Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

ThS. Hà Thị Thu Thủy (Khoa Kinh tế cơ sở - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới đều phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề  là làm thế nào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển. Dựa trên nghiên cứu về một số nội dung cơ bản của kỷ nguyên công nghệ 4.0, bài viết nhận diện những thách thức đối với nền giáo dục Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Từ khóa: Đổi mới giáo dục đại học, cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Tác động của cách mạng 4.0 đối với giáo dục đại học

Theo các chuyên gia ngành Giáo dục, trong thời đại mới, người ta sẽ không còn quá quan trọng đến một tấm bằng một cách hình thức, đến nguồn gốc xuất thân, hay những mối quan hệ, mà thay vào đó là kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng... Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), cơ hội dành cho tất cả mọi người như nhau. Ai có năng lực thực sự, có trình độ chuyên môn tốt, có kỹ năng và có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, người đó sẽ thành công.

Đối với các trường đại học, CMCN 4.0 đòi hỏi phải đào tạo ra nguồn nhân lực có các kỹ năng mới và trình độ giáo dục cao hơn so với 10 năm trước, bởi thị trường đòi hỏi lao động có trình độ giáo dục và đào tạo cao hơn. Thực tế hiện nay, giáo dục đại học về tổng thể vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Theo một nghiên cứu năm 2013 của Lumina Foundation/Gallup phát hiện rằng, chỉ 11% lãnh đạo kinh doanh đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học theo ngành nghề họ đang tìm kiếm là làm việc được. Con số này khác xa với 96% cán bộ phụ trách đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng lại rất tự tin cho rằng, trường của họ đang đào tạo sinh viên cho các nghề nghiệp tương lai. Quy mô thiếu hụt kỹ năng khác nhau tùy theo lĩnh vực ngành nghề. Khảo sát điều tra của Học viện Chế tạo và Hãng Deloitte với 450 giám đốc điều hành sản xuất cho thấy, những lĩnh vực mà nhân công thiếu kỹ năng nhất là: Công nghệ và máy tính (70%), giải quyết vấn đề (69%), đào tạo kỹ thuật cơ bản (67%) và kỹ năng tính toán (60%). Cuộc CMCN 4.0 có ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất đến giáo dục - nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền công nghiệp mới, đồng thời tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT), nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang đổi mới toàn diện, theo đó giáo dục 4.0 đang được đánh giá là mô hình phù hợp.

2. Giáo dục đại học trong thời đại 4.0

Thứ nhất, nền tảng của CMCN 4.0 là sự kết nối giữa thế giới thật và ảo thông qua phần mềm công nghệ thông tin, kỹ thuật số và kết nối mạng; do vậy, kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin và kỹ thuật số có vai trò rất quan trọng đối với nhà trường cũng như người học. Nhiệm vụ của các trường đại học trong giai đoạn tới phải đào tạo đủ chuyên gia công nghệ thông tin; tích cực trang bị cho các em sinh viên các kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng có liên quan để đáp ứng nhu cầu xã hội trong nền công nghiệp 4.0; trang bị trình độ ngoại ngữ đủ để có thể làm việc ở mọi nơi trong tư cách của công dân toàn cầu.

Thứ hai, vấn đề việc làm và thất nghiệp là hiện tượng phổ biến của quá trình công nghiệp 4.0, nhất là thời kỳ đầu, lực lượng lao động chưa thích ứng với điều kiện mới của công nghiệp và sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động giữa các lĩnh vực. Thực tế đã có những thay đổi việc làm trên thị trường lao động, người máy bắt đầu thực hiện các công việc phổ thông thay cho con người. Người máy với nguồn học liệu vô tận có thể thực hiện tốt các bài giảng ở một số môn học như địa lý, lịch sử... và có thể hoàn toàn thay thế đội ngũ giáo viên hiện nay. Việc làm ở các lĩnh vực như tư vấn pháp luật, kế toán và tư vấn thuế cũng có thể bị thay thế hoàn toàn bởi các rô-bốt thông minh. Do vậy, vấn đề đặt ra đối với các trường đại học là định hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu ngành nghề của cuộc CMCN 4.0 và đào tạo lại để thích ứng với ngành nghề mới.

