Đồng Nai: Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương vừa có cuộc làm việc với Sở Công Thương Đồng Nai về công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2022.

Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022, Ngày 23/9, Đoàn Kiểm tra của Bộ do bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Trưởng phòng ATTP&CNSH, Vụ Khoa học và Công nghệ làm Phó Trưởng đoàn, đại diện các đơn vị Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương đã làm việc với Sở Công Thương Đồng Nai.

Phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Báo cáo với Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và việc triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm (ATTP), Kế hoạch Bộ Công Thương, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương.

8 tháng năm 2022, Sở Công Thương Đồng Nai đã ban hành 10 văn bản liên quan tới kế hoạch, thực hiện kiểm tra, hậu kiểm ATTP trên địa bàn. Ngoài ra, công tác triển khai theo ý kiến của Ban chỉ đạo bảo đảm VSATTP tỉnh, Sở Công Thương ban hành 7 văn bản.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay Sở Công Thương đã cấp: 06 GCN cở sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất rượu, 02 GCN cở sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất sữa bắp và sữa tươi chế biến, 07 GCN cở sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất bánh kẹo, 03 GCN cở sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất bột.

Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều có ý thức trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm VSATTP như: thực hiện các quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, khám sức khỏe cho người lao động, cập nhật kiến thức ATTP, sắp xếp, bảo quản hàng hóa…. Do đó, việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Trí Phương, tại một số chợ kinh doanh thực phẩm truyền thống: hạ tầng còn kém, phân định các khu hàng chưa rõ ràng, ở nhiều chợ hạng 2 và 3 còn xảy ra vấn đề về môi trường; nơi bày bán, sơ chế thực phẩm cơ bản chưa đảm bảo vệ sinh, chưa kiểm soát được chất lượng thực phẩm, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống;… Một số chợ chưa được trang bị thiết bị kiểm tra nhanh (các kit, test,…) các loại thực phẩm, đội ngũ cán bộ kiểm tra chuyên ngành tại địa phương còn hạn chế về số lượng và chuyên môn nên việc kiểm soát kinh doanh thực phẩm tại các chợ còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với siêu thị, trung tâm thương mại: Việc quản lý ATTP được thực hiện tốt hơn, điều kiện bảo quản thực phẩm được bảo đảm; các siêu thị, trung tâm thương mại kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm đều đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Hàng hóa thực phẩm được kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công bố hợp quy hoặc chứng nhận bảo đảm ATTP của cơ quan QLNN có thẩm quyền.

Nhìn chung, những nỗ lực của các cấp, các ngành có liên quan, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cơ bản từng bước đi vào nề nếp, ổn định, ý thức người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng ngày được cải thiện và nâng cao theo hướng tích cực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước phân công.

Những khó khăn từ thực tế cần tháo gỡ

Trao đổi với Đoàn kiểm tra, đại diện các phòng ban, cơ quan chức năng của Đồng Nai cho thấy, hiện nay,  công tác quản lý nhà nước về ATTP tập trung do 03 ngành quản lý là Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương. Tuy nhiên trong thực tế, khi tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành như Quản lý thị trường, Công an…do đó đôi khi trong quá trình xử lý còn có sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật của các ngành.

Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật về về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của một bộ phận người dân chưa cao, dẫn đến việc vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm còn xảy ra và ngày càng phức tạp, khó quản lý. Nguy cơ thực phẩm có thể bị ô nhiễm từ nơi sản xuất đến bàn ăn là một vấn đề khó kiểm soát.

Ngành Y tế có Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi thú ý; Tuy nhiên, đối với ngành Công Thương cán bộ phụ trách chuyên môn an toàn thực phẩm hầu hết là kiêm nhiệm, ít nhân sự, do đó vai trò thực hiện còn hạn chế về năng lực và chuyên môn ảnh hưởng tới công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời năng lực kiểm nghiệm tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tuyến xã.

Các quy định thành phần hồ sơ về đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất còn đơn giản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định thực tế tại doanh nghiệp sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp còn gặp phải các khó khăn, vướng mắc về điều kiện như sử dụng đất đai chưa đúng mục đích, xây dựng trái phép, điều kiện về đảm bảo môi trường, PCCC… Văn bản hướng dẫn chi tiết để xem xét cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất này chưa có, dẫn tới khó khăn, lúng túng trong quá trình xem xét cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP do ngành công thương quản lý.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử kinh doanh thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, Sở Công Thương Đồng Nai đã kiến nghị với Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương về tăng cường tập huấn cho cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm cấp tỉnh nhằm nâng cao nghiệp vụ trong tình hình mới.

Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn chi tiết đối với công tác thẩm định để cấp Giấy xác nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất thực phẩm do ngành Công Thương quản lý, khi cơ sở nằm ngoài khu, cụm công nghiệp và chưa đảm bảo các điều kiện về đất đai, xây dựng, môi trường, PCCC…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần ban hành thêm các QCKT, TCVN về các loại rượu, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về rượu thủ công.

Trong khuôn khổ chương trình kiểm tra, Đoàn đã phối hợp với Sở Công Thương tiến hành lấy 03 mẫu mỳ ăn liền (Mì lẩu nấm hải sản hiệu Reeva, Mì NISSIN sấy giòn tự nhiên 365 và mì Hương Sen) trên thị trường tỉnh Đồng Nai để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Thăng Long