Đầu tháng này, tập đoàn xe điện hàng đầu Hoa Kỳ Tesla quyết định tăng giá hầu hết các mẫu xe của họ. CEO Tesla ông Elon Musk cho biết giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt là một trong những lý do chính khiến hãng xe phải tăng giá sản phẩm.

Giá các kim loại cần thiết cho sản xuất xe điện nói riêng và các hoạt động sản xuất công nghiệp khác nói chung như đồng, coban, lithium, nhôm đều đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Thông thường, việc giá kim loại công nghiệp tăng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp khai khoáng tăng cường đầu tư, mở rộng khai thác hơn nữa.

Tuy nhiên, giới phân tích cho biết nhiều tập đoàn khai khoáng hàng đầu thế giới đang trở nên thận trọng hơn trong việc mở rộng sản xuất cho dù giá sản phẩm tăng cao. Tạp chí The Wall Street Journal cho biết tổng số vốn đầu tư cho các dự án khai thác trong năm nay và năm sau của 10 hãng khai khoáng hàng đầu thế giới chỉ đạt 40 tỷ USD. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 80 tỷ USD trong năm 2012.

Điều này tương đối giống với tình trạng của các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ khi giá dầu thô tăng cao kỷ lục nhưng sản lượng khai thác thêm chỉ tăng rất chậm. Phản ứng thận trọng hiện nay của các doanh nghiệp khai khoáng là tin xấu đối với quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu do nhiều kim loại công nghiệp đóng vai trò thiết yếu cho việc phát triển các nguồn năng lượng sạch.

Giá đồng đã tăng gấp 2 lần trong 2 năm vừa qua
 Bất chấp những tin tức tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc khiến triển vọng nhu cầu sử dụng kim loại đồng giảm xuống, giá đồng thế giới hiện vẫn cao hơn gấp đôi so với hồi năm 2020 (Ảnh: Reuters)

Giá kim loại tăng kỷ lục và có khả năng tiếp tục neo cao trong tương lai sẽ tác động tiêu cực đến việc phát triển các trang trại năng lượng mặt trời hoặc điện gió. Ví dụ, giá quặng sắt – thành phần thiết yếu để sản xuất thép đã tăng từ khoảng 82 USD/tấn vào tháng 11/2021 lên mức hiện nay 115 USD/tấn. Mức giá này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 227 USD/tấn đạt được trong năm ngoái nhưng đây vẫn là mức tăng đáng kể trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Tương tự, giá đồng thế giới đã tăng gấp đôi trong 2 năm trở lại đây cho dù nhu cầu sử dụng của Trung Quốc suy yếu vì các đợt phong toả phòng chống dịch Covid-19 kéo dài tại nước này.

Tập đoàn tài chính RCB Capital Markets (Canada) nhận định tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường đồng sẽ sớm được giải toả khi một số mỏ khai thác mới được đưa vào vận hành trong năm nay. Tuy nhiên, RCB Capital Markets cũng cho biết trong dài hạn, giá đồng sẽ vẫn duy trì xu hướng đi lên.

Trong khi đó, giá lithium – nguyên liệu cần thiết cho sản xuất pin điện đã tăng 432% trong năm ngoái. Mặc dù vậy, các công ty khai thác vẫn không đầu tư mở rộng khai thác mà chỉ cố gắng tối ưu hoá sản xuất để tinh chế được nhiều lithium và coban hơn. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) nhận định “giá lithium sẽ điều chỉnh trong nửa cuối năm nay nhưng nguồn cung kim loại này sẽ vẫn trong tình trạng căng thẳng trong vài năm tới”.

Tốc độ tăng trưởng nguồn cung kim loại công nghiệp còn đối mặt với trở ngại lạm phát đang tăng vọt. Giám đốc điều hành tập đoàn Freeport-McMoran (Hoa Kỳ) cho biết "Mọi thứ đang tăng giá chóng mặt khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung trở nên trầm trọng hơn”. Tập đoàn Freeport-McMoran là doanh nghiệp khai thác kim loại đồng niêm yết lớn nhất thế giới.

Tương tự như ngành dầu khí, ngành khai khoáng toàn cầu cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trang thiết bị và lực lượng lao động khiến việc mở rộng khai thác gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo việc chậm trễ trong đầu tư khai thác mới sẽ khiến tiến độ của quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu diễn ra chậm lại.

Bên cạnh đó, trữ lượng quặng tại các mỏ giảm xuống còn khiến chi phi khai thác tăng lên. Đây là vấn đề tự nhiên và giải pháp duy nhất là mở thêm nhiều mỏ mới để bù đắp sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ cũ. Nhiều nhà phân tích nhận định tất cả những yếu tố này sẽ khiến giá kim loại có xu hướng tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.