26 triệu động/ha/năm lợi nhuận nhưng số vốn đầu tư lớn, thời gian chăm sóc đến ngày thu hoạch dài, gây khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số chọn các loại hình canh tác này. Đặc biệt, loại hình trồng keo đạt tỷ suất lợi nhuận cao, và lợi nhuận cũng tương đối nhưng thực tế hiệu quả kém do thời gian chăm sóc từ lúc trồng đến khai thác là 5 năm, và chỉ khai thác 1 lần, hiệu quả kém hơn so với các loại cây ăn quả.

khanh trung
Mô hình trồng bưởi da xanh ở xã Khánh Trung

3.3. Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý và sử dụng đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

3.4.1. Thiếu đất ở và đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số

Việc tăng dân số và tình trạng tích tụ đất đai là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tốc độ tăng dân số (tự nhiên và cơ học) của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay khá cao (trung bình trên 1,6%/năm), dẫn đến việc tách hộ gia đình phổ biến. Những hộ mới hầu như đều thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất (khảo sát 50 hộ không có đất ở, đất sản xuất có 7 trường hợp là do tách hộ). Nhiều hộ nghèo do cuộc sống quá khó khăn đã phải sang nhượng, cầm cố, thế chấp đất sản xuất thậm chí cả đất ở, nhà ở nên trở thành các hộ không có đất ở, đất sản xuất (khảo sát 50 hộ không có đất sản xuất có 23 trường hợp không có đất ở, đất sản xuất là do sang nhượng, cầm cố).

Hiện tượng một số cá nhân và doanh nghiệp thực hiện mua bán tích tụ đất sản xuất nông, lâm nghiệp để mở rộng việc sản xuất cũng phổ biến trên địa bàn. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diễn ra rất chậm (hơn 90% lao động người dân tộc thiểu số chủ yếu sản xuất thuần nông với năng suất rất thấp).

3.4.2. Công tác quản lý đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số kém hiệu quả

Hiệu quả sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số thấp do tập quán canh tác lạc hậu, trình độ thấp nên khó tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại, nguồn vốn đầu tư sản xuất hạn hẹp và hệ thống giao thông, thuỷ lợi yếu kém.

Người đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán du canh (canh tác một thửa đất khoảng 2-3 năm, sau đó bỏ hoang và canh tác vùng đất mới, sau 2-3 năm lại quay trở lại canh tác thửa đất cũ). Đất bị bỏ hoang trong thời gian dài, bị nghèo kiệt dinh dưỡng nên năng suất cây trồng của đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp.

Hệ thống giao thông, thủy lợi không được xây dựng phục vụ yêu cầu sản xuất nông nghiệp, do không có nguồn vốn để thực hiện các dự án giao thông, thuỷ lợi. Đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ thấp, chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống, lạc hậu, nguồn vốn đầu tư cho việc sản xuất nông nghiệp rất hạn chế.

Khánh Vĩnh là huyện nghèo, do đó không có nguồn vốn để thực hiện đánh giá tài nguyên đất đai để phục vụ cho công tác bố trí, phân vùng sản xuất nông nghiệp. Nhân lực quản lý đất đai trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh không đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng, phần lớn cán bộ thực hiện công tác quản lý đất đai, đặc biệt là cán bộ địa chính đã lớn tuổi và khó tiếp cận với khoa học công nghệ trong quản lý đất đai. Bên cạnh đó, nhân lực thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai, chủ yếu là tranh chấp giữa đồng bào dân tộc thiểu số và các lâm trường, chưa thực sự chất lượng, do đó, tranh chấp kéo dài nhiều năm.

Việc phổ biến phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng hiện đại chưa được cơ quan chức năng quan tâm thực hiện. Các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất và các chính sách về hỗ trợ sản xuất của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật sự chặt chẽ, chưa hiệu quả.

lua khanh vinh

4. Một số kiến nghị, đề xuất

Qua nghiên cứu tình hình và phân tích các tồn tại về tình hình quản lý và sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, tác giả xin đề xuất một số giải pháp như sau:

4.1. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng

Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; nâng cao vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tiêu biểu; phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ; quản lý và khai thác bền vững tài nguyên, môi trường sinh thái; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; phục hồi các làng nghề truyền thống của đồng bào; hướng nghiệp, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới, chủ quyền biển, hải đảo.

Bên cạnh đó, thực hiện tập huấn cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; quy chế dân chủ cơ sở và sự tham gia của cộng đồng. Đào tạo trang bị kiến thức, kỹ năng giám sát, xây dựng dự án, chỉ đạo sản xuất, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, các kiến thức về giới,...

4.2. Hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững

Thứ nhất, hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ, thoát nghèo bền vững: Hàng năm mỗi xã lựa chọn 10 hộ, gồm 7 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo để hỗ trợ, có cam kết trách nhiệm, nghĩa vụ để thực hiện mô hình sản xuất đã được xác định và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Mức hỗ trợ:

- Đối với hộ nghèo: Hỗ trợ một lần, tối đa 12 triệu đồng/hộ;

- Đối với hộ cận nghèo: Hỗ trợ một lần, tối đa 10 triệu đồng/hộ.

Để thuận lợi trong việc tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, các địa phương chỉ nên lựa chọn từ 1 đến 3 mô hình và vận động những hộ có uy tín, có kinh nghiệm trong sản xuất đang sinh sống trên cùng địa bàn hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào.

Thứ hai, hỗ trợ vay vốn nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ: Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo là dân tộc thiểu số vay vốn để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP; Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg. Mức vay tối thiểu: 20 triệu đồng/hộ, thời hạn vay: 3 - 5 năm.

Thứ ba, hỗ trợ lãi suất vay: Đối với hộ nghèo: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP; Đối với hộ cận nghèo: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 75% lãi suất theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg.

Thứ tư, hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất: Tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn về kỹ năng, tổ chức, quản lý sản xuất giúp đồng bào nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng đất đai có hiệu quả; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, thực hiện huy động từ các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ hộ gia đình khó khăn tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp.

Đối với 5 xã đặc biệt khó khăn và 8 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện các nội dung về hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 với mức hỗ trợ sau: Xã đặc biệt khó khăn: 300 triệu đồng/năm; Thôn đặc biệt khó khăn: 50 triệu đồng/năm.

trong mit
Trồng cây mít nghệ phát triển kinh tế vườn đồi tại Thị trấn Khánh Vĩnh

4.3. Hỗ trợ về nhà ở và đất ở

Thứ nhất, hỗ trợ nhà ở: Thực hiện theo Quyết định số 2996/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Kinh phí sửa chữa bình quân 15 triệu đồng/nhà, trong đó: Vốn vay theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg: 10 triệu đồng/nhà; Huy động từ “Quỹ vì người nghèo” và cộng đồng 5 triệu đồng/nhà.

Thứ hai, hỗ trợ đất ở: Hộ nghèo dân tộc thiểu số chưa được hỗ trợ đất ở hoặc hộ nghèo dân tộc thiểu số tách hộ có thời gian tối thiểu là 5 năm. Căn cứ quy hoạch sử dụng đất, nhu cầu thực tế và mức hỗ trợ đất ở tại Quyết định số 3045/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, các địa phương xây dựng phương án giải quyết.

4.4. Hỗ trợ đất sản xuất

Hộ nghèo dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về đất sản xuất. Thực hiện bóc tách đất của các nông, lâm trường đang quản lý để giao cho các hộ thiếu đất sản xuất. Trường hợp quỹ đất bóc tách không đủ đáp ứng, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Quyết định số 3074/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa; hoặc hỗ trợ xuất khẩu lao động theo Nghị quyết số 13/2015/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa; hoặc được giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Căn cứ nhu cầu thực tế, các địa phương xây dựng phương án trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt.

4.5. Hỗ trợ đào tạo nghề

Lồng ghép Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 3074/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số gắn với việc làm, bao gồm: Chi phí học nghề; vay vốn học nghề; vay vốn để tự tạo việc làm sau khi học nghề; hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm;... nhằm phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của đồng bào, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế vùng dân tộc và miền núi.

4.6. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Xây dựng, nâng cấp đường giao thông vào những nơi có diện tích đất sản xuất tập trung, khu vực sản xuất của đồng bào để tạo điều kiện luân chuyển hàng hóa, tạo quỹ đất sản xuất cho đồng bào. Khu sản xuất và đường giao thông vào khu sản xuất phải có trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới và được Ủy ban nhân dân xã thống nhất đầu tư.

Lồng ghép Chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư xây dựng, nâng cấp đường nội đồng, đường trục thôn, đường liên xóm; xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt.

Đối với 5 xã và 8 thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135:

- Hỗ trợ đầu tư công trình cơ sở hạ tầng: 1.000 triệu đồng/năm đối với xã và 200 triệu đồng/năm đối với thôn. Cơ chế thực hiện đầu tư công trình cơ sở hạ tầng theo quy định của Chương trình 135.

- Duy tu, bảo dưỡng công trình: 6,3%/năm mức đầu tư cơ sở hạ tầng của xã, thôn đặc biệt khó khan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bảo Huy, (2005). Xây dựng mô hình quản lý rừng và đất rừng dựa vào cộng đồng dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar tỉnh Gia Lai, Gia Lai: NXB Gia Lai.
  2. Hà Thúc Viên, Lê Mộng Triết, Ngô Minh Thụy, (2009). Vai trò của chính sách đất đai đối với sinh kế và môi trường nông thôn. Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh.
  3. Hoàng Phương Lan, (2004). Nghiên cứu cấu trúc rừng phục hồi sau nương rẫy tại huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La. Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ khoa học lâm nghiệp, Đại học Lâm nghiệp.
  4. Nguyễn Xuân Hồng (1997). Kinh nghiệm quản lý hệ sinh thái nhân văn ở vùng người Vân Kiều. Tạp chí Khoa học - Công nghệ và công nghệ, 2, 18-20.
  5. Ngô Doãn Vịnh, (2006). Những vấn đề chủ yếu về kinh tế phát triển, Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia.
  6. Quốc Hội, (2003). Luật số 13/2003/QH11: Luật Đất đai, ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2003.
  7. Trần Đình Lý và cộng sự, (2002). Xây dựng mô hình cải tạo và sử dụng hợp lý đất trống đồi núi trọc ở Bắc Trung Bộ. Hà Nội: NXB Nông nghiệp.
  8. Viện Chiến lược phát triển, (2004). Quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.

ASSESSING THE LAND USE

AND MANAGEMENT OF ETHNIC MINORITIES LIVING

IN KHANH VINH DISTRICT, KHANH HOA PROVINCE

• Master. PHAM HONG SON

• Master. NGUYEN DUC NGOC

Faculty of Land and Real Estate Administraion, Nong Lam University      

ABSTRACT:

This paper assesses the current land use and management of ethnic minorities living in Khanh Vinh District, Khanh Hoa Province. The paper identifies reasons affecting the ethnic minorities land use and management in general and the use and management of forest area in particular. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to enhance the efficiency of land management and improve the lives of ethnic minorities liv

Keywords: land use and management, ethnic minorities, Khanh Vinh District, Khanh Hoa province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]