Thứ ba, chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa được linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động CMCN 4.0. Giáo dục và huấn luyện là 1 trong 9 lĩnh vực có nhiều thay đổi, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động rất mạnh và toàn diện, danh mục nghề đào tạo và chương trình đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục, vì ranh giới giữa các lĩnh vực rất mỏng manh. Các trường đại học thực hiện hoạt động đào tạo theo 2 hướng: một mặt phải đáp ứng tính định hướng xã hội, mặt khác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, áp lực đối với các trường đại học càng lớn khi chương trình đào tạo vừa đáp ứng tính chuyên môn cao trong lĩnh vực nhất định, vừa đáp ứng tính liên ngành (công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng, kiến thức chuyên ngành) và các kỹ năng khác không thể thiếu, như: khả năng suy nghĩ có hệ thống, khả năng tổng hợp, khả năng liên kết giữa thế giới thực và ảo, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác liên ngành… Trong bối cảnh kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo. Như vậy, CMCN 4.0 đã tạo áp lực lớn trong hoạt động đào tạo đối với các trường đại học, từ xây dựng chương trình đào tạo, cập nhật nội dung chương trình cho đến đào tạo kỹ năng cho người học để đáp ứng yêu cầu công nghiệp.

Thứ tư, một vấn đề khác đặt ra cho các cơ sở đào tạo bậc cao là cách thức tổ chức để chuyển tải nội dung chương trình đào tạo đến người học. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số và hệ thống mạng. Các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng… sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có sự chuẩn bị tốt nguồn lực tổ chức giảng dạy, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, xây dựng không gian học tập, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học… Tóm lại, như vậy với khâu đầu tiên mang tính đột phá là công nghệ thông tin, CMCN 4.0 đã tác động to lớn mạnh mẽ, tạo nên những bước ngoặt lớn lao với nên giáo dục thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Để làm được điều đó thì giáo dục đóng vai trò nòng cốt... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải thay đổi căn bản, không chỉ đổi mới trên phương diện đào tạo ngành nghề hay giáo dục ở bậc đại học, mà cần thay đổi từ giáo dục bậc phổ thông, mẫu giáo; yêu cầu đặc biệt hiện nay là giáo dục ý thức và kỹ năng của một công dân toàn cầu. (Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số ngày 15/5/2017 tại Hà Nội).

3. Yêu cầu đặt ra đối với hệ thống giáo dục Việt Nam

Những bước nhảy vọt của CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức và phát sinh thêm rất nhiều ngành nghề mới trên thị trường lao động. Sự thay đổi này đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng.

Để có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội, vượt qua những thách thức từ cuộc CMCN 4.0, thời gian tới, hệ thống giáo dục đại học nước ta cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:

Một là, cần tiếp tục gia cố những yếu tố nền móng, đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của quốc gia. Mục tiêu là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cụ thể là chuyển từ biệt lập, tự phát về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng lao động, từ cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn, thách thức.

Hai là, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao; thị trường sản phẩm khoa học công nghệ phải phản ánh đầy đủ quan hệ cung - cầu, qua đó, làm căn cứ hoạch định chiến lược và chính sách. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ; gắn kết chặt chẽ giữa các vườn ươm khởi nghiệp với trường đại học và DN...

Ba là, các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường liên kết với các DN, các trường đại học quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công - tư; Xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp với xu hướng công nghệ hiện đại trong nền kinh tế 4.0.

Bốn là, các trường đại học cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu, thu hút cán bộ giỏi, các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác với nhà trường. Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó xây dựng đội ngũ giáo viên là khâu then chốt…

Năm là, các chương trình đào tạo về lĩnh vực thương mại cần cập nhật kiến thức chuyên môn nhanh hơn nữa, phù hợp với xu hướng CMCN 4.0, mà cụ thể là 10 ứng dụng cơ bản của cuộc cách mạng này.  

Sự thành công hay thất bại, tận dụng tốt thời cơ, vận hội hay vượt qua nguy cơ, thách thức từ cuộc CMCN 4.0 ở Việt Nam hiện nay phụ thuộc một cách quyết định vào phương thức khai thác nguồn lực con người, nhất là việc xây dựng, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đó chính là giáo dục đại học.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam – PGS. TS. Nguyễn Cúc - Học viện Chính trị khu vực I - Báo điện tử baomoi.com, ngày 27/8/2017.
  2. Giáo dục đại học phải làm gì trước thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0? TS. Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng, Báo điện tử giaoduc.net.vn số ra ngày 22/7/2017.
  3. Ngành Giáo dục "đón đầu" cuộc cách mạng 4.0 ra sao? GS. Phan Văn Trường, cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế - Báo điện tử baoquocte.vn, ngày 14/4/2017.

REFORMING HIGHER EDUCATION IN VIETNAM TO MEET THE NEEDS OF THE INDUSTRY 4.0

MA. HA THI THU THUY

Faculty of Foundation Economics

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Apart from Vietnam, many developing countries in the region and around the world are facing the shortage of highly qualified labor and professional skills to meet the needs of industry 4.0. The question is how to train high quality human resources to meet development needs. Based on researches on several foundational contents of the Industry 4.0, the paper identifies challenges for Vietnamese education in human resource training.

Keywords: Reforming higher education, Industry 4.0.