Dệt may thuộc nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại
Dệt may thuộc nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam từng vướng các vụ  kiện phòng vệ thương mại

 

Công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam.

Do vậy, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã có những tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao vai trò, vị thế của ngành công nghiệp hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã triển khai thành lập 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Kết quả là những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo, doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT còn nhiều hạn chế: số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam: nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu (mà việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây), khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.

Qua các năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP, giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác. Số liệu của OECD cũng cho thấy, 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể (2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng dệt may và hàng điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt là hơn 50% và hơn 37%).

Thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn tiếp tác động bất lợi khiến doanh nghiệp trong nước rơi vào tầm ngắm của nguyên đơn nước ngoài trong các vụ kiện lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Theo quy định, nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư mà trong nước không có, phải nhập khẩu từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chiếm đến 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất, lắp ráp hàng hóa tại nước ta, nếu xuất khẩu có thể coi là hành vi lẩn trốn biện pháp thương mại, dễ bị điều tra, áp dụng thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Theo phương pháp tính toán khác, nếu giá trị do hoạt động lắp ráp, hoàn thiện thấp hơn 25% (hai mươi lăm phần trăm) chi phí của sản phẩm đã lắp ráp, hoàn thiện hoặc hoàn chỉnh tại Việt Nam, khi xuất khẩu (sang Hoa Kỳ chẳng hạn) có thể coi là hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại, nếu hàng hóa đó tương tự với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Vì vậy, bên cạnh việc rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển, cần phát triển thị trường cho CNHT, trong đó có phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn. Các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

Do năng lực các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn thấp, hàm lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trong nước chưa cao, vì vậy, trước tiên cần bảo đảm quy mô thị trường nội địa để phát triển công nghiệp trước khi hướng đến các thị trường xuất khẩu. Từ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc với kinh phí hỗ trợ hàng trăm triệu USD cho ngành công nghiệp và CNHT, với thực trạng năng lực còn rất hạn chế của các doanh nghiệp công nghiệp cũng như doanh nghiệp CNHT đặc biệt có 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất Việt Nam cần phải dành nguồn lực đáng kể tương tự cho ngành công nghiệp và CNHT. Cụ thể:

- Bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành ít nhất 3 Trung tâm hỗ trợ phát triển CNHT tại 3 miền cho các ngành CNHT ưu tiên phát triển; đóng vai trò là các Trung tâm kỹ thuật, máy móc dùng chung, cung cấp các dịch vụ chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp CNHT và các dịch vụ cải tiến doanh nghiệp.

- Bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ để triền khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trong nước.

- Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng, đầu tư các nguồn lực trên địa bàn trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đó. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách CNHT đến các doanh nghiệp trên địa bàn để doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ với các chính sách của nhà nước.

- Xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và CNHT có thời hạn đến năm 2025.

Khi ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là các ngành công nghiệp hạ nguồn phát triển đủ mạnh, đủ sức hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ nước ta gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, sẽ hạn chế được các vụ kiện lẩn tránh phòng vệ thương mại.