Đánh giá trình độ phát triển kiểm toán hoạt động của kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực công

ThS. BÙI THỊ THU - ThS. ĐẬU THỊ BÍCH PHƯỢNG (Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Tại Việt Nam, về mặt pháp lý, kiểm toán hoạt động đã thừa nhận chính thức trong Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005. Năm 2007, nhận sự hỗ trợ chuyên môn từ dự án GTZ, Kiểm toán Nhà nước (SAV) đã tổ chức triển khai độc lập một cuộc kiểm toán hoạt động trong dự án bao gồm 15 chủ đề kiểm toán được xây dựng. Sau đó, nội dung kiểm toán hoạt động thuộc dự án này đã phải tạm dừng, đến năm 2007, SAV lần đầu tiên bổ sung thêm mục tiêu kiểm toán đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hữu hiệu trong các cuộc kiểm toán hàng năm. Theo Kế hoạch chiến lược đã đề ra ngay từ đầu, giai đoạn 2013-2017 sẽ liên tục triển khai loại hình kiểm toán này.

Từ khóa: Kiểm toán hoạt động, Kiểm toán Nhà nước, lĩnh vực công, chất lượng cuộc kiểm toán.

I. Sự thay đổi về số lượng và nhân sự các cuộc kiểm toán

Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2016, SAV không ngừng gia tăng số lượng các cuộc kiểm toán, nhân sự kiểm toán, theo đó, kết quả kiểm toán đạt được cũng tăng lên hàng năm: Số lượng cuộc kiểm toán tăng lên gần gấp 2 lần sau 10 năm (từ 87 cuộc kiểm toán năm 2006 lên 185 cuộc kiểm toán năm 2016), số lượng KTV tăng gấp gần 3 lần từ (697 KTV năm 2006 lên 2.020 KTV năm 2016), kết quả kiểm toán (kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách) cũng tăng gấp trên 6 lần (từ 1.497 tỷ đồng năm 2006 lên 9.305 tỷ đồng năm 2015). Đóng góp kết quả kiểm toán của mỗi KTV cũng tăng gấp 2,21 lần (từ 2,148 tỷ đồng/KTV trong năm 2006 lên 4,755 tỷ đồng/KTV trong năm 2015).

Từ số liệu thống kê trên cho thấy, tăng thêm mỗi đơn vị đầu vào (KTV) của Kiểm toán Nhà nước trong giai đoạn từ năm 2006 - 2016 tạo ra gấp 2,21 lần đơn vị đầu ra (kết quả kiểm toán) so với kết quả kiểm toán năm 2006. Trong đó, việc chuyển sang hình thức kiểm toán Chuyên đề, kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đóng góp vào mức tăng kết quả kiểm toán này. Điều này chỉ ra, Kiểm toán Nhà nước đang trong giai đoạn phát triển mở rộng hoạt động kiểm toán của mình.

II. Sự thay đổi về mục tiêu, phạm vi, nội dung và phương pháp kiểm toán

Việc Kiểm toán Nhà nước chuyển đổi chức năng sang thực hiện kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động cũng được phản ánh qua việc thay đổi mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán hàng năm và thay đổi tiêu chuẩn và phương pháp kiểm toán, cụ thể:

- Thay đổi mục tiêu kiểm toán: Phân tích 8 văn bản hướng dẫn xây dựng các mục tiêu và nội dung kiểm toán tổng thể hàng năm từ năm 2006 - 2015 cung cấp bằng chứng về việc, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng và bổ sung thêm các mục tiêu kiểm toán trong từng năm, chẳng hạn, năm 2006, SAV chỉ triển khai thực hiện bốn mục tiêu kiểm toán tổng quát gồm:

+ Đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan; xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán; phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, những yếu kém trong quản lý; kiến nghị sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách. Năm 2007, SAV bổ sung thêm mục tiêu đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý và sử dụng ngân sách. Năm 2009, bổ sung thêm các mục tiêu đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Năm 2012, kiểm toán việc chống thất thu ngân sách nhà nước thông qua kiểm toán hoạt động chuyển giá. Đến năm 2015, SAV đã mở rộng thành 22 mục tiêu kiểm toán tổng quát.

- Thay đổi nội dung và phạm vi kiểm toán: Cùng với việc bổ sung thêm các mục tiêu kiểm toán hàng năm, phạm vi và nội dung kiểm toán cũng thay đổi theo hướng tập trung chuyên sâu vào một số ngành, lĩnh vực mà xã hội đặc biệt quan tâm, chẳng hạn như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, lĩnh vực bảo hiểm, bất động sản, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ra ngoài ngành (năm 2010) hoặc đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực của các quỹ dự trữ quốc gia, nợ công (năm 2011) và chuyển sang xác nhận số liệu nợ công (năm 2013).

- Thay đổi tiêu chuẩn kiểm toán sử dụng: Chọn mẫu phân tích 41 báo cáo kiểm toán, 5 báo cáo kiểm toán một năm thuộc hầu hết các lĩnh vực trong giai đoạn từ năm 2006 - 2014 để thống kê việc sử dụng các tiêu chuẩn kiểm toán. Kết quả phân tích cho thấy, có một số thay đổi trong việc sử dụng tiêu chuẩn kiểm toán và mối liên hệ của các tiêu chuẩn kiểm toán này với mục tiêu và nội dung cho từng cuộc kiểm toán, cụ thể:

Trong 7 báo cáo kiểm toán (3 báo cáo năm 2006 và 4 báo cáo năm 2007) chỉ có 4 loại tiêu chuẩn được sử dụng liên quan đến 4 mục tiêu kiểm toán gồm: (i) mục tiêu kiểm toán xác nhận tính đúng đắn, trung thực hợp lý của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán trên cơ sở tiêu chuẩn kiểm toán chính là chuẩn mực kế toán, kiểm toán; (ii) mục tiêu đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các quy định, tiêu chuẩn kiểm toán sử dụng chính là các văn bản pháp luật; (iii) mục tiêu đánh giá những yếu kém trong quản lý và sử dụng nguồn lực công, tiêu chuẩn sử dụng là tính kinh tế và (iv) mục tiêu phát hiện những bất cập của chính sách, chế độ, tiêu chuẩn kiểm toán sử dụng là thực trạng và kết quả triển khai chính sách trong thực tế.

Từ năm 2008 - 2014, thống kê các loại tiêu chuẩn kiểm toán sử dụng của 34 báo cáo kiểm toán trong tất cả các lĩnh vực. Có 10 loại tiêu chuẩn kiểm toán được sử dụng phổ biến trong các cuộc kiểm toán và mức độ phổ biến theo thứ tự sau:

+ Quy định pháp luật được sử dụng như là tiêu chuẩn kiểm toán có mặt hầu hết trong các cuộc kiểm toán 33/34 cuộc, tương đương 97% số cuộc kiểm toán;

+ Tính hiệu quả có mặt 26/34 cuộc, tương đương 76% số cuộc kiểm toán;

+ Tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán có mặt trong 25/34 cuộc, tương đương 73,5% số cuộc kiểm toán;

+ Đạt được mục tiêu (đạt được kết quả) có mặt 23/34 cuộc kiểm toán, tương đương 68%;

+ Tính kinh tế có mặt 12/34 cuộc; nguyên tắc quản lý phù hợp 11/34 cuộc; bất cập chính sách, chế độ 9/34 cuộc; tính hữu hiệu có mặt 6/34 cuộc; đánh giá việc thực hiện đúng tiến độ 5/34 cuộc; chất lượng dịch vụ có mặt 1/34 cuộc.

- Thay đổi phương pháp kiểm toán: Ngược lại sự phát triển nhanh về quy mô các cuộc kiểm toán và thay đổi nhanh chức năng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khi chuyển sang kiểm toán hoạt động, phương pháp kiểm toán hoạt động trong giai đoạn này chậm thay đổi hơn. Qua xem xét phương pháp kiểm toán hoạt động được trình bày trong các kế hoạch kiểm toán tổng thể và kế hoạch kiểm toán chi tiết, Kiểm toán Nhà nước chỉ bổ sung thêm phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán qua khảo sát các đối tượng thụ hưởng kết quả từ việc thực thi các chương trình, chính sách so với giai đoạn trước khi Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005 có hiệu lực. Đối chiếu phương pháp kiểm toán sử dụng được tổng kết trong các nghiên cứu của Pollitt & cộng sự (1999), có điểm khác biệt: Các quốc gia được khảo sát trong nghiên cứu của Pollitt & cộng sự (1999) đã áp dụng một số phương pháp kiểm toán và các kỹ thuật phân tích, đánh giá hiện đại phù hợp với từng cuộc kiểm toán khác nhau chẳng hạn, phương pháp phân tích chi phí - lợi ích, chi phí hiệu quả, các phương pháp thống kê, định chuẩn. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước chưa áp dụng phương pháp kiểm toán nào trong số phương pháp trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2005), Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật số 37/2005/QH11.

2. Quyết định 06/1999/QĐ-KTNN, Ban hành Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước, ngày 24/12/1999.

3. SAV, Báo cáo kiểm toán Dự án Xây dựng đường quốc lộ và các tài liệu liên quan, Kiểm toán Nhà nước, 2006; 2007; 2008; 2009; 2010; 2011; 2012; 2013; 2014; 2015.

4. SAV, Kế hoạch kiểm toán tổng thể hàng năm, Kiểm toán Nhà nước, 2007; 2008; 2009; 2010; 2011; 2012; 2013; 2014; 2015; 2016.

5. SAV (2015), Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước.

EVALUATION OF THE DEVELOPMENT OF AUDITING

ACTIVITIES OF THE STATE AUDIT IN PUBLIC SECTOR

MA. BUI THI THU

MA. DAU THI BICH PHUONG

Faculty of Accounting - Auditing of Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

In Vietnam, legally, operational audit was formally recognized in the 2005 State Audit Law. In 2007, receiving technical assistance from the GTZ project, the State Audit Office The independently implemented an audit project including 15 developed audit topics. Subsequently, the content of the operational audit under this project was postponed, and by 2007 SAV had, for the first time, added an audit objective to assess the economy, efficiency and effectiveness of the audits. According to the Strategic Plan set out from the beginning, the period of 2013-2017 will continue to implement this type of audit.

Keywords: Operational audit, State audit, public sector, audit quality.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây