Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp góp phần phát triển nguồn nhân lực lao động trực tiếp chất lượng cao cho ngành Công nghiệp

LÊ VĂN KỲ (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công Thương)

TÓM TẮT:

Nguồn nhân lực là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của lực lượng sản xuất xã hội, quyết định sức mạnh của một quốc gia. Việt Nam là nước có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, nên lực lượng trong độ tuổi lao động khá lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của nước ta hiện nay được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển ngành Công nghiệp nói riêng. Để ngành Công nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra là phải đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng, cao về chất lượng cho ngành Công nghiệp nhất là nguồn nhân lực lao động trực tiếp chất lượng cao. Do vậy, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ rất cần thiết ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: Giáo dục nghề nghiệp, nguồn nhân lực, ngành Công nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế.

1. Khái quát thực trạng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành Công nghiệp

Sau hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới (1986-2017), Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm phát triển khu vực sản xuất công nghiệp, nhằm đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH); Phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đã có nhiều khu công nghiêp, khu chế xuất được xây dựng. Đến nay, cả nước có 304 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 206 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Có 60/63 tỉnh, thành phố có khu công nghiệp được thành lập. Các khu công nghiệp chủ yếu được thành lập ở ba vùng kinh tế trọng điểm (Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung). Năm 2016, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%.

1.1. Những kết quả đã đạt được

- Về tổ chức hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Đã hình thành bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề. Ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục, Bộ Luật Lao động ( năm 2012), Luật Việc làm (năm 2013) và các luật khác có liên quan...

Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành đã hình thành hệ thống GDNN trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có quy định 3 cấp trình độ đào tạo là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, nhằm đáp ứng yêu cầu về cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

- Về mạng lưới

Tính đến tháng 7/2017, mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Hiện cả nước có 1989 cơ sở GDNN, trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm GDNN. Đã quy hoạch trường nghề chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Đã có 45 trường công lập được lựa chọn để ưu tiên, tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao vào năm 2020, đồng thời, Bộ đã phê duyệt quy hoạch 26 nghề cấp độ quốc tế, 34 nghề cấp độ ASEAN và hơn 130 nghề cấp độ quốc gia.

- Về tuyển sinh

Cùng với sự phát triển cơ sở dạy nghề, số lượng tuyển sinh học nghề cũng không ngừng tăng lên. Kết quả tuyển sinh học nghề trong 5 năm (2011-2015) được 9.171.371 người, trong đó cao đẳng nghề (CĐN) và trung cấp nghề (TCN) chiếm 12,2%; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 87,8%. Trong giai đoạn này đã đào tạo nghề cho trên 4,1 triệu lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ, riêng số được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956 là trên 2,7 triệu người.

- Về chất lượng đào tạo nghề

Chất lượng đào tạo nghề nói chung, chất lượng đào tạo nghề cho ngành Công nghiệp nói riêng từng bước được nâng lên, thể hiện qua kết quả tốt nghiệp và tìm được việc làm sau đào tạo. Theo báo cáo của 63 tỉnh/thành phố, năm 2015, tỷ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 70%. Nhiều trường có những nghề trên 90% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Lao động qua đào tạo nghề tham gia hầu hết các lĩnh vực ngành nghề của ngành Công nghiệp; đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do kỹ, thuật viên nước ngoài thực hiện.

- Về hợp tác với doanh nghiệp

Có nhiều hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề, bao gồm các nội dung về trao đổi, cung cấp nguồn lực giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp; trao đổi thông tin giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp; hỗ trợ của doanh nghiệp với sinh viên học nghề; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp... Các doanh nghiệp đã có những hoạt động hợp tác với cơ sở dạy nghề khá đa đạng, như: tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị dạy nghề cho một số cơ sở dạy nghề, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp... Ngoài ra, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề còn được thực hiện thông qua các hoạt động: Mời cựu sinh viên về nói chuyện với sinh viên đang học; mời chuyên gia doanh nghiệp về giảng dạy; doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên, tài trợ thiết bị dạy nghề cho nhà trường; hợp tác xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo; tham gia xây dựng chương trình đào tạo... Hợp tác giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp đem lai lợi ích cho cả 3 bên: cơ sở GDNN, doanh nghiệp và người học.

1.2. Những hạn chế và nguyên nhân

+ Những hạn chế

Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực nhất là đội ngũ nhân lực lao động trực tiếp có chuyên môn kỹ thuật cao hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương: Mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động còn lỏng lẻo; học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng xã hội như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng khởi nghiệp; cơ cấu nhân lực chưa hợp lý. Năng suất lao động ở nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế chỉ có khoảng 20% lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, còn khoảng hơn 80% là lao động không có kỹ năng nghề. Sau hơn 5 năm thực hiện Chiến lược đào tạo nghề, tỷ lệ tuyển sinh trung cấp, cao đẳng chỉ đạt 53,4% kế hoạch và hiện nay hầu hết các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang rất khó khăn về công tác tuyển sinh, trong khi nhu cầu công nhân có chuyên môn kỹ thuật cao của ngành Công nghiệp còn rất lớn. Do chất lượng lao động trong ngành Công nghiệp còn nhiều hạn chế, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất công nghiệp và giá trị các sản phẩm công nghiệp ở nước ta (còn rất thấp so với các nước trong khu vực), khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế của nước ta còn nhiều điểm yếu.

+ Nguyên nhân

- Nhận thức nhiều cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDNN là đào tạo nhân lực có tay nghề và tay nghề cao trực tiếp lao động sản xuất chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, tư tưởng coi trọng bằng cấp còn phổ biến trong xã hội. Công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp còn nhiều hạn chế.

- Khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề chưa được áp dụng trong thực tiễn; Thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp.

- Năng lực của các cơ quan quản lý các cấp về công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thiếu về số lượng, chưa chuyên nghiệp và còn hạn chế về năng lực.

- Công tác thực hiện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào trường trung cấp, trường cao đẳng kém hiệu quả.

- Các doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp chưa thực sự chủ động tham gia hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thụ động trong thiết lập mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp; Doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp còn thiếu thông tin về cơ chế chính sách, cơ chế lợi ích khi tham gia vào đào tạo nghề.

- Dự báo nhu cầu nhân lực về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành Công nghiệp nói riêng theo từng giai đoạn.

- Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với mục tiêu nhiệm vụ đề ra; Nhiều địa phương chưa ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp.

2. Nhu cầu nhân lực của ngành Công nghiệp

Cùng với phát triển mạnh các khu công nghiệp, các khu kinh tế đã được hình thành. Đến nay, cả nước đã có 14 khu kinh tế với 320 dự án FDI đầu tư với số vốn đăng ký là 40 tỷ USD và 890 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 560 tỷ đồng. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút trên 2,6 triệu lao động, trong đó lao động trong các khu công nghiệp là hơn 1,5 triệu lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp. Với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế nói riêng và ngành Công nghiệp nói chung đang cần nguồn nhân lực qua đào tạo lớn nhất là nhân lưc lao động trực tiếp chất lượng cao.

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu nhân lực làm việc trong lĩnh vực Công nghiệp tăng từ mức 8,4 triệu người năm 2015 lên mức 10,8 triệu người năm 2020, trên 14,0 triệu người năm 2025 và đạt mức 23,5 triệu người năm 2035. Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2020 sẽ khoảng 9,9 triệu người, đạt tỷ lệ 91,7%; năm 2025 sẽ khoảng 13,3 triệu người, đạt tỷ lệ 95,0% và năm 2035 sẽ khoảng gần 23,0 triệu người, đạt tỷ lệ 98,0% so với tổng số nhân lực công nghiệp.

Nhu cầu về cơ cấu bậc đào tạo, đến năm 2020, số nhân lực được đào tạo bậc sơ cấp nghề khoảng 4,6 triệu người, tỷ lệ 46,5% so với tổng số nhân lực qua đào tạo; bậc trung cấp khoảng 3,7 triệu người, tỷ lệ 37,6%; bậc cao đẳng khoảng 562 nghìn người, tỷ lệ 17,3%; bậc đại học và trên đại học khoảng 1,0 triệu người, tỷ lệ 10,2%.

Đến năm 2025, số nhân lực được đào tạo bậc sơ cấp nghề khoảng 4,4 triệu người, tỷ lệ 32,9% so với tổng số nhân lực qua đào tạo; bậc trung cấp khoảng 5,2 triệu người, tỷ lệ 38,8%; bậc cao đẳng khoảng 2,2 triệu người, tỷ lệ 17,3%; bậc đại học và trên đại học khoảng 1,5 triệu người, tỷ lệ 10,9%.

Đến năm 2035, số nhân lực được đào tạo bậc sơ cấp nghề khoảng 4,4 triệu người, tỷ lệ 19,3% so với tổng số nhân lực qua đào tạo; bậc trung cấp khoảng 9,2 triệu người, tỷ lệ 40,0%; bậc cao đẳng khoảng 6,7% triệu người, tỷ lệ 29,0%; bậc đại học và trên đại học khoảng 2,7 triệu người, tỷ lệ 11,6%.

3. Định hướng và giải pháp

3.1. Định hướng

Để nâng cao chất lượng NNL trực tiếp trong ngành Công nghiệp, vấn đề cốt lõi là phải tạo được sự đột phá về chất lượng đào tạo nghề, nâng cao được trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhất là kỹ năng nghề, năng lực ngoại ngữ, tin học, kỹ năng xã hội cho nhân lực lao động trực tiếp ngành Công nghiệp. Theo đó, GDNN cần tập trung vào các định hướng cơ bản sau:

- Đổi mới mạnh mẽ hệ thống GDNN từ chủ yếu trang bị kiến thức và kỹ năng sang hình thành và phát triển năng lực nhất là năng lực sáng tạo; gắn đào tạo với sử dụng lao động, tạo việc làm bền vững.

- Đảm bảo tính đồng bộ, từ cấu trúc bên trong của hệ thống GDNN tới cấu trúc chung của hệ thông giáo dục quốc dân; từ quản lý nhà nước tới các hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường, phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Tăng cường đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có trình độ tay nghề cao, triển khai đào tạo một số nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế phục vụ ngành Công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu lao động.

- Tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa các hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động tham gia các hoạt động quốc tế về GDNN

- Mở rộng tuyển sinh dạy nghề trình độ sơ cấp nhằm từng bước trang bị kỹ năng nghề cho người lao động góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, thu hút nhân lưc chất lượng cho ngành Công nghiệp.

3.2. Giải pháp

Để thực hiện mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất: Đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về GDNN

Đổi mới cơ chế hoạt động trong GDNN đảm bảo tăng cường tính tự chủ của cơ sở GDNN và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực GDNN.

Đổi mới cơ chế hoạt động trong GDNN đảm bảo tăng cường tính tự chủ của cơ sở GDNN và đẩy mạnh xã hội hóa trong một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực GDNN.

Hoàn thiện chính sách đối với nhà giáo trong GDNN, người học, người tốt nghiệp, người qua đào tạo tham gia thị trường lao động.

Thứ hai: Nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo

Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên. Đổi mới chương trình đào tạo tiếp cận trình độ tiên tiến của cả nước phát triển trên thế giới, xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra tương thích với chương trình của trong khu vực và thế giới. Chuẩn hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đầu tư đồng bộ thiết bị đào tạo hướng tới phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và theo chuẩn quốc tế. Tăng cường đào tạo tiếng Anh trong các cơ sở GDNN bảo đảm cho người học nghề có khả năng sử dụng được tiếng Anh trong công việc chuyên môn và giao tiếp trong công việc. Tập trung thí điểm đào tạo nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.

Thứ ba: Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN

- Tăng cường kiểm định chất lượng GDNN: Thành các tổ chức kiểm định chất lượng GDNN độc lập, phát triển đội ngũ kiểm định viên chất lượng GDNN đủ về số lượng, cao về chất lượng và thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng kiểm định chất lượng GDNN.

- Thực hiện việc đánh giá phân tầng chất lượng GDNN đối với cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo.

- Đổi mới quản lý nhà trường theo mô hình quản trị hiện đại, theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp ở các trường cao đẳng, trường trung cấp được ưu tiên đầu tư thành trường chất lượng cao và tổng kết, đánh giá, triển khai nhân rộng trong hệ thống GDNN.

Thứ tư: Tăng cường công tác phân luồng sau THCS, THPT

Điều chỉnh lại cơ cấu và quy mô đào tạo GDNN, giáo dục đại học phù hợp nhu cầu việc làm của thị trường lao động. Thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách để thu hút và khuyến khích người dân vào học các cấp trình độ GDNN như chính sách về miễn, giảm học phí, về sử dụng lao động, trả lương lao động trên cơ sở năng lực nghề nghiệp, về phí, về sử dụng lao động, trả lương lao động trên cơ sở năng lực nghề nghiệp về mức lương theo cấp trình độ đào tạo và các bậc tình độ kỹ năng nghề quốc gia. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của GDNN và cơ hội phát triển của những người tốt nghiệp các cấp trình độ GDNN.

Thứ năm: Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động GDNN

Hoàn thiện cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia GDNN trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Nghiên cứu một số mô hình hợp tác đào tạo giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thành công trên thế giới đối với một số ngành/nghề; xây dựng mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực GDNN; đẩy mạnh các hoạt động GDNN tại doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, thực hiện đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ.

Thứ sáu: Tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong GDNN

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDNN, bồi dưỡng năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng, nhất là các trường được đầu tư xây dựng trường chất lượng cao. Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA cho đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN; trao đổi kinh nghiệm quốc tế về công tác quản lý, kiểm định chất lượng GDNN. Tăng cường liên kết đào tạo với nước ngoài, thay đổi các quy định hợp tác đào tạo quốc tế về GDNN phù hợp với tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương 2011 - 2020 và Điều chỉnh quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035.

2. Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành Công Thương.

4. Luật Giáo dục nghề nghiệp 2015.

5. Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020.

6. Khu công nghiệp Việt Nam, Website http://www.khucongnghiep.com.vn

7. http://molisa.gov.vn

8. http://moit.gov.vn

INNOVATING AND IMPROVING VOCATIONAL EDUCATION

QUALITY TO CONTRIBUTE TO HIGH QUALITY HUMAN

RESOURCE DEVELOPMENT FOR INDUSTRY

● LE VAN KY

College of Economic - Technology for Industry and Commerce

ABSTRACT:

Human resources are the most important constituent element of productive forces, , deciding the strength of a nation. Vietnam has advantages of a country having abundant human resources, so the labor force in the working age is quite large. However, human resources of our country have not yet met the requirements for socio-economic development in general and industry development in particular. To make strong industrial development to contribute significantly to the socio-economic development of the country during the period of promoting industrialization, modernization and international integration, one of the urgent issues are to train human resources in terms of quantity and quality for the industry, especially high quality human resources. Therefore, renovating and improving the vocational education quality is a necessary task for our country.

Keywords: Vocational education, human resources, direct labor force, high quality, industry, international economic integration.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây