TÓM TẮT:

Đô thị hóa với phát triển bền vững con người là một đòi hỏi tất yếu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh và “nóng” sẽ để lại những hệ quả không tốt cho xã hội. Do đó, bài viết nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu ích cho quá trình xây dựng và hoạch định chính sách của Nhà nước, hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững con người theo Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Từ khóa: Đô thị hóa, phát triển bền vững, con người, xã hội, kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Vấn đề phát triển bền vững đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, phổ biến rộng rãi từ những năm 80 thế kỷ trước. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, vấn đề này cũng luôn được quan tâm trong nhiều hội nghị, hội thảo trong nước, với nhiều ý kiến đóng góp trong xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển đô thị bền vững. Trên phạm vi thế giới, vấn đề đô thị đã gia tăng nhanh, mạnh mẽ và trở thành những điểm nhấn cần được nghiên cứu cẩn trọng, để có phương cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả, nhằm đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng bền vững gắn với phát triển con người.

Hòa chung với trào lưu ấy, trong những năm gần đây, công tác phát triển đô thị ở nước ta luôn được xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm của ngành Xây dựng và phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yếu tố bền vững, lâu dài, do đó chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và đưa ra những định hướng cho vấn đề này.

2. Một số vấn đề có tính khái quát về phát triển bền vững đô thị với phát triển con người

Khái niệm phát triển bền vững được định nghĩa đầu tiên về mặt văn bản vào năm 1987, trong Báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển của Ngân hàng Thế giới - WCED (còn gọi là Ủy ban Brundtland). Theo đó, phát triển bền vững là: thỏa mãn các nhu cầu phát triển của thế hệ hiện tại mà không làm phương hại đến nhu cầu phát triển của thế hệ tương lai. Nói một cách khác, trong quá trình phát triển, thế hệ hiện tại phải tạo ra và để lại cái gì đó cho thế hệ tương lai phát triển tốt hơn. Năm 1992, tại Rio de Janeiro, Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc đã xác nhận lại khái niệm này và đã gửi đi một thông điệp rõ ràng, mang tính nguyên lý về sự hài hòa giữa kinh tế, phát triển và bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển từ cấp độ toàn cầu, khu vực đến quốc gia, địa phương, trong đó có đô thị. Trên cơ sở nội hàm của phát triển bền vững và từ đặc điểm của đô thị, đô thị hóa bền vững phải đảm bảo sự hài hòa giữa: kinh tế đô thị, văn hóa xã hội đô thị, môi trường - sinh thái đô thị, cơ sở hạ tầng đô thị, quản lý đô thị và tạo ra sự liên kết không gian chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn. Trong Báo cáo nghiên cứu “Phân tích chính sách đô thị hóa trong quá trình đô thị hóa tác động đến phát triển bền vững ở Việt Nam” thuộc Chương trình thiên niên kỷ XXI do UBDP tài trợ, đã đề xuất 10 nhóm tiêu chí bền vững trong quá trình đô thị hóa, bao gồm: 1) Phân bố và quy hoạch đô thị phù hợp với các vùng địa lý và điều kiện sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường. 2) Nền kinh tế đô thị phát triển ổn định và bền vững nhằm tạo nhiều việc làm đô thị ổn định, bền vững cho mỗi thành phần kinh tế và mọi người dân đô thị. 3) Trình độ dân trí đô thị và nguồn lực phát triển đủ mạnh. 4) Trình độ quản lý phát triển đô thị đủ mạnh và bền vững. 5) Dịch vụ đô thị đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao. 6) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị đầy đủ, ổn định và phát triển bền vững. 8) Lồng ghép quy hoạch môi trường trong quy hoạch đô thị. 10) Hợp tác, phối hợp điều hành vùng hợp lý, hiệu quả, cùng có lợi và cùng phát triển. Với những tiêu chí nêu trên, chúng ta thấy, bản chất của đô thị hóa với phát triển bền vững con người là đảm bảo được sự hài hòa, thống nhất cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển đô thị, nhằm nâng cao chất lượng sống của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới nhu cầu phát triển của thế hệ tương lai. Nguyên tắc này phải xuyên suốt giữa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quản lý phát triển đô thị và trong hành động thực hiện. Đặc biệt, có sự tham gia của mọi thành phần xã hội, mọi cấp, mọi nơi thì sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.

