TÓM TẮT:

Lợi nhuận là chỉ tiêu quan trọng nhất trong báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp, là dấu hiệu trực tiếp cho các quyết định đầu tư trên thị trường vốn. Gia tăng về lợi nhuận công bố càng làm gia tăng giá trị doanh nghiệp. Nhận thức được lợi ích quan trọng của việc trình bày thông tin lợi nhuận trong BCTC, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện hành vi thao túng lợi nhuận. Bài viết nhằm mục đích cung cấp thông tin về động cơ và kỹ thuật thao túng lợi nhuận của doanh nghiệp thông qua phỏng vấn 12 chuyên gia trong lĩnh vực về tài chính, kế toán. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ các động cơ và kỹ thuật thao túng lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ khóa: thao túng lợi nhuận, động cơ thao túng lợi nhuận, kỹ thuật thao túng lợi nhuận.

1. Giới thiệu nghiên cứu

Thao túng lợi nhuận là việc làm thay đổi số liệu lợi nhuận được thực hiện thông qua hành vi điều chỉnh doanh thu và chi phí bằng các kỹ thuật kế toán để báo cáo tài chính thể hiện một cái nhìn tích cực về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của công ty. Thao túng lợi nhuận thường nhắm tới 5 mục đích: (i) để đạt được những dự báo của các nhà phân tích; (ii) để nhà quản lý đạt được những đãi ngộ ngắn hạn; (iii) để phát hành cổ phiếu với giá cao hơn; (iv) để giảm thuế lợi nhuận doanh nghiệp; (v) để tránh vi phạm hoặc đạt được hợp đồng tín dụng.

Thao túng lợi nhuận là “một sự can thiệp có tính toán kỹ lưỡng trong quá trình công bố BCTC ra ngoài, với mục đích đạt được một số lợi ích cá nhân” (Schipper, 1989). Thao túng lợi nhuận được coi là “trò chơi của những con số”, “là một mảng tối mà ở đó kế toán đang bị làm sai do nhà quản trị đã “mài dũa” các khía cạnh của nó theo ý muốn của họ” (Levitt 1998). Healy và Palepu (1993) đã chỉ ra rằng, mục đích khi nhà quản trị sử dụng sự điều chỉnh trong BCTC và trong cấu trúc giao dịch để thay đổi BCTC là để đánh lừa một số bên liên quan về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty hoặc nhằm ảnh hưởng đến kết quả các hợp đồng mà phụ thuộc vào số liệu báo cáo kế toán. Việc điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp rất phong phú. Kết quả nghiên cứu cho thấy, động cơ thao túng lợi nhuận bao gồm: tăng giá cổ phiếu, thu hút các nhà đầu tư, thuận lợi trong các hợp đồng vay hay giảm các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Để thực hiện thao túng BCTC, các doanh nghiệp đã sử dùng nhiều kỹ thuật liên quan đến kế toán, như: khai tăng/giảm doanh thu, chi phí, ghi nhận các giá trị tài sản thấp hơn thực tế,...

2. Phương pháp nghiên cứu

Để hiểu rõ hơn về động cơ và các kỹ thuật thao túng lợi nhuận của các doanh nghiệp, tác giả thực hiện phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực vể tài chính kế toán. Phỏng vấn được thực hiện với 12 người, thuộc 4 nhóm (thành viên/chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc tài chính/Kế toán trưởng, kiểm toán viên độc lập và giảng viên các khoa Kế toán - Kiểm toán của các trường đại học khối ngành kinh tế). Những người được phỏng vấn phải có đủ kinh nghiệm và kiến ​​thức về thao túng lợi nhuận và chấp thuận sắp xếp thời gian để thực hiện phỏng vấn. Phỏng vấn được thực hiện bằng 2 phương pháp: trực tiếp gặp và qua điện thoại, với mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài trung bình 30 phút. Mỗi cuộc phỏng vấn bắt đầu với lời giải thích về mục tiêu của nghiên cứu và tầm quan trọng của nghiên cứu. Các câu hỏi phỏng vấn xoay quanh các vấn đề về động cơ thao túng lợi nhuận của các nhà quản lý doanh nghiệp, các kỹ thuật thao túng lợi nhuận các doanh nghiệp thường sử dụng và các yếu tố có thể tác động đến mức độ thao túng lợi nhuận của doanh nghiệp.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Về mục đích thao túng lợi nhuận

