Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong những năm qua, Điện Biên tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện.

Công tác nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quan tâm. Hàng năm có nhiều mô hình sản xuất thử nghiệm thành công và nhân rộng. Nhờ đó người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí đầu tư nhưng năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh việc tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tỉnh đã chú trọng vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào thâm canh cây trồng; quy hoạch và đầu tư mở rộng vùng sản xuất cà phê, mắc ca, gạo,… tập trung; đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nuôi cá... Đến nay, Điện Biên đã hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Điển hình như các mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau an toàn VietGAP tại huyện Điện Biên; chè Shan tuyết Tủa Chùa, Mường Ảng với hơn 3.000 ha cà phê abarica, gần 3.400 ha cây mắc ca được trồng phân bổ tại Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé và Nậm Pồ.

Chè Shan tuyết Tủa Chùa

Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Sở Khoa học Công nghệ đã tuyển chọn và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng thời, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Khoa học Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện xây dựng và đăng ký thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý Điện Biên cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64; xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể sản phẩm nếp tan Na Son; ứng dụng, chuyển giao và hoàn thiện công nghệ sản xuất giống vật nuôi thương phẩm; đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP.

Việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân. Từ phương thức sản xuất truyền thống, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đưa kinh tế ngày càng phát triển.