3. Thực trạng đô thị hóa với phát triển bền vững con người của Việt Nam trong những năm qua

Ngày nay, trong bối cảnh thế giới có nhiều phức tạp, để giữ vững đà tăng trưởng, giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự tăng kinh tế - xã hội trưởng và hoàn thành các nhiệm vụ, Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang có những giải pháp quyết liệt để bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, phát triển kinh tế phải đi liền với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường trong vấn đề đô thị hóa với phát triển bền vững con người. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến tiến trình đô thị hóa, đánh giá đúng vai trò và tầm quan trọng của các đô thị trong việc thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, phát triển hiệu quả và bền vững một hệ thống đô thị quốc gia, phục vụ các mục tiên phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó bao gồm vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các công trình xây dựng.

Tính đến tháng 5 năm 2019, cả nước có trên 833 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V, tỉ lệ đô thị hóa đạt 38,5%[1]. (so với 500 đô thị các loại vào năm 1990, thì đây là một sự bứt phá tương đối mạnh trong vấn đề đô thị hóa). Đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh nhất ở 3 vùng trọng điểm phát triển kinh tế xã hội Bắc, Trung, Nam, ở vùng Duyên hải. Bộ mặt các đô thị đã có những thay đổi lớn: văn minh, hiện đại và xanh, sạch, đẹp hơn. Mở ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trong giai đoạn này, khu vực đô thị - hạ tầng cơ bản và là tâm điểm tăng trưởng của nền kinh tế - được xác định là nơi “nóng” nhất của yêu cầu phát triển bền vững. Với một sự thay đổi mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng đô thị, đã thu hút được số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài, khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng…., điều đó cho thấy, Việt Nam đang trong giai đoạn quá độ để trở thành quốc gia công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít hệ lụy, bất cập khó giải quyết trong thời gian ngắn, đó là vấn đề gia tăng dân số ở khu đô thị, hạ tầng cơ sở, nhà ở, giao thông môi trường, an ninh trật tự…

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, di cư là yếu tố cần thiết cho phát triển kinh tế, luồng di cư nông thôn - thành thị đóng góp đáng kể vào quá trình đô thị hóa và người di cư chủ yếu là thanh niên đã giúp cho lực lượng lao động ở đô thị được bổ sung và trẻ hóa. Đặc biệt, người di cư thường có mặt bằng trình độ chuyên môn cao hơn người tại chỗ, đã giúp cho nơi họ đến có thêm lực lượng lao động chất lượng. 31,7% người di cư là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 23% là người có trình độ cao đẳng, đại học, trong khi tỷ lệ này ở người không di cư là 24,5% và 17%. Sự gia tăng dân số cơ học quá mức ở các đô thị sẽ đẩy các đô thị rơi vào tình trạng đô thị hóa “cưỡng bức” do sự quá tải về hạ tầng giao thông (ùn tắc, kẹt xe), việc làm, nhà ở, giáo dục, chăm sóc y tế, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội.

Trong những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư phát triển nhà ở tại các đô thị và khu công nghiệp. Tuy nhiên, tình hình nhà ở đô thị vẫn đang là bài toán căng thẳng. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại các đô thị nước ta còn quá thấp, hiện mới chỉ đạt khoảng 5,4 m2/người. Chất lượng nhà ở không bảo đảm, các điều kiện về hạ tầng, môi trường yếu kém. Nhà “ổ chuột” còn chiếm tỷ trọng đáng kể tại các đô thị. Cung - cầu mất cân đối nghiêm trọng, cộng với những tác động của chính sách không hợp lý làm cho giá nhà ở quá cao so với thu nhập của nhân dân đô thị. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại của các khu nhà ở không chính thức, các “xóm liều”, “xóm bụi” đang là ung nhọt của các đô thị hiện đại. Tại các đô thị miền Trung và miền Nam, đa số các khu nhà ở không chính thức có điều kiện nhà ở rất kém, diện tích đất ở chỉ khoảng 2-4m2/người, nhà ở lụp xụp, tạm bợ, hệ thống cơ sở hạ tầng thấp kém; môi trường trong các khu dân cư này bị ô nhiễm nghiêm trọng nên đây còn gọi là các khu nhà “ổ chuột”.

Hiện tượng tắc đường kẹt xe, hiểm họa tai nạn giao thông đang thường trực, rình rập cướp đi sinh mạng của người dân, để lại nhiều hệ quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Thực phẩm không an toàn đang âm thầm giết dần mòn người dân, làm gia tăng chi phí y tế và giảm tuổi thọ bình quân của cộng đồng. Hầu như tất cả các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm khi kiểm tra đều phát hiện những sai phạm nghiêm trọng. Từ việc trồng rau xanh có sử dụng hóa chất kích thích vượt mức cho phép, các lò giết mổ gia xúc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh tối thiểu đến thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể và trong chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong các nguyên nhân của thực trạng trên có nguyên nhân từ công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập, cả về thể chế, tổ chức bộ máy và đầu tư cho công tác này. Bên cạnh đó là hiểm họa từ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm của hệ thống kênh rạch do nước thải không được xử lý trước khi xả ra môi trường, ô nhiễm không khí do bụi và khí thải độc hại thải từ các phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng, sản xuất, dịch vụ, đến ô nhiễm từ rác thải. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm do sóng vô tuyến cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới “WHO”, hàng năm trên thế giới có hàng triệu trẻ em bị tử vong do nhiễm khuẩn hô hấp, trong đó phần lớn trường hợp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường còn gây ra nhiều căn bệnh mãn tính khác.

Về vấn đề nghèo đói và tiếp cận các dịch vụ, an sinh xã hội. Thực tế đô thị và các vùng ven đô vẫn còn một bộ phận không nhỏ người thất nghiệp, nghèo và thu nhập thấp, chủ yếu là những người lao động giản đơn di cư từ khu vực nông thôn lên thành thị để tìm kiếm việc làm. Phần lớn trong số họ chỉ tìm được công việc giản đơn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở gần thành thị, một số khác kém may mắn hơn phải lang thang tìm kiếm công việc không ổn định trong nội thị với thu nhập ít ỏi. Do thu nhập thấp, lại phải làm việc vất vả nên số lao động di cư này dễ nảy sinh những bất đồng và có những hành động thiếu kiềm chế. Ngoài ra, tình trạng thấp nghiệp cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến các tệ nạn xã hội ở đô thị. Đây là sự bất ổn đối với chủ trương phát triển một xã hội đô thị công bằng, ổn định và văn minh. Người nghèo và thu nhập thấp còn rất khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ, an sinh xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Những bất bình đẳng càng thấy rất rõ khi so sánh với nhóm thu nhập cao và nhóm dân số có hộ khẩu thường trú tại đô thị. Con em người nhập cư khó vào các trường chính quy, công lập. Không có hộ khẩu thường trú, không được xét vào diện hộ nghèo nên con cái họ không được miễn giảm học phí, họ không được hỗ trợ tiền mua bảo hiểm y tế và các dịch vụ an sinh xã hội khác. Bên cạnh đó, người nghèo ở đô thị còn phải chi phí nhiều khoản phát sinh hơn ở nông thôn như tiền điện, nước, tiền nhà và giá cả lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu khác. Do vậy, trên thực tế người nghèo ở đô thị còn nghèo hơn hộ nghèo ở nông thôn. Giá dịch vụ y tế quá cao đã đẩy người bệnh nghèo vào cảnh nghèo hơn. Hiện có một nghịch lý người nghèo có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế lại thấp hơn các nhóm khác. Nhiều người không may bị bệnh tật phải bán đất, bán nhà ở quê để chữa trị, gia đình có nguy cơ phải gia nhập nhóm “người nghèo đô thị”.

Từ những tồn tại, bất cập, hạn chế nêu trên, có thể thấy, vấn đề đô thị hóa và phát triển bền vững con người chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Hay nói cách khác, đô thị hóa không có tính chất bền vững và chưa bảo đảm các điều kiện thúc đẩy phát triển con người.

4. Một vài khuyến nghị đặt ra

Để vấn đề đô thị hóa với phát triển bền vững con người là nhằm đạt đến nhiều mục tiêu chung đều hướng đến vì con người, thứ nhất chúng ta cần phải nhận thức một cách đúng đắn, khách quan, toàn diện và đặc biệt không chạy đua, không “đô thị hóa” bằng mọi giá.

Thứ hai, đô thị hóa với phát triển bền vững con người cần hướng tới phát triển đồng đều giữa các vùng miền. Phải xác định rằng, đô thị hóa với phát triển bền vững con người không thể tách khỏi nông thôn. Hay nói cách khác, đô thị hóa phải thúc đẩy, hỗ trợ cho phát triển ở khu vực nông thôn. Sự phát triển ở nông thôn không chỉ hỗ trợ cho đô thị phát triển như cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho chế biến, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp do đô thị tạo ra, mà còn làm giảm áp lực lên đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn. Chính yếu tố chênh lệch phát triển là áp lực tạo ra sự quá tải ở các đô thị lớn hiện nay. Do vậy chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống đô thị phải tạo ra sự phát triển đồng đều và khai thác phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh của các vùng, miền. Bên cạnh các đô thị là hạt nhân, cần chú trọng phát triển các đô thị vừa và nhỏ, gắn phát triển đô thị với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển vùng sâu vùng xa.

