Định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh Quảng Trị

NCS. NGUYỄN TRƯỜNG SƠN (Trường Đại học Kinh tế -  Trường Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Bài báo tập trung vào khái quát lý luận về chuyển dịch cơ cấu (CDCC) ngành kinh tế, đánh giá tình hình dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh Quảng Trị và đề xuất định hướng CDCC ngành kinh tế của Tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu sử dụng số liệu thống kê của tỉnh Quảng Trị và phương pháp phân tích thống kê mô tả.

Từ khóa: chuyển dịch cơ cấu, ngành kinh tế, tỉnh Quảng Trị, cơ cấu kinh tế Quảng Trị.

1. Đặt vấn đề

Từ những năm sau chia tách tỉnh, quy mô GDP của tỉnh Quảng Trị đã mở rộng không ngừng, tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục. Năng lực sản xuất của Tỉnh ngày càng mở rộng nhờ sự gia tăng nhanh các yếu tố nguồn lực cả bên trong và bên ngoài. Cơ cấu kinh tế của Tỉnh đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng mở rộng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, quá trình CDCC theo ngành kinh tế vẫn diễn ra chậm, chất lượng CDCC theo lao động chậm hơn CDCC theo GDP và chưa thúc đẩy CDCC lao động, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, cơ cấu và CDCC trong nội bộ ngành nông nghiệp còn lạc hậu và chậm thay đổi, cản trở sự phát triển chung. Xu hướng chuyển dịch trong lĩnh vực dịch vụ chưa thực sự rõ ràng. Chính vì vậy, rất cần có một nghiên cứu về thực trạng CDCC ngành kinh tế của Tỉnh nhằm đánh giá chính xác quá trình này và đưa ra các định hướng giải pháp thúc đẩy nhanh hơn quá trình CDCC ngành kinh tế của Quảng Trị trong thời gian tới.

2. Tổng quan các nghiên cứu có liên quan

Có nhiều nghiên cứu trên thế giới về CDCC ngành kinh tế, như: Quy luật tăng năng suất lao động của A. Fisher (1935) đã giải thích lý do dẫn tới xu thế thay đổi cơ cấu lao động và sản xuất giữa các ngành theo đó lao động dịch chuyển từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp.

Mô hình 2 khu vực tân cổ điển của Lewis, A. W. (1954) đã giải thích về mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp trong quá trình tăng trưởng. Tác giả chỉ ra khi nông nghiệp có dư thừa lao động thì tăng trưởng kinh tế được quyết định bởi khả năng tích lũy và đầu tư của khu vực công nghiệp cũng như khả năng thu hút lao động dư thừa từ nông nghiệp ở nông thôn vào công nghiệp (thành thị).

Mô hình 2 khu vực của H.Oshima (1986) cho thấy, dư thừa lao động nông nghiệp không phải lúc nào cũng xảy ra, việc đầu tư từ đầu cho cả nông nghiệp và công nghiệp là không khả thi vì thiếu nguồn lực vốn, lao động và kỹ năng quản lý như bối cảnh ở các nước châu Á.

Shenggen Fan, Xiaobo Zhang và Sherman Robinson (2003)  chỉ ra thay đổi cơ cấu nguồn lực từ khu vực có năng suất thấp sang khu vực có năng suất cao sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc di chuyển lao động giữa các ngành sẽ làm tăng hiệu quả tăng trưởng kinh tế và sự CDCC kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực khá lớn từ những hạn chế chính trị.

Nghiên cứu của Patrick Quill và Paddy Teahon (2010) ở Ireland cho thấy, các lĩnh vực khác nhau đã góp phần vào nền kinh tế theo thời gian và sự thay đổi cơ cấu kinh tế có thể độc lập với tăng trưởng kinh tế. Yếu tố công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng thúc đẩy CDCC kinh tế cũng như xu hướng chuyển dịch sang một cơ cấu kinh tế dựa nhiều hơn vào công nghệ.

Như vậy, các công trình nghiên cứu trên thế giới tuy tiếp cận từ nhiều góc độ nhưng đã chỉ ra tầm quan trọng của CDCC ngành kinh tế, xu thế CDCC ngành kinh tế trong dài hạn và tính tất yếu của quá trình CDCC ngành. Đồng thời cũng cho thấy, CDCC ngành kinh tế sẽ bắt đầu từ sự thay đổi tỷ lệ phân bổ nguồn lực, nhất là lao động, rồi sẽ kéo theo thay đổi kết quả sản lượng.

Chủ đề CDCC ngành kinh tế cũng được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách ở Việt Nam quan tâm.

Nghiên cứu của Mai Văn Tân (2014) đã khẳng định tăng trưởng kinh tế phải xuất phát từ CDCC sản xuất, phát huy lợi thế so sánh, phát triển ngành dịch vụ và công nghiệp có hàm lượng khoa học cao, gắn CDCC kinh tế với xây dựng TP. Hồ Chí Minh là đô thị văn minh và hiện đại.

Nguyễn Chí Bính (2014) đã chỉ ra, với những ngành có lợi thế so sánh như công nghiệp, vật liệu xây dựng và du lịch, tốc độ CDCC kinh tế cũng như đóng góp vào quá trình CDCC kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Tỉnh; Các ngành có sử dụng khoa học công nghệ hiện đại cũng có tốc độ chuyển dịch chậm và chưa thực sự trở thành những ngành động lực cho CDCC ngành kinh tế trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghiên cứu này gợi ý cho hướng phân tích xu thế CDCC ngành kinh tế với nền kinh tế cấp tỉnh. 

Bùi Phan Nhã Khanh và Võ Thế Trường (2021) khẳng định cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực như động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Sự thay đổi này được xem xét thông qua xu hướng thay đổi cơ cấu ngành theo thời gian thể hiện qua cơ cấu giá trị gia tăng của các ngành, cơ cấu lao động và cơ cấu doanh nghiệp. Nghiên cứu cũng chỉ ra cấu trúc và thay đổi cấu trúc nguồn lực đã thể hiện việc phân bổ nguồn lực có tính hiệu quả hơn. Dù đây chỉ là nghiên cứu định tính, nhưng cũng gợi ý cho các đề tài xem xét nền kinh tế cấp tỉnh và cơ cấu nền kinh tế cấp tỉnh.

Nghiên cứu của Nguyễn Hồng Quang (2016) đánh giá cơ cấu ngành kinh tế cấp I của tỉnh Quảng Nam những năm qua có xu hướng chuyển dịch tích cực. Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh của ngành Công nghiệp - Xây dựng và Thương mại - Dịch vụ. Trong nội bộ các ngành cấp II, xu thế CDCC ngành kinh tế vẫn thể hiện những dấu hiệu tích cực theo những xu hướng chung của các nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển. Xu thế này được hỗ trợ bởi các ngành kinh tế mà địa phương có nhiều lợi thế cũng như nhằm thực hiện các định hướng công nghiệp hóa nền kinh tế như sự phát triển ngành Thủy sản, Điện khí và Thương mại.

Các nghiên cứu của Việt Nam về cơ bản đã kế thừa và vận dụng các lý thuyết và kết quả nghiên cứu của thế giới, tập trung vào xem xét động thái và xu thế CDCC ngành kinh tế dưới nhiều góc độ khác nhau, đề cập ở mức độ nhất định quan hệ của CDCC ngành kinh tế với tăng trưởng kinh tế.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ yếu sẽ là: (1) Phương pháp diễn dịch trong suy luận: (2) Phương pháp quy nạp trong suy luận; (3). Phương pháp phân tích thống kê mô tả bao gồm Phương pháp bảng thống kê để tổng hợp; Nghiên cứu này sử dụng các bảng thống kê số liệu theo chiều dọc và chiều ngang mô tả hiện trạng cơ cấu của tỉnh, từ đó tổng hợp đánh giá xu thế CDCC ngành kinh tế trong những điều kiện thời gian cụ thể; Phương pháp số bình quân, số tương đối, phân tích tương quan,… để phân tích CDCC ngành kinh tế.

Về số liệu của nghiên cứu: Các số liệu được tổng hợp từ Niên giám thống kê của tỉnh Quảng Trị, bao gồm các chỉ tiêu thống kê như: giá trị sản xuất, GRDP của tỉnh; giá trị sản xuất, giá trị gia tăng,… của các ngành kinh tế. Các số liệu này được tính bằng giá hiện hành và giá so sánh.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Đặc điểm về địa bàn nghiên cứu

Tỉnh Quảng Trị nằm trên tọa độ địa lý từ 16¬o18 đến 17o10 vĩ độ Bắc, có lợi thế về địa lý - kinh tế, là đầu mối giao thông, nằm ở trung điểm đất nước, ở vị trí quan trọng - điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Myanmar. Tổng diện tích tự nhiên của Quảng Trị là 473.744 ha. Dân số của tỉnh năm 2020 là khoảng 633.000 người. Trong hơn 20 năm qua, cùng với sự đổi mới và mở cửa phát triển nhanh của cả nước, sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực. Quy mô nền kinh tế đã tăng đáng kể, theo giá hiện hành tăng 9,5 lần. Theo đó, thời kỳ 2001 - 2005 tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,7%/năm, thời kỳ 2006 - 2010 tăng trưởng bình quân đạt 10,6%/năm. Đây là thời kỳ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, ổn định nhất so các thời kỳ trước đó. Các ngành phi nông nghiệp như: công nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển nhanh đã và đang tạo ra động lực mới cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế như so với các tỉnh thành ở Duyên hải miền Trung vẫn khá hạn chế, vị thế kinh tế của tỉnh không được cải thiện. GRDP trên đầu người năm 2020 là trên 50 triệu đồng theo giá hiện hành. Mức này thấp hơn khá nhiều so với thu nhập đầu người của Việt Nam và vùng Duyên hải miền Trung.

4.2. Xu thế thay đổi cơ cấu ngành kinh tế cấp I theo sản lượng

Trong 20 năm qua, cơ cấu cơ cấu ngành kinh tế cấp I theo tổng sản lượng GRDP của Quảng Trị đã thay đổi theo hướng tích cực và có chất lượng khá tốt. Trong 10 năm đầu rõ nét và có chất lượng cao hơn 10 năm sau nhưng dư địa chuyển dịch về số lượng đã giới hạn.

Bảng 1. CDCC ngành kinh tế cấp I theo sản lượng

CDCC ngành kinh tế cấp I theo sản lượng

Nguồn: Tính toán từ niên giám thống kê tỉnh Quảng Trị

Hình 1 cho thấy rõ xu thế thay đổi tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành cấp I trong GRDP. Tỷ trọng giá trị gia tăng  nông, lâm, thủy sản giảm dần. Ngược lại, tỷ trọng giá trị gia tăng của Công nghiệp - Xây dựng tăng dần và của dịch vụ tăng trong giai đoạn 10 năm đầu và 10 năm sau ít thay đổi.

Hình 1: Xu thế thay đổi cơ cấu ngành kinh tế cấp I trong GRDP tỉnh Quảng Trị

Xu thế thay đổi cơ cấu ngành kinh tế cấp I trong GRDP tỉnh Quảng Trị

Nguồn: Tính toán từ niên giám thống kê tỉnh Quảng Trị

4.3. Xu thế thay đổi cơ cấu ngành kinh tế cấp II theo sản lượng

4.3.1. Xu thế CDCC nội bộ ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản

Cơ cấu ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản đã có sự thay đổi khá tích cực dựa vào những ngành có tiềm năng và dư địa phát triển lớn, nhưng chất lượng còn chưa cao. Trong ngành cấp I - Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, tỷ trọng giá trị gia tăng của nông nghiệp giảm dần. Năm 2000, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp là 76,4%, năm 2010 là 73,5% và 2019 là 66%. Tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Thủy sản chiếm vị trí sau nông nghiệp và có xu hướng tăng dần. Trong thời gian này, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Thủy sản lần lượt là 14,4%; 19,7% và 28,5%. Tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành cấp II - Lâm nghiệp lần lượt là 9,2%; 6,8% và 5,5%.

Trong giai đoạn 2000 - 2020, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành cấp II - Nông nghiệp giảm 10,4%, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành cấp II - Lâm nghiệp giảm 3,7%, trong khi tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Thủy sản lại tăng 14,1%. Tuy nhiên, chất lượng chuyển dịch chưa cao, chỉ đạt 8,4 độ, thấp hơn mức chung của nền kinh tế. Như vậy, cơ cấu ngành cấp I này đang thay đổi theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế về thủy sản của tỉnh, hạn chế khai thác lâm nghiệp, tuy nhiên chất lượng thấp và dư địa thay đổi theo chiều rộng còn ít. 

4.3.2. Xu thế CDCC nội bộ ngành Công nghiệp 

Nội bộ ngành Công nghiệp - Xây dựng đã dịch chuyển dần dựa vào công nghiệp nhiều hơn nhưng còn chậm và chất lượng chưa cao. Trong giá trị gia tăng ngành cấp I - Công nghiệp - Xây dựng, tỷ trọng của ngành cấp II - Công nghiệp chiếm chỉ hơn một nửa và có xu hướng tăng. Năm 2000, tỷ trọng giá trị gia tăng của công nghiệp là 44%, năm 2010 là 46 % và 2019 là 54,49%; Tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Xây dựng lần lượt là 56%; 51,5% và 45,5%. Cơ cấu này cho thấy, ngành cấp I - Công nghiệp - Xây dựng, trong 10 năm đầu dựa chủ yếu vào xây dựng, công nghiệp chỉ thực sự phát huy ở 10 năm sau. Trong giai đoạn 2000 - 2020, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành cấp II - Công nghiệp tăng 10,5%, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành cấp II xây dựng giảm 10,5%. Tuy nhiên, chất lượng chuyển dịch chưa cao, chỉ đạt 3,66 độ, thấp hơn mức chung của nền kinh tế.

Trong giá trị gia tăng của ngành cấp II này, tỷ trọng của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm chủ yếu, từ hơn 50% năm 2000 tăng lên 62,6% năm 2010 và chỉ đạt 65,1%  năm 2019. Tỷ trọng của ngành Sản xuất và Phân phối điện, khí đốt và điều hòa không khí vẫn giữ được vị trí thứ 2 nhưng giảm dần từ mức 25,5% xuống gần 20% năm 2015 và tăng lên 25,8% (nhờ triển khai và đưa vào hoạt động nhiều dự án điện gió, mặt trời). Ngành Khai khoáng vẫn giữ được vị trí thứ 3 nhưng tỷ trọng chỉ còn 6,3% năm 2019. Nhìn chung, xu thế CDCC của công nghiệp đang dựa vào sự phát triển của các ngành có khả năng khai thác tiềm năng lớn như điện khí, ngành Chế biến, chế tạo có sự phát triển nhưng sẽ phải có chính sách hỗ trợ tốt hơn.

4.3.3. Xu thế CDCC nội bộ ngành Thương mại - Dịch vụ

Khác với cơ cấu trong nội bộ ngành cấp I - Công nghiệp - Xây dựng; Trong cơ cấu nội bộ giá trị gia tăng ngành cấp I - Thương mại -  Dịch vụ, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Dịch vụ chiếm đa số và tăng dần từ mức 68% năm 2000 lên gần 77% năm 2019. Theo chiều ngược lại, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Thương mại chỉ chiếm chưa tới 1/3 và xu hướng giảm dần.

Trong 20 năm qua, tỷ trọng của ngành Thương mại giảm 8,8%, trong đó 10 năm đầu giảm hơn 6%. Góc chuyển dịch cơ cấu khá chỉ đạt 8,4 độ. Tình hình này cũng phù hợp với đặc thù của địa phương khi các điều kiện để kinh doanh dịch vụ thuận lợi hơn kinh doanh thương mại. Ví dụ, quy mô thị trường nhỏ, sức mua thấp và các hộ kinh doanh chiếm đại bộ phận so với doanh nghiệp. 

4.4. Đánh giá chung về tình hình CDCC kinh tế ngành của tỉnh Quảng Trị

Thứ nhất, cơ cấu ngành kinh tế cấp I theo tổng sản lượng GRDP đã thay đổi theo hướng tích cực và có chất lượng khá tốt. Trong 10 năm đầu rõ nét và có chất lượng cao hơn 10 năm sau nhưng dư địa chuyển dịch về số lượng đã giới hạn.

Thứ hai, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế cấp I đã có sự dịch chuyển khá tích cực và theo xu thế khác nhau tùy thuộc mỗi ngành. Cơ cấu ngành Nông, Lâm và Thủy sản đã có sự thay đổi khá tích cực dựa vào những ngành có tiềm năng và dư địa phát triển lớn nhưng chất lượng còn chưa cao. Nội bộ ngành Công nghiệp - Xây dựng đã dịch chuyển dần dựa vào công nghiệp nhiều hơn nhưng còn chậm và chất lượng chưa cao. Cơ cấu ngành Thương mại - Dịch vụ chịu sự chi phối của ngành Dịch vụ, sự chuyển dịch trong những năm qua chậm và chất lượng thấp, các yếu tố thúc đẩy thay đổi rất yếu. 

5. Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành của tỉnh Quảng Trị

Những đánh giá trên là cơ sở đưa ra các hàm ý chính sách cho quá trình CDCC ngành kinh tế trong thời gian tới. Cụ thể, cần thực hiện các định hướng phát triển các ngành kinh tế như sau:

5.1. Các trọng tâm ưu tiên thúc đẩy CDCC ngành kinh tế tạo sự bứt phá trong phát triển

Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển công nghiệp với mức tăng trưởng cao, tạo động lực phát triển cho toàn nền kinh tế.

Thứ hai, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch gắn với công nghiệp chế biến, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, kết hợp với giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững.

Thứ ba, tạo bước phát triển vượt bậc về hệ thống doanh nghiệp, kinh tế hợp tác xã; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, tăng khả năng đóng góp cho nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập dân cư.

5.2. Phát triển các ngành kinh tế cấp I thúc đẩy CDCC kinh tế ngành tích cực và hiệu quả

Một là, phát triển ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, chuyển đổi và sử dụng hiệu quả lao động nông thôn, tăng giá trị và hiệu quả sử dụng trên 1 ha đất nông nghiệp, đồng thời giữ gìn và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững; Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững, phù hợp với mỗi vùng. Phát triển hài hòa giữa trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Hình thành các vùng sản xuất tập trung cao sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tăng sản lượng hàng hóa, xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và chế biến nông sản. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại, phù hợp với bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.

Hai là, phát triển ngành Công nghiệp - Xây dựng: Đẩy mạnh phát triển ngành Công nghiệp - Xây dựng để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh, tăng khả năng đóng góp cho ngân sách và tạo nền tảng cho quá trình công nghiệp hoá; Tập trung phát triển các ngành Công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng nhiều lao động và bảo vệ môi trường. Chú trọng các ngành mà tỉnh có lợi thế, như: chế biến nông lâm thuỷ sản và đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng và xi măng; khai thác chế biến lâm sản, khoáng sản; cấp điện và năng lượng; sản xuất và phân phối nước; các ngành may mặc,... Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư lớn để tạo ra các cơ sở công nghiệp chiến lược trong tỉnh.

Ba là, phát triển thương mại dịch vụ: Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh bám sát định hướng phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển nhanh nền kinh tế - xã hội và phục vụ tốt hơn đời sống dân cư. Đa dạng hóa các thành phần kinh tế nhằm tập trung, thu hút vốn đầu tư phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ; hình thành các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ có quy mô hoạt động lớn và khả năng cạnh tranh cao với nước ngoài trước sức ép mở cửa thị trường theo cam kết WTO và các hiệp định thương mại tự do khác.

5.3. Phát triển các ngành trong nội bộ các ngành cấp I của nền kinh tế

Thứ nhất, phát triển các ngành trong nội bộ ngành Nông, Lâm nghiệp và  Thủy sản.

(1) Trồng trọt: Trồng trọt được xác định là ngành sản xuất then chốt trong nông nghiệp, mặc dù tỉ trọng giảm dần nhưng vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành. Các cây trồng nông nghiệp của tỉnh chủ yếu là lúa nước, sắn nguyên liệu, chuối; cây công nghiệp dài ngày có giá trị xuất khẩu như cà phê, cao su, hồ tiêu,... Tìm kiếm và mạnh dạn đưa vào sản xuất các loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai và có giá trị kinh tế, đem lại hiệu quả cao.

(2) Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng và đảm bảo phòng ngừa an toàn dịch bệnh; Tăng cường cải tạo giống, sử dụng giống mới, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là các giống vật nuôi vừa có khả năng kháng bệnh vừa cho hiệu quả kinh tế cao; Khôi phục, phát triển các giống gia súc, gia cầm đặc sản địa phương đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của xã hội; Gắn phát triển chăn nuôi với các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung; Tích cực tìm thị trường ổn định để tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi.

(3) Lâm nghiệp: Tập trung bảo vệ và phát triển rừng để đảm bảo mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 51% vào năm 2025 và trên 55% vào năm 2030. Đẩy mạnh phát triển trồng rừng kinh tế, trồng rừng phòng hộ, rừng sinh thái, cảnh quan. Khai thác gỗ và lâm sản hợp lý đảm bảo tái sinh rừng, tận dụng khai thác các lâm đặc sản đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thứ hai, phát triển các ngành trong nội bộ công nghiệp xây dựng.

(1) Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống: Phát triển các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế nguồn nguyên liệu tại địa phương, có thị trường tiêu thụ và xuất khẩu như chế biến cà phê, cao su, hồ tiêu; chế biến lương thực, thực phẩm, tinh bột sắn; chế biến gỗ, lâm sản, sản xuất bột giấy, giấy bao bì; các sản phẩm đồ uống,... Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với qui hoạch vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

(2) Sản xuất vật liệu xây dựng: Phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng trên cơ sở nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương là chủ yếu. Tập trung sản xuất một số sản phẩm chính, như: xi măng, đá xây dựng, các loại phụ gia xi măng, vật liệu xây, tấm lợp,... Đầu tư chiều sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo sản xuất các sản phẩm với chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực.

(3) Công nghiệp hóa chất: Khai thác hiệu quả công suất của các nhà máy sản xuất phân bón NPK, săm lốp xe máy và mở rộng quy mô sản xuất phù hợp. Kêu gọi đầu tư phát triển một số sản phẩm mới, như: sản xuất sản phẩm cao su dân dụng và y tế; sản xuất sản phẩm nhựa cho xây dựng;... Tùy theo tiến độ điều tra, thăm dò và khai thác các mỏ khí đốt ở ngoài khơi vùng biển Quảng Trị, nghiên cứu xây dựng Tổ hợp Khí - Điện - Đạm và chế biến các sản phẩm khác từ khí đốt trên địa bàn tỉnh (theo đánh giá, nếu khai thác nguồn khí này đưa vào đất liền thì Quảng Trị là điểm gần nhất).

(4) Công nghiệp cơ khí và sản xuất các sản phẩm từ kim loại: Nâng cao năng lực sản xuất của ngành Cơ khí, phát triển cơ khí chế tạo, sửa chữa và sản xuất phụ tùng thay thế; đóng và sửa chữa tầu đánh cá, phương tiện vận tải thủy bộ tại Cửa Việt.

(5) Công nghiệp điện: Đầu tư phát triển các nguồn điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời ở vùng biển Triệu Lăng - Triệu Phong, vùng núi huyện Hướng Hóa và Đakrông, vùng Tây Triệu Phong, Tây Gio Linh. Nghiên cứu xây dựng Trung tâm nhiệt điện Bắc miền Trung tại Quảng Trị.

Thứ ba, phát triển các ngành trong nội bộ thương mại dịch vụ.

(1) Thương mại: Phát triển thương mại theo cơ chế thị trường, đa dạng hóa các loại hình hoạt động kinh doanh trên cơ sở bình đẳng, hiệu quả và cạnh tranh lành mạnh; tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho hàng hóa nông sản, đặc sản của địa phương, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thương mại trên cơ sở nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại; Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, công nghiệp thế mạnh của tỉnh; chú trọng các sản phẩm xuất khẩu tỉnh có ưu thế như: sản phẩm chế biến từ cát thạch anh, titan, điện thương phẩm, nước khoáng, thủu hải sản, cao su, cà phê, hồ tiêu, chuối, chế biến gỗ, may mặc,...

(2) Các ngành dịch vụ: Dịch vụ vận tải, kho bãi, bốc dỡ hàng hóa: Phát huy lợi thế về vị trí địa lý để phát triển mạnh dịch vụ vận tải, kho bãi và bóc dở hàng hoá trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực và chất lượng vận tải. Phát triển mạnh các mạng lưới liên vận quốc tế (đến Lào, Thái Lan), tăng cường các tuyến vận tải nội tỉnh, liên tỉnh nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vận tải vật tư, hàng hóa và sự đi lại của nhân dân.

(3) Du lịch: Đẩy nhanh phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế của tỉnh. Thực hiện liên kết vùng, tăng cường hợp tác với các tỉnh Miền Trung, các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây để khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi địa phương; hợp tác với Lào, Thái Lan xây dựng các chương trình du lịch kết nối các di sản văn hoá của 3 nước dọc hành lang kinh tế Đông Tây. Phát triển du lịch trong mối quan hệ hài hòa, hiệu quả với các ngành khác, tạo điều kiện xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm hàng hóa của địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Phan Nhã Khanh và Võ Thế Trường. (2021). Tình hình phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ngãi và một số định hướng giải pháp đề xuất. Tạp chí Công Thương, 2, 28-33.
  2. Bùi Tất Thắng. (2006). Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.
  3. Harry T. Oshima. (1986). The Transition from an Agricultural to an Industrial Economy in East Asia. Economic Development and Cultural Change, 34(4), 783-809.
  4. Lê Du Phong và Nguyễn Thành Độ. (1999). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong điều kiện hội nhập với khu vực và thế giới. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia.
  5. Lewis, A. W. (1954). Economic Development with Unlimited Supplies of Labour. The Manchester School, 22(2), 139-191.
  6. Mai Văn Tân. (2014). Nghiên cứu mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh. Luận án tiến sỹ, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.
  7. Nguyễn Chiến Thắng và Phạm Việt Bình. (2019). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Quảng Nam và một số vấn đề đặt ra về phát triển bền vững. Kỷ yếu hội thảo “Cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tháng 12/2019. UBND tỉnh Quảng Nam.
  8. Patrick Quill & Paddy Teahon. (2010). Structural Economic Change in Ireland 1957-2006: Statistics, Context and Analysis. Journal of the Statistical and Social Inquiry Society of Ireland, XXXIX.
  9. Tania-Georgia, Viciu; Adrian, Vasile; Carmen-Eugenia, Costea. (2012). A new appraisal of the relationship between economic growth and the economic structure. Journal of Information Systems & Operations Management, 6(1), 1-9.

THE DIRECTION OF ECONOMIC RESTRUCTURING

OF QUANG TRI PROVINCE

• Ph.D’s student NGUYEN TRUONG SON

University of Economics, University of Da Nang  

ABSTRACT:

This study presents a theoretical overview of economic restructuring and evaluates the economic restructuring of Quang Tri Province to draw out implications for the economic restructuring. This study was conducted by using Quang Tri Province’s statistics and descriptive statistical analysis methods.

Keywords: sectoral restructuring, economic sectors, Quang Tri Province, the economic structure of Quang Tri Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]