Gia Lai được đánh giá là một trong số các tỉnh có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có như năng lượng từ thủy điện, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời; riêng điện gió có tiềm năng rất lớn.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Gia Lai, danh mục các dự án điện gió và phương án đấu nối được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tỉnh Gia Lai có 16 dự án điện gió với tổng công suất 1.192,4MW.

Ngoài ra, dự án điện gió Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông, công suất 50MW được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035.

Như vậy, tỉnh Gia Lai có 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242,4MW được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Các dự án điện gió được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút du lịch và tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Điện gió
17 dự án điện gió đang xây dựng tại Gia Lai khi đưa vào vận hành thương mại sẽ đóng góp khoảng 680 tỷ đồng tương đương 13,6% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh cho biết các dự án điện gió được đầu tư trên địa bàn tỉnh khi đưa vào vận hành sẽ góp phần tăng sản lượng điện hàng năm cho lưới điện quốc gia; đồng thời, đóng góp một phần trong giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa của địa phương. Mặt khác, các doanh nghiệp điện gió sẽ nộp các loại thuế theo quy định sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn.

Nếu quy đổi trung bình 1MW điện gió nộp ngân sách khoảng 550 triệu đồng, 17 dự án điện gió đang xây dựng có công suất 1.242MW sau khi được đưa vào vận hành thương mại (COD) sẽ đóng góp khoảng 680 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,6% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Thực tế cho thấy việc triển khai các dự án điện gió đang tạo ra nhiều việc làm mới với thu nhập tốt cho người dân địa phương. Tại huyện Kong Chro, có 3 dự án điện gió đang triển khai xây dựng là: Hưng Hải, Chơ Glong, Giang Trung với tổng 89 trụ tuabin đang trong giai đoạn lắp đặt trụ và cánh quạt. Các dự án này đã thu hút được hàng trăm lao động địa phương trong quá trình xây dựng.

Anh Ksor Giới, một công nhân người J’rai, cho biết: "Hiện mình có thu thập hơn sáu triệu đồng/tháng, khá ổn định. Nhiều người khác cũng nhờ có công trình này mà cuộc sống bớt khó khăn hơn”.

Bên cạnh đó, việc đền bù các diện tích đất của người dân phục vụ các dự án điện gió ở mức cao hơn nhiều lần giá thị trường cũng tạo cơ hội cho bà con tái đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, người dân được hưởng lợi về các hệ thống đường giao thông của dự án, giúp việc giao lưu kinh tế trở nên dễ dàng hơn.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kong Chro, cho biết "Kong Chro là một huyện miền núi khó khăn với tỷ lệ 70% dân số là người dân tộc Bahnar, 15% thuộc hộ nghèo. Những năm gần đây do hạn hán kéo dài, năng suất cây trồng giảm đáng kể, hiệu quả sử dụng đất rất kém. Vì vậy, hy vọng, khi các dự án điện gió xây dựng tại Kong Chro, chính quyền và người dân cơ bản đều đồng thuận và mong các dự án điện gió sớm đi vào hoạt động để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương".