Du học tại chỗ : Được gì, mất gì?

Dù vẫn nộp hồ sơ dự thi đại học, nhưng nhiều thí sinh còn tính sẵn con đường du học tại chỗ, phòng trường hợp thi rớt đại học… Chương trình du học tại chỗ ở nước ta đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho nhữn

       Thêm nhiều cơ hội du học tại chỗ cho thí sinh

       Có thể nói, quá trình xét tuyển “đầu vào” của các trường liên kết đào tạo du học tại chỗ hiện nay khá “thoáng”: Anh văn đạt yêu cầu, tốt nghiệp THPT, đạt điểm sàn kỳ thi đại học (có trường không yêu cầu điều kiện này) nên du học tại chỗ mang lại nhiều cơ hội mới cho người học.

       Thực tế, du học tại chỗ đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm nay và ngày càng phát triển đồng loạt về các lĩnh vực, thu hút nhiều trường nước ngoài đầu tư vào nước ta. Chẳng hạn, tại TPHCM có Trường ĐH Bách khoa liên kết với các trường ĐH Úc là University of Adelaide (ngành dầu khí), Griffith University (ngành xây dựng), University of Queensland (ngành công nghệ thông tin và kỹ sư phần mềm), LaTrobe University (ngành công nghệ thông tin)… Trường ĐH công nghiệp TPHCM liên kết với các trường NCU (Mỹ) đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh, Học viện SIAST (Canada) đào tạo cao đẳng quản trị kinh doanh… RMIT ở Việt Nam là trường ĐH quốc tế 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, bắt đầu đi vào hoạt động tại TPHCM từ năm 2001 chỉ với 30 sinh viên (SV). Nhưng từ 2004 đến nay, cơ sở  RMIT tại Hà Nội đã thu hút được hàng ngàn SV trong và ngoài nước. Mô hình đào tạo là xây dựng những lớp học nhỏ gọn, tạo điều kiện tiếp xúc SV với giảng viên, trong đó lấy SV làm trọng tâm. Nội dung giáo trình giảng dạy được các học giả Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne soạn thảo, dạy bằng tiếng Anh, chất lượng giảng dạy cùng việc đánh giá SV đều do RMIT Melbourne đảm nhận. Tất cả các ngành đào tạo RMIT tại Việt Nam được Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam công nhận.

        Du học tại chỗ có khi học các chương trình hoàn toàn tại Việt Nam hoặc hình thức 1+, 2+, 2,5+. Nghĩa là SV học từ năm thứ nhất đến 2,5 đầu tại Việt Nam, sau đó sẽ hoàn tất chương trình còn lại ở nước ngoài.

        Du học tại chỗ giảm chi phí đáng kể cho người học so với du học tự túc tại nước ngoài. Chỉ tính sơ khoản học phí ngành xây dựng theo chương trình liên kết giữa ĐH Bách Khoa TPHCM với Griffith University (Úc), học phí cho 2,5 năm đầu (học tại Việt Nam) là 3.750 USD, đỡ tốn kém hơn nhiều so với 2 năm sau, khi SV học tại nước ngoài với mức phí 26.000 USD. Những trường liên kết theo kiểu SV học hoàn toàn tại Việt Nam, khoản phí này càng được rút xuống rõ rệt. Ví dụ, học ngành thương mại tại RMIT Việt Nam, mất khoảng 14.000 USD cho toàn bộ các kỳ học. Trong khi đó, tiền học tại RMIT Melbourne tốn trên 30.000 USD. Du học tại chỗ, SV còn tiết kiệm được nhiều khoản phí khác như tiền vé máy bay, tiền ăn ở và nhiều vấn đề khác (không phải gặp khó khăn trong việc hoà nhập cộng đồng, giao lưu văn hoá, phong tục tập quán…).

        Với những học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, chưa đủ vốn tiếng Anh, du học tại chỗ giúp họ trau dồi dần vốn tiếng Anh phục vụ học tập mà không quá áp lực. Các gia đình cũng có điều kiện theo sát con cái họ trong suốt quá trình học. SV còn được học trong một môi trường với cơ sở vật chất hiện đại. Chẳng hạn, tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM, SV được học phòng máy lạnh, trang bị máy chiếu (projector), đèn chiếu (overhead), được thực hành phòng máy tính cấu hình mạnh, được ưu tiên mượn sách tại thư viện và ở KTX, SV năm thứ 3 còn có cơ hội thực tập ở các công ty nước ngoài tại Việt Nam… 

        Càng dễ vào, càng giảm chất lượng học

        Tuy nhiên, khi ứng dụng chương trình giáo dục dù tiên tiến như vậy tại Việt Nam vẫn còn nhiều “lấn cấn”. Yêu cầu tất yếu của các chương trình du học tại chỗ là sử dụng Anh văn trong quá trình dạy và học. Tuyển đầu vào, có những đối tượng học sinh vừa tốt nghiệp THPT, khả năng tiếng Anh không đáp ứng đủ việc học. Trước thực trạng này, hầu hết các trường đều kiểm tra đầu vào và có chương trình dạy học dự bị Anh văn cho thí sinh không đạt. Dù vậy, theo phản ánh của SV (cụ thể đang theo học chương trình liên kết giữa ĐH Công nghiệp TPHCM với NCU của Mỹ), nhiều SV vẫn cảm thấy đuối với việc học bằng tiếng Anh. Thực tế, hai năm đầu, SV vẫn học bằng song ngữ. Tức là cùng một bài, ngày đầu SV sẽ học bằng tiếng Anh, ngày tiếp, họ sẽ được dạy lại bằng tiếng Việt. Quá trình này làm mất gấp đôi thời gian của SV. Phải đến năm thứ 3, việc dạy và học mới hoàn toàn bằng tiếng Anh khi SV bắt buộc đạt TOEFL 450.

       Chị Nguyễn Thị Riêng, phụ trách tư vấn Công ty du học ANT (Q.3. TPHCM) cho rằng, khi sinh viên du học trực tiếp tại nước ngoài, họ có được môi trường vô cùng thuận lợi để trau dồi, cọ xát khả năng ngoại ngữ. Thực tế là họ tiến bộ rất nhanh. Bên cạnh đó, họ còn rèn được nhiều kỹ năng như tư duy độc lập, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả… Những điều này lại hạn chế và cũng là thiệt thòi đối với du học tại chỗ.

       Các bạn SV còn lo lắng, vì học chương trình quốc tế, chính họ sẽ không được học các môn học lý luận chính trị (triết học, kinh tế chính trị Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng…), phần học đại cương mà bất kỳ SV các trường trong nước đều được trang bị. Đến  đây, có người cho rằng, một khi đã có sự giao lưu hợp tác - đào tạo giáo dục giữa Việt Nam với các nước mà lại không thấy giảng dạy chương trình đại cương cho du học sinh tại chỗ, thì người học sẽ không có khái niệm chung về các kiến  thức tổng quan khi ra trường. Như thế, họ chỉ được đào tạo một cách chuyên nghiệp để làm chuyên viên một lĩnh vực nào đó, để có bằng quốc tế mà thôi, trong khi đó, họ lại bị “hổng” kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội trong và ngoài nước…

       Ngoài ra, nhiều phụ huynh và học sinh cũng rất phân vân trong việc lựa chọn trường để theo học, vì đa số các trường liên kết đào tạo du học tại chỗ hiện đang cạnh tranh, phát triển nhiều, nhưng họ lại tập trung vào các ngành được ưa chuộng như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, thương mại... Đặc biệt, ngày càng có nhiều cơ sở cùng đào tạo các ngành giống nhau nhưng lại liên kết với các trường quốc tế khác nhau, tất cả đều được quảng cáo là “có danh tiếng”, chất lượng đáng tin cậy…

      Nhìn chung, ngành giáo dục nước ta đang được hội nhập quốc tế, thông qua liên kết đào tạo là xu hướng phát triển tất yếu. Đây cũng là cơ hội cho các cơ sở đào tạo trong nuớc nâng cao uy thế lẫn chất lượng giảng dạy và thu hút đầu tư. Lợi nhuận thu được cũng một phần nhờ vào hiệu quả đào tạo. Vấn đề người học quan tâm nhất vẫn là chất lượng đào tạo ở trường mà họ theo học thực sự đúng với những gì họ mong. Vì thế, các trường cũng nên kiểm tra đầu vào chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng đào tạo du học sinh tại chỗ cho tương xứng với bằng chuẩn quốc tế.

 

 

  • Tags: