Digiworld: Sức mua giảm, lợi nhuận năm 2022 chỉ đạt 86% kế hoạch

Năm 2022, Digiworld ghi nhận 684 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tương đương 86% mục tiêu đề ra cả năm trong bối cảnh sức mua suy giảm vào những tháng cuối năm.

Công ty Cổ phần Thế giới Số (Digiworld, mã chứng khoán: DGW – sàn: HoSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 4.075 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt 470 tỷ đồng, lần lượt giảm 48% và 23% so với quý 4/2021. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán có tốc độ giảm cao nên biên lợi nhuận gộp của công ty đã được cải thiện từ 7,7% lên 11,5%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của Digiworld gần như đi ngang nhưng chi phí tài chính tăng gấp 3,4 lần, lên 74 tỷ đồng. Chi phí quản lý giảm không đáng kể; trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 5% lên đến 223 tỷ đồng. Những yếu tố này khiến lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 của Digiworld chỉ đạt 156 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ.

Theo giải trình từ Digiworld, sau thời gian bùng nổ nhu cầu xu hướng học tập và làm việc tại nhà, lượng cầu mảng mảng máy tính xách tay và máy tính bảng bắt đầu suy giảm, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty. Trong đó, mảng điện thoại di động giảm 50% và mảng thiết bị văn phòng giảm 15% so với quý 4/2021.

Luỹ kế cả năm 2022, Digiworld ghi nhận 22.059 tỷ đồng doanh thu và 684 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng 5% so với năm 2021. Nếu so với kế hoạch kinh doanh đề ra, công ty đã hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu và 86% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của Công ty Cổ phần Thế giới Số xem tại đây.

Giá cổ phiếu Digiworld
Diễn biến giá cổ phiếu DGW của Digiworld kể từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: FireAnt)

Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Digiworld đạt 6.355 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 3% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty giảm tới 44%, xuống còn gần 823 tỷ đồng (chiếm 13% tổng tài sản). Trong khi đó, hàng tồn kho tăng 12%, đạt 3.254 tỷ đồng (chiếm trên 51% tổng tài sản). Digiworld đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 190 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn, nợ phải trả của Digiworld giảm 17% trong năm 2022, đạt 3.932 tỷ đồng (chiếm gần 62% tổng nguồn vốn), chủ yếu do khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm mạnh 57%. Trong khi đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 71%, đạt 1.914 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đã tăng 36% trong năm 2022, đạt 2.423 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 706 tỷ đồng.

Digiworld hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực buôn bán và sản xuất thiết bị, linh kiện, phần mềm công nghệ thông tin niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau 26 năm hoạt động, Digiworld đã được 30 thương hiệu công nghệ nổi tiếng thế giới lựa chọn là đối tác cung cấp dịch vụ và phát triển thị trường tại Việt Nam.

Hai lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của Digiworld là phân phối các lại máy tính bảng và máy tính xách tay thương hiệu HP, Dell, Asus… (chiếm tỷ lệ 35% doanh thu) và phân phối điện thoại di động thương hiệu Xiaomi, iPhone (chiếm tỷ lệ 35% doanh thu). Hiện nay, công ty có hệ thống 16.000 đại lý phân phối trên toàn quốc.

Trong thời gian tới, Digiworld sẽ đẩy mạnh mảng phân phối thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng. Trong đó, Digiworld đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần mảng thiết bị gia dụng tại Việt Nam nhờ vào kinh nghiệm lâu năm trong cung cấp dịch vụ mở rộng thị trường (Market Expansion Service-MES) so với các nhà phân phối khác. Công ty đang cung cấp dịch vụ MES cho Whirlpool ở Việt Nam, tập trung vào phân khúc sản phẩm chất lượng cao cho phân khúc khách hàng high-class. Digiworld bắt đầu phân phối các sản phẩm thiết bị gia dụng của Whirlpool (TV, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt...) và Xiaomi (Tivi) trong năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, giá cổ phiếu DGW của Digiworld tăng 1,98%, đạt 41.300 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu DGW đạt gần 685.000 đơn vị.

Duy Quang