Doanh nghiệp nữ nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19

Mặc dù chịu nhiều tác động và tổn thất từ đại dịch COVID-19 nhưng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn nỗ lực phục hồi và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian qua.

doanh nghiệp nữ

Ngày 14/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố "Báo cáo Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19". Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế - thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Báo cáo phân tích số liệu từ cuộc điều tra doanh nghiệp lớp nhất Việt Nam do VCCI thực hiện trong năm 2020 và 2021 để nhận diện tác động của đại dịch COVID-19 và sự ứng phó của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, sự ứng phó của các doanh nghiệp và tìm hiểu đánh giá của họ đối với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước ở cấp trung ương và địa phương, từ đó đề xuất kiến nghị thúc đẩy các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phục hồi và phát huy khả năng, sức mạnh của mình.

87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, từ năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng.

Cụ thể, 87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực và hết sức tiêu cực từ dịch bệnh. Dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có doanh thu sụt giảm, kinh doanh thua lỗ tăng mạnh so với các năm trước.

Trong đó, năm 2019, có 61,1% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 27,1% doanh nghiệp bị thua lỗ; nhưng sang đến năm 2020, tỷ lệ này giảm hẳn, chỉ còn 53,2% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 32,1% doanh nghiệp bị thua lỗ. Bước sang năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi chỉ còn 42,7% và tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng lên mức 39,2%. 

Rõ ràng, doanh nghiệp nữ chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19 song đóng góp của doanh nghiệp do nữ làm chủ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian qua vẫn rất tích cực”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Nghiên cứu cho biết, dù các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của dịch COVID-19 gặp khó khăn hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ, nhưng tỷ lệ sa thải người lao động của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp hơn tại các doanh nghiệp do nam giới làm chủ.

Để ứng phó với tác động của đại dịch, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã áp dụng nhiều biện pháp như: các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động, biện pháp cơ bản để duy trì hoạt động liên tục, biện pháp chuẩn bị ứng phó với bùng phát dịch; biện pháp liên quan đến tăng cường công nghệ thông tin, tự động hóa ít được áp dụng hơn. Ở tất cả các biện pháp đã triển khai, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có tỷ lệ đã hoàn thành cao hơn doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Mức độ nhìn nhận tích cực và đồng tình cao hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ đối với một số hoạt động ứng phó cụ thể của chính quyền địa phương.

Danh sách doanh nhân tiêu biểu Việt Nam trong năm 2022 vừa được VCCI công bố cho thấy, có tới 15 trên tổng số 60 doanh nhân được tuyên dương là nữ, chiếm tỷ lệ 22%, cao nhất từ trước đến nay. Cũng theo một nghiên cứu do VCCI tiến hành, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam hiện nay chiếm 22% tổng số doanh nghiệp.

ảnh hưởng Covid

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận các chương trình hỗ trợ

Từ khảo sát thực tiễn, Nhóm nghiên cứu đề xuất, các địa phương cần đưa ra ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các địa phương, hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng một cách bình đẳng đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại; đơn giản hóa điều kiện và thủ tục cho vay, xử lý hồ sơ nhanh chóng.

Các cơ quan hữu quan có thể làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp và các mạng lưới kinh doanh, cộng đồng khác để giải đáp, hỗ trợ thông tin, hướng dẫn cụ thể về các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả các biện pháp hỗ trợ.

Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế, nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động, hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp hướng vào các ngành lan tỏa và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch; các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó các khoản trợ cấp trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng.

Về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.

Các hiệp hội, câu lạc bộ, tổ chức đại diện doanh nghiệp tăng cường hoạt động hỗ trợ kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường cho các thành viên. Song song với đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm cách thức để tự “cứu mình”, ví dụ, kinh doanh online, triển lãm trực tuyến, tham dự các sự kiện hội thảo, kết nối giao thương trực tuyến…

Cơ quan nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp cần kịp thời cung cấp thông tin thị trường; doanh nghiệp chủ động hơn trong kiểm soát, giảm thiểu rủi ro của biến động thị trường bằng cách đánh giá rủi ro và có kế hoạch ứng phó, ví dụ như mở rộng kênh bán hàng, mở rộng chuỗi cung ứng, kiểm soát và củng cố kênh phân phối sản phẩm.

Theo Báo cáo, tính đến hết tháng 9/2022 có 263.444 là số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong tổng số 883.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.

Còn theo số liệu từ điều tra doanh nghiệp PCI 2021, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong điều tra PCI 2021 là 22,2%; Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại/dịch vụ, chủ yếu xuất phát từ hộ kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung ở mức nhỏ, siêu nhỏ (chiếm 90,7% trong tổng số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ) và với quy mô trung bình thấp hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Có đến 61,3% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ xuất phát từ hộ kinh doanh cá thể; Khách hàng chính là cá nhân trong nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

[Quảng cáo]

Việt Hằng