Đổi mới chế độ kế toán áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) tại Việt Nam

ThS. NGÔ BỈNH DUY (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), viết tắt từ tiếng Anh “Treasury And Budget Management Information System”) là một trong ba cấu phần và là cấu phần quan trọng nhất của Dự án “Cải cách Quản lý tài chính công”, do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Dự án triển khai đã làm thay đổi cơ bản các hoạt động nghiệp vụ ngân sách, kho bạc và các ứng dụng công nghệ thông tin có liên quan theo hướng tập trung, hiện đại.

Từ khóa: Hệ thống Thông tin Quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), nghiệp vụ ngân sách, quản lý kho bạc, kế toán.

I. Đặt vấn đề

Hệ thống TABMIS đang được vận hành ổn định tại 1.025 điểm trên toàn quốc. Đặc biệt TABMIS đã được triển khai, vận hành thành công tại thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô, khối lượng giao dịch, số lượng chứng từ lớn nhất trong số các tỉnh đã triển khai TABMIS, yêu cầu quản lý thu, chi ngân sách nhà nước có nhiều đặc thù. Thành công khi triển khai dự án TABMIS tại Hà Nội đã đánh dấu và khẳng định sự thành công của việc triển khai dự án TABMIS đối với các địa phương còn lại. Đến nay, Sở Tài chính Hà Nội và Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã vận hành hệ thống TABMIS phục vụ chính thức cho giao dịch hàng ngày.

Dự án TABMIS đã triển khai tới 15 bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Tài chính với các Tổng cục trực thuộc (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ) để thực hiện phân bổ dự toán ngân sách Trung ương vào TABMIS. Dự toán của các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã được đồng bộ thành công xuống các kho bạc nhà nước địa phương. Đến nay, các đơn vị đều đã sử dụng TABMIS là hệ thống chính, phục vụ giao dịch hàng ngày cho khách hàng và khai thác thông tin, số liệu báo cáo phục vụ kịp thời công tác quản lý điều hành của các cấp lãnh đạo.

Có thể nói những lợi ích mà TABMIS đem lại thể hiện khá rõ, như: hỗ trợ nhiều cho quá trình cải cách quản lý tài chính công như thống nhất các cơ chế và quy trình ngân sách; thống nhất quản lý phân cấp thu, chi ngân sách, xác định rõ nội dung thu, chi ngân sách; tập trung thông tin thu, chi ngân sách các cấp một cách đồng bộ, tức thời; đảm bảo đồng bộ dữ liệu thu chi ngân sách giữa cơ quan Thuế - Kho bạc - Tài chính, tránh trùng lặp thông tin đầu vào, trực tiếp khai thác báo cáo, quản lý dự toán các cấp minh bạch và rõ ràng; phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, vai trò của các cơ quan trong chấp hành ngân sách.

Theo đó, việc triển khai TABMIS vừa thúc đẩy, vừa tạo điều kiện cho tiến trình cải cách cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ theo hướng công khai, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và khả năng hội nhập về quản lý tài chính công của Việt Nam theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; thúc đẩy thống nhất cơ chế quản lý ngân sách nhà nước, nội dung và bản chất của các khoản thu - chi ngân sách nhà nước; góp phần phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, vai trò của các cơ quan (cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị sử dụng ngân sách) trong việc chấp hành ngân sách nhà nước.

Đặc biệt là việc ban hành và triển khai chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS với kế toán đồ đa chiều; cơ chế kiểm soát cam kết chi qua Kho bạc Nhà nước,… đã từng bước xây dựng hệ thống kế toán nhà nước dựa trên cơ sở kế toán tiền mặt điều chỉnh, tạo tiền đề để hình thành mô hình hệ thống Tổng Kế toán Nhà nước trong thời gian đến. Đồng thời, với hệ thống báo cáo chuẩn khả dụng, báo cáo tùy chỉnh đã cơ bản cung cấp được đầy đủ các thông tin, báo cáo phục vụ cho việc quản lý, điều hành ngân sách của các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, do TABMIS là dự án lớn cả về mục tiêu, phạm vi và đối tượng sử dụng, nên trong quá trình triển khai thực hiện nhất định sẽ gặp không ít vướng mắc, khó khăn trong đó phải kể đến những bất cập của chế độ kế toán cũ đang được áp dụng.

II. Thực trạng

Trên cơ sở Thông tư số 08/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS), các văn bản pháp quy hiện hành và Công văn số 388/KBNN-KTNN ngày 01/3/2013 của Kho bạc Nhà nước hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán TABMIS, đồng thời thông qua thực tiễn triển khai tại địa phương trong nhiều năm qua, đã bộc lộ một số hạn chế chưa thực sự phù hợp với thực tiễn phát sinh. Đó là:

Thứ nhất, trước khi thực hiện TABMIS, đang tồn tại nhiều hệ thống kế toán khác nhau trong việc ghi chép, phản ánh tình hình thu - chi ngân sách nhà nước. Do vậy, trên chương trình TABMIS tồn tại một số biểu mẫu, chứng từ chưa thống nhất với chế độ kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Nhiệm vụ nặng nề của Bộ Tài chính là phải có một hệ thống kế toán nhà nước dự kiến áp dụng trong những năm tới. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tích cực triển khai xây dựng chế độ kế toán mới để áp dụng cho TABMIS. Chế độ kế toán mới đòi hỏi được cải cách, tiến tới tương đối phù hợp với chuẩn mực kế toán công quốc tế.

Thứ hai là, hiện tại quy trình ngân sách áp dụng trong điều kiện TABMIS và hệ thống mục lục ngân sách mới được Bộ Tài chính triển khai, để phù hợp với phần mềm tích hợp mua sẵn của TABMIS, đòi hỏi phải cải cách cơ chế quản lý ngân sách nhà nước theo hướng phù hợp hơn với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Thứ ba là, việc triển khai TABMIS đòi hỏi phải có một đơn vị kế toán đủ mạnh để đảm nhiệm chức năng kế toán thống nhất toàn Chính phủ.

Thứ tư là, quy trình giám sát chi hiện hành tuy đã áp dụng công nghệ thông tin, nhưng thông tin quản lý ngân sách còn phân tán ngay trong các cơ quan quản lý ngân sách (tài chính, kho bạc, thuế, hải quản) và giữa cơ quan quản lý ngân sách với đối tượng của quản lý ngân sách (đơn vị chi tiêu, đối tượng nộp), nhiều khâu còn dựa trên nền tảng giám sát thủ công và sử dụng chứng từ giấy.

Thứ năm là, TABMIS đòi hỏi đơn vị sử dụng ngân sách phải khai báo với Kho bạc những khoản dự chi chắc chắn, điều này là rất khó đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay.

Có thể thấy những thách thức đặt ra để thực hiện triển khai xây dựng và lắp đặt thành công hệ thống TABMIS là rất lớn. Điều này là tất yếu bởi lẽ đây sẽ là hạt nhân để triển khai cả một dự án lớn, một chủ trương lớn về cải cách quản lý tài chính công. Để thực sự đưa hệ thống vào vận hành với một cơ chế và quy trình nghiệp vụ mới phù hợp thì sự phối kết hợp giữa các tác nhân tham gia với một phương pháp luận đúng đắn là yếu tố cơ bản cho sự thành công.

III. Một số đổi mới trong kế toán tabmis theo công văn số 18899/BTC-KBNN

Ngày 30/12/2016, Bộ Tài chính phát hành công văn số 18899/BTC-KBNN hướng dẫn chế độ Kế toán Nhà nước áp dụng cho TABMIS liên quan đến một số điểm mới của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Theo đó, một số nội dung đã được đổi mới so với trước đây là:

1. Hoàn thiện hệ thống tài khoản

Đây là vấn đề hoàn thiện về nội dụng kế toán để xây dựng chế độ kế toán phù hợp với TABMIS, công văn đã bổ sung tài khoản và sửa đổi nội dung tài khoản cho phù hợp. Đó là nhóm tài khoản 92 - dự toán chi đơn vị trên tài khoản cấp 2 về khoản dự chi thường xuyên ngân sách cấp cho các cấp theo cấp độ. Cách phân chia này theo các cán bộ kế toán là phù hợp với kỹ thuật phân bổ ngân sách trên TABMIS.

2. Nhập dự toán theo nhiệm vụ chi của Luật Ngân sách Nhà nước 2015

Luật Ngân sách Nhà nước 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, trong đó đã quy định rõ các nội dung chi ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chi ngân sách Trung ương, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, gồm cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên được chi tiết theo 13 lĩnh vực chi. Theo đó, việc hạch toán dự toán căn cứ vào:

- Dự toán chi ngân sách theo lĩnh vực được Quốc hội quyết định với ngân sách nhà nước, Hội đồng nhân dân quyết định với ngân sách địa phương.

- Dự toán chi ngân sách Thủ tướng Chính phủ (hoặc ủy quyền cho các Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Điều này góp phần làm rõ hơn sự không chắc chắn về dự toán chi khi mà TABMIS có yêu cầu khai báo đầy đủ.

3. Sửa đổi mã tính chất nguồn kinh phí chi thường xuyên

Kể từ năm 2017, Bộ Tài chính có quy định mới đối với kinh phí không giao tự chủ, không giao khoán của cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 năm thực hiện dự toán (theo quy định tại Điều 64 Luật Ngân sách Nhà nước 2015) được hạch toán vào tài khoản kinh phí không giao tự chủ, không giao khoán với tính chất nguồn 15 và đối với kinh phí giữ lại không được chi theo quy định của cấp có thẩm quyền được hạch toán vào tài khoản kinh phí giữ lại với tính chất nguồn 28. (Xem bảng)

Do đặc thù quản lý ngân sách của Việt Nam là phân tán, các cấp ngân sách địa phương có nhiều đặc thù khác nhau, tùy theo từng vùng miền, từng tỉnh, do vậy cần quan tâm đến các giá trị theo yêu cầu đặc thù của các địa phương, chương trình mục tiêu của ngân sách địa phương. Bởi vậy, cần tập hợp các chương trình mục tiêu phát sinh ở các cấp ngân sách địa phương trên toàn quốc xây dựng bộ mã chương trình mục tiêu đảm bảo tổng hợp bao quát được hết các nghiệp vụ phát sinh của ngân sách địa phương để sử dụng cho TABMIS.

4. Phương pháp hạch toán các nghiệp vụ được cụ thể từ cấp 0 tới cấp 1

Công văn 18899/BTC-KBNN đã góp phần hoàn thiện phương pháp hạch toán kế toán từ cấp 0 đến cấp 1. Do Kho bạc Nhà nước đang áp dụng chương trình kế toán nội bộ tập trung, vì vậy các nghiệp vụ kế toán nghiệp vụ liên quan đến kế toán nội bộ như: Kế toán tiền thừa do tiền lẻ phát sinh trong quá trình giao dịch, lãi tiền gửi và phí thanh toán... được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với TABMIS. Bởi vì chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS là chế độ kế toán nhà nước thống nhất, dựa trên cơ sở của kế toán tiền mặt điều chỉnh, trong đó các nghiệp vụ được hạch toán trên cơ sở tiền mặt, một số nghiệp vụ được hạch toán trên cơ sở dồn tích. Với việc thiết lập và vận hành của TABMIS đã đảm bảo cung cấp các thông tin đầu vào cần thiết cho hoạt động phân tích dự báo luồng tiền, hướng đến cải cách trong quản lý ngân quỹ với hai mục tiêu an toàn và hiệu quả, thể hiện qua việc một mặt đảm bảo khả năng thanh toán của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương mọi nơi, mọi lúc, mặt khác tiến tới mục tiêu giảm thặng dư ngân quỹ Trung ương và địa phương ở mức tối thiểu.

Có thể thấy những thay đổi mà công văn 18899/BTC-KBNN mang lại mới chỉ thể hiện ở phần phương pháp kế toán áp dụng cho TABMIS. Về sâu xa vẫn còn nhiều vấn đề về con người, về quy trình nghiệp vụ, tổ chức, thể chế… mà công văn chưa thể giải quyết được. Điều này đòi hỏi Bộ Tài chính sẽ còn phải nghiên cứu để đưa TABMIS phù hợp hơn với Luật Kế toán 2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Kế toán 2015.

2. Công văn 18899/BTC-KBNN.

3. Tạp chí Tài chính

4. Tạp chí Kế toán kiểm toán.

REFORMING THE ACCOUNTING SYSTEM OF THE TABMIS IN VIETNAM

MA. NGO BINH DUY

Faculty of Accounting, University of Economics and Technical Industries

ABSTRACT:       

The Treasury and Budget Management Information System (TABMIS) is one of three components of Public Financial Management Reform project of the Ministry of Finance. TABMIS is also considered the most important part in this project. The implementation of this ministrys project has significantly changed budgeting operations, treasury management and relevant information technology applications of public finance sector in Vietnam towards a focused and modern way. 

Keywords: Treasury And Budget Management Information System (TABMIS), budgeting, treasury management, accounting.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây