Doanh nhân nên cẩn trọng hơn trong các quyết định kinh doanh

Là nội dung được tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định trong hội thảo Vietnam Business Outlook 2019 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (2/11/2018)

Theo đó, trong hội thảo Vietnam Business Outlook 2019 do TheLEADER phối hợp với Group Quản lý doanh nghiệp tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (2/11/2018), tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trường Fulbright nhận định triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019 và những năm sau không quá tươi sáng, các doanh nhân nên cẩn trọng hơn trong các quyết định kinh doanh của mình.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trường Fulbright  chia sẻ góc nhìn tại hội thảo
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trường Fulbright chia sẻ góc nhìn tại hội thảo

          Chia sẻ với gần 300 doanh nhân tham dự, ông Tự Anh đã đưa ra những góc nhìn thẳng thắn về sự "bình thường mới", suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, suy giảm về thương mại, đầu tư và vấn đề di chuyển các dòng vốn cùng những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đến Việt Nam và bức tranh ảm đạm của nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

          Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, nếu tính tỷ trọng giữa thương mại và GDP của Việt Nam xấp xỉ 200%, so với các nền kinh tế lớn thì Việt Nam đứng top đầu về độ mở của nền kinh tế. Vì vậy, bất kỳ một cái gì dù lớn dù nhỏ xảy ra trên thế giới đều tác động ngay lập tức và to lớn đến Việt Nam.

Gần 300 doanh nhân tham dự hội thảo
Gần 300 doanh nhân tham dự hội thảo

          Sau khủng hoảng kinh tế năm 2009, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế thế giới thời điểm hiện tại đã giảm sút, rất khó để phục hồi tăng trưởng so với 10 – 15 năm trước đây. Cách đây 15 năm, tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trên 4% tuy nhiên những năm gần đây, tăng trưởng từ 3 - 3,5% đã có thể được coi là thành công.

          Cũng theo vị Tiến sĩ này, không chỉ thế giới mà cả châu Á cũng gặp phải chuyện đó. Nếu nhìn vào từng khu vực cụ thể, nếu như cách đây khoảng độ 10 năm, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có mức độ tăng trưởng gần 8,5% thì bây giờ chỉ còn 6,8%. Trung Quốc trước đây tăng trưởng 10,2% giờ còn 7,3%; năm 2016 và vài năm trở lại đây chỉ còn 6,6% hoặc 6,5%, dự đoán cuối thập niên này chỉ còn 6,3% hoặc 6,2%. Tình hình tương tự cũng diễn ra với các nước như Indonesia, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam.

          Cách đây khoảng 20 năm, nền kinh tế Việt Nam có những lúc tăng trưởng 9,6 - 9,7%, cách đây 10 năm tăng trưởng được 8,5 - 8,6%, bây giờ rấy khó thấy được tăng trưởng trên 7%. Năm 2018, Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng rất cao nhưng cũng chỉ được 6,8 - 6,9%. Bên cạnh đó, rủi ro tiềm ẩn của các nền kinh tế cũng rất lớn, như Trung Quốc – quốc gia có nền kinh tế có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam.

TP. Hồ Chí Minh - Nơi tập chung nhiều doanh nhân của Việt Nam
TP. Hồ Chí Minh - Nơi tập chung nhiều doanh nhân của Việt Nam

           Hiện Trung Quốc có tỷ lệ nợ rất cao, nếu tính từ khởi điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến bây giờ, tỷ lệ nợ của Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với trước đó và nhiều khoản nợ trong đó thuộc ngân hàng ngầm, tức là không thông qua ngân hàng chính thức nên không được điều tiết, nó như là những quả bom nổ chậm. Nếu không có được không gian tài khoá, nền kinh tế Việt Nam trong vài năm tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn và nếu chúng ta cứ cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng vượt qua mức tiềm năng, sẽ tạo ra sự đứt gãy như đã từng chứng kiến trong năm 2007 – 2008. Hậu quả của sự cạn kiệt không gian tài khoá rất nghiêm trọng: tăng thâm hụt ngân sách và nợ công, sức ép tăng thuế, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết thêm.

Hoàng Dương