Nhiều đơn hàng ngay từ đầu năm

Ngay đầu năm 2022, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) đã thông báo tin vui khi trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc. Thời gian giao hàng từ tháng 3 đến tháng 6/2022.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, lô gạo mà Trung An trúng thầu sang Hàn Quốc là loại gạo 100% tấm (dùng làm nguyên liệu sản xuất bia) với giá trúng thầu là 369 USD/tấn (giá FOB).

Trong khi đó, theo báo giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 100% tấm được chào bán với giá 338 USD/tấn (giá FOB). Như vậy, giá trúng thầu của Trung An cao hơn 31 USD/tấn. Đây là lô thầu xuất khẩu gạo thứ 3 vào thị trường Hàn Quốc mà Trung An trúng thầu. 

Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường tiềm năng cho hạt gạo Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực càng mở ra cơ hội cho gạo Việt thâm nhập vào thị trường này. Mới đây, theo tin từ Bộ Công thương, Tổng Công ty Thương mại nông thủy sản và lương thực Hàn Quốc (aT) đã thông báo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng gạo và kế hoạch các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo trong năm 2022. Theo đó, 55.112 tấn gạo của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 5%, thấp hơn rất nhiều mức thuế suất áp dụng cho khối lượng gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 513%.

Cùng với Trung An, ngay từ đầu năm 2022, các doanh nghiệp lúa gạo đã liên tục đón nhận tin vui khi thị trường hồi phục, dịch bệnh trong nước dần kiểm soát. Đáng chú ý, giá gạo Việt Nam liên tục tăng ở mức cao. Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 1 vừa qua đạt trên 505.000 tấn, với trị giá đạt trên 246 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, kết quả xuất khẩu gạo tháng đầu năm nay tăng đến hơn 45% về lượng và gần 30% về giá trị.

Gạo xuất khẩu tăng cả về số lượng lẫn giá trị, do Trung Quốc mở cửa khẩu trở lại. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc... bắt đầu cao. Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Theo EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Xuất khẩu gạo hứa hẹn sẽ có một năm tăng trưởng về lượng và chất nếu doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thời cơ này.

Trong các tháng sắp tới, nhiều doanh nghiệp lúa gạo cho biết đang tiếp tục nhận được những đơn hàng giá trị cao với số lượng lớn từ nhà nhập khẩu. Ông Phạm Thái Bình vui mừng chia sẻ, Trung An đã liên tục xuất khẩu các đơn hàng cho đối tác trong 2 tháng đầu năm nay. Từ tháng 3 trở đi, ngoài thị trường Hàn Quốc, Trung An tiếp tục có một số hợp đồng đi các nước EU và Châu Á khác.

Nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo

Tin vui là vậy, tuy nhiên, cũng như các ngành hàng khác, doanh nghiệp lúa gạo, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với chi phí đầu vào như cước tàu biển, chi phí vận tải nội địa, giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng quá mạnh… khiến chi phí sản xuất bị đội lên, ăn mòn vào lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng mạnh trong gần 2 tháng đầu năm nay đang ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp khi kéo chi phí sản xuất tăng ở mức cao. Chưa kể, trên thị trường, hạt gạo Việt đang chịu sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia khác.

Nhà máy Gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long hứa hẹn mang lại cơ hội cho xuất khẩu gạo chất lượng cao. 

Xác định bằng mọi cách phải tối ưu hóa chi phí và nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo trên thị trường, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất lúa gạo đã và đang từng bước đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị hạt gạo.  

Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời mới đây đã thành lập 2 công ty thành viên và ký kết mua bán-tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trị giá hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2022 với các công ty, đại lý nông sản, các ngân hàng. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, đơn hàng 2 triệu tấn lúa và hợp đồng tài trợ 12.000 tỷ đồng là minh chứng cho sự tin tưởng của các đối tác trong nước và quốc tế đối với mô hình kinh doanh tổ chức sản xuất quy mô lớn theo đơn hàng của Lộc Trời. Đây cũng là nền tảng để ứng dụng quy trình sản xuất khoa học, giảm lượng giống sử dụng, giảm phân bón-thuốc, quản lý tốt tài nguyên nước, từ đó giảm giá thành, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Hoặc, tháng 1/2022, Công ty CP Tập đoàn Tân Long đã khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc tại tỉnh An Giang. Nhà máy có quy mô lớn nhất châu Á với diện tích 161.000 m2, công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Lúa tươi được sấy và lưu trữ với chất lượng cao, giữ được mùi thơm, hương vị của các giống lúa, nhất là đối với các loại gạo thơm, giúp nâng chất lượng và giá trị khi xuất khẩu.

Tiếp ngay sau đó, đầu tháng 2 vừa qua, Tân Long tiếp tục cùng UBND tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn 2 địa phương này.

Đây là cơ hội thuận lợi giúp người trồng lúa bảo đảm được đầu ra nhờ cơ chế nông dân canh tác theo đơn đặt hàng và định hướng thị trường từ doanh nghiệp; giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào; ứng dụng đồng bộ công nghệ-khoa học kỹ thuật tạo nên những cánh đồng thông minh và sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng tốt nhất nhờ hệ thống xử lý sau thu hoạch hiện đại.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn bảo đảm từ 6 - 6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021. Dù lượng không có sự đột phá, song giá trị xuất khẩu gạo đang ngày một tăng cao và dần khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.