Ngày 14/12, Tạp chí Công Thương phối hợp với Cục Hóa chất, Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Nâng cao nhận thức trong xã hội về nguy cơ, sự cố hóa chất, tác hại và biện pháp phòng tránh”.

Tham gia Tọa đàm có 3 vị khách mời, gồm: Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương; ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội; ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Hoạt động liên quan đến hóa chất tại các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố hóa chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người, tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, xu hướng phát triển bền vững đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa các sự cố hóa chất, tránh rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đây cũng chính là một trong những giải pháp góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhìn nhận thực trạng này và ban hành hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ về quản lý hóa chất cũng như phòng chống nguy cơ, sự cố hóa chất. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để.

Nguy cơ sự cố hóa chất và thực trạng phòng ngừa, ứng phó

Theo thống kê, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam đang tập trung tại các nhà máy của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Bên cạnh các sản phẩm có thể dễ nhận thấy trong một số lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bảo vệ thực vật, hóa chất, tiêu dùng, hóa chất còn tham gia nhiều vào quá trình sản xuất, chế tạo của nhiều ngành kinh tế.

Với đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính oxy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp, tính độc hại đến môi trường nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, nổ cháy, nổ rất nguy hiểm.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, nhiều loại hóa chất khác nhau, tiềm ẩn những mức độ nguy cơ sự cố hóa chất khác nhau. Sự cố đơn giản nhất là vương vãi hóa chất. Đối với một số loại hóa chất có tính độc hại, tính khuếch tán, phát tán lớn thì việc vương vãi hóa chất hết sức nguy hiểm, đặc biệt đối với hóa chất có thể tác động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường gây ngộ độc cấp tính hoặc là mãn tính, đấy là một trong những sự cố hóa chất thường gặp nhất và đơn giản nhất. Loại hình thứ hai là sự cố hóa chất có tính chất nguy hiểm hơn như nổ hoặc sự cố xì, rò dẫn đến nổ. Loại sự cố thứ ba phức tạp hơn, hết sức nguy hiểm là sự cố có thể dẫn đến vừa nổ, vừa cháy. Trên thế giới từng xảy ra rất nhiều trường hợp sự cố hóa chất có cả 3 hiện tượng đó: vương vãi, cháy và cháy sinh ra nổ.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hóa chất của nước ta đã được ban hành tương đối đầy đủ với Luật Hóa chất và các quy định pháp luật liên quan đã tạo hành lang pháp lý doanh nghiệp hoạt động liên quan đến hóa chất phải tự chịu trách nhiệm thực thi. Trong đó, Luật Hóa chất đã quy định hoạt động hóa chất là một trong những hoạt động có điều kiện và phải đảm bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn cho con người và đảm bảo về môi trường. 

Đặc biệt, để ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn, theo ông Thanh, các quy định pháp luật đã phân định rõ những hóa chất có thể gây cháy, nổ có những yêu cầu cao hơn, nghiêm ngặt hơn. Với những hóa chất có tính phát tán mạnh, chúng ta cũng có những biện pháp kỹ thuật để phòng tránh và những biện pháp quản lý kỹ thuật để hoạt động hóa chất được an toàn.

Về phía các đơn vị lưu trữ và sử dụng hóa chất, nhiều doanh nghiệp đã có ý thức trang bị đầy đủ kiến thức và nắm rõ tính chất nguy hiểm, phương pháp bảo quản, bảo đảm an toàn hóa chất và giảm thiểu rủi ro. Tại nhiều cơ sở sản xuất, tính chuyên nghiệp đã được đề cao trong mọi khâu giám sát chặt chẽ mọi hóa chất nguy hiểm; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động, bố trí đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, lắp đặt các hệ thống xử lý, vận hành đúng chế độ, bảo đảm các quy định về nước thải, khí thải, chất thải rắn…

Tuy nhiên vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, thụ động chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra. Một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó chưa đầy đủ. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở sản xuất, sắp xếp hóa chất trong kho chưa đảm bảo an toàn theo đúng các quy định hiện hành.

c. Vỵ
Biên tập viên Nguyên Vỵ

Trong thời gian qua, Cục Hóa chất - Bộ Công Thương và các lực lượng chức năng đã có những đợt thanh tra, kiểm tra phát hiện những tồn tại trong việc hoạt động quản lý hóa chất. Hàng trăm cuộc kiểm tra được các cơ quan chức năng thực hiện với các hình thức khác nhau và xử phạt vi phạm hành chính. Hàng tỷ đồng, xử phạt do các lực lượng chức năng kiểm tra và xử phạt liên quan đến sự cố hóa chất.

