TÓM TẮT:

Sở hữu một nền ẩm thực sông nước Tây Nam Bộ phong phú nhưng vẫn có nét đặc sắc riêng có, An Giang có tiềm năng khai thác và phát triển ẩm thực lên thành du lịch ẩm thực, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bài viết mô tả tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực của tỉnh An Giang, từ đó đề xuất một số giải pháp để từng bước hình thành và phát triển loại hình du lịch ẩm thực góp phần phát triển du lịch tỉnh An Giang trong thời gian tới.

Từ khóa: du lịch ẩm thực, ẩm thực, phát triển du lịch, tỉnh An Giang.

1. Đặt vấn đề

Ẩm thực từ lâu đã là một phần quan trọng không thể thiếu của trải nghiệm du lịch. Được xác định là một trong ba nguyên nhân chính để du khách lựa chọn điểm đến và là yếu tố hàng đầu quyết định việc quay trở lại của du khách, ẩm thực đã chuyển mình từ dịch vụ đi kèm thành một loại hình du lịch mới hấp dẫn khách du lịch bởi nét đặc sắc riêng có của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia - Du lịch ẩm thực. Kết quả khảo sát của Tổ chức Du lịch Thế giới cho biết, 82% tổ chức, địa phương tham gia khảo sát đã xác định du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch. (UNWTO, 2017)

Với tuổi đời non trẻ, nhưng sự xuất hiện của du lịch ẩm thực 20 năm qua đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới phát triển thành công như Pháp, Mỹ, Indonesia, Thái Lan,… Báo cáo toàn cầu lần thứ 2 chỉ rõ, Du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược, định hình cho thương hiệu và hình ảnh đối với điểm đến. (UNWTO, 2017).

Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, nổi tiếng với Lễ hội quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, An Giang là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa, sự hội tụ của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm và Khơme, nơi đây đang gìn giữ nhiều món ăn phong phú, đa dạng nhưng vẫn mang hương vị đặc trưng của sông nước miền Tây Nam Bộ. Ẩm thực An Giang tạo cơ hội giúp du khách có những trải nghiệm và hòa mình nhiều hơn với văn hóa An Giang. Phong cảnh sông núi hữu tình, nguồn nguyên liệu bản địa phong phú, món ngon An Giang với bàn tay điêu luyện của các đầu bếp tài hoa,... tất cả đang tạo nên những tiền đề cơ bản để phát triển loại hình Food Tourism đầy tiềm năng cho An Giang.

Bài viết nhằm tìm hiểu về điều kiện phát triển Food Tourism, mô tả tiềm năng phát triển Food Tourism ở tỉnh An Giang, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển Food Tourism cho du lịch An Giang, góp phần phát triển du lịch của Tỉnh trong tương lai.

2. Khái quát về du lịch ẩm thực

Theo Hiệp hội Du lịch Ẩm thực thế giới, du lịch ẩm thực là việc khám phá và tận hưởng những trải nghiệm đồ ăn thức uống độc đáo và đáng nhớ (WFTA, 2017).

Hall và Mitchell (2003) cho rằng, du lịch ẩm thực là thăm quan các nhà sản xuất thực phẩm, lễ hội ẩm thực, nhà hàng và các địa điểm cụ thể mà tại đó việc trải nghiệm đặc điểm của vùng sản xuất thực phẩm là yếu tố chính thúc đẩy du lịch.

Nhìn chung, những khái niệm về Food Tourism cho thấy đây là loại hình du lịch hướng tới nhiều trải nghiệm, khám phá thú vị về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng gắn với ẩm thực của điểm đến thông qua quá trình thưởng thức những món ăn, thức uống ngon, độc đáo.

Food Tourism mở ra những cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế địa phương, của điểm đến, của quốc gia và đóng góp đáng kể vào chuỗi giá trị du lịch như nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm, thúc đẩy quảng bá văn hóa, giữ gìn di sản văn hóa và tăng cường giao lưu văn hóa (Hoa, 2019).

Theo Long (1998), du lịch ẩm thực bao gồm du lịch khám phá nghệ thuật nấu nướng, du lịch thưởng rượu, hội chợ ẩm thực và các hoạt động khác liên quan tới ẩm thực. Hall và Sharples (2003) cho rằng du lịch ẩm thực có 3 mức độ: (1) Ở mức cao mục đích của khách du lịch ẩm thực là tới nơi có rượu ngon, nhà hàng ngon để thưởng thức (Du lịch thưởng rượu, Du lịch đầu bếp, Du lịch nghệ thuật ẩm thực), (2) Mức trung bình khách du lịch có nhu cầu thăm và thưởng thức ẩm thực ở nơi sản xuất rượu, chợ, hội chợ ẩm thực, nhà hàng một lần trong hoạt động du lịch (Du lịch nấu ăn) và (3) Mức thấp khách du lịch sẽ thăm và thưởng thức ẩm thực ở các địa điểm du lịch kết hợp với các hoạt động khác (Du lịch nông thôn/Đô thị).

Để phát triển Food Tourism thì nhân tố quyết định chính là: (1) nền văn hóa ẩm thực địa phương phong phú độc đáo, kế tới là  (2) hệ thống cơ sở vật chất sản xuất, chế biến và kinh doanh dịch vụ ẩm thực phát triển, (3) nguồn nhân lực chế biến và phục vụ ẩm thực có chất lượng cao, (4) sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương và (5) sự tham gia của các chủ thể quản lý nhà nước, các bộ ban ngành và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Sự phong phú của ẩm thực địa phương có thể đến từ sự hội tụ của nhiều dân tộc hay làng nghề ẩm thực với những sắc thái ẩm thực khác nhau. Hương vị, lợi ích của món ăn, cách chế biến, trình bày món ăn chính là sự khác biệt độc đáo, tạo cho du khách cơ hội khám phá về ẩm thực. Hệ thống cơ sở vật chất chế biến, kinh doanh dịch vụ là điều kiện cần thiết giúp cho du khách thưởng thức trọn vẹn hơn văn hóa ẩm thực đặc sắc địa phương từ chén, đĩa, bàn ghế, hay những vật dụng trang trí như đèn, nến, tới những công cụ sản xuất, chế biến ẩm thực,... sẽ góp phần cho du khách được thấy câu chuyện ẩm thực địa phương. Trải nghiệm văn hóa ẩm thực của du khách sẽ được ghi đậm khi được tận mắt chứng kiến kỹ thuật chế biến mới lạ với các đầu bếp địa phương với đôi bàn tay điêu luyện, đội ngũ phục vụ với phong cách phục vụ chuyên nghiệp và nụ cười mến khách. Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương đóng góp cho sự phát triển du lịch ẩm thực những giá trị về mặt tinh thần với những phong tục tập quán, lối sống bản địa. Sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành với hệ thống chính sách đảm bảo cho Food Tourism được phát triển có tổ chức, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong phát triển Food Tourism, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp du lịch phát triển loại hình Food Tourism tốt hơn.

Food Tourism thế giới đã định hình hoàn thiện và phát triển thành công ở nhiều quốc gia như Thái Lan với Bếp của thế giới, Indonesia có Con đường hương vị, Đức là Câu chuyện ẩm thực Berlin và Nấu ăn với nữ công tước ở Italia,... Từ năm 2018 đến nay là giai đoạn chứng kiến sự bùng nổ của DLAT trên nhiều phương diện: doanh nghiệp quốc tế và doanh nghiệp tại điểm đến đẩy mạnh khai thác, phát triển các tua DLAT; các lễ hội ẩm thực thường xuyên được tổ chức; công tác truyền thông quảng bá liên tục được chính quyền điểm tăng cường; chi tiêu của du khách cho loại hình này ngày càng lớn (chiếm đến 1/3 chi phí chuyến đi) và thời gian lưu trú ngày càng tăng, mang lại giá trị kinh tế - xã hội lớn cho các điểm đến (Giang, 2019).

Sở hữu một nền ẩm thực độc đáo mà theo gợi ý của Philip Kotler: “Việt Nam có thể định vị mình thành nhà bếp của thế giới”. Giai đoạn 2019 – 2020, Việt Nam liên tiếp giành giải thưởng “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á”. Vài năm gần đây, Food Tourism Việt Nam được các công ty du lịch khai thác như tour ẩm thực Đà Nẵng nửa ngày, tour ẩm thực Huế về đêm của Viet Fun Travel, tour tham quan dạy nấu ăn đặc sản Huế của Eagle Tourist, tour tham quan và khám phá ẩm thực Sài Gòn của ITE Service,... Trong đó, Hà Nội với tour ẩm thực du lịch đường phố đã được The Guardia (2019) bình chọn là 1 trong 20 địa điểm có tour du lịch ẩm thực tốt nhất thế giới. Như vậy, Food Tourism ở Việt Nam có một tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng theo Tình (2018), xã hội mới chỉ tiếp cận nhận thức ẩm thực là một hoạt động trong du lịch, có vai trò quan trọng đối với du lịch, mà chưa xác định đó là một loại hình du lịch.

3. Tiềm năng phát triển Food Tourism ở tỉnh An Giang

Nằm ở vị trí đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long, thiên nhiên ban tặng cho An Giang một đồng bằng trù phú, có sông, có núi chứa đựng nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, có thể chế biến nhiều món ăn sông nước Tây Nam Bộ mang dấu ấn đặc trưng An Giang. Sự đa dạng về sắc tộc tạo nên nét độc đáo riêng có cho ẩm thực An Giang trong kết hợp giữa văn hóa của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm và Khmer. Thiên nhiên và con người kết hợp lại tạo nên cho An Giang một kho tàng ẩm thực vô cùng đặc sắc. Có thể kể tới như: cơm tấm Long Xuyên, lẩu mắm Châu Đốc, bánh bò thốt nốt, gỏi sầu đâu, xôi phồng Chợ Mới, bánh xèo núi Cấm, tung lò mò Châu Phong, gà đốt Ô Thum, cháo bò Tri Tôn, lẩu cá linh bông điên điển, cơm nị và cà pụa, cà ri cá, bánh bò nướng, bánh Ka-Tum, bánh bò thốt nốt,... Sự đặc sắc của ẩm thực An Giang đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Trung tâm Top Việt Nam (VietTop) công nhận trong Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam với Gỏi sầu đâu khô cá lóc, Cháo bò Tri Tôn (2011 - 2016) và Gà đốt lá Chúc (2020 - 2021). Gà đốt lá chúc An Giang nổi tiếng bởi cách chế biến khác lạ với lá xả, lá chúc, bằng hơi nóng của dầu gà đốt có lớp da giòn vàng, vị ngọt đậm và đặc biệt thơm nồng mùi lá chúc, một loại lá đặc sản của vùng Bảy Núi, An Giang. Gỏi sầu đâu khô cá lóc mang đến cho du khách một thưởng thức trải nghiệm với đủ vị chua của xoài, đắng ngọt của sầu đâu, béo của thịt ba rọi và vị mặn của khô cá. Sầu đâu ở An Giang có vị đắng ngọt đậm, cảm giác đăng đắng ở lưỡi sẽ chuyển thành ngọt thanh trong cuống họng khi nhai kỹ, khiến thực khách càng ăn càng nghiện. Vẫn là bánh xèo miền Tây, nhưng bánh xèo An Giang đặc biệt bởi sự kết hợp của hơn 20 loại lá rừng như: cát lồi, lá móng bò, kim thất, mã đề, hồng ngọc, sung, đọt vừng, cốc rừng, sao nhái, ngành ngạnh, lá cách, lá lụa, đinh lăng, lá sen non,... mỗi loại là một vị thuốc tốt cho sức khỏe con người. Du khách thưởng thức bánh xèo An Giang sẽ nhớ miếng bánh vàng rộm béo giòn, kết hợp với vị chua chát và hương thơm của rau rừng và còn hiểu thêm về quá trình thích nghi của người dân Thất Sơn với tự nhiên xứ núi. Bánh bò thốt nốt An Giang nhỏ mềm, vàng ươm, với vị béo ngọt thanh từ đường thốt nốt, mỗi miếng bánh không chỉ thể hiện sự khéo léo của phụ nữ nơi đây, mà còn là thành quả lao động vất vả của những người “ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời” để có được loại đường tự nhiên đặc biệt tốt cho sức khỏe con người.

Ẩm thực An Giang không chỉ đặc sắc trong hương vị món ăn, mà còn được trình bày đẹp mắt dưới đôi bàn tay khéo léo và nụ cười mến khách của người dân nơi đây. Người dân An Giang phóng khoáng, năng động, hiếu khách vẫn đã và đang lưu giữ, phát huy những công thức chế biến kết hợp phối trộn những nguyên liệu tự nhiên, tạo ra những những món ngon riêng có của ẩm thực An Giang. Sự mến khách của con người An Giang khiến du khách không chỉ có được sự thoải mái, vui vẻ trong chuyến du lịch, thưởng thức được hết hương vị thơm ngon của ẩm thực An Giang, mà còn hiểu thêm được về lịch sử vùng đất An Giang, về sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng cho An Giang và cả về tình người An Giang gắn liền với mỗi món ẩm thực.

Làng nghề thủ công truyền thống là một nguồn tài nguyên quý trong phát triển du lich. An Giang hiện có 29 làng nghề hàng trăm năm tuổi, có nhiều làng nghề ẩm thực như: làng nghề nấu đường thốt nốt Châu Lăng - Tri Tôn, làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh - Long Xuyên, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ - Phú Tân,... Bên cạnh đó,  An Giang còn có nhiều làng nghề với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm quà tặng du lịch, như: làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo, làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong, làng nghề dệt lụa Tân Châu. Trải nghiệm ẩm thực tại các làng nghề giúp cho du khách thưởng thức văn hóa ẩm thực bản địa từ người thật, việc thật, món ăn ngon sẽ ngon hơn, món đồ đẹp sẽ đẹp hơn trong lòng du khách.

4. Định hướng và giải pháp phát triển du lịch ẩm thực ở tỉnh An Giang

Được xác định phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh, giai đoạn 2016-2020, du lịch An Giang đã đón 38 triệu lượt khách du lịch, với doanh thu 21.200 tỷ đồng. Trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế, giai đoạn 2021-2025, ngành Du lịch An Giang phấn đấu đón 42 triệu lượt khách, doanh thu 27.800 tỷ đồng, tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%/tổng lượt khách, với số ngày lưu trú bình quân là 3,0 ngày, tăng tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành Du lịch trong GRDP của Tỉnh lên 15,3%. Mục tiêu “Giữ chân du khách”, gia tăng lượng du khách, tăng chi tiêu bình quân của du khách và tăng số ngày lưu trú bình quân chính sẽ tạo ra cơ hội và là động lực thúc đẩy phát triển du lịch ẩm thực ở An Giang.

Nhìn lại những điều kiện để phát triển Food Tourism cho thấy An Giang có nền văn hóa ẩm thực bản địa độc đáo, và người dân An Giang rất hiếu khách. Chính quyền tỉnh An Giang trong Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã xác định: “phát huy sản vật vùng thượng nguồn sông Mekong để tạo ra các món ẩm thực tươi, sạch, hấp dẫn, khác biệt để phục vụ trong cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống”. Để có thể khai thác và phát triển du lịch ẩm thực ở tỉnh An Giang trong thời gian tới, một số giải pháp được đề xuất như sau:

Một là, chính quyền tỉnh An Giang, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh cần tiếp tục đổi mới tư duy trong phát triển du lịch, quan tâm chú trọng nhiều hơn tới yếu tố ẩm thực trong phát triển du lịch. Đầu tư nghiên cứu để khai thác ẩm thực trong du lịch, từng bước phát triển Food Tourism trong cơ cấu các loại hình du lịch của Tỉnh. Thay đổi cách nghĩ, phát triển Food Tourism là một cách hiện thực hóa hiệu quả mục tiêu gia tăng chi tiêu của khách du lịch khi tới An Giang.

Hai là, thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc cần sắp xếp, tổ chức các khu phố ẩm thực, tạo ra những không gian ