Theo đó, PMI của Việt Nam đã tăng từ mức 51,9 điểm trong tháng 3 lên 52,5 điểm trong tháng 4, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của “sức khỏe” lĩnh vực sản xuất.

Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam được duy trì trong tháng 4 khi các công ty tiếp tục thu hút thành công lượng đơn đặt hàng mới. Điểm đáng khích lệ là việc làm đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng và mức độ tự tin trong kinh doanh đã cải thiện tháng thứ hai liên tiếp. Có những dấu hiệu cho thấy chi phí đầu vào tăng nhanh hơn, nhưng các công ty tiếp tục giảm giá cả đầu ra trong một nỗ lực thúc đẩy nhu cầu khách hàng.

Các công ty tiếp tục có số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 4, với tốc độ tăng hầu như ngang bằng với tháng 3. Sản lượng ngành sản xuất đã tăng tháng thứ 17 liên tiếp. Số lượng việc làm đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng. Lượng công việc, đơn hàng tồn đọng đã giảm tháng thứ tư liên tiếp.

Hoạt động mua hàng của các DN sản xuất tiếp tục tăng mạnh, với mức tăng gần đây nhất giúp hàng tồn kho trước sản xuất tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1. Tồn kho thành phẩm cũng tăng nhẹ.

Số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo tăng tiếp trong năm tới, từ đó làm tăng mức độ lạc quan của DN sản xuất về sản lượng. Các kế hoạch mở rộng kinh doanh cũng được đưa ra để hỗ trợ tăng trưởng sản lượng.

Đáng chú ý, chi phí đầu vào đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2018 nhưng các DN sản xuất Việt Nam tiếp tục giảm giá cả đầu ra. Giá bán hàng đã giảm tháng thứ năm liên tiếp, dù ở tốc độ nhỏ, nhờ những nỗ lực duy trì số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại HIS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: “Điểm tích cực chính của khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam mới đây là tình trạng việc làm tăng trở lại. Tuy nhiên, vẫn có sự ngần ngại trong việc nâng giá bán hàng mặc dù chi phí đầu vào tăng nhanh hơn, nhưng điều này có thể sẽ thay đổi nếu số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tới”.