TÓM TẮT:

Nghiên cứu phản ánh những thay đổi trong việc đào tạo kế toán tại các cơ sở giáo dục (CSGD) đại học trước và sau Covid-19 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng và cách có thể thay đổi để phát triển trong điều kiện “bình thường mới”. Từ các bài báo, báo cáo thu thập được, nhóm tác giả tổng hợp những đổi mới về đào tạo kế toán trên thế giới cũng như tại Việt Nam nhằm phản ánh các vấn đề nổi cộm phải đối mặt trong và sau Covid-19, cùng những ảnh hưởng của chúng đến định hướng số hóa đào tạo kế toán trong tương lai. Bài báo đóng góp bằng cách thiết lập con đường nghiên cứu mới về số hóa đào tạo kế toán tại Việt Nam cho các nghiên cứu trong tương lai trong kỷ nguyên hậu Covid-19.

Từ khóa: Covid-19, đào tạo kế toán, cơ sở giáo dục đại học.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ hệ thống giáo dục trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người học dễ bị tổn thương nhất, gia tăng bất bình đẳng và làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng giáo dục đã có từ trước. Việc trường học bị đóng cửa ở một số quốc gia kéo dài cũng như việc thiếu các thiết bị kết nối phục vụ việc học và giảng dạy đã loại trừ ít nhất một phần ba số học sinh theo đuổi việc học từ xa.

Để linh hoạt hơn, bình đẳng và hòa nhập hơn, các hệ thống giáo dục phải chuyển đổi, tận dụng công nghệ để mang lại lợi ích cho tất cả người học và xây dựng dựa trên những đổi mới và quan hệ đối tác được xúc tác trong suốt cuộc khủng hoảng này. Tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, cùng với lệnh phong tỏa, nhiều trường đại học đã quyết định chuyển đổi phương thức giảng dạy từ truyền thống (trực tiếp) sang học trực tuyến, đồng thời tất cả các hoạt động trong khuôn viên trường đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại.

Để đảm bảo cho việc giảng dạy trực tuyến, hầu hết các trường đại học đều được trang bị bằng việc đầu tư vào hệ thống quản lý học tập (LMS) (chẳng hạn như Zoom, Microsoft Teams và Google Meet) (Lim, 2020). Thông qua hệ thống giảng dạy này cho phép các giảng viên tương tác với sinh viên chủ yếu thông qua các bài giảng (trực tiếp hoặc được ghi lại), các trao đổi trò chuyện, các bài kiểm tra trực tuyến hoặc các bài tập được giao và nộp trực tiếp trên LMS.

Theo khảo sát của Hiệp hội các trường đại học quốc tế (IAU) với sự tham gia của 9.670 CSGD đại học đã cho thấy một số thách thức khác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khi áp dụng đột ngột chuyển đổi từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang đào tạo trực tuyến, bắt nguồn từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, năng lực sư phạm của giảng viên. Về cơ sở hạ tầng, một số CSGD đại học ở các nước có thu nhập thấp và trung bình khi được khảo sát cho biết phần lớn sinh viên của họ thiếu khả năng truy cập Internet vì không đủ khả năng chi trả. Điều này dẫn đến các lo ngại về cơ hội học tập không bình đẳng giữa các sinh viên, rằng một số trong số họ có thể tiếp cận tốt, trong khi những người khác thì không. Về thách thức gặp phải liên quan đến năng lực sư phạm của giảng viên, một số cơ sở đào tạo đại học tiết lộ rằng đào tạo từ xa đòi hỏi một cách tiếp cận sư phạm độc đáo để duy trì chất lượng của việc học như phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, sự chuyển đổi đột ngột không cho phép họ chuẩn bị và đào tạo cho các giảng viên các kỹ năng mới cũng như tiếp cận với các kỹ thuật giảng dạy mới này. Điều này có thể dẫn đến các tình huống sư phạm gây ra bởi sự thiếu năng lực cần thiết của các giảng viên. Ngoài ra, một thách thức lớn khác được các tổ chức tham gia nghiên cứu này nêu ra là đào tạo từ xa không thể hoạt động hiệu quả đối với một số lĩnh vực nghiên cứu thực tế như nghiên cứu y học, hóa học, sinh học... vốn phụ thuộc vào các phòng thí nghiệm; cũng như các ngành cơ khí chế tạo cần máy móc.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cũng chịu những tác động nặng nề mặc dù vẫn duy trì GDP tăng trưởng dương trong giai đoạn 2020-2021, từ đó tác động gián tiếp đến hoạt động giáo dục đại học như: thay đổi nhu cầu tuyển dụng, nội dung đào tạo phù hợp với hoạt động làm việc từ xa, gây ra những khó khăn trong đời sống, sinh hoạt và hoạt động học tập của sinh viên... Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để người học chủ động phát huy tinh thần tự giác học tập, đặc biệt là đối với giáo dục bậc cao. Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này với mục đích tìm hiểu cách các CSGD đại học trên thế giới ứng phó với đại dịch Covid-19 để phục hồi sau đại dịch và cách họ sử dụng các công cụ, phương tiện và phương pháp mới để đào tạo kế toán; từ đó rút ra các bài học tham khảo cho các CSGD đại học Việt Nam.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bằng cách tập hợp và xác định các nghiên cứu về các chủ đề mới nổi liên quan đến đại dịch Covid-19 và tác động của nó đối với xu hướng giáo dục ngành kế toán nói chung trên thế giới, tác giả muốn làm phong phú thêm góc nhìn và kiến thức của người đọc về xu hướng dịch chuyển này. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được vận dụng là phương pháp tổng hợp, thống kê và phân tích nội dung.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Sự thay đổi các phương pháp đào tạo kế toán ở các trường đại học trước và sau đại dịch Covid-19

Khi xem xét về tác động của Covid-19 đối với lĩnh vực giáo dục ở các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council - GCC) Adel Sarea (2020) cho thấy rằng tất cả các CSGD đại học ở các quốc gia GCC đã chuyển sang hệ thống e-learning sử dụng các LMS khác nhau, chẳng hạn như Blackboard, MS Teams, Big Blue Button và các nền tảng học tập khác (Bensaid và Brahimi, 2020). Do phần lớn các trường đại học của GCC được trang bị LMS, điều này cho phép họ chuyển đổi một cách suôn sẻ từ cách học truyền thống sang học trực tuyến. Ngoài ra, một trong những cải cách được đề xuất là kết hợp công nghệ vào giáo dục kế toán. Điều này dẫn đến việc sử dụng các công nghệ gần đây trong giáo dục kế toán trở thành một trong những ưu tiên quan trọng nhất để cải thiện nghề nghiệp. Hiện nay, hầu hết các CSGD đại học trên toàn cầu đang đầu tư vào LMS. Sự tích hợp giữa Internet và giáo dục kế toán được coi là một cách hữu ích để các giảng viên đánh giá sinh viên bằng phương pháp điện tử và cung cấp phản hồi điện tử. Điều này đã tạo ra sự phát triển vô hạn của e-learning nói chung và trong giáo dục kế toán nói riêng (Helfaya, 2018). Bên cạnh phương pháp giảng dạy, sự thay đổi còn được áp dụng trong các kỳ thi, các bài kiểm tra nhằm đánh giá kết quả học tập trong đại dịch COVID-19. Thông qua các cuộc khảo sát tại 84 quốc gia, kết quả cho thấy có đến 58 quốc gia phản ánh đã lên lịch lại hoặc hoãn các kỳ thi theo phương pháp truyền thống bao gồm giữa kỳ, cuối kỳ; một số quốc gia cung cấp các phương pháp đánh giá thay thế như bài tập về nhà và kiểm tra trực tuyến; các quốc gia khác đã hủy bỏ tất cả các kỳ thi và thay thế bằng các bài tập, dự án và các phương pháp khác đánh giá về công việc trong suốt khóa học.

3.2. Các nhân tố tác động đến việc chuyển đổi phương pháp đào tạo kế toán ở các trường đại học trước và sau đại dịch Covid-19

3.2.1. Covid-19 và quy trình đánh giá sinh viên kế toán

Một trong những tác động phụ của việc chuyển đổi đột ngột sang hình thức học trực tuyến do đại dịch Covid-19 là ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên. Khi bàn về hiệu quả của e-learning, một trong những chủ đề chính được một số nghiên cứu thảo luận về ảnh hưởng của nó đối với kết quả học tập của người học (Dowling và cộng sự, 2003; Nakayama và cộng sự, 2006; Al-Hadrami và Morris, 2014). Các nghiên cứu này cho thấy các kết quả khác nhau, một số nghiên cứu cho thấy tác động tích cực đến kết quả học tập của sinh viên và các nghiên cứu khác không tìm thấy bất kỳ tác động nào, nhưng không có nghiên cứu nào cho thấy tác động tiêu cực đến kết quả học tập của người học. Al-Hadrami và Morris (2014) đã thực hiện một nghiên cứu để điều tra các yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu suất của sinh viên trong các khóa học kế toán dựa trên web tại một trường đại học ở Jordan. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu hỗn hợp (phỏng vấn và bảng câu hỏi) và kết quả cho thấy rằng các yếu tố môi trường bao gồm tương tác của người hướng dẫn, hiệu quả việc sử dụng công nghệ và môi trường học tập có tác động đáng kể và lớn đến thành tích của sinh viên được đo bằng điểm cuối cùng của họ. Điều quan trọng là phải có một phương pháp đánh giá hiệu quả để xác định xem người học có tiếp thu tốt hay không. Chủ yếu có hai loại phương pháp đánh giá: đánh giá tổng kết và đánh giá quá trình. Trong phương pháp đánh giá tổng kết, người học được kiểm tra vào các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, để xác định mức độ đạt được các mục tiêu học tập. Trong khi đó, hình thức đánh giá quá trình là một quá trình đánh giá liên tục của giảng viên để hiểu nhu cầu của người học, thông qua các bài tập nhỏ cho cá nhân, nhóm trên lớp hoặc về nhà. Do trong đại dịch Covid-19 hầu hết các CSGD đã đóng cửa, nên việc áp dụng các bài đánh giá quá trình sẽ hiệu quả hơn, để giúp hiểu rõ hơn về khả năng tiếp thu và nhu cầu của người học (Liberman và cộng sự, 2020).

3.2.2. Năng lực giảng dạy trực tuyến của các giảng viên

Năng lực giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự thành công của người hướng dẫn trong quá trình giáo dục, vì điều này cho thấy năng lực của người hướng dẫn khi phải đối mặt với những thách thức không thể tránh khỏi trong môi trường giảng dạy trực tuyến (Horvitz và cộng sự, 2014). Tính hiệu quả của người hướng dẫn đối với môi trường học tập trực tuyến đóng một vai trò quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao (Jia và cộng sự, 2014). Zheng và cộng sự (2018) nhận thấy rằng yếu tố quan trọng nhất giúp nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên khi sử dụng LMS là sự sẵn có của tổ chức hỗ trợ, chẳng hạn như việc cung cấp đầy đủ về hỗ trợ kỹ thuật cũng như quá trình đào tạo. Trong đại dịch Covid-19, một số nghiên cứu đã được tiến hành để khám phá những thách thức mà giảng viên phải đối mặt trong việc giảng dạy trực tuyến. Kết quả cho thấy những vấn đề về công nghệ như độ tin cậy của công nghệ, sự sẵn có của hỗ trợ kỹ thuật, năng lực công nghệ của giảng viên và sinh viên, khối lượng công việc khổng lồ và thiếu sự tương tác của con người là những thách thức quan trọng nhất được đặt ra đối với các giảng viên (Liu và cộng sự, 2007; Shea, 2007). Việc sử dụng hiệu quả công nghệ chủ yếu phụ thuộc vào sự chấp nhận của người dùng và nhận thức của họ về những công nghệ này, đặc biệt là trong quá trình giáo dục. Do đó, sự chuyển đổi nhanh chóng của giáo dục từ phương pháp truyền thống sang học trực tuyến có thể gây ra mối đe dọa đối với chất lượng giáo dục vì thiếu hiệu quả về năng lực giảng dạy của giảng viên (Horvitz và cộng sự, 2014).

3.2.3. Thời gian và phương pháp giảng dạy trong đại dịch Covid-19

Theo một số giảng viên cho rằng giảng dạy trực tuyến tốn nhiều thời gian hơn so với giảng dạy truyền thống (Van de Vord và Pogue, 2012). Học trực tuyến yêu cầu người hướng dẫn kết hợp các hoạt động trực tuyến có tác động tích cực đến sự tham gia, thái độ và hiệu suất của người học (Vatovec và Balser, 2009). Theo quan điểm của nhiều giảng viên điều này làm cho việc giảng dạy trực tuyến trở nên mệt mỏi và tốn thời gian hơn so với phương pháp truyền thống (Harber và Mills, 2008; Bolliger và Waslik, 2009). Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu chỉ ra với kết quả trái ngược liên quan đến thời gian dành cho giảng dạy trực tuyến và giảng dạy truyền thống đó là phương pháp giảng dạy truyền thống tốn nhiều thời gian hơn so với phương pháp giảng dạy trực tuyến (McKenney và cộng sự, 2010). Bên cạnh đó, Hislop và Ellis (2004) nhận thấy thời gian giảng dạy cho cả hai hình thức học là tương tự nhau. Kết quả chỉ ra rằng, nói chung, cách dạy truyền thống (mặt đối mặt) tốn nhiều thời gian hơn cho mỗi học sinh so với cách học trực tuyến. Tuy nhiên, nhật ký thời gian cho thấy việc học trực tuyến tiêu tốn nhiều thời gian hơn so với việc giảng dạy trực tiếp trong một số hoạt động như đánh giá bài làm của sinh viên, ghi điểm và các vấn đề kỹ thuật.

3.3. Thực trạng đào tạo kế toán Việt Nam trong tình trạng “bình thường mới”

Ngoài khủng hoảng sức khỏe, đại dịch Covid-19 còn dẫn đến khủng hoảng kinh tế và câu hỏi về việc cuộc khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến CSGD đại học trong trung và dài hạn vẫn chưa được biết rõ. Các CSGD đại học đã tiến hành điều chỉnh kịp thời kế hoạch giảng dạy trong các năm học nhằm phù hợp điều kiện bình thường mới. Bên cạnh việc bố trí, sắp xếp lại giờ học lý thuyết, thực hành cho phù hợp với thực tế phòng chống dịch bệnh, các CSGD đại học còn tổ chức bắt đầu kỳ học mới sớm hơn cho các khóa sinh viên, học viên khi học trực tuyến. Ngoài ra, việc tổ chức thi cử, kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ khi kết thúc học phần của người học được linh hoạt, chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức, kể cả kiểm tra thực hành trực tuyến (Ngô, 2022). 

Với tính chất đặc thù của đào tạo kế toán Việt Nam gắn liền lý thuyết với thực tiễn, ngày càng có nhiều trường đại học xây dựng trung tâm mô phỏng kế toán. Việc liên kết với các công ty cổ phần phát triển phần mềm kế toán như MISA, FAST... vốn đã phát triển sẵn các phần mềm kế toán online giúp các CSGD đại học chủ động trong việc đào tạo kế toán trực tuyến trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, hệ thống LMS của các trường đại học cũng phát huy tác dụng tích cực khi sinh viên kế toán có thể thực hành các bài tập nghiệp vụ kế toán được giao thông qua LMS một cách nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, việc đi thực tập và kiến tập của sinh viên đang học năm cuối bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn hình thức làm việc từ xa, do đó sinh viên không thể tới công ty để thực tập, ít nhiều ảnh hưởng đến việc bổ sung kiến thức môi trường làm việc thực tế trước khi ra trường của sinh viên kế toán.

4. Kết luận và khuyến nghị giải pháp

Thông qua các nghiên cứu trên có thể làm phong phú thêm những hiểu biết về những vấn đề hệ thống giáo dục nói chung và công tác đào tạo kế toán nói riêng phải đối mặt trong các trường hợp khẩn cấp quy mô toàn cầu như đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh không chắc chắn, điều cần thiết là các CSGD đại học phải có phương tiện thích hợp để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình và đảm bảo giáo dục đại học cho sinh viên như một nguồn lực thiết yếu cho sự phát triển xã hội - quan trọng nhất trong thời kỳ khủng hoảng. Dựa trên những nghiên cứu tổng hợp các quốc gia và các CSGD đại học trên thế giới thay đổi phương thức đào tạo, kết hợp với tình hình thực tế của đào tạo kế toán tại Việt Nam, nhóm tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp như sau:Thứ nhất, các CSGD đại học cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong công tác đào tạo. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống LMS giúp củng cố hệ sinh thái chuyển đổi số trong các hoạt động giảng dạy, hoạt động đánh giá, giúp hỗ trợ tương tác giữa giảng viên và người học để tăng cường trải nghiệm và nhanh chóng nắm bắt phản hồi của nhu cầu người học. Do đặc thù của ngành đào tạo kế toán gắn liền với thực tiễn, nên việc đầu tư trung tâm mô phỏng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên nhanh chóng nắm bắt nội dung công việc trong hoạt động doanh nghiệp. Ngoài ra việc liên kết đào tạo với các công ty phát triển phần mềm cũng giúp cho sinh viên nhanh chóng làm quen với các công cụ phổ biến phục vụ công việc kế toán sau này.

Thứ hai, đội ngũ giảng viên cũng như bộ phận hỗ trợ (giáo vụ, IT,...) đã chứng minh vai trò quan trọng qua đợt đại dịch Covid-19 đối với sự thành công của một chương trình giảng dạy trực tuyến, cũng như xu hướng chuyển đổi số hóa đào tạo trong tương lai. Mặc dù giảng viên và bộ phận hỗ trợ đều đã có các kỹ năng kỹ thuật cơ bản cần thiết, nhưng rõ ràng việc giảng dạy trong xu hướng số hóa giáo dục đòi hỏi họ cần phải nâng cao kỹ năng kỹ thuật và học hỏi các kỹ thuật mới cũng như nỗ lực hơn nữa để đối phó với những thách thức mới nhằm đáp ứng các mục tiêu và mục tiêu của tổ chức cũng như đạt được tiến độ và mục tiêu sư phạm. Do đó, bên cạnh việc khuyến khích các giảng viên và bộ phận hỗ trợ tự tham gia các khóa học đào tạo về kỹ thuật công nghệ, các CSGD đại học cũng cần có các chính sách hỗ trợ việc nâng cao trình độ công nghệ của các đối tượng trên.

Thứ ba, các CSGD đại học cần tăng cường hỗ trợ và tư vấn tâm lý không chỉ cho sinh viên mà cả giảng viên. Hoạt động tư vấn sẽ giúp các đối tượng trên dần ổn định tâm lý, từng bước vượt qua khó khăn, khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19, sớm bắt nhịp quay lại với môi trường học tập bình thường mới, trực tiếp tại khuôn viên nhà trường. Việc số hóa giáo dục đại học đòi hỏi một sự tự giác cao độ của người học, do đó cần có sự tư vấn về tâm lý để giúp sinh viên chủ động nắm bắt kiến thức không chỉ về kế toán mà còn là công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nghề nghiệp kế toán. Nghiên cứu này có những hạn chế nhất định do chỉ mới dừng lại ở mức độ tổng hợp các xu hướng nghiên cứu về thay đổi phương pháp đào tạo kế toán trong tương lai ở trên thế giới. Để có thể có những hiểu biết cụ thể hơn, có thể tiến hành các nghiên cứu định lượng với sự tham gia của các đối tượng giảng viên, bộ phận hỗ trợ, sinh viên ngành kế toán trong các CSGD đào tạo tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

  1. Adel Sarea, Abdulla Alhadrami and Ghilan Al-Madhagy Taufiq-Hail (2021). COVID-19 and digitizing accounting education: empirical evidence from GCC. PSU Research Review, 5(1), 68-83.
  2. Al-Hadrami, A. and Morris, D. (2014). Accounting students’ performance in web-based courses: the case of the hashemite university of Jordan. World Review of Business Research, 4(1), 19-35.
  3. Bensaid, B. and Brahimi, T. (2020). Copping with covid-19: higher education in the GCC region. [Online] Available at www.researchgate.net/publication/ 342624704_COPING_WITH_COVID-19_Higher_Education_in_the_GCC_Countries
  4. Dowling, C., Godfrey, J.M. and Gyles, N. (2003). Do hybrid flexible delivery teaching methods improve accounting learning outcomes of students? Accounting Education, 12(4), 373-391.
  5. Harber, J. and Mills, M. (2008). Perceptions of barriers concerning effective online teaching and policies: Florida community college faculty. Community College Journal of Research and Practice, 3, 266-283.
  6. Helfaya, A. (2018). Assessing the use of computer-based assessment-feedback in teaching digital accountants. Accounting Education, 2018, 1-31.
  7. Hislop, G.W. and Ellis, H.J. (2004). A study of faculty effort in online teaching. The Internet and Higher Education, 71(1), 15-31.
  8. Horvitz, B.S., Beach, A.L., Anderson, M.L. and Xia, J. (2014). Examination of faculty self-efficacy related to online teaching. Innovative Higher Education, 40(4), 305-316.
  9. Jia, D., Bhatti, A. and Nahavandi, S. (2014). The impact of selfefficacy and perceived system efficacy on effectiveness of virtual training systems. Behaviour and Information Technology, 33(1), 16-35.
  10. Liberman, J. Levin, V. and Luna-Bazaldua, D. (2020). Are students still learning during COVID-19? Formative assessment can provide the answer. [Online] Available at https://blogs. worldbank.org/education/are-students-still-learning-during-covid-19-formative-assessment-can provide-answer.
  11. Lim, M. (2020). Educating despite the COVID-19 outbreak: lessons from Singapore. [Online] Available at: www.timeshighereducation.com/blog/educating-despite-covid-19-outbreak-lessons-singapore
  12. Liu, S., Kim, K.J., Bonk, C.J. and Magjuka, R. (2007). What do online MBA professors have to say about online teaching? Online Journal of Distance Learning Administration, 10(2), 1-6.
  13. McKenney, C., Peffley, E. and Teolis, I., Teaching Methods, Comparison of time investment in common teaching practices among three instructional methods, Vol. 20, pp. 245-249, 2010.
  14. Nakayama, M., Yamamoto, H. and Santiago, R. (2006). The impact of learner characteristics on learning performance in hybrid courses among japanese students. Electronic Journal of E-Learning, 5(3), 95-206.
  15. Shea, P. (2007). Bridges and barriers to teaching online college courses: a study of experienced online faculty in thirty-six colleges. Journal of Asynchronous Learning Environments, 11(2), 73-128.
  16. Van de Vord, R. and Pogue, K. (2012). Teaching time investment: does online really take more time than face-to-face? The International Review of Research in Open and Distributed Learning, 13(3), 132-146.
  17. Vatovec, C. and Balser, T. (2009). Podcasts as tools in introductory environmental studies. Journal of Microbiology and Biology Education, 10(1), 19-24.
  18. Zheng, Y., Wang, J., Doll, W., Deng, X. and Williams, M., Behaviour and Information Technology, The impact of organisational support, technical support, and self-efficacy on faculty perceived benefits of using learning management system, Vol. 37 No. 4, pp. 311-319, 2018.

Innovations in the accounting training of higher education institutions in Vietnam and in the world in the post-COVID-19 era

Ph.D Tran Ngoc Hung1

Master. Nguyen Ngoc Minh1

Master. Do Thi Thanh Ngan1

1Faculty of Accounting - Auditing, Industrial University of Ho Chi Minh City

Abstract:

This paper introduces the changes in accounting training of higher education institutions in Vietnam in particular and in the world in general before and after the Covid-19 pandemic. The paper also points out how these changes can be developed into the new normal. Based on collected papers and reports, this paper reviews the innovations in accounting training activities in the world and in Vietnam to highlight outstanding issues faced during and after the pandemic, and analyzes these innovations’ impacts on the accounting training digitalization in the future. This paper is expected to provide a new research orientation for future studies on the accounting training digitalization in the post-COVID-19 era in Vietnam.

Keywords: Covid-19, accounting training, higher education institution.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12  năm 2022]