Đến Sóc Trăng nhất định phải thử bánh Cóng

Đến với vùng đất Sóc Trăng, bạn sẽ được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng như vú sữa tím Đại Tâm, bưởi năm roi Kế Thành, cá bống sao Cù Lao Dung, khô trâu Thạnh Trị, lạp xưởng Vũng Thơm và không thể không thưởng thức món bánh có cái tên vô cùng đặc biệt: bánh Cóng.

Bánh ban đầu có tên là bánh Sển hoặc Sài Cá Nại (là tiếng Khmer), tuy nhiên vì tên không dễ nhớ nên được gọi là bánh Cóng cũng là để chỉ hình thức bánh được đổ vào Cóng. Tên bánh ngồ ngộ mà dụng cụ làm bánh là chiếc Cóng cũng ngộ không kém. Chiếc Cóng có dáng tựa như phin cà phê  được làm từ nhôm, hình tròn, đường kính chừng 5 cm cao khoảng 4cm, có tay cầm dài như vá múc canh để cầm cho người chiên bánh đỡ nóng.

Bánh cóng
Chiếc cóng nhôm này đã tạo ra những chiếc bánh Cóng nổi tiếng ở Sóc Trăng

Nguyên liệu làm ra chiếc bánh cóng bao gồm bột gạo, đậu nành, đậu xanh, tôm, thịt heo, hành tím Vĩnh Châu cùng các loại gia vị. Dù khá đơn giản về mặt nguyên liệu nhưng để làm ra được chiếc bánh cống ngon, đòi hỏi người làm bánh phải vô cùng cẩn thận trong khâu lựa chọn và sơ chế. Gạo làm bánh nhất định phải là gạo tẻ ngon và hơn hết là được ngâm qua trọn 2 đêm rồi mới đem xay để lấy phần bột. Còn nhân bánh được tạo thành từ hỗn hợp của tôm thẻ tươi rói đã được hấp cách thủy trước đó, những miếng thịt nạc mang đi xay mịn và cuối cùng là đậu xanh được đồ chín tới nhưng vẫn còn giữ nguyên hạt.

Đậu nành
Đậu nành là một trong những nguyên liệu để làm bánh Cóng

Theo kinh nghiệm của những người làm bánh cống chuyên nghiệp thì khi xào thịt heo nên trộn thêm một chút hành tím trồng ở ven biển thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng, băm thật nhỏ để mùi thơm của hành hòa quyện vào cả chiếc bánh sau khi chiên. Đây cũng chính là bí quyết giúp bánh có mùi vị thơm ngon đặc trưng từ vỏ đến nhân.

Đậu xanh
Đậu xanh để nguyên vỏ đồ chín

Sau khi cho các nguyên liệu là hỗn hợp bột, đậu xanh, thịt xào rồi phủ thêm một lớp bột nữa vào cống, người làm bánh xếp thêm một, hai con tôm lên mặt rồi nhúng chiếc cóng vào chảo dầu đang sôi trong khoảng chừng 2-3 phút cho đến khi bánh chín và tự tuột dần ra khỏi cống. Lúc này người bán chỉ cần vớt bánh ra và để ráo dầu.

Tôm
Trên mặt bánh Cóng người ta xếp vài con tôm 

Những chiếc bánh cóng chiên vàng, ăn giòn tan, thơm ngậy mùi mỡ và ngọt lừ vị tôm tươi hòa quyện vào nhau tạo thành món ăn đặc sản truyền thống lừng danh đất Sóc Trăng.

Người chiên bánh Cóng thường được thực khách ví cho là "kiện tướng" về sự khéo léo và nhanh nhẹn. Bởi họ luôn phải tay múc bột, chiên bánh vớt ra, cứ thế làm không ngừng nghỉ.

Bánh Cóng vớt ra khỏi chảo dầu có màu vàng hơi sậm, trên bề mặt bánh là một con tôm nằm khoanh tròn tỏa mùi thơm cực kỳ hấp dẫn.  Khi thưởng thức, bột bánh giòn tan lan tỏa trong miệng, mùi vị thơm nức, vị beo béo của đậu nành, vị bùi bùi của đậu xanh và vị ngậy của thịt heo băm nhuyễn khiến ai đã ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên.

Bánh cóng
Chiếc cóng đã được đổ đầy bột và nhân sẽ được nhúng vào chảo dầu đang sôi trong khoảng chừng 2-3 phút

Tuy chỉ là một món ăn vặt nhưng toàn bộ quy trình làm bánh đều đòi hỏi phải tinh tế và khéo léo, từ khâu chọn gạo xay bột, hòa với đậu xanh và nước thế nào cho đủ, pha nước chấm sao cho vừa ý khách. Bánh chiên phải có độ giòn xốp chứ không cứng, ăn vào phải đủ vị béo bùi của bột gạo, đậu xanh, tôm thịt… nhưng lại không quá ngấy.

Bánh cóng
Những chiếc bánh Cóng vàng ươm béo ngậy

Bánh Cóng nhìn có vẻ hơi ngấy bởi dầu mỡ nhưng lại được đánh giá là món ăn cân đối dinh dưỡng vì được ăn kèm với các loại rau sống như xà lách, rau rơm, vài lá bắp cải sống, húng lủi, diếp cá và nước mắm chua ngọt nên vị ngon của chiếc bánh đã được phát huy hết.

Bánh Cóng
Vị bùi của đậu xanh, vị béo ngậy của đậu nành và thịt cùng vị ngọt của tôm tươi khiến ai đã thưởng thức bánh Cóng một lần sẽ không bao giờ quên

Ở Sóc Trăng có nhiều nơi bán bánh Cóng, tuy nhiên muốn thưởng thức loại bánh cống ngon nhất thì phải tìm đến chợ ven lộ khu vực Đại Tâm, Mỹ Xuyên và theo quốc lộ 1 từ cầu Bưng Cốc đến chợ Đại Tâm.

Nguyên Vy t/h