Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Anh Minh là một trong số cơ sở công nghiệp nông thôn lớn trên địa bàn thành phố, hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm chủ yếu của hợp tác xã là đồ mỹ nghệ cao cấp, như: tượng, bàn ghế, lục bình, tranh gỗ… rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đặc biệt, từ sau khi nhận được sự hỗ trợ của nguồn khuyến công quốc gia, hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Anh Minh đã đầu tư máy khắc gỗ CNC trong việc sản xuất, chế tạo sản phẩm. Đây là thiết bị hiện đại, vận hành tự động, giúp tăng năng lực sản xuất, độ đồng đều của sản phẩm cao.

Máy khắc gỗ CNC là thiết bị hiện đại, vận hành tự động, giúp tăng năng lực sản xuất, độ đồng đều của sản phẩm cao

Chia sẻ về hiệu quả, công suất làm việc của thiết bị mới, chị Thu Hiền, vợ của chủ nhiệm hợp tác xã cho hay, máy khắc CNC là thiết bị hiện đại trong công nghệ chế tác mộc mỹ nghệ. Thiết bị có 10 dao khắc, mỗi đầu dao sản xuất một sản phẩm. Họa tiết, hoa văn, kích thước của sản phẩm được lập trình trên máy vi tính, máy khắc CNC tự vận hành. Do được vận hành tự động, sản phẩm tạo ra có độ chính xác, đồng đều cao và có khả năng sản xuất hàng loạt.

Cùng với đó, máy khắc CNC cũng giúp hợp tác xã tăng năng suất sản xuất. Để làm ra 1 cánh cửa gỗ chạm khắc, người thợ phải mất 1 ngày nhưng nay cũng với thời gian này, máy CNC có thể làm ra 4 cánh cửa. Do điêu khắc trên máy nên tất cả các chi tiết trên gỗ do máy tính thiết kế đều giống nhau về kích thước, được khách hàng ưa chuộng hơn. Ngoài ra, giá thành điêu khắc trên máy rẻ hơn so với công lao động nên sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường tốt hơn.

Do điêu khắc trên máy nên tất cả các chi tiết trên gỗ do máy tính thiết kế đều giống nhau về kích thước. Chỉ cần đôi tay của người thợ trau chuốt, thổi hồn cho tác phẩm

Theo chị Hiền, từ khi có máy, việc kinh doanh của hợp tác xã đã tăng năng suất lên gấp 2 lần so với trước, từ đó doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của nhân công cũng tăng theo. Theo kinh nghiệm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thì việc đổi mới mẫu mã thiết kế đóng vai trò quan trọng, thể hiện khả năng thích nghi sự thay đổi theo xu thế thị trường để tồn tại và phát triển. Do đó, mẫu mã sản phẩm quyết định đến sự thành công của đơn hàng. Chính vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phải đổi mới thiết kế mẫu mã cũng như đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm, chị Thu Hiền cho biết thêm.

Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, máy khắc CNC còn giúp hợp tác xã giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất. Nhờ tiến hành lắp hệ thống máy hút bụi nên lượng bụi gỗ do giai đoạn chà gỗ đã giảm, sức khỏe các xã viên được bảo đảm.

Để làm ra 1 cánh cửa gỗ chạm khắc, người thợ phải mất 1 ngày nhưng nay cũng với thời gian này, máy CNC có thể làm ra 4 cánh cửa

Cùng với việc mạnh tay đầu tư cho công nghệ sản xuất, hợp tác xã cũng thu hút được nhiều lao động tay nghề cao. Ngoài 10 lao động làm việc tại xưởng với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, hợp tác xã cũng thường xuyên mời nghệ nhân tại các làng mộc nổi tiếng về cơ sở làm việc như: Vạn Điểm, Sơn Đồng (Hà Nội); Đồng Kỵ (Bắc Ninh)…

“Các nghệ nhân thường không làm việc cố định tại hợp tác xã, chỉ tăng cường vào thời điểm cần sản xuất những sản phẩm tinh xảo, đặc thù hoặc tạo mẫu mới. Thu nhập của các nghệ nhân cũng thường rất cao, bình quân khoảng 20 triệu đồng/người/tháng”- chị Hiền cho biết.

Sản phẩm chủ yếu của hợp tác xã là đồ mỹ nghệ cao cấp như: tượng, bàn ghế, lục bình, tranh gỗ… 

Với rất nhiều ưu điểm, máy khắc CNC đã giúp hợp tác xã trở thành một trong những cơ sở có tiếng trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với việc thiết kế mẫu mã. Nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã đạt giải thưởng lớn của tỉnh và khu vực. Như sản phẩm “Cội nguồn” được mô phỏng theo truyện dân gian “Quả bầu mẹ” của dân tộc Thái đã đạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế mẫu quà lưu niệm của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Sản phẩm cũng được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xuất sắc của tỉnh.

Tuy nhiên, chị Hiền cũng thừa nhận: “Hai năm trở lại đây, tình hình tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã không còn mạnh như những năm trước. Dù đã đạt được những kết quả không nhỏ, nhưng hiện nay, khó khăn lớn nhất của hợp tác xã chính là nguồn nguyên liệu. Nguồn gỗ nguyên liệu trong nước ngày càng khan hiếm, hợp tác xã phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu với giá thành cao, từ đó giá của sản phẩm bán ra cũng tăng đáng kể. Thứ hai là mặt bằng sản xuất còn chật hẹp, hợp tác xã vẫn phải tận dụng sân, vườn để làm xưởng sản xuất, gây khó khăn cho khâu vận chuyển và bảo quản sản phẩm...”.