TÓM TẮT:

Sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 đặt lên vai ngành Giáo dục trọng trách nặng nề, buộc nhà quản lý phải chủ động xây dựng tầm nhìn, đổi mới chiến lược, phương pháp giảng dạy… để đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0. Trong thời đại số, giảng viên cần đổi mới phương pháp dạy học, linh hoạt kết hợp phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học chủ động, đồng thời ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo học tập của sinh viên. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng về phương pháp giảng dạy của giảng viên khoa Tài chính - Thương mại Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH), từ đó đề xuất giải pháp đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao tính chủ động học tập của sinh viên, đáp ứng yêu cầu chất lượng đào tạo trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

Từ khóa: ngành Tài chính - Ngân hàng, phương pháp dạy học, thời đại số, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, cụm từ cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được đề cập nhiều lần trong các hội thảo nghiên cứu khoa học. Các nhà nghiên cứu về tài chính và marketing đã bắt đầu đề cập đến khái niệmtài chính 4.0,  marketing 4.0CMCN 4.0 đã có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực trong đời sống của con người. Vì vậy, chúng ta cần chủ động trang bị hành trang kiến thức và kỹ năng cho mình nhằm nắm bắt cơ hội do CMCN 4.0 đem đến cũng như đón đầu những thách thức của CMCN 4.0. Trên con đường trang bị hành trang cho nguồn nhân lực 4.0, vai trò của nhà trường là vô cùng quan trọng. Phương pháp dạy học truyền thống, giảng viên là người thuyết trình, diễn giảng, là trung tâm trong quá trình dạy học còn sinh viên là khách thể, là người nghe, thụ động nhớ, ghi chép và suy nghĩ theo sự dẫn dắt của giảng viên đã không còn phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại công nghệ 4.0. Do đó, ngành Giáo dục cần nhanh chóng chủ động xây dựng tầm nhìn, chiến lược đổi mới về phương pháp giảng dạy, nội dung dạy học,… nhằm đào tạo được nguồn nhân lực 4.0 đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

2. Cơ sở lý luận về phương pháp dạy học

2.1. Phương pháp dạy học là gì?

Cho đến nay, định nghĩa về phương pháp dạy học vẫn chưa có sự thống nhất và mang tính hệ thống. Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau trong quan điểm về khái niệm phương pháp dạy học:

Theo Robert  và cộng sự (2013), “phương pháp dạy học là một hệ thống những hành động có mục đích của giáo viên nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và thực hành của học sinh, đảm bảo học sinh lĩnh hội nội dung học vấn”.

Theo J. Piagert (1999) cho rằng, “phương pháp dạy học là cách thức tương tác giữa thầy và trò nhằm giải quyết các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển trong quá trình dạy học”.

Phương pháp dạy học theo Phan Trọng Ngọ (2015) “là cách thức hoạt động tương hỗ giữa thầy và trò nhằm đạt được mục tiêu dạy học. Hoạt động này được thể hiện trong việc sử dụng các nguồn nhận thức, các thủ thuật lôgic, các dạng hoạt động độc lập của người học và cách thức điều khiển quá trình nhận thức của người dạy”.

Tuy có nhiều quan điểm khác nhau về phương pháp dạy học, nhưng có thể nhận thấy rằng phương pháp dạy học có những đặc trưng sau:

Một là, phản ánh sự vận động của quá trình nhận thức của người học nhằm đạt được mục đích đã được đặt ra dưới sự dẫn dắt, hỗ trợ của người dạy.

Hai là, phản ánh cách thức hoạt động tương tác, trao đổi thông tin giữa người dạy và người học nhằm đạt được mục tiêu đã được người dạy đặt ra.

Như vậy, phương pháp dạy học có thể được hiểu là phương pháp, là cách thức, là con đường đã được người dạy hoạch định nhằm đạt được mục tiêu dạy học.

2.2. Hệ thống phương pháp dạy học đại học

Thực tế cho thấy, trong hoạt động dạy và học giữa người dạy và người học cần kết hợp nhiều phương pháp đồng thời nhằm đảm bảo sự phù hợp cho từng nội dung, yêu cầu của bài học cũng như nâng cao hiệu quả tối đa cho công tác dạy và học của cơ sở đào tạo. Hiện nay, các phương pháp dạy học thường được áp dụng tại các trường đại học như sau:

2.2.1. Phương pháp dạy học truyền thống

Phương pháp dạy học truyền thống là cách thức dạy học quen thuộc được duy trì qua nhiều thế hệ. Về cơ bản, phương pháp dạy học truyền thống là phương pháp “lấy hoạt động của người dạy là trung tâm”, là quá trình truyền tải thông tin từ giảng viên đến sinh viên. Giảng viên là người thuyết trình, diễn giảng, sinh viên là người nghe, nhớ, ghi chép và suy nghĩ theo.

Phương pháp dạy học truyền thống cung cấp những tri thức có sẵn một cách áp đặt, tỉ mỉ, cặn kẽ. Hoạt động nhận thức của sinh viên hoàn toàn thụ động, mang tính ghi nhớ, tái hiện.

Trong nghiên cứu này, chỉ tập trung nghiên cứu một số phương pháp dạy học truyền thống phổ biến như:

Phương pháp diễn giảng: Phương pháp diễn giảng là phương pháp giảng viên sử dụng lời nói sinh động cùng với các phương tiện kỹ thuật thông tin, nghe - nhìn như: Bảng - phấn, văn bản in, máy tính… để trình bày tài liệu học tập một cách có hệ thống trong những khoảng thời gian nhất định. Qua phương pháp diễn giảng, giảng viên cung cấp cho người học những tri thức được cấu trúc theo luật liên kết có sẵn nhằm đạt được mục tiêu dạy học đã được hoạch định. Người học tiếp nhận tri thức đã được giảng viên truyền tải và tái hiện sau khi lĩnh hội.

Phương pháp dạy học luyện tập và thực hành: Phương pháp dạy học luyện tập và thực hành là phương pháp củng cố, bổ sung, làm vững chắc thêm kiến thức lý thuyết qua việc giảng viên thường xuyên nhấn mạnh, lặp lại các kiến thức trọng tâm, yêu cầu sinh viên luyện tập và thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

2.2.2. Phương pháp dạy học chủ động

Phương pháp dạy học chủ động (Active teaching) là phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. "Chủ động" trong phương pháp dạy học chủ động được dùng với nghĩa là hoạt động, tích cực, trái nghĩa với bị động, thụ động.

Phương pháp dạy học chủ động hướng tới việc chủ động hóa hoạt động nhận thức của người học, tập trung vào phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Một số phương pháp dạy học chủ động được áp dụng phổ biến hiện nay tại các trường đại học như:

Phương pháp Đàm thoại: Phương pháp đàm thoại là phương pháp dạy học phổ biến, theo đó giảng viên đặt ra hệ thống các câu hỏi và dẫn dắt cho sinh viên trả lời, đồng thời giảng viên cũng có thể thực hiện các cuộc trao đổi qua lại giữa sinh viên - sinh viên, qua đó sinh viên lĩnh hội được tri thức mới. Qua phương pháp đàm thoại, giảng viên dẫn dắt sinh viên tự phát hiện ra được những tri thức mình chưa biết và tự đi đến cái cần biết. Với phương pháp đàm thoại, sinh viên không còn học thụ động, bị động nghe giảng viên truyền đạt kiến thức mà học tích cực bằng hành động của chính mình, tự bản thân sinh viên sẽ chủ động khám phá, phát hiện được tri thức mới.

Phương pháp Suy nghĩ - Từng cặp - Chia sẻ (Think - Pair - Share (TPS)): Phương pháp TPS là phương pháp học tập tích cực trên lớp học, theo đó giảng viên sẽ cung cấp tài liệu để tất cả sinh viên cùng suy nghĩ về một chủ đề. Ban đầu mỗi sinh viên tự tìm câu trả lời cho chủ đề mà giảng viên đã đặt ra, sau đó thảo luận cùng một sinh viên khác theo từng cặp và cuối cùng sẽ chia sẻ, thảo luận cùng với cả lớp. Phương pháp TPS khuyến khích sinh viên thể hiện suy nghĩ, trình bày những kiến thức của họ trước sinh viên khác nói riêng và cả lớp nói chung; đồng thời sẽ nhanh chóng nhận được phản hồi về kiến thức, hiểu biết bởi các thành viên khác và giảng viên trong lớp học để từ đó chủ động tiếp thu được  tri thức mới.

Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề: Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề là phương pháp dạy học được thực hiện bởi giảng viên sẽ nêu ra vấn đề học tập, tạo tình huống có vấn đề, tổ chức, hướng dẫn, dẫn dắt sinh viên chủ động, tự lực tìm tòi cách giải quyết vấn đề, qua đó sinh viên tự lĩnh hội tri thức mới, phát triển năng lực tư duy sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề.

Phương pháp dạy học theo nhóm: Phương pháp dạy học theo nhóm là phương pháp dạy học trong đó giảng viên tổ chức, chia sinh viên thành từng nhóm học tập nhỏ để sinh viên cùng thảo luận, trao đổi ý kiến, giải quyết vấn đề học tập được đặt ra dưới sự tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn của giảng viên. Với phương pháp dạy học theo nhóm, sinh viên sẽ không thụ động lĩnh hội tri thức mà học tích cực bằng hành động của chính mình, tự mình tìm ra tri thức và cách thức tìm ra tri thức. Sinh viên sẽ chủ động hợp tác với bạn, với giảng viên, tự khám phá, phát hiện tri thức mới… qua đó, tính tích cực, chủ động của sinh viên được duy trì và phát huy trong suốt tiến trình học tập theo nhóm.

Phương pháp dạy học theo dự án: Phương pháp dạy học theo dự án được hiểu là phương pháp dạy học mà giảng viên tổ chức cho sinh viên tự lực nghiên cứu và vận dụng kiến thức để giải quyết bài tập tình huống có gắn liền với thực tiễn, với nghề nghiệp tương lai của sinh viên - dự án. Qua quá trình giải quyết các vấn đề theo tình huống thực tiễn, nghề nghiệp đã được giảng viên đặt ra, sinh viên sẽ lĩnh hội được tri thức mới, hình thành, phát triển năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn và nghề nghiệp.

Điểm khác biệt giữa phương pháp dạy học theo dự án với phương pháp dạy học giải quyết vấn đề là mục tiêu của phương pháp dạy học theo dự án là kết quả (dự án), còn mục tiêu của phương pháp dạy học giải quyết vấn đề là phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề cho người học.

Phương pháp đóng vai: Phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học mà giảng viên sẽ phân công sinh viên  vào các vai tương ứng trong những tình huống, kịch bản mô phỏng thực tế hoặc thực tế nhằm đạt được mục tiêu dạy học đã được hoạch định. Phương pháp dạy học đóng vai được sử dụng nhằm tạo môi trường trải nghiệm cho sinh viên. Phương pháp đóng vai được thực hiện nhằm giúp tăng sự tham gia của sinh viên vào quá trình dạy học, gây hứng thú và sự tập trung của sinh viên vào bài giảng, tạo điều kiện làm nảy sinh óc sáng tạo của sinh viên, qua đó sinh viên sẽ chủ động tìm hiểu, phát hiện được tri thức mới và rèn luyện được các kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để phân tích, đánh giá thực trạng các phương pháp dạy học đang được áp dụng của ngành Tài chính - Ngân hàng, tác giả thực hiện khảo sát 400 sinh viên năm 3 và năm 4 của Khoa Tài chính - Thương mại, Trường Đại học HUTECH trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2021 thông qua Bảng câu hỏi khảo sát được thiết kế sẵn. Nội dung khảo sát là hỏi ý kiến của người học về các phương pháp dạy học được thụ hưởng thông qua các học phần trong chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng của HUTECH. Câu trả lời được thiết kế ở 5 mức độ: Không bao giờ - Thỉnh thoảng - Trung bình - Thường xuyên và Rất thường xuyên. Kết quả thu về được 358 phiếu, trong đó có 22 phiếu trả lời không hợp lệ (chủ yếu là trả lời thiếu thông tin). Như vậy còn lại 336 Phiếu khảo sát đạt yêu cầu đưa vào phân tích.

4. Thực trạng phương pháp dạy học của ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học HUTECH

Bảng 1. Kết quả khảo sát phương pháp dạy học

ngành Tài chính - Ngân hàng

TT

Phương pháp
dạy học

Không bao giờ

Thỉnh thoảng

Trung bình

Thường xuyên

Rất thường xuyên

Số
tuyệt đối

Số tương đối

Số
tu
yệt đối

Số tương đối

Số tuyệt đối

Số tương đối

Số
tuyệt đối

Số tương đối

Số
tuyệt đối

Số tương đối

1

Diễn giảng

0

0,00%

38

11,31%

65

19,35%

28

8,33%

205

61,01%

2

Đàm thoại

19

5,65%

47

13,99%

56

16,67%

65

19,35%

149

44,35%

3

Suy nghĩ - Từng cặp  - Chia sẻ

28

8,33%

46

13,69%

47

13,99%

103

30,65%

112

33,33%

4

Giải quyết vấn đề

0

0,00%

65

19,35%

66

19,64%

84

25,00%

121

36,01%

5

Dạy học theo nhóm

6

1,79%

37

11,01%

65

19,35%

93

27,68%

135

40,18%

6

Dạy học theo dự án

19

5,65%

28

8,33%

103

30,65%

103

30,65%

83

24,70%

7

Luyện tập và thực hành

65

1,35%

28

8,33%

84

25,00%

75

22,2%

84

25,00%

8

Đóng vai

77

22,92%

78

23,21%

52

15,48%

17

5,06%

112

33,33%

9

Tham quan thực tế

103

330,65%

93

27,68%

37

11,01%

28

8,33%

75

22,32%

10

Hướng dẫn đọc tài liệu

19

5,65%

48

14,29%

38

11,31%

58

17,26%

173

51,49%

Nguồn: Tác giả tính toán

Kết quả khảo sát cho thấy (Bảng 1), hệ thống các phương pháp dạy học đại học hiện nay như: diễn giảng, đàm thoại, suy nghĩ - từng cặp - chia sẻ, giải quyết vấn đề, dạy học theo nhóm, dạy học theo dự án, luyện tập và thực hành, đóng vai, tham quan thực tế và hướng dẫn đọc tài liệu đều được giảng viên sử dụng trong quá trình dạy học các môn học ngành Tài chính - Ngân hàng.

Ba phương pháp dạy học rất thường xuyên được giảng viên áp dụng chiếm tỷ trọng cao nhất theo thứ bậc giảm dần là: phương pháp dạy học diễn giảng, phương pháp dạy học hướng dẫn đọc tài liệu và phương pháp dạy học đàm thoại. Có 205 sinh viên, tương ứng tỷ lệ 61,01% cho rằng phương pháp diễn giảng rất thường xuyên được giảng viên sử dụng trong quá trình dạy học. Kế đến là phương pháp hướng dẫn đọc tài liệu với tỷ lệ là 51,49% và phương pháp đàm thoại, với tỷ lệ tương ứng là 44,35%.

Có 336 sinh viên đồng ý rằng hai phương pháp dạy học là phương pháp diễn giảng và phương pháp giải quyết vấn đề luôn được giảng viên áp dụng trong quá trình dạy học. Cả hai phương pháp này đều chiếm tỷ trọng 0% cho lựa chọn không bao giờ được sử dụng.

Phương pháp dạy học tham quan thực tế và đóng vai là hai phương pháp sinh viên đánh giá không bao giờ được giảng viên áp dụng trong quá trình dạy học với tỷ trọng cao nhất tương ứng là 30,65% và 22,92%.

Nhìn chung, phương pháp dạy học truyền thống - phương pháp diễn giảng vẫn là phương pháp dạy học đang được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Với phương pháp diễn giảng, hoạt động của giảng viên là trung tâm, giảng viên là người thuyết trình, diễn giảng, sinh viên là người nghe, nhớ, ghi chép và suy nghĩ theo. Vì vậy, sẽ hạn chế tính chủ động trong học tập của sinh viên. Để hướng tới việc phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập của sinh viên, giảng viên cần kết hợp hợp lý phương pháp học tập truyền thống và phương pháp học tập chủ động.

5. Giải pháp đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao tính chủ động học tập của sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học HUTECH trong thời đại số

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực, chủ động, xem người học là trung tâm trong môi trường đại học là hết sức cần thiết, qua đó giảng viên sẽ định hướng sinh viên chủ động trong việc khám phá được tri thức mới. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, phương pháp dạy học phải được ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để việc dạy và học được hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường. Từ việc phân tích, đánh giá thực trạng phương pháp dạy học đang được áp dụng của ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học HUTECH, tác giả đề xuất một số giải pháp đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao tính chủ động học tập của sinh viên như sau:

5.1. Áp dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp dạy học

Mỗi một phương pháp giảng dạy đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Không có một phương pháp giảng dạy nào được xem là lý tưởng nhất. Tùy thuộc vào mục tiêu dạy học mà giảng viên cần linh hoạt sử dụng kết hợp phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học chủ động nhằm nâng cao sự chủ động, tích cực học tập của sinh viên. Qua việc linh hoạt kết hợp áp dụng các phương pháp dạy học như: diễn giảng, đàm thoại, giải quyết vấn đề, dự án…, giảng viên sẽ dẫn dắt sinh viên chủ động tìm hiểu tri thức mới, phát huy được tối đa tính sáng tạo của sinh viên, đồng thời rèn luyện được các kỹ năng mềm cần thiết trong học tập nói riêng cũng như trong cuộc sống nói chung.

