Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước tỉnh An Giang

TS. TÔ THIỆN HIỀN (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu hệ thống hóa mới về quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) của Việt Nam trong hội nhập quốc tế; hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động chi NSNN của tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2019. Từ đó, đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN tỉnh An Giang từ nay đến năm 2025, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.      

Từ khóa: quản lý chi, ngân sách nhà nước, đẩy mạnh đổi mới, hiệu quả, tỉnh An Giang.

1. Đặt vấn đề

Trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nhà nước ta quan tâm hàng đầu về quản lý NSNN, cùng với việc chi NSNN và huy động nguồn thu NSNN phải đảm đảo, có hiệu quả, kích thích phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quản lý chi NSNN vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trước tình hình thực tế của đất nước nói chung và địa phương, trong đó có tỉnh An Giang nói riêng. Do đó, việc đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN tỉnh An Giang là cần thiết.

2. Thực trạng hoạt động quản lý chi NSNN tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2019

2.1. Chi ngân sách nhà nước

Trong giai đoạn 2017-2019, tổng chi NSNN tỉnh An Giang luôn tăng đều qua các năm, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước (Bảng 1). Cụ thể: Tổng chi NSNN năm 2017 là 16.241 tỷ đồng, đến năm 2018 là 17.748 tỷ đồng (tăng so với năm 2017: 1.507 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 9,28%) và đến năm 2019 là 19.213 tỷ đồng (tăng so với năm 2018: 1.465 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 8,25%). Số chi tăng qua các năm theo xuất phát từ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; Tỉnh An Giang đã không ngừng đổi mới công tác quản lý, điều hành chi NSNN đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả chi NSNN để tăng cường nguồn thu ngân sách của địa phương.

Bảng 1. Chi NSNN tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2019 (Tỷ đồng)Chi NSNN tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2019Nguồn: Sở Tài chính An Giang

Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành, chi tài chính của các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan đã tích cực, hiệu quả hơn. Trong đó, giai đoạn 2017-2019, chi đầu tư phát triển phù hợp với quy định của Nhà nước, kích thích kinh tế địa phương phát triển. Cụ thể: năm 2017, chi đầu tư phát triển là 2.710 tỷ đồng, năm 2018 là 4.618 tỷ đồng (tăng so với năm 2017 là 1.908 tỷ đồng, tỷ lệ tăng: 70,41%) và đến năm 2019 là 4.376 tỷ đồng (giảm so với năm 2018 là 242 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 5,24%).

2.2. Kết dư ngân sách nhà nước

Trong giai đoạn 2017-2019, tổng thu, tổng chi NSNN và kết dư NSNN có tăng và giảm qua các năm (Bảng 2). Thể hiện đảm bảo tính tích cực của quản lý NSNN tỉnh An Giang, kích thích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể: Tổng thu NSNN năm 2017 là 16.851 tỷ đồng, đến năm 2018 là 18.562 tỷ đồng (tăng so với năm 2017 là 1.711 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 10,15%). Năm 2019, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh là 19.703 tỷ đồng (tăng so với năm 2018: 1.141 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 6,15%). Tương tự, số tổng chi NSNN năm 2017 là 16.241 tỷ đồng, đến năm 2018 là 17.748 tỷ đồng (tăng so với năm 2017: 1.507 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 9,28%) và đến năm 2019 là 19.213 tỷ đồng (tăng so với năm 2018: 1.465 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 8,25%). Số kết dư năm 2017 là 610 tỷ đồng, đến năm 2018 là 814 tỷ đồng (tăng so với năm 2017 là 204 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 33,44%) và đến năm 2019 là 490 tỷ đồng (giảm so với năm 2018 là 324 tỷ đồng và đạt tỷ lệ giảm 39,80%).

