Dịch vụ công trực tuyến về đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

TS. LÊ HUY CHÍNH (Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hồng Đức) - THS. QUÁCH VĂN TRUNG (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu dịch vụ công trực tuyến về đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, đây là dịch vụ công đang được tập trung triển khai như bước đột phá nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sử dụng hệ thống gồm 9 chỉ số (CS) theo Thông tư số 01/2018-VPCP do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 23/11/2018, kết quả nghiên cứu cho thấy nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức, thái độ phục vụ của cán bộ công chức và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của hệ thống dịch vụ công trực tuyến là những hoạt động cấp thiết tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.

Từ khóa: dịch vụ công trực tuyến về đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.

1. Đặt vấn đề

Sở Kế hoạch và Đầu tư (SKH&ĐT) tỉnh Thanh Hóa là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa, tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, trong đó có tổ chức cung ứng các dịch vụ công về đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo tinh thần của Nghị quyết số 30C/NQ-CP ngày 8/11/2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 với 1 trong 3 trọng tâm của Chương trình là nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với một trong các khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” [1], trong thời gian gần đây, SKH&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã có sự đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống internet nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói chung và dịch vụ công trực tuyến về đăng ký doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) này được triển khai thực hiện trong thời gian chưa dài. Do vậy, cần phải có khảo sát, đánh giá lại nhằm tìm ra những hạn chế, thiếu sót để điều chỉnh nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn, góp phần vào phát triển doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

2. Phương pháp nghiên cứu

SKH&ĐT tỉnh Thanh Hóa giải quyết các thủ tục hành chính thông qua Cổng tích hợp thông tin về DVCTT qua các hoạt động Đăng ký kinh doanh, Đăng ký đầu tư và Đấu thầu qua mạng. Trên thực tế, đối với hoạt động đăng ký đầu tư mới được triển khai, việc thực hiện các thủ tục hành chính công rất ít và được phân chia cho cả Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Ngoài ra, hoạt động đấu thầu qua mạng hầu như không phát sinh nghiệp vụ. Vì vậy, đánh giá DVCTT về đăng ký doanh nghiệp được xem như đại diện cho đánh giá DVCTT và được thực hiện thông qua đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Đánh giá việc giải quyết TTHC trong nghiên cứu này được thực hiện thông qua 9 chỉ số (CS) theo Thông tư số 01/2018-VPCP do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 23/11/2018, hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC [2]. Nội dung 9 CS thể hiện tại Bảng 1.

Bảng 1. Hệ thống chỉ số đánh giá giải quyết thủ tục hành chính

TT

Chỉ số

Nội dung

1

CS1

Tổng thời gian giải quyết TTHC so với thời gian cho phép theo quy định của pháp luật.

2

CS2

Thời gian thực hiện của từng cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết (kể cả đơn vị phối hợp) so với quy định.

3

CS3

Số lần phải liên hệ với nơi tiếp nhận hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ TTHC (kể cả liên hệ theo hình thức trực tuyến).

4

CS4

Số lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải liên hệ để hoàn thiện hồ sơ TTHC (kể cả liên hệ theo hình thức trực tuyến)

5

CS5

Thực hiện tổ chức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa

6

CS6

Công khai các TTHC

7

CS7

Thái độ của cán bộ, công chức, viên chức khi hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC

8

CS8

Tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.

9

CS9

Tiến độ và chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền

Nguồn: Thông tư số 01/2018/TT-VPCP

Chín CS này được đánh giá với thang điểm là 0, 1 hoặc 2 với những tiêu chí cụ thể, là căn cứ tính toán điểm về giải quyết TTHC của SKH&ĐT.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng phát triển doanh nghiệp

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa có 14.725 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, là địa phương đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và xếp thứ 7 cả nước (sau các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng), với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt khoảng 118.607 tỷ đồng.

Hình 1 cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký sau năm 2016 có sự gia tăng mạnh và ổn định. Nguyên nhân của sự gia tăng này có thể kể đến hiệu ứng “Năm quốc gia khởi nghiệp” do Chính phủ phát động vào năm 2016 với những chính sách kèm theo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động. Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành cũng được đánh giá đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 26.437 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng vốn điều lệ đăng ký ước đạt 164,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 17.285 doanh nghiệp đang hoạt động.

3.2. Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ công trực tuyến

SKH&ĐT tỉnh Thanh Hóa thực hiện 65 TTHC về ĐKDN, đạt tỷ lệ 100% danh mục do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng gia tăng không ngừng, đặc biệt là năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng gia tăng đột biến.