Khi các chuyên gia được hỏi về “Quan điểm với ý kiến cho rằng các nhà quản lý ở Việt Nam tham gia vào thao túng lợi nhuận”, 10/12 chuyên gia đồng thuận với ý kiến này, 02 chuyên gia (là nhà quản lý doanh nghiệp) không đồng thuận bởi họ cho rằng không phải tất cả các nhà quản lý doanh nghiệp đều có hành vi thao túng lợi nhuận và cho rằng vấn đề về trình độ và đạo đức của nhà quản lý quyết định việc có thao túng lợi nhuận hay không. Tất cả những người được phỏng vấn đều lo ngại rằng báo cáo tài chính thiếu công khai và minh bạch có dẫn đến các nhà đầu tư đưa ra các các quyết định không đúng. Những người được phỏng vấn cho rằng một dấu hiệu quan trọng của việc thao túng lợi nhuận là không tuân thủ việc công bố đầy đủ và che giấu thông tin quan trọng dẫn đến các quyết định đầu tư sai lầm có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế. 

Một giảng viên nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán, tài chính cho rằng: “Nhiều nghiên cứu gần đây kết luận rằng BCTC của một số công ty ở Việt Nam thiếu sự công khai và minh bạch, gây hại đến niềm tin của các nhà đầu tư, điều này dẫn đến nghi ngờ rằng việc không tuân thủ việc công bố đầy đủ và các quy định khác về thông tin trên BCTC là một dấu hiệu của thao túng lợi nhuận”. 10/12 các chuyên gia được hỏi tin rằng, các nhà quản lý Việt Nam có động cơ thực hiện thao túng lợi nhuận để đạt được mục tiêu của họ. Một chuyên gia được phỏng vấn cho rằng “Nhà đầu tư nghi ngờ BCTC của doanh nghiệp có thể có gian lận hay thao túng lợi nhuận là hoàn toàn bình thường, bởi họ cần tìm sự an toàn và hiệu quả cho số tiền mà họ bỏ ra trong khi các nhà quản lý doanh nghiệp có thể thực hiện các hoạt động làm thay đổi lợi nhuận công bố”.

Câu hỏi sẽ không chỉ trả lời câu hỏi nghiên cứu liên quan đến động cơ thao túng lợi nhuận, mà còn là cơ sở để xây dựng mô hình đo lường thao túng lợi nhuận được sử dụng trong dữ liệu thứ cấp. Tất cả các nhóm, đồng ý hoặc nhất trí mạnh với 4 lý do tiềm ẩn cho việc thao túng lợi nhuận ở Việt Nam: để tăng số tiền thù lao quản lý, để báo cáo lợi nhuận hợp lý và tránh lỗ, để vay ngân hàng, để tăng giá cổ phiếu. Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, từ cuối năm 2019 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã có tác động rất lớn đến doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề từ đại dịch nên cũng có thể tồn tại hành vi thao túng lợi nhuận với nhiều mục đích khác nhau: có thể để nhận những ưu đãi của chính phủ về thuế hay về lãi suất các khoản vay hay cũng có thể do giá cổ phiếu giảm nhiều nên làm các cách để đẩy giá cổ phiếu lên thông qua tín hiệu khả quan về lợi nhuận của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh. Một kiểm toán viên của Big4 được hỏi cho biết: “Từ kinh nghiệm của tôi, tôi nghĩ rằng khách hàng của chúng tôi có xu hướng thao túng lợi nhuận theo hướng ghi nhận tăng lên hơn ghi nhận là giảm, bởi với hành động này, họ sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn như dễ dàng hơn đối với các khoản vay ngân hàng, mặc dù vậy, thao túng giảm lợi nhuận giảm có thể được sử dụng trong một số ít tình huống”.

Đa số các chuyên gia được hỏi đều cho rằng, với các doanh nghiệp niêm yết, thao túng lợi nhuận với mục đích chính là làm giá cổ phiếu hay đáp ứng kỳ vọng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, sau đó mới là cho mục đích vay vốn ngân hàng. Một chuyên gia được hỏi cũng cho rằng: “Từ kinh nghiệm của tôi, hầu hết các nhà quản lý của các công ty niêm yết của Việt Nam đều hướng tới tăng sự giàu có của họ bằng cách đạt được quyền chọn mua cổ phiếu, thù lao cao và tiền thưởng vì bằng cách này họ sẽ tự bảo đảm cho mình; cũng hầu hết các công ty phải đối mặt với áp lực lớn từ thị trường vốn Việt Nam để điều chỉnh tình trạng tài chính khiến họ thao túng ….”. Để khắc phục những vấn đề này, ông đề xuất rằng: “Giám đốc điều hành nên được lựa chọn cẩn thận vì hành vi cơ hội của anh ta sẽ ảnh hưởng đến các quản lý cấp cao khác, hơn nữa, giao tiếp giữa quản lý, hội đồng quản trị và các ủy ban của nó là chìa khóa để sự thành công, nói cách khác, khi thiếu giao tiếp, nó gây ra các vấn đề tiềm ẩn bằng cách tăng khả năng thao túng”.

Perez và Hemmen (2010) gợi ý rằng, áp lực thị trường có thể tạo ra mức độ thao túng lợi nhuận giữa các các công ty. Đa số các chuyên gia cho rằng: “Thao túng lợi nhuận để giảm nghĩa vụ thuế có thể xảy ra trong khu vực tư nhân hơn là khu vực công, tuy nhiên, tôi đã thấy một vài trường hợp của các công ty niêm yết đang thao túng số lượng cổ phần, những trường hợp này có thể xảy ra nhiều hơn ở các công ty bị chi phối bởi mức độ tập trung sở hữu cao hay sở hữu tập trung vào một người/nhóm người”. 

Nhìn chung, các ý kiến chuyên gia được hỏi về động cơ thao túng lợi nhuận của các nhà quản lý doanh nghiệp đều cho rằng, việc thao túng lợi nhuận thường liên quan đến các vấn đề về giá cổ phiếu, trách nhiệm về thuế, các hỗ trợ và ưu đãi của ngân hàng và các đơn vị cung cấp tín dụng. Các chuyên gia cũng đồng thuận rằng, khi các doanh nghiệp là sở hữu tư nhân thì thao túng lợi nhuận hướng nhiều đến việc giảm trách nhiệm về thuế phải nộp. Các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường có sự đòi hỏi và yêu cầu cao về chất lượng kiểm toán độc lập bởi họ coi đó là một cơ chế giám sát việc thao túng lợi nhuận, nên có thể hành vi thao túng lợi nhuận xảy ra ít hơn so với các nhóm doanh nghiệp có cấu trúc sở hữu vốn khác.

3.2 Một số kỹ thuật thực hiện thao túng lợi nhuận

Khi được hỏi về các kỹ thuật thao túng lợi nhuận, các chuyên gia được hỏi cho rằng có một số kỹ thuật sau hay được các doanh nghiệp sử dụng để thực hiện thao túng lợi nhuận:

Một là, thổi phồng tài sản của doanh nghiệp. 9/10 chuyên gia cho rằng, khi nhà quản lý có ý định làm tăng lợi nhuận thì tài sản có xu hướng bị thổi phồng. Việc trì hoãn ghi nhận các giá trị tổn thất tài sản hay khấu hao làm tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp, đồng thời làm giảm chi phí sẽ giúp các nhà quản lý điều chỉnh tăng được lợi nhuận trong kỳ.

Hai là, nợ phải trả bị ghi nhận thấp. 11/12 chuyên gia cho rằng, khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn và nhà quản trị muốn cho nhà đầu tư thấy được bức tranh lạc quan về các rủi ro tài chính của doanh nghiệp thì nợ phải bị ghi nhận thấp. Ý kiến này phù hợp với nghiên cứu của Palepu và các cộng sự (2007), nợ phải trả có thể bị ghi nhận thấp trong các điều kiện là các khoản nợ phải trả dài hạn hoặc các nghĩa vụ về tiền lương và các khoản phải trả sau khi người lao động nghỉ hưu bị ghi nhận thấp. Các khoản phải trả ghi nhận thấp hơn hay bị trì hoãn sẽ làm chi phí trong kỳ giảm và đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn.

Ba là, ghi nhận doanh thu quá sớm. Ghi nhận doanh thu trước khi hoàn thành bất kỳ nghĩa vụ nào theo hợp đồng; ghi nhận doanh thu vượt quá công việc đã hoàn thành hợp đồng; ghi nhận doanh thu trước khi người mua chấp nhận cuối cùng sản phẩm; ghi nhận doanh thu khi thanh toán từ người mua vẫn không chắc chắn hoặc không cần thiết. Theo các chuyên gia được phỏng vấn, đây là kỹ thuật phổ biến trong thao túng lợi nhuận. Một trong những tín hiệu đáng lưu ý đó là các khoản phải thu tăng mạnh. Điều này khó có thể qua mắt các chuyên gia hay các nhà đầu tư có kinh nghiệm. Hoạt động ghi nhận doanh thu sớm có thể quan sát nhiều nhất ở các công ty bất động sản, công ty kinh doanh địa ốc. Đó là hạch toán doanh thu từng phần hay toàn bộ dự án, số lượng căn hộ đã bán đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận trong kỳ.

