Đổi mới hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII

THS. NGUYỄN THỊ THÚY (Khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ)

TÓM TẮT:

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là việc làm cần thiết hiện nay. Bài viết dưới đây tập trung làm rõ khuôn khổ pháp lý; thực tiễn hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ở nước ta; đề xuất các giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Từ khóa: giải trình, giám sát, giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, nhà nước pháp quyền, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

1. Cơ sở pháp lý về hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, là phương thức kiểm soát quyền lực có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta. Cùng với các chủ thể giám sát khác (Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Đại biểu Quốc hội và đoàn Đại biểu Quốc hội), hoạt động giám sát thông qua hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Theo nghĩa chung nhất, “giải trình” được hiểu là trình bày để giải thích, thuyết minh. Tuy nhiên, khi xét dưới góc độ là hoạt động của Quốc hội, mang tính chủ động của cơ quan giám sát, giải trình cần được hiểu là hoạt động nghe giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với các đối tượng chịu sự giám sát.

Với vị trí, tính chất là cơ quan của Quốc hội, do Quốc hội trực tiếp bầu ra, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được quy định trước hết tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các Luật khác có liên quan.

Hiến pháp năm 2013 đã hiến định hoạt động “báo cáo, giải trình” thành một trong những phương thức giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Điều 77 Hiến pháp 2013 quy định: “Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó; Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời những kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội”.

Trình tự của hoạt động báo cáo, giải trình được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 82) và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015 (Điều 43). Điều 2 Nghị quyết số 59/2018/QH14 về chương trình giám sát năm 2019 quy định: Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, Ủy ban.

Như vậy, theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản pháp luật khác nêu trên thì Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có 3 nhiệm vụ chủ yếu, đó là: (1) Thẩm tra các dự án luật của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH; (2) Giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; (3) Kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Để thực hiện các nhiệm vụ này, pháp luật quy định Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội một số thẩm quyền, trong đó có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

2. Thực trạng hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

Thực tế cho thấy, hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã bắt đầu triển khai từ những năm cuối của Quốc hội khóa XII (với tên gọi là các phiên giải trình). Tuy nhiên, hoạt động này được tiến hành chưa nhiều và mới mang tính chất thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tính đến thời điểm hiện nay, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã thực hiện được 20 phiên giải trình và thu được những kết quả đáng khích lệ. Việc tổ chức các phiên giải trình đã ngày càng được chú trọng, có nhiều đổi mới và thu hút được sự tham gia đông đảo của đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đại diện một số cơ quan liên quan, cũng như được sự quan tâm, đánh giá cao trong dư luận cử tri, nhân dân.

Nội dung các phiên giải trình chủ yếu tập trung vào những vấn đề thiết thực, có tính thời sự, bức xúc, được các đại biểu Quốc hội và dư luận, cử tri quan tâm. Không khí thảo luận tại các phiên giải trình diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi, ý kiến phản biện thẳng thắn, chất lượng, góp phần làm rõ những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Sau mỗi phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ban hành Kết luận phiên giải trình, trong đó tập trung đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đối với vấn đề được yêu cầu giải trình, từ đó có những yêu cầu, kiến nghị cụ thể đối với cơ quan, người có trách nhiệm giải trình và các cơ quan, tổ chức có liên quan về những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để khắc phục các tồn tại, hạn chế. Qua hoạt động giải trình đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, tạo chuyển biến tích cực đến công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan, giải tỏa bức xúc trong xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân; đồng thời giúp giảm tải áp lực đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết thúc các phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các báo cáo là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng phục vụ việc thảo luận, tham gia góp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội. 

Tuy nhiên, hoạt động giải trình vẫn chưa thực sự được coi là một phương thức giám sát thường xuyên, chưa có sự cân đối với các hoạt động giám sát khác. Số lượng phiên giải trình được tổ chức chưa nhiều (bình quân hằng năm, các cơ quan của Quốc hội (10 cơ quan) mới thực hiện được 5 phiên giải trình, trong đó, mới có 7/10 cơ quan của Quốc hội tổ chức được phiên giải trình (gồm: Hội đồng Dân tộc; Ủy ban về các vấn đề Xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng). Việc xác định tiêu chí lựa chọn nội dung, vấn đề giải trình còn lúng túng nên nhiều phiên giải trình vẫn lựa chọn vấn đề có nội dung rộng, chưa phù hợp với tính chất của giải trình, không đủ thời gian để tranh luận, làm rõ vấn đề nên chưa thực sự giải quyết tốt các vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn. Việc tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có lúc chưa có sự thống nhất về trình tự, cách thức thực hiện, thành phần mời tham gia, công tác thông tin, truyền thông; nhiều trường hợp đối tượng được mời tham dự các phiên giải trình còn hạn chế, thiếu sự tham dự của đại biểu Quốc hội (không phải thành viên của Hội đồng, Ủy ban), các chuyên gia, đối tượng chịu tác động của chính sách. Việc phối hợp giải trình đối với vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của nhiều cơ quan của Quốc hội còn hạn chế. Việc theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết luận phiên giải trình cũng chưa được thường xuyên.

Những bất cập trên đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đây còn là hoạt động mới, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức. Vẫn còn những cơ quan, đơn vị chưa thực sự chủ động trong việc triển khai hình thức giám sát này. Hoạt động này chưa được cân đối một cách tốt nhất trong tương quan với các hình thức giám sát khác. Bên cạnh đó, bản chất hoạt động giải trình cần có tính phản biện rất cao, nhưng có trường hợp chưa đi đến tận cùng vấn đề,…

3. Hoạt động điều trần ở Ủy ban của Nghị viện một số nước trên thế giới và những gợi mở đối với hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam

Điều trần ở Ủy ban của nghị viện trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động lập pháp, giám sát của nghị viện các nước. Theo một nghiên cứu của Viện Ngân hàng thế giới năm 2001, trong số trên 80 nghị viện được khảo sát, có trên 90% nghị viện áp dụng điều trần trong hoạt động của Ủy ban[1].

Những quy định về hoạt động điều trần ở ủy ban của nghị viện các nước gồm một số nội dung như: Mục đích của điều trần; Chủ thể tiến hành; Thẩm quyền của ủy ban quyết định nội dung cần điều trần; Tính bắt buộc của điều trần; Đối tượng điều trần; Tính công khai, thủ tục phiên điều trần; Hệ quả của điều trần[2].

Điều trần là một quá trình với sự tham gia của nhiều người - các thành viên Ủy ban, đại diện của các cơ quan chính phủ, các nhân chứng, cán bộ phục vụ ủy ban, báo chí và công chúng. Mỗi người đều có vai trò của mình trong điều trần[3].

Quy trình tiến hành điều trần gồm các bước: Soạn thảo Đề cương tham chiếu; lập kế hoạch; mời công chúng gửi ý kiến bằng văn bản; tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia; nghe các nhân chứng trình bày, thường là công khai (thường kéo dài nhiều phiên); công bố biên bản về nội dung phiên điều trần; soạn thảo báo cáo về điều trần; công bố báo cáo và đưa báo cáo vào chương trình nghị sự; theo dõi việc thực hiện các kiến nghị trong báo cáo[4].

Qua thực tiễn tiến hành điều trần ở Nghị viện một số nước, có thể rút ra một số nhận xét và kinh nghiệm tham khảo như sau: (i) nhiều nước áp dụng điều trần tại Ủy ban Nghị viện là các quốc gia có thể chế chính trị đa đảng, do đó, một chiều hướng khác, sự tìm kiếm, thu hút, tranh giành ảnh hưởng về mặt chính trị trong hoạt động điều trần tại các Ủy ban của Nghị viện một số nước không tránh khỏi những yếu tố của cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ. Đây là vấn đề cần tránh, bởi vì hoạt động này có xu hướng làm biến dạng, ảnh hưởng đến tính khách quan của vấn đề được đưa ra bàn thảo cũng như không phù hợp với đặc điểm của thể chế chính trị của nước ta; (ii) không có một khuôn mẫu chung cho hoạt động điều trần; các đặc điểm về tổ chức bộ máy nhà nước, sự vận hành của các yếu tố quyền lực chính trị, trình độ nhận thức, tâm lý, văn hóa pháp lý,… của người dân quyết định nội dung và hình thức các quy định về điều trần ở cấp độ Ủy ban. Đây là điều cần lưu ý khi xây dựng các quy định để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 về thẩm quyền yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta; (iii) việc lựa chọn vấn đề yêu cầu báo cáo, giải trình cũng cần tính toán kỹ, vì việc đưa ra công khai bàn thảo những vấn đề còn đang ở giai đoạn thảo luận có thể có những tác động bất lợi đối với vận hành bình thường của đời sống kinh tế - xã hội trong những trường hợp nhất định. Mặt khác, tính công khai của hoạt động giải trình cần phải có giới hạn, không áp dụng đối với các vấn đề liên quan đến bí mật nhà nước, quốc phòng, an ninh, chính sách đối ngoại, hay các vấn đề nhạy cảm khác; (iv) cần tránh yếu tố một chiều như cách thức diễn ra hoạt động điều trần ở cấp độ Ủy ban của Nghị viện một số nước. Điều trần ở cấp độ Ủy ban trong Nghị viện một số nước thường chỉ hỏi để lấy thông tin, dườngnhư yếu tố đối thoại, tranh luận, trao đi đổi lại, việc tìm kiếm các giải pháp,… thường không được thể hiện thật rõ. Hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình ở cấp độ Ủy ban của Quốc hội nước ta cần hướng tới yếu tố tranh luận, đối thoại, hợp tác và một yêu cầu đặc biệt quan trọng là cần phải cùng hướng đến việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp cụ thể cũng như kiến nghị, giải pháp về mặt chính sách nhằm xử lý những yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Bên cạnh đó, cần tránh những xu hướng phát triển có thể mang yếu tố tiêu cực trong việc tổ chức thực hiện điều trần ở một số nước, như: việc tham gia của các nhóm, các tổ chức xã hội một cách không hợp lý, thậm chí thái quá vào hoạt động này có thể mở đường cho việc thúc đẩy, tìm kiếm các lợi ích nhóm, lợi ích bộ phận một cách không chính đáng, có khả năng ảnh hưởng bất lợi đến vấn đề bảo đảm lợi ích chung trong quá trình hoạch định chính sách; (v) việc thực hiện yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội còn cần phải bảo đảm yêu cầu chất lượng, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong cách làm.

4. Một số kiến nghị đổi mới giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

Từ thực trạng về quy định của pháp luật, thực trạng hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình thời gian qua, xuất phát từ đặc điểm về tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, xin đề xuất các kiến nghị như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động báo cáo, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động báo cáo giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo đó, nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng: Bổ sung quy định để bảo đảm tính công khai của phiên giải trình; kế hoạch tổ chức phiên giải trình cần được đăng trên trang tin điện tử Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của chính sách có thể biết và đăng ký tham dự hoặc gửi ý kiến tham gia. Các phiên giải trình phải công khai, với sự tham gia của các cơ quan thông tin, truyền thông, trừ trường hợp có nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc có nội dung nhạy cảm, cần xem xét, đánh giá kỹ trước khi công khai theo quyết định của người có thẩm quyền.

Ba là, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần tăng cường về số lượng, chất lượng phiên giải trình và nhóm vấn đề cần giải trình, để xử lý các vấn đề bức xúc, nổi lên trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy để các cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phản ứng nhanh hơn trước những yêu cầu, tình huống của cuộc sống đặt ra. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn trong năm trước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động xây dựng kế hoạch để tiến hành hoạt động giải trình ít nhất 02 lần/năm trở lên; trường hợp phát sinh vấn đề mới trong năm thì bổ sung kế hoạch tiến hành các phiên giải trình đột xuất. Cần lưu ý bố trí thời gian giải trình phù hợp, bảo đảm hài hòa với các hoạt động giám sát khác.

Bốn là, cần xác định tiêu chí lựa chọn nội dung vấn đề giải trình. Theo đó nội dung, vấn đề giải trình chỉ nên về một lĩnh vực cụ thể, có phạm vi hẹp, để bảo đảm phù hợp với tính chất của phiên giải trình. Đồng thời, phải ưu tiên lựa chọn nội dung, vấn đề giải trình sát với những vấn đề nóng, bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội được nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và nhân dân quan tâm và cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời để ­tạo chuyển biến ngay trong thực tiễn quản lý nhà nước, góp phần giải tỏa những bức xúc của cử tri và nhân dân. Về căn cứ, việc lựa chọn nội dung, vấn đề cần giải trình có thể từ sự phát hiện của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc căn cứ yêu cầu, đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban khác của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan hoặc thông qua kiến nghị của cử tri, để bảo đảm sự đa dạng, kịp thời bám sát các yêu cầu thực tiễn.

Năm là, đối với những vấn đề, nội dung giải trình có liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và nhiều Ủy ban của Quốc hội thì cần quy định rõ cơ chế phối hợp tổ chức phiên giải trình chung của Hội đồng, Ủy ban để bảo đảm phát huy năng lực của mỗi cơ quan, tăng cường năng lực xem xét, đánh giá toàn diện, sâu sắc, khách quan về vấn đề, nội dung giải trình.

Sáu là, kết luận các phiên giải trình cần có các kiến nghị cụ thể, với yêu cầu và thời gian thực hiện rõ ràng để làm căn cứ cho Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo dõi, đôn đốc, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của phiên giải trình.

Tài liệu trích dẫn:

[1] Riccardo Pelizzo và Rick Stapenhurst (chủ biên), Cơ quan lập pháp và hoạt động giám sát, Viện Ngân hàng thế giới, sách dịch, Hà Nội, 2006, tr.190.

[2] Xem cụ thể hơn về nội dung các quy định ở một số nước về điều trần trong: Nguyễn Đức Lam, Hoàng Minh Hiếu, John Patterson, Kit Dawnay, (2012), Điều trần tại các ủy ban của nghị viện và khả năng áp dụng ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu, Dự án Tăng cường năng lực các cơ quan đại diện ở Việt Nam, Văn phòng Quốc hội và UNDP, Hà Nội, 46-54.

[3] Xem thêm: Nguyễn Đức Lam, Hoàng Minh Hiếu, John Patterson, Kit Dawnay, (2012), Điều trần tại các ủy ban của nghị viện và khả năng áp dụng ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu, Dự án Tăng cường năng lực các cơ quan đại diện ở Việt Nam, Văn phòng Quốc hội và UNDP, Hà Nội.

[4] Xem thêm: Hironori Yamamoto, (2007), Tools for Parliamentary Oversight - A Comparative Study of 88 National Parliaments, IPU, 29-32.

Tài liệu tham khảo:

  1. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII;
  2. Quốc hội (2013), Hiến pháp năm 2013.
  3. Quốc hội (2020), Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020.
  4. Quốc hội (2015), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
  5. Quốc hội (2017), Quy chế Hoạt động giám sát của Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14.
  6. Văn phòng Quốc hội (2021), Hệ thống hóa các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
  7. Đảng đoàn Quốc hội khóa XV (2022), Đề án đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
  8. Học viện Hành chính (2011), Giáo trình Luật Hiến pháp và Luật Tổ chức bộ máy nhà nước. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  9. Riccardo Pelizzo và Rick Stapenhurst (2006), Cơ quan lập pháp và hoạt động giám sát, Viện Ngân hàng thế giới, sách dịch, Hà Nội.
  10. Nguyễn Đức Lam, Hoàng Minh Hiếu, John Patterson, Kit Dawnay, (2012), Điều trần tại các ủy ban của nghị viện và khả năng áp dụng ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu, Dự án Tăng cường năng lực các cơ quan đại diện ở Việt Nam, Văn phòng Quốc hội và UNDP, Hà Nội.
  11. Nguyễn Đức Lam, Hoàng Minh Hiếu, John Patterson, Kit Dawnay, (2012), Điều trần tại các ủy ban của nghị viện và khả năng áp dụng ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu, Dự án Tăng cường năng lực các cơ quan đại diện ở Việt Nam, Văn phòng Quốc hội và UNDP, Hà Nội.
  12. Hironori Yamamoto. (2007). Tools for Parliamentary Oversight - A Comparative Study of 88 National Parliaments. IPU, 29-32.
  13. Trang thông tin điện tử một số tạp chí: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp; Tạp chí Tổ chức Nhà nước.

Innovating the accountability activities of the Ethnic Council and committees under the National Assembly of Vietnam to build rule-of-law socialist state in accordance to the orientation of documents of the 13th National Congress of the Communist Party of Vietnam

Master. Nguyen Thi Thuy

Faculty of State and Law

Phu Tho Provincial School of Politics

Abstract:

To keep innovating and improving the effectiveness of the National Assembly of Vietnam's supervision, it is necessary to research and propose solutions to innovate the accountability activities of the Ethnic Council and committees under the National Assembly of Vietnam. This paper clarifies the legal framework, the practice of accountability at the Ethnic Council and committees under the National Assembly of Vietnam. The paper also proposes some solutions to further improve reuglations on this issue.

Keywords: accountability, supervision, supervision from the Ethnic Council, committees under the National Assembly of Vietnam, the rule of law, documents of the 13th National Congress of the Communist Party of Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21  tháng 9  năm 2022]