Bảng 2. Kết dư NSNN tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2019 (Tỷ đồng)

Kết dư NSNN tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2019

Nguồn: Sở Tài chính An Giang

2.3. Đánh giá chung

2.3.1. Những kết quả tích cực

Trong quá trình hoạt động thu, chi NSNN tỉnh An Giang đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương trên nhiều phương diện. Cụ thể là: Góp phần ổn định mức động viên nguồn thu vào NSNN mỗi năm đều tăng, bảo đảm các chỉ tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chi NSNN từng bước được cơ cấu lại theo hướng xóa bỏ bao cấp, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tăng chi đầu tư xã hội, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp - nông thôn, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh - quốc phòng. Nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo chi NS ngày càng tiết kiệm và hiệu quả cao. Phát huy tính năng động sáng tạo của các cấp chính quyền, nhất là đối với chính quyền cấp xã. Địa phương chủ động khai thác nguồn thu để tăng thu cho ngân sách địa phương. Các cấp chính quyền ngày càng chăm lo hơn các nguồn thu từ các loại thuế, phí, lệ phí,… đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo nguồn thu chung của NSNN; Đưa chu trình quản lý NSNN vào nề nếp sau khi luật NSNN có hiệu lực; công tác lập, chấp hành và quyết toán NS đã được địa phương chấp hành nghiêm túc.

2.3.2. Một số hạn chế

Bên cạnh những thành công, công tác quản lý chi NSNN ở địa phương An Giang vẫn còn những mặt hạn chế, đó là: Việc phân cấp quản lý chi NSNN cho các cấp ở địa phương chưa xứng tầm với khả năng và điều kiện cụ thể của địa phương, còn tập trung quản lý nhiều ở NS cấp tỉnh, chưa phát huy tốt tính năng sáng tạo, tự chủ và tính chịu trách nhiệm của từng địa phương. Việc lập, quyết định, phân bổ giao dự toán chi NSNN ở địa phương phần lớn là do Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tham mưu. Điều này, dễ dẫn đến tình trạng chủ quan của cơ quan tham mưu.

Một số nguyên nhân của hạn chế đó là: Trong quyết toán chi NSNN của từng cấp, đội ngũ làm công tác chuyên môn tài chính, nhất là cán bộ cấp xã chưa có chuyên môn theo quy định, cán bộ xã thường thay đổi theo nhiệm kỳ của HĐND xã. Việc kiểm tra, thanh tra trong khi chi NSNN được cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước kiểm tra, xét duyệt khá nghiêm ngặt, quá quan tâm tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ, nhưng lại ít quan tâm đến hiệu quả của việc chi tiêu.

3. Đề xuất giải pháp

Nhằm đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN tỉnh An Giang từ nay đến năm 2025, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện phân cấp quản lý chi NSNN. Điều chỉnh phân cấp NSNN phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Nhà nước và năng lực quản lý của mỗi cấp trên địa bàn. Đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và vị trí độc lập của ngân sách địa phương trong hệ thống NSNN. Đảm bảo nguyên tắc công bằng trong phân cấp NSNN. Phân định rõ ràng nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp NS phải có căn cứ thực tiễn và có hiệu quả. Chủ động cân đối NS các cấp ở địa phương trong quá trình thực hiện quản lý NSNN, đẩy nhanh quá trình phát triển, tránh lãng phí nguồn lực, chậm mang lại hiệu quả.

Hai là, hoàn thiện cơ cấu chi NS hợp lý. An Giang cầnxây dựng cơ cấu hợp lý về chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Trong thời gian trước mắt, nên giảm tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển trong tổng chi, tăng tỷ trọng chi cho thường xuyên trong tổng chi, nhất là chi cho hoạt động sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo; nhằm tạo điều kiện nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực phục vụ tốt cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ba là, đổi mới công tác lập và quyết định dự toán chi NSNN. Hoàn thiện quy trình lập dự toán NS: Phải đảm bảo yêu cầu, căn cứ lập dự toán theo Luật định, thực hiện đầy đủ đúng trình tự xây dựng dự toán, quyết định, phân bổ, giao dự toán NSNN. Xây dựng định mức chuẩn mực làm cơ sở cho việc lập dự toán và xét duyệt dự toán phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đổi mới về quyết định dự toán chi NS: Phải dựa vào các chuẩn mực khoa học đã được xác định, nhằm đảm bảo cho dự toán chi NSNN được duyệt phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Bốn là, hoàn thiện quá trình chấp hành chi NSNN. Đặc biệt coi trọng khâu chấp hành dự toán chi dựa trên cơ sở xem xét từng dự toán được duyệt có nhu cầu chi theo yêu cầu thực tế dự kiến của năm kế hoạch để điều chỉnh tăng, giảm chi ở các quý, tháng cho phù hợp với tình hình thực tế của năm kế hoạch. Chấp hành dự toán chi NSNN qua các hình thức cấp phát kinh phí: Có sự kết hợp giữa cơ quan Tài chính các cấp đảm bảo ngân sách cấp trên quan tâm hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân sách cấp dưới. Ngược lại, ngân sách cấp dưới phải chấp hành theo hướng dẫn, chỉ đạo của ngân sách cấp trên và thông tin kịp thời cho ngân sách cấp trên. Kiểm soát chi NSNN qua kho bạc nhà nước phải chú trọng kiểm soát tính cơ bản, trọng yếu của các hồ sơ, chứng từ, thủ tục, trình tự chi đầu tư phát triển nói chung và chi XDCB nói riêng, kể cả khoản chi thường xuyên.