Bốn là, ghi nhận doanh thu ảo. 8/12 chuyên gia được hỏi cho rằng, thao túng lợi nhuận có thể thực hiện thông qua hoạt động mua bán hàng hóa, sản phẩm không có hợp đồng kinh tế hoặc có thể điều chỉnh nội dung với việc không chắc chắn khả năng thanh toán từ phía khách hàng. Kỹ thuật này thông thường liên quan đến các giao dịch bán hàng cho một bên liên quan, bên liên kết, công ty hoặc đối tác liên doanh. Điển hình là các giao dịch mua bán sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải là truyền thống của doanh nghiệp. Hoạt động ghi nhận doanh thu ảo cũng có thể đến từ ghi nhận tiền mặt nhận được từ người cho vay, đối tác kinh doanh hoặc nhà cung cấp như doanh thu. Đặc biệt, khi đọc BCTC, nhà đầu tư có thể để ý tới các khoản phải thu (đặc biệt là dài hạn và không thanh toán) ngày càng tăng nhanh hơn nhiều so với doanh số. 

Năm là, chuyển chi phí cùng kỳ sang kỳ hạch toán sau đó. 10/12 chuyên gia cho rằng đây là một trong những kỹ thuật điều chỉnh chi phí làm tăng lợi nhuận phổ biến. Điều chỉnh chi phí khấu hao kéo dài làm giảm chi phí cùng kỳ và qua đó làm tăng lợi nhuận. Một thiết bị, nhà xưởng có chi phí kéo dài 5 năm và doanh nghiệp phải trừ khấu hao hàng năm, thì việc kéo dài thời gian khấu hao lên 10 năm sẽ làm giảm chi phí phải trả của doanh nghiệp.

Sáu là, tài sản bị ghi nhận thấp hơn thực tế. Theo các chuyên gia, khi nhà quản lý có ý định làm giảm lợi nhuận, tài sản có xu hướng bị ghi nhận thấp hơn thực tế hoặc trong năm có kết quả kinh doanh rất tệ và nhà quản trị ghi nhận lợi nhuận năm hiện tại thật thấp để tạo ra kết quả kinh doanh “đẹp” trong những năm tiếp theo. Tài sản ngắn hạn hoặc dài hạn bị ghi giảm quá mức, các khoản dự phòng được ước tính trích lập quá cao, tài sản cho thuê tài chính chuyển ngoại bảng, ghi giảm các khoản nợ phải thu đã bán cho các tổ chức tài chính, tài sản vô hình chủ yếu không được vốn hóa. Kỹ thuật không ghi điều chỉnh giá trị tài sản hàng năm khi mà giá trị tài sản suy giảm cũng là thủ thuật quản trị lợi nhuận. Việc không ghi nhận chi phí của các khoản phải thu khó đòi hay các khoản đầu tư mất giá cũng là kỹ thuật chuyển dịch chi phí, làm giảm tổng chi phí và làm tăng lợi nhuận.

Có 9/12 chuyên gia cũng nhất trí đồng thuận cho rằng, một số dấu hiệu có thể nhận diện các công ty thao túng lợi nhuận, như: tỷ lệ phần trăm thay đổi bất thường trong số dư tài khoản và tỷ số tài chính giữa các năm; thực hành kế toán hoặc các chỉ số tài chính không phù hợp với các thông lệ kế toán của các doanh nghiệp cùng ngành; biến động số dư tài khoản trong khoảng thời gian 2 năm; bất thường của các khoản trả lại hàng bán so với các kỳ trước và/hoặc các công ty cùng ngành; các chính sách kế toán quan trọng được thay đổi thường xuyên hoặc áp dụng không nhất quán giữa các năm; điều chỉnh 1 lần, chẳng hạn như thay đổi ước tính kế toán hoặc điều chỉnh ngoài kỳ; công bố thông tin tài chính phức tạp bất thường hoặc mức độ công bố thông tin bất thường so với các công ty cùng ngành; ý kiến kiểm toán không phải chấp nhận toàn phần; nộp chậm báo cáo tài chính; sự thiếu sót (chẳng hạn như yếu kém trọng yếu) trong kiểm soát nội bộ đối với báo cáo tài chính; thay đổi công ty kiểm toán; Số lượng lớn các giao dịch ngoại bảng; luôn đạt hoặc vượt các mục tiêu lợi nhuận (chẳng hạn như dự báo EPS) mỗi kỳ;...

3.3. Các yếu tố có thể làm tăng/giảm mức độ thao túng lợi nhuận của doanh nghiệp

Khi được hỏi về các yếu tố có thể làm giảm mức độ thao túng lợi nhuận của một doanh nghiệp, các chuyên gia được hỏi cũng đồng thuận cho rằng kiểm toán độc lập có vai trò quan trọng trong việc làm hạn chế các hành vi thao túng lợi nhuận. Nhất là những công ty kiểm toán lớn, quy trình kiểm toán khắt khe và chất lượng kiểm toán cao có thể giúp phát hiện hành vi thao túng lợi nhuận và cũng được coi là cơ chế kiểm soát bên ngoài hiệu quả của các chủ sở hữu với các nhà quản lý doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết các bên liên quan đã trình bày trong nội dung chương 1. Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, sự hiện diện của các công ty kiểm toán lớn ví như Big4 có thể giúp làm giảm thao túng lợi nhuận của doanh nghiệp. 9/12 chuyên gia được hỏi cho rằng, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong vấn đề thao túng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo đó, khi quy mô của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát lớn hay số thành viên nhiều thì việc thống nhất các vấn đề của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, do vậy, việc thao túng lợi nhuận có thể bị hạn chế bởi quan điểm của các thành viên có thể khác nhau. Các chuyên gia cho rằng, các kỹ thuật thao túng lợi nhuận được sử dụng linh hoạt và đa dạng, tùy theo mục đích của nhà quản lý và trình độ của các cán bộ phụ trách tài chính, kế toán. Có chuyên gia cho rằng, nếu thành viên Hội đồng quản trị hay Ban kiểm soát có am hiểu sâu sắc về kế toán tài chính thì khả năng thuyết phục và thực hiện hành vi thao túng BCTC dễ dàng hơn. Có 8/12 chuyên gia cho rằng, các yếu tố về sở hữu cũng có tác động đến gia tăng hay giảm thao túng lợi nhuận. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp tư nhân có xu hướng thao túng lợi nhuận nhiều hơn, các doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài cao thì mức độ thao túng lợi nhuận cũng thấp hơn bởi các nhà đầu tư nước ngoài khắt khe hơn trong tính có thực của các con số công bố.

4. Kết luận

Như vậy, theo kết quả phỏng vấn các chuyên gia, động cơ thực hiện thao túng lợi nhuận của doanh nghiệp có liên quan đến giá cổ phiếu, lợi ích của các nhà quản lý, liên quan đến những khoản vay mong muốn, giảm nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước. Các kỹ thuật thao túng lợi nhuận cũng khá đa dạng, từ ghi nhận sai kỳ đối với doanh thu, chi phí, ghi nhận khống doanh thu, chi phí đến ghi nhận giảm/tăng các giá trị tài sản... Mức độ thao túng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng khác nhau, tùy thuộc vào các nhà quản lý, cơ chế kiểm soát từ Hội đồng quản trị hay những mong muốn của các nhà quản lý doanh nghiệp. Để có thể hạn chế hành vi thao túng BCTC, các quy định trong quá trình lập và công bố BCTC cần được Bộ Tài chính thường xuyên cập nhật và hướng tới BCTC cần được trình bày theo những nguyên tắc, những chuẩn mực chung thống nhất mà mọi quốc gia đều hiểu. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp có thao túng lợi nhuận khi được phát hiện cần được xử lý một cách nghiêm minh, mang tính răn đe,như vậy mới làm giảm tổn thất của nhà đầu tư khi sử dụng các thông tin tài chính thiếu minh bạch, làm lành mạnh hơn thị trường tài chính trong nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abdul Rahman, R., and Ali, F. H. (2006). Board, Audit Committee, Culture and Earnings Management. Managerial Auditing Journal, 21(7), 783-804.
  2. Dechow, P., Ge, W., Schrand, C. (2010). Understanding earnings quality: A review of the proxies, their determinants and their consequences. Journal of Accounting and Economics 50, 344-401.
  3. Kothari, Leone, Wasley. (2005). Performance matched discretionary accual measure. Journal of accounting and economics, 39, 163-197.
  4. Levitt, A.L. (1998). The Numbers Game: Remarks by Chairman Arthur Levitt to the NYU Centre for Law and Business. New York: New York University.
  5. Schipper, K., (1989). Commentary on Earnings Management. Accounting Horizons, December, 91-102.

Drivers and techniques of profit manipulation 

Ph.D Hoang Thi Hong Van

Faculty of Accounting - Auditing, Banking Academy

ABTRACTS:

Profit is one of the most important indicators in financial statements amd investors usually rely on profit to make their investment. An increase in profits would rise the company’s value. Hence, many firms have provided false profit information. This paper provides an overview on the drivers and the techniques of profit manipulation by interviewing 12 financial and accounting experts.

Keywords: manipulation of profit, drivers of profit manipulation, techniques of profit manipulation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]