Dự báo 50% doanh nghiệp toàn cầu ứng dụng blockchain trong ba năm tới

Đại diện Oracle dự báo blockchain sẽ phủ sóng rộng rãi trong hầu khắp lĩnh vực nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng nền tảng này.

Tại diễn đàn dành cho các giám đốc công nghệ toàn cầu Forbes CIO Summit 2019, ông Frank Xiong - Phó Chủ tịch tập đoàn Oracle khẳng định blockchain hiện không còn là khái niệm mơ hồ mà đã là một nền tảng có ứng dụng thực tiễn tại các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Tuy nhiên cần có thêm thời gian để nền tảng công nghệ chuỗi khối này len lỏi vào mọi mặt của đời sống.

blockchain
Các chuyên gia đánh giá cao khả năng phủ sóng của blockchain trong các ngành công nghiệp tại Diễn đàn CIO do Forbes tổ chức tại Mỹ. Ảnh: Forbes.

 

"Tôi cho rằng trong ba năm tới, 50-60% số doanh nghiệp toàn cầu sẽ sử dụng blockchain", đại diện tập đoàn công nghệ đưa ra con số ước tính tại diễn đàn diễn ra vào 8/4 ở California, Mỹ.

Số liệu của Oracle cho thấy hiện có hơn 100 khách hàng sử dụng nền tảng công nghệ chuỗi khối của Oracle để lưu trữ, giám sát và tra soát thông tin về hàng hóa cũng như các khoản giao dịch. Ví dụ một khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc dầu ôliu Italy có thật sự sản xuất tại Italy hay không; hay một nhà sản xuất công nghiệp đặt mua khoáng sản xuyên biên giới có đang sử dụng nguyên liệu đúng mục đích hay không.

Dù vậy, đại diện Oracle cũng khẳng định blockchain không phải "cây đũa thần" giải quyết được mọi vấn đề.

"Đã qua cái thời chúng ta tin rằng blockchain là giải pháp cho mọi chuyện. Các doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng blockchain đang có cái nhìn thực tế hơn và đang cân nhắc kỹ lưỡng mô hình nào thì phù hợp", ông Xiong nói.

Blockchain là nền tảng lưu trữ và chia sẻ cơ sở dữ liệu dưới dạng phi tập trung và bảo mật tuyệt đối. Dữ liệu sẽ được lưu giữ dưới dạng từng khối thông tin kết nối với nhau thành chuỗi, sau đó chuỗi sẽ sao lưu trên từng thiết bị kết nối vào hệ thống chứ không lưu trữ tập trung tại một trung tâm dữ liệu cố định. Điều này giúp khả năng bảo mật thông tin của blockchain được nâng lên tối đa, không thiết bị đơn lẻ nào có thể thay đổi, chỉnh sửa hay xóa bỏ dữ liệu một khi đã lưu vào hệ thống.

Những năm trước, blockchain vốn chỉ xuất hiện nhiều trong lĩnh vực tiền mã hóa như bitcoin nhưng nay đã thể hiện rõ vai trò, lợi ích trong hầu khắp các lĩnh vực. Từ ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, cho đến y tế, giáo dục, nghệ thuật...

Các chuyên gia nhận định dù sở hữu tiềm năng mang tính cách mạng, blockchain chỉ mới ở giai đoạn bùng nổ ban đầu. Đa số các doanh nghiệp vẫn chưa biết cách khai thác triệt để nền tảng này. Mới chỉ một số tập đoàn lớn như IBM, Maersk, Oracle hay các ngân hàng thuộc "tứ trụ" Mỹ thành lập liên minh cung cấp giải pháp dựa trên nền tảng này.

Ông Ted Kim - Phó chủ tịch Samsung SDS cho rằng, để quyết định có nên chạm tới nền tảng mới này hay không, các doanh nghiệp cần đánh giá toàn diện ưu, khuyết điểm của hệ thống. Câu hỏi lớn đặt ra là mô hình nào sẽ phù hợp, với mức chi phí bao nhiêu.

"Để đạt nhiều lợi ích nhất với chi phí thấp nhất, việc tạo liên minh blockchain là một giải pháp khả dĩ. Điều này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, hàng hóa buộc phải đi qua chuỗi cung ứng gồm nhiều thành phần tham gia", đại diện công ty IT thuộc tập đoàn Samsung, Hàn Quốc nói.

Tại Việt Nam, hiện đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển blockchain. Ông Cris D. Tran - Giám đốc quốc gia của công ty tư vấn, cung cấp giải pháp blockchain Infinity Blockchain Ventures (IBV) cho biết nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội cho sự phát triển của nền tảng mới này.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có thêm kiến thức về blockchain ứng dụng, VnExpress tổ chức khóa học "Blockchain - Nền tảng tỷ đô" do ông Cris D. Tran dẫn dắt. Khóa học gồm 12 bài giảng qua video và một tài liệu tổng hợp cuối khóa. Mỗi video kéo dài khoảng 5-10 phút, cập nhật những thông tin, kiến thức mới nhất về blockchain, các ứng dụng trên thực tế và cách thức vận dụng phù hợp nền tảng này vào hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, khóa học cũng cung cấp kiến thức chuyên sâu về ba nền tảng tiền mã hóa phổ biến nhất hiện nay, gồm bitcoin (BTC), ethereum (ETH) và cardano (ADA).