Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (Ecomviet) – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra tại Lễ Phát động chương trình “Bệ phóng Thương mại điện tử Tây Nguyên” chiều ngày 19/7/2002, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử  (Ecomviet) – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đơn vị tổ chức sự kiện cho biết: Ecomviet là đơn vị đi đầu trong đào tạo trong suốt những năm qua trên phạm vi toàn quốc, hàng năm Ecomviet phối hợp các sở ngành, cụ thể là sở Công Thương toàn quốc tổ chức 1 -2 sự kiện đạo tạo tập huấn qua hình thức online, offline.

Thời gian tới Ecomviet cũng mong muốn phối hợp các đơn vị cung cấp giải pháp đào tạo thực chiến hơn nữa về thương mại điện tử, mục tiêu để người dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp xúc tiến bán hàng để việc bán hàng được tốt hơn, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử.

Ecomviet  mong muốn phối hợp các đơn vị cung cấp giải pháp đào tạo thực chiến hơn nữa về thương mại điện tử

Cũng theo ông Thành, khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), trong đó tỉnh đi đầu về thương mại điện tử là Đắk Lắk có doanh số là 102 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp theo là Lâm Đồng với khoảng 49 tỷ đồng, các tỉnh còn lại như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông doanh số bán lẻ còn rất hạn chế.

Về tiềm năng bán lẻ trực tuyến ở khu vực Tây Nguyên, đây là 5 địa phương được thiên nhiên ban tặng cây trái tốt tươi, nhiều sản vật, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… đây là cơ hội để thương mại điện tử phát triển. Tuy nhiên, về mặt nhận thức về thương mại điện tử thì người dân chưa được tiếp cận nhiều, đặc biệt với đội ngũ báo cáo viên thực chiến.

Chương trình "Bệ phóng thương mại điện tử Tây Nguyên" sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 1.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên theo hình thức online.

Diễn giả tham gia Chương trình là các giảng viên, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, đối tác lớn đã và đang cung cấp các nội dung đào tạo thực chiến về thương mại điện tử, có kinh nghiệm triển khai thực tiễn cũng như những bài học thực tế từ sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam cũng như quốc tế.

“Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là sự kiện kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa khu vực Tây Nguyên với lượng lớn các đơn vị cung cấp các dịch vụ, giải pháp về thương mại điện tử uy tín trên cả nước”, Giám đốc Ecomviet Nguyễn Văn Thành thông tin.

Cũng theo thông tin từ Ban Tổ chức, trong Chương trình “Bệ phóng Thương mại điện tử Tây Nguyên”, bên cạnh các buổi đào tạo, tập huấn, Ban Tổ chức còn triển khai chương trình Tọa đàm liên quan đến các nội dung như: Xây dựng doanh nghiệp trên môi trường thương mại điện tử; Sàn thương mại điện tử; Nền tảng truyền thông trên mạng xã hội... với sự góp mặt của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tại Tọa đàm, các diễn giả sẽ giải đáp những câu hỏi trong quá trình tham gia cũng như phát triển thương mại điện tử của những cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên.

Song song với Tọa đàm, Chương trình triển lãm, giới thiệu những giải pháp, nền tảng, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử được kỳ vọng đem tới những cơ hội kết nối giữa nhà cung cấp tới chính xác các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ngoài những Chương trình chuyên  môn về đào tạo, tập huấn, Ban Tổ chức còn phát động Giải chạy “Hưởng ứng phong trào phát triển Thương mại điện tử Việt Nam” theo hình thức chạy trực tuyến với mong muốn lan tỏa thông điệp Phát triển Thương mại điện tử tới các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân trên cả nước và gây dựng quỹ tài trợ những tài năng Thương mại điện tử trong tương lai.