Đi tìm lời giải cho bài toán xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc

Đứng trước việc Trung Quốc gia tăng kiểm soát chất lượng với hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp Việt đang gặp khó khi chưa tìm được giải pháp để định vị lại đúng thị trường "mới" này.

Nhằm rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng tổ chức lại sản xuất, xuất khẩu đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc, chiều 13/9/2019, liên Bộ Công Thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Hội nghị phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc và phát triển xuất khẩu nông thủy sản bền vững sang thị trường này thời gian tới.

Trung Quốc - đất nước “đa thị trường” tiềm năng

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.

Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê... đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.

Gỗ vào cao su là những mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc
Gỗ vào cao su là những mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể.

Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người), Hà Bắc (71,8 triệu người), Giang Tô (75,6 triệu người), Hồ Nam (65,6 triệu người)...

Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.

Có thể thấy rằng, hàng hóa nông thủy sản của ta vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.

Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm 2019, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, giá của nhiều mặt hàng giảm sau khi đã đạt mức cao trong các năm 2017 - 2018.

Kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.

Để có định hướng đúng hơn về thị trường Trung Quốc “mới”

Thực tế, từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu.

Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường như đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn…

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin về quy định của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông thủy sản nhập khẩu tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu liên quan.

Trung Quốc thắt chặt yêu cầu đối với nông thủy sản nhập khẩu
Trung Quốc hiện đang thắt chặt yêu cầu đối với nông thủy sản nhập khẩu

Mặc dù vậy, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của Trung Quốc.

Trong bối cảnh nêu trên, Hội nghị phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc sẽ là diễn đàn trao đổi về tình hình sản xuất, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua; đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc; nhận định tiềm năng, cơ hội của thị trường Trung Quốc đối với nông thủy sản.

Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền về các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc (kiểm dịch động thực vật, quản lý an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói, nhãn mác...) tới các địa phương nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu để nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường.

Các Bộ ngành và doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách gỡ khó cho xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc
Các Bộ ngành và doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách gỡ khó cho xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc

Hội nghị có quy mô gần 500 đại biểu sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì. Cùng tham dự và đồng chủ trì Hội nghị là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Hai Bộ trưởng sẽ trực tiếp điều hành và trao đổi, giải đáp các vấn đề mà đại biểu tham dự quan tâm trong bối cảnh hiện nay, liên quan đến tiềm năng, cơ hội đối với thị trường Trung Quốc, công tác mở cửa thị trường về thương mại và kỹ thuật; khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức sản xuất, xuất khẩu hoặc trong việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chất lượng, quy cách đóng gói); cũng như cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan và tổ chức liên quan (Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp) để định hướng tổ chức lại công tác sản xuất, xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hiện nay.

Thy Thảo