Bảng 2 thể hiện tình hình hồ sơ đăng ký doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Thanh Hóa, cho thấy số lượng hồ sơ ĐKDN trực tuyến trong giai đoạn này tăng lên về cả số tuyệt đối và số tương đối, từ 1.012 hồ sơ (tương ứng với 0,92% năm 2016 lên 12.665 hồ sơ (chiếm 67,45%) năm 2020. Số lượng ĐKDN trực tuyến gia tăng nhanh cũng thể hiện qua vị trí của tỉnh so với cả nước được cải thiện với xu hướng tích cực, từ vị trí số 38 năm 2016 đã tăng thứ bậc trong 2 năm liên tiếp và tuy giảm nhẹ năm 2019, nhưng xu hướng tăng thứ bậc lại duy trì ở năm 2020 với vị trí số 16 trên cả nước.

3.3. Đánh giá dịch vụ công trực tuyến về đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa

Như đã đề cập ở phần trên, đánh giá DVCTT về ĐKDN tại SKH&ĐT được phản ánh thông qua đánh giá việc giải quyết TTHC của Sở. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên số phiếu thu thập trong khoảng thời gian 3 năm, từ năm 2019 đến năm 2021, theo các tiêu chí phản ánh tại Bảng 3. kết quả được tổng hợp tại Bảng.

Năm 2019, việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC chỉ thực hiện được đối với 8/9 CS (CS2 chưa thực hiện đánh giá do chưa đảm bảo hạ tầng công nghệ), SKH&ĐT được đánh giá là đơn vị xếp loại xuất sắc trong giải quyết các TTHC, được xếp hạng 3/16 đơn vị được đánh giá xếp hạng trong toàn tỉnh. Năm 2020 và năm 2021, việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC được thực hiện trên tất cả 9 chỉ số đánh giá. Theo đó, SKH&ĐT vẫn được đánh giá đạt loại xuất sắc, tuy nhiên vị trí xếp hạng so với các đơn vị khác trong tỉnh đã giảm xuống.

Phân tích theo từng CS ta thấy các CS3, CS4, CS6, CS8 đều đạt giá trị là 2 trong 3 năm phân tích. Điều này thể hiện rằng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ, nhận giấy hẹn và đúng hẹn ghi trên giấy để liên hệ Trung tâm Phục vụ hành chính công để nhận kết quả giải quyết TTHC hoặc nhận kết quả tại nhà khi đăng ký dịch vụ bưu chính ngay tại thời điểm nộp hồ sơ ĐKDN. TTHC của SKH&ĐT thực hiện tại Bộ phận Một cửa được công khai chính xác, đầy đủ, kịp thời bằng cả hình thức niêm yết và điện tử theo đúng quy định pháp luật về công khai TTHC. SKH&ĐT thực hiện đã tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân được xử lý đúng thời hạn theo quy định và không có phản ánh, kiến nghị kéo dài. Ngoài ra, điểm của CS5 qua 3 năm cho thấy việc tổ chức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa đã có sự chuyển biến tích cực ở năm 2021.

Tuy nhiên, một số CS khác (CS1, CS2, CS7, CS9) lại phản ánh sự thiếu ổn định trong chất lượng giải quyết TTHC của SKH&ĐT. Cụ thể, điểm đánh giá thời gian giải quyết TTHC (CS1) phản ánh tổng thời gian giải quyết TTHC hiện tại chưa được rút ngắn. Sự dao động của điểm đánh giá CS1 phù hợp với đánh giá về thời gian giải quyết TTHC của từng bộ phận (CS2). Điểm đánh giá về thái độ phục vụ của CBCC (CS7) cho thấy tuy có sự cải thiện trong năm 2020 (với điểm đánh giá là 2) song thái độ của cán bộ, công chức, viên chức khi hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC của Sở về ĐKDN vẫn còn có điểm cần cải thiện (điểm năm 2021 giảm xuống 1.8). Sự thiếu ổn định trong tiến độ và chất lượng giải quyết TTHC cũng thể hiện ở điểm đánh giá CS9 qua 3 năm.

Kết quả đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân và doanh nghiệp đối với việc giải quyết TTHC về ĐKDN của SKH&ĐT trong 3 năm qua cũng phản ánh xu hướng của đánh giá theo bộ CS và mức xếp hạng chất lượng giải quyết TTHC của Sở. Kết quả đánh giá thể hiện sự điều chỉnh đáng kể trong đánh giá “Mức độ hài lòng” với sự sụt giảm về tỷ lệ “Rất hài lòng” qua 3 năm song song với tự tăng lên của tỷ lệ đánh giá “Hài lòng”. Điều này cho thấy yêu cầu cao hơn về giải quyết TTHC của cá nhân và doanh nghiệp đối với DVCTT của SKH&ĐT tỉnh Thanh Hóa, nhất là trong giai đoạn người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Đánh giá DVCTT về ĐKDN (TTHC) thông qua 9 CS tuy mới diễn ra 3 năm song đối chiếu với số liệu tại Bảng 2 cũng thấy được mối quan hệ thuận chiều giữa kết quả đánh giá DVCTT về ĐKDN với số lượng, tỷ lệ hồ sơ ĐKDN trực tuyến, thứ hạng so với cả nước trong thời gian qua là logic. Kết quả này góp phần vào sự gia tăng của số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký phản ánh tại Hình 1. Sự gia tăng này chính là điều kiện thuận lợi cho gia tăng đầu tư, tăng công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

3.4. Ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân

Về ưu điểm: Kết quả phân tích cho thấy SKH&ĐT luôn là đơn vị được đánh giá Xuất sắc về chất lượng DVCTT trong suốt thời kỳ đánh giá. Một số CS được duy trì ở mức cao hoặc cải thiện qua từng năm thể hiện sự chuyển biến tích cực trong chất lượng DVCTT. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp có phát sinh các hoạt động liên quan đối với DVCTT của SKH&ĐT cũng được đánh giá tốt.

Hạn chế: i) Vẫn còn tình trạng chậm trả hồ sơ cho doanh nghiệp; ii) Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cơ quan chuyên môn mới chỉ tiếp nhận và trả kết quả cho công dân; chưa tổ chức việc xem xét, thẩm định hồ sơ, phê duyệt TTHC ngay tại Trung tâm phụ vụ hành chính công của tỉnh. Những công đoạn này được thực hiện tại phòng chuyên môn do đó gây nên cảm giác giải quyết TTHC chậm; iii) Vẫn còn phản hồi thiếu tích cực về thái độ của CBCC khi giải quyết TTHC.

Nguyên nhân của hạn chế: i) Số lượng cán bộ công chức (CBCC) chưa tương xứng với khối lượng hồ sơ, thủ tục ĐKDN phát sinh rất lớn trong năm dẫn tới quá tải, chậm xử lý hồ sơ; ii) Trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho cơ quan ĐKDN còn hạn chế. Hệ thống máy tính hầu hết đã xuống cấp trong khi dữ liệu doanh nghiệp ngày càng lớn dẫn tới tốc độ xử lý hồ sơ giảm. Thêm vào đó, hạ tầng mạng internet chưa đồng bộ giữa các khu vực, hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia vẫn thường xuyên bị tạm ngừng hoạt động do nâng cấp, cập nhật và hiệu chỉnh tính năng. Ngoài ra, còn một số TTHC về ĐKDN mới chỉ triển khai mức độ 1, 2, chưa triển khai mức độ 3, 4... Tất cả những yếu tố này dẫn tới khó khăn cho việc tổ chức thực hiện các DVCTT về ĐKDN, làm chậm thời gian xử lý và trả hồ sơ cho doanh nghiệp.

3.5. Một số giải pháp

Giải pháp về nhân lực: Bổ sung thêm CBCC cho bộ phận phụ trách ĐKDN của Sở. Cùng với đó, tiến hành đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt sâu rộng các quy định pháp luật có liên quan của CBCC thực hiện TTHC về ĐKDN; xây dựng quy chế, quy trình nội bộ giải quyết TTHC về ĐKDN đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả; tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức, thái độ phục vụ của CBCC thông qua xây dựng hướng dẫn về quy tắc ứng xử, thái độ phục vụ của CBCC, đồng thời phải đưa ra hình thức xử phạt đối với trường hợp CBCC vi phạm các quy tắc này.

Giải pháp về cơ sở vật chất: Đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng CNTT về cả cơ sở vật chất như hệ thống máy tính, trang thiết bị lẫn hệ thống internet phục vụ cho việc cung cấp DVCTT về ĐKDN. Hạ tầng mạng CNTT tốc độ cao, ổn định và an toàn là cơ sở cho các là dữ liệu điện tử được truyền/nhận một cách nhanh chóng, tăng tốc độ xử lý hồ sơ, đẩy nhanh tốc độ trả hồ sơ cho doanh nghiệp.

4. Kết luận

Nghiên cứu cho thấy việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực phục vụ, ý thức, thái độ phục vụ của CBCC; Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của hệ thống DVCTT là những hoạt động cấp thiết làm cho DVCTT về ĐKDN tốt hơn nữa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thành lập và phát triển, làm tiền đề vững chắc cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2020), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
  2. Văn phòng chính phủ (2018), Thông tư số 01/2018-VPCP, hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

The online business registration services of the Thanh Hoa Province Planning and Investment Department

Ph.D Le Huy Chinh

Master. Quach Van Trung

Faculty of Economics - Business Management, Hong Duc University

Thanh Hoa Province Planning and investment Department

Abstract:

This study examines the online business registration services provided by the Thanh Hoa Province Planning and Investment Department. The online business registration services are considered as a breakthrough to facilitate the development of businesses in Thanh Hoa Province. Based on the system consisting of 9 indicators according to Circular No. 01/2018-VPCP issued by the Government Office on November 23, 2018, the study’s results show that in order to improve the quality of online business registration services, it is necessary for Thanh Hoa Province Planning and Investment Department to focus on improving its cadres and civil servants’ professional qualifications, knowledge and service attitude and also upgrading its facilities of the online public service system.

Keywords: The online business registration services, Thanh Hoa Province Planning and Investment Department

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]