5.2. Ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới phương pháp dạy học

Sử dụng các công cụ hỗ trợ dạy học đổi mới phương pháp dạy học

Giảng viên có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ dạy học nhằm đổi mới phương pháp dạy học như: www.polleverywhere.com, kahoot.com, socrative.com, mentimeter.com… tùy theo mục tiêu bài học. Ví dụ, để phương pháp dạy học luyện tập và củng cố trở nên thu hút sự tập trung, tạo sự hứng khởi cho sinh viên đối với môn học, giảng viên sử dụng công cụ mentimeter.com, cụ thể:

Giảng viên truy cập vào trang mentimeter.com, thiết kế các câu hỏi trắc nghiệm với mục tiêu tổng hợp lại những tri thức mới đã giảng dạy. Sinh viên chọn câu trả lời cho mỗi câu hỏi. Sinh viên trả lời đúng và nhanh nhất sẽ được thống kê ở thứ bậc cao nhất, kế đến là sinh viên trả lời đúng với thời gian chậm hơn thời gian sinh viên đứng đầu đã trả lời. Những sinh viên trả lời đúng và nhanh sẽ được giảng viên tuyên dương trước lớp và cho điểm thưởng nhằm tạo cuộc thi đua trong lớp học. Như vậy, sau mỗi buổi học, giảng viên có thể thống kê được số lượng sinh viên hiểu bài. Tri thức mới được củng cố, truyền tải sinh động hơn, đồng thời gia tăng sự thu hút, chủ động học tập của sinh viên qua các cuộc thi đua về tri thức như vậy.

Đổi mới phương pháp dạy học đóng vai qua việc thiết kế video cho bài giảng

Để phương pháp dạy học đóng vai được sinh động hơn, giảng viên có thể thiết kế video mô phỏng lại bài học, quy trình đã yêu cầu sinh viên đóng vai. Việc truyền tải bài học một cách chân thực và sinh động qua video sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn vai diễn và chủ động sáng tạo cho vai diễn của mình được hay hơn, qua đó sinh viên chủ động tìm hiểu, phát hiện được tri thức mới và rèn luyện được các kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

Đổi mới phương pháp hướng dẫn đọc tài liệu qua việc hướng dẫn sinh viên tìm kiếm tài liệu, tra cứu thông tin trên mạng internet

Bên cạnh việc hướng dẫn sinh viên đọc tài liệu là các giáo trình chính thức được biên soạn bởi giảng viên các trường đại học và các tài liệu tham khảo khác, giảng viên cũng có thể hướng dẫn sinh viên đọc tài liệu qua việc tham khảo các sách điện tử, tìm kiếm tài liệu bằng cách tra cứu nguồn thông tin trên mạng internet. Đây là nguồn tri thức vô cùng phong phú và đa dạng, giúp sinh viên hiểu rõ bài học hơn qua việc tiếp cận bài học ở các quan điểm khác nhau. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Piagert (1999). Tâm lí và Giáo dục học. NXB Giáo dục, Hà Nội.
  2. Phan Trọng Ngọ (2015). Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường. NXB Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
  3. Phùng Văn Bộ (2001). Một số vấn đề về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu triết học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  4. Robert J. Marzano, Debra J. Pickering & Jane E. Pollock. (2013). Các phương pháp dạy học hiệu quả, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  5. Trần Khánh Đức (2013). Lý luận và phương pháp dạy học hiện đại, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  6. Trần Thị Hương, Nguyễn Đức Danh (2017). Tổ chức hoạt động dạy học đại học. NXB Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

 

INNOVATING TEACHING METHODS TO MAKE STUDENTS

OF HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF TECHNOLOGY

MORE ACTIVE IN LEARNING IN THE CONTEXT OF INDUSTRY 4.0

Ph.D TRUONG NGUYEN TUONG VY

Faculty of Finance - Commerce

Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

Humanity is entering a new industrial revolution named Industry 4.0. Industry 4.0 focuses on the integration of physical, digital and biological factors via smart technologies. In the context of the rapid development of Industry 4.0, the education sector is under pressure to proactively build visions, innovate strategies, develop new teaching methods, etc. to train and provide high-quality human resources. The traditional method of teaching, when students passively absorb new knowledge, is no longer suitable. In the digital age, lecturers and teachers need to innovate their teaching methods, flexibly combine traditional and active teaching methods, and take advantage of advancements in science and technology to develop students’s initiative and creativity in learning. This study analyzes and evaluates the current teaching methods of lecturers of the Faculty of Finance and Commerce, Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH). Based on the study’s findings, some solutions are proposed to innovate teaching methods to make the HUTECH’s students more active in learning, meeting requirements of training quality in the context of Industry 4.0.

Keywords: finance and banking sector, teaching methods, digital age, students, Ho Chi Minh City University of Technology.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 12, tháng 5 năm 2021]