Để giải quyết được vấn đề này rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương, từ doanh nghiệp tới người dân trong việc nâng cao nhận thức về nguy cơ do sự cố hóa chất và các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Nâng cao ý thức và sự chủ động ứng phó của các doanh nghiệp, địa phương

Hóa chất hiện diện ở khắp nơi, đặc tính hầu hết là nguy hiểm. Do vậy cần phải có các giải pháp kỹ thuật để quản lý và phòng ngừa tác hại của hóa chất trong quá trình hoạt động hóa chất. Trên cơ sở Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn của pháp luật về quản lý hóa chất, chúng ta đã đề xuất và ban hành nhiều quy định, trong đó một trong những quy định quan trọng là quy định về phòng ngừa và ứng phó sự hóa chất.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, cho đến nay chúng ta đã thực hiện được các quy định pháp luật về phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra sự cố hóa chất được 13 năm. Những quy định này rất hữu dụng đối với các doanh nghiệp cũng như đối với cơ quan nhà nước; cùng với đó là việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại tiềm tàng của hóa chất trong hoạt động hóa chất cũng như là sinh sống gần các khu công nghiệp có hoạt động hóa chất.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chúng ta vẫn cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm thực thi quy định về quản lý hóa chất trong hoạt động hóa chất để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường hơn nữa.

ô. Thanh
Khách mời: Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất - Bộ Công Thương

Đồng quan điểm với ông Thanh, các khách mời tham gia Tọa đàm cho rằng, bên cạnh những quy định của pháp luật thì việc nâng cao ý thức và chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, dự báo các nguy cơ gây ra sự cố và tình huống xảy ra sự cố, từ đó triển khai huấn luyện diễn tập hiệu quả để nâng cao năng lực ứng cứu là giải pháp hữu hiệu giúp các địa phương và doanh nghiệp phòng tránh, giảm thiểu sự cố hóa chất.

Là một trong những doanh nghiệp có sự chủ động trong phòng tránh, ứng phó với nguy cơ sự cố hóa chất, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết: Trong quá trình sản xuất Công ty phải lưu trữ và sử dụng rất nhiều hóa chất, trong đó có một số sản phẩm hóa chất độc hại, không nguy hiểm như lưu huỳnh, amiac, axit sulfuric… để phục vụ cho sản xuất sản phẩm của công ty. Những hóa chất này nếu rò rỉ ra bên ngoài nó sẽ gây độc hại, rất nguy hiểm với con người và môi trường. Để làm tốt việc quản lý, ứng phó thì ngoài việc thực hiện các quy định của Luật hóa chất, Công ty cũng phải thực hiện nghiêm túc Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Phòng cháy, chữa cháy bởi nếu rò rỉ hóa chất ra bao giờ cũng sẽ kèm theo cháy nổ.

Theo quy định của Luật Hóa chất, chủ thể lưu trữ, sử dụng hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa cụ thể cho doanh nghiệp. Đối với Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, sau khi có Luật Hóa chất, Công ty đã xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất và đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Hằng năm Công ty căn cứ vào kế hoạch đó để tổ chức diễn tập, xây dựng tình huống giả định theo kế hoạch, thực hiện diễn tập để người lao động thực hành những diễn biến có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, Công ty còn tổ chức diễn tập định kỳ 01 lần/năm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra cháy theo quy định Luật Phòng cháy, chữa cháy. Đối với việc thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động, Công ty thường xuyên tổ chức huấn luyện, tập huấn công tác an toàn hóa chất, an toàn vệ sinh lao động, an toàn trong phòng cháy, chữa cháy cho người lao động. Qua đó giúp người lao động nhận thức và có các kỹ năng ứng phó với các tình huống mất an toàn có thể xảy ra tại doanh nghiệp, nơi sản xuất.

ô. Dũng
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc

Từ góc độ địa phương, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Hà Nội có dân số đông, quy mô diện tích rộng, số lượng cơ sở sản xuất nhiều, tập trung tại 8 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, rất nhiều làng nghề và nhiều cơ sở kinh doanh hóa chất trong nội thành. Hoạt động hóa chất trên địa bàn thành phố diễn ra trên quy mô rộng và sâu ở cả ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,  buôn bán, thậm chí còn có các vị trí làm kho trung chuyển từ các tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội.

Ý thức được điều đó nên sau khi có Luật hóa chất và hướng dẫn từ các nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Công Thương, Hà Nội đã triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình từng năm để thực hiện tốt nhất về phòng ngừa, ứng phó với các sự cố hóa chất. Từ đó đưa ra được những kịch bản để các cơ quan chuyên môn, lực lượng  chuyên trách nắm bắt và ứng phó với từng tình huống sự cố hóa chất một cách chủ động khi thực tế xảy ra.

Khi xảy ra một số sự hóa chất lớn như sự cố tại Nhà máy hóa chất Đức Giang hoặc sự cố mà hỏa hoạn ở Nhà máy Bóng đèn - phích nước Rạng Đông gây thất thoát lượng lớn chất thủy ngân, Thành phố đã khẩn trương tập trung nguồn lực xử lý hậu quả của những sự cố đó để đảm bảo an toàn tốt nhất cho môi trường cũng như cuộc sống người dân lân cận khu vực xảy ra sự cố và trên toàn địa bàn Thủ đô.

Rút kinh nghiệm những sự cố đó, năm 2020 Thành phố tăng cường triển khai những đợt diễn tập về ứng phó sự cố hóa chất ở các khu công nghiệp. Hiện Sở Công Thương Thành phố đang xây dựng một kế hoạch tổng thể phòng ngừa, ứng phó với tất cả các loại sự cố chất trên địa bàn thành phố, chủ động chuẩn bị các giải pháp bài bản, đầy đủ nhằm giúp các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng như lực lượng chức năng kịp thời ứng phó với các sự cố có thể xảy ra.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, trách nhiệm của doanh nghiệp là rất lớn trong việc phòng ngừa và xử lý sự cố hóa chất. Trước hết doanh nghiệp phải nhận thức và có chiến lược lâu dài để đảm bảo an toàn theo như tinh thần của khẩu hiệu “An toàn là số một”, bởi an toàn đồng hành với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt, người đứng đầu doanh nghiệp phải là người có nhận thức cao nhất trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp về an toàn hóa chất và đảm bảo sức khỏe, môi trường.

Mặt khác, theo ông Thanh, vai trò của cộng đồng cũng hết sức quan trọng, là một trong những nhân tố tác động để doanh nghiệp thực hiện những giải pháp kỹ thuật và quản lý làm sao tốt nhất cho đảm bảo môi trường, an toàn con người. 

Phương hướng và một số đề xuất, giải pháp trong thời gian tới

Cho rằng hóa chất là một trong những ngành có hệ thống quy định pháp luật tương đối đầy đủ từ luật, các nghị định, thông tư hướng dẫn cho đến những quy định về triển khai phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, giữa trung ương và địa phương, tuy nhiên, theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cơ quan nhà nước vẫn cần tiếp tục xem xét, điều chỉnh một số quy định chưa thực sự nhuần nhuyễn để đảm bảo tính hợp lý trong thực hiện, đặc biệt tại các địa phương.

Đơn cử về thực tiễn trong quản lý hóa chất tại Hà Nội, ông Thắng cho biết: Thành phố hiện có Sở chỉ huy ứng phó sự cố hóa chất nhưng chức năng quản lý của các sở, ngành thực hiện theo quy định của các bộ chủ quản, do đó chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, phân công rõ ràng, cụ thể về vai trò chủ trì hay phối hợp thực hiện giữa từng sở, ngành.

Do đó thời gian tới, để việc chủ động ứng phó với nguy cơ sự cố hóa chất tại các địa phương hiệu quả hơn, cần xem xét đến việc phân định tham gia và sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan chức năng, đặc biệt cần phải có cơ quan đầu mối, chủ trì ở cấp địa phương trong thực hiện công tác này. 

Mặt khác, theo ông Thắng, trong xu hướng chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp tình hình mới, cần có sự phân cấp trong quản lý hóa chất và ứng phó với sự cố hóa chất giữa cơ quan quản lý nhà nước theo từng cấp trung ương - tỉnh, thành phố - các quận, huyện theo hướng tốn ít chi phí, lao động nhất và mang lại lợi ích cho số đông nhiều nhất. Đồng thời có sự thay đổi về cơ chế chính sách để doanh nghiệp tham gia thực hiện những khâu phù hợp.

Riêng đối với Hà Nội, ông Thắng cho biết: Năm 2022, Thành phố sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất, phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý của từng cấp từ Thành phố, các Sở, ngành đến quận, huyện trong việc quản lý các loại hóa chất lưu trữ, sử dụng trên địa bàn. Trong những năm tiếp theo, mục tiêu là đưa hoạt động quản lý hóa chất của Thành phố theo hướng thực chất hơn, chuyên sâu hơn và ngăn ngừa được các sự cố hóa chất có thể xảy ra. Đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức về sản xuất hóa chất, an toàn hóa chất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ.

ô. Thắng
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, yếu tố mấu chốt giúp giảm thiểu các sự cố hóa chất có thể xảy ra tại doanh nghiệp chính là công nghệ trong lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất. Hiện nay các lĩnh vực công nghệ đang phát triển rất mạnh. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trung ương và địa phương tổ chức cuộc hội thảo, tọa đàm về các công nghệ tiên tiến, xu hướng đổi mới trong quản lý, sử dụng hóa chất để các doanh nghiệp cập nhật và nâng cấp chương trình, kế hoạch ứng phó.

Mặt khác, không thể loại bỏ hết hóa chất trong quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, phát triển sẽ có những loại hóa chất ít độc hại hơn. Do vậy các cơ quan nhà nước cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin về việc ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại hơn giúp định hướng doanh nghiệp kịp thời thay thế trong sử dụng để có thể an toàn, thân thiện hơn trong sản xuất.

Từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: Sau 13 năm thực thi, Luật Hóa chất đã phát huy hiệu quả nhất định, hệ thống pháp luật về hóa chất dần dần được hoàn thiện. Trong quá trình thực thi, các quy định thường xuyên được rà soát. Khoảng 2 năm thì các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật và các quy chuẩn, tiêu chuẩn được sửa đổi cập nhật theo những diễn biến mới của thị trường để hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện hiệu quả nhất, thiết thực nhất. Nhiều quy định của Luật Hóa chất đến nay vẫn có giá trị trong thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, cho đến bây giờ thì Luật cũng đã bộc lộ một số điểm bất hợp lý, không còn phù hợp với diễn biến thực tiễn trên thị trường và các thông lệ quốc tế, do đó cần có những thay đổi, bổ sung các quy định về quản lý hóa chất.

Ông Thanh chia sẻ: Trong năm 2021 Cục Hóa chất đã rà soát về cơ bản những quy định pháp luật về quản lý hóa chất: quy định nào nên giữ lại, quy định nào nên đổi mới, cải tiến, bổ sung; dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật năm 2023 - 2024.

Tuy nhiên, việc sửa đổi một bộ luật là khối lượng công việc khổng lồ và phải đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ. Qua tập hợp ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, Cục Hóa chất – Bộ Công Thương sẽ tập hợp, đề xuất những quy định pháp luật làm sao cho thiết thực nhất, khả thi nhất khi thực hiện.

Bên cạnh việc rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hóa chất, Cục Hóa chất cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình quản lý, sử dụng hóa chất.

Thực tế những năm qua cho thấy, hoạt động kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý, sử dụng các loại hóa chất tại các doanh nghiệp và việc kinh doanh buôn bán hóa chất tại các địa phương là một trong những giải pháp hiệu quả giúp nâng cao sự phòng ngừa, hạn chế những rủi ro hóa chất.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, các địa phương vẫn gặp khó khăn lớn về vấn đề nhân lực, nguồn lực để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hóa chất cũng như hoạt động phân cấp quản lý, ứng phó sự cố hóa chất tại các địa phương.

Theo ông Thanh, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 52.000 loại hóa chất đang lưu hành, sử dụng, chưa kể các loại hóa chất này kết hợp với nhau thành những loại hóa chất hỗn hợp trong khi công tác quản lý hóa chất rất phức tạp, cần phải có trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Do đó, trong quá trình tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất, Cục Hóa chất đang đề xuất xây dựng một mạng lưới tư vấn kỹ thuật hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý hóa chất tốt nhất, hỗ trợ các cơ quan quản lý kiểm tra và thực thi các quy định pháp luật quản lý hóa chất làm sao tốt nhất.

tọa đàm hóa chất
Các khách mời đề xuất một số giải pháp nâng cao ý thức và chủ động ứng phó nguy cơ sự cố hóa chất

Những thảo luận, chia sẻ của các khách mời tại Tọa đàm cho thấy, có rất nhiều việc phải làm để phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất. Tuy nhiên việc nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội cũng như sự chủ động ứng phó của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp là rất quan trọng, góp phần phòng tránh, ngăn ngừa được nhiều nhất các nguy cơ sự cố hóa chất có thể xảy ra, đồng thời hạn chế tối đa thiệt hại nếu xảy ra sự cố hóa chất, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường, đời sống xã hội.