Dầu thô bật tăng trở lại nhờ tín hiệu tích cực OPEC+ sẽ đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng

Giá dầu thô Brent và WTI đã bật tăng lần lượt 3% và 6,2% trong bối cảnh các thông tin cho thấy nhiều khả năng liên minh OPEC+ sẽ đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng.
Khai thác dầu thô tại Texas
 Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã tăng kỷ lục bất chấp sản lượng khai thác tại nước này đã giảm xuống (Ảnh: Agency)

Chốt phiên giao dịch ngày 8/4, giá dầu thô Brent đã tăng 97 cents tương ứng 3% lên mức 32,84 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 1,46 USD tương ứng 6,2% lên mức 25,09 USD/thùng. Trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô đã có nhiều biến động mạnh.

Vào đầu phiên giao dịch, giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh sau khi dữ liệu mới nhất của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã tăng kỷ lục thêm 15,2 triệu thùng ngay cả khi sản lượng khai thác đã giảm 600.000 thùng/ngày xuống còn 12,4 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, đến cuối phiên giao dịch, giá dầu thô đã bật tăng trở lại khi giới đầu tư kỳ vọng liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu đồng minh do Nga đứng đầu sẽ đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác trong phiên họp vào ngày 9/4.

Xem thêm: Đã quá muộn để giải cứu thị trường dầu mỏ, dự báo giá dầu giảm còn 20 USD/thùng trong quý 2/2020

Tâm lý của giới đầu tư đã được nâng đỡ trong bối cảnh Nga phát tín hiệu cho biết nước này sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 1,6 triệu thùng/ngày, hãng thông tấn Nga TASSS cho biết. Bên cạnh đó, một số quốc gia khai thác dầu thô lớn ngoài liên minh OPEC+ như Na Uy và Canada cũng phát tín hiệu sẵn sàng cắt giảm sản lượng nếu như OPEC+ đạt được thoả thuận cắt giảm.

Đồng thời, Bộ trưởng Năng lượng Algeria kiêm chủ tịch khối OPEC Mohamed Arkab nhận định “cuộc họp tới đây sẽ đạt kết quả tốt” và “thị trường sẽ được bình ổn bằng các biện pháp chúng tôi (OPEC) sẽ thực hiện”.

Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại hãng chứng khoán Price Futures, nhận định “Các quốc gia đang chịu áp lực rất lớn trong việc cắt giảm sản lượng khai thác”.

Hãng tin Reuters cho biết, một nhóm các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ đã cảnh báo với Thái tử Ả-rập Xê-út Saudi Mohammed bin Salman trong hôm 8/4 rằng các hợp tác kinh tế và quân sự giữa Hoa Kỳ với Ả-rập Xê-út sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu như Ả-rập Xê-út không cắt giảm sản lượng khai thác.

Vào tháng 4/2018, khi giá dầu thô tăng cao, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đe doạ “Ả-rập Xê-út sẽ sụp đổ trong vòng 2 tuần nếu như Hoa Kỳ rút quân” nhằm tăng áp lực buộc Ả-rập Xê-út phải tìm cách kìm hãm đà tăng của giá dầu thô.

Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lần này sẽ chỉ thành hiện thực nếu như Hoa Kỳ - quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới cùng tham gia. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Donald Trump chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào về việc cắt giảm sản lượng từ phía các doanh nghiệp nước này.

Tuy nhiên, các số liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố ngày 7/4 cho thấy việc giá dầu thô giảm thấp đã buộc các doanh nghiệp nước này điều chỉnh giảm công suất khai thác, chưa cần đến việc chính phủ áp đặt việc cắt giảm sản lượng.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)