Năm là, hoàn thiện công tác kế toán, quyết toán NSNN. Hoàn thiện công tác kế toán: Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ kế toán tài chính các cấp, phải có trình độ chuyên môn theo quy định. Tiếp tục hoàn thiện chương trình kế toán chuyển giao của Bộ Tài chính và kết nối thông suốt và vận hành mạng nội bộ của ngành. Công tác quyết toán NSNN: Phải thực sự quan tâm khâu phân tích số liệu, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND các cấp và rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc quản lý và điều hành chi NSNN ở địa phương cho những năm tiếp theo.

Sáu là, đổi mới công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong quản lý chi NSNN. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc lập dự toán thu, chi NSNN: Cần quan tâm những khâu trọng yếu, đó là: Hướng dẫn và thông báo kiểm tra về dự toán ngân sách phải thật cụ thể và khâu xét duyệt dự toán phải thực sự thận trọng, khách quan, thậm chí phải trao đổi, thảo luận với đơn vị để làm sáng tỏ các nhu cầu trong dự toán, phục vụ tốt cho việc xét duyệt dự toán  cho đơn vị thụ hưởng NSNN; Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước phải quan tâm kiểm tra theo dự toán được duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành, tính hợp pháp, hợp lệ các chứng từ, đặc biệt quan tâm đến hiệu quả việc chi tiêu NSNN.

Bảy là, khen thưởng và xử lý vi phạm trong quản lý chi NSNN. Công tác khen thưởng và xử lý vi phạm trong trong quản lý chi NSNN luôn được quan tâm, để nhằm củng cố và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người quản lý, điều hành và sử dụng NSNN, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý NSNN ở địa phương. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tính pháp luật, quy định, nghiệp vụ chuyên môn về chi NSNN cho đơn vị, cá nhân nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

4. Kết luận

Trong giai đoạn 2017-2019, hoạt động chi NSNN tỉnh An Giang đã không ngừng phát triển quản lý NSNN của địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Với những giải pháp nêu trên sẽ góp phần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN tỉnh An Giang trong hiện nay đến năm 2025, phục vụ cho việc quản lý, điều hành NSNN ở An Giang được tốt hơn, chặt chẽ và hiệu quả hơn, góp phần tích cực thực hiện thành công quản lý tài chính ngân sách nhà nước của địa phương và đất nước cùng xu hướng hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Luật số 83/2015/QH13: Luật Ngân sách Nhà nước, ngày 25 tháng 6 năm 2015.
  2. Chính phủ (2016), Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước.
  3. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách.
  4. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo, và tổng hợp quyết toán năm.
  5. Bộ Tài chính (2020), Thông tư số 109/2020/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2021.
  6. Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang (2020), Kế hoạch số 01-KH/TU ngày 23 tháng 10 năm 2020 về tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
  7. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang (2021), Kế hoạch số 104/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2021 về ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh An Giang.
  8. Sở Tài chính An Giang, Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh An Giang năm 2017, 2018, 2019.

PROMOTING THE INNOVATION AND ENHANCING

THE EFFICIENCY OF AN GIANG PROVINCE’S STATE BUDGET

EXPENDITURE MANAGEMENT

• Ph.D. TO THIEN HIEN

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

This paper studies the new systematization of state budget management in Vietnam in the context of the country’s international integration process by analyzing An Giang Province’s socio-economic development and the provincial state budget expenditure management in the period from 2017 to 2019. Based on the paper’s findings, a number of solutions are proposed to promote the innovatioon and enhance the efficiency of An Giang Province’s state budget expenditure management from now to 2025, contributing to the local socio-economic development and the country’s growth.

Keywords: expenditure management, State budget, promoting innovation, efficiency, An Giang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]