Thứ ba, đô thị hóa với phát triển bền vững con người cần phải nâng cao tính đồng bộ, tiện ích của hạ tầng và bảo vệ môi trường đô thị: Hạ tầng đô thị quyết định rất lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị. Trong đó, mảng hạ tầng kỹ thuật, gồm: hệ thống giao thông, cấp, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc, công viên cây xanh… có tác động trực tiếp và hàng ngày đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Do vậy, trong quy hoạch, phát triển đô thị cả hai mảng hạ tầng trên cần được quan tâm đúng mức và đầu tư một cách đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, nhà mẫu giáo…

Thứ tư, đô thị hóa với phát triển bền vững con người cần phải tạo điều kiện cho người nghèo và thu nhập thấp có nhà ở và tiếp cận được các an sinh xã hội: Tỷ lệ người nghèo đô thị đang có xu hướng tăng lên và người nghèo đô thị ngày càng khó khăn hơn để có được nhà ở, cũng như tiếp cận các dịch vụ, an sinh xã hội. Về nhà ở, trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, người nghèo và người thu nhập thấp ngày càng có rất ít cơ hội để có được một chỗ ở phù hợp. Ngay từ đầu, cần phải có các giải pháp đồng bộ để các hộ nghèo và người thu nhập thấp có được nhà ở, như: ưu đãi cho người mua nhà bằng cách: khi người dân đã tích lũy một phần tiền bằng 20% giá nhà, họ sẽ được ngân hàng chính sách cho vay thêm để đủ trả tiền mua nhà một lần (đây là khoản vay dài hạn, lãi suất thấp và được thế chấp bằng chính căn nhà đó); tạo điều kiện về quỹ đất và vốn cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, theo đó chính quyền địa phương phải dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội cần lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, phải phân định rõ nơi nào là đất làm nhà ở thương mại, nơi nào là đất dành để xây nhà cho người thu nhập thấp…

Trên cơ sở những vướng mắc, tồn tại, bất cập nêu trên, chúng tôi cho rằng, không nhất thiết bằng mọi giá phải đô thị hóa nơi này hay nơi kia, vấn đề phải bảo đảm phát triển hài hòa giữa khu vực nông thôn và thành thị. Mặt khác, hiện tại, chúng ta đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, Nhà nước cần phải tăng cường hơn nữa đầu tư cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn, vùng miền. Nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo trên tất cả các bình diện của cuộc sống giữa nông thôn và thành thị, đó chính là nhiệm vụ của phát triển bền vững con người hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lầ thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, 2016.
  2. Đào Hoàng Tuấn. Phát triển đô thị bền vững: Một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn. Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
  3. Đô thị hóa môi trường. Trang web http://chuyen-de-moi-truong.vinathuan.com,
  4. Lê Hồng Kế.Đô thị hóa và sự phát triển bền vững. Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
  5. Lê Xuân Bá. 2010. Hiện tượng di dân đến thành phố: Nhận định và đề xuất chính sách. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát triển đô thị bền vững. TP. Hồ Chí Minh. Tháng 5/2010. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
  6. Báo cáo Bộ Xây dựng 2016. Tổng kết thi hành pháp luật về quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam.
  7. http://tongdieutradanso.vn/cong-bo-ket-qua-tong-dieu-tra-dan-so-2019.html truy cập 12.07.19.
  8. Quyết định số 445/2009/TTg về điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.
  9. http://kinhtedothi.vn/ty-le-do-thi-hoa-nam-2019-se-dat-40-336325.html Cập nhật ngày 16/02/2019.

 

URBANIZATION WITH SUSTAINABLE HUMAN DEVELOPMENT

IN VIETNAM

PhD. TRUONG VAN DUNG

Institute of Human Studies

Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Urbanization with sustainable human development is an indispensable requirement in the current process of socio-economic development. However, fast-growing development will have negative consequences for society. Therefore, the research paper proposes useful solutions for the process of formulating and making policy of the State, fulfilling the goal of building and developing sustainable people according to the Party's Resolution.

Keywords: Urbanization, sustainable development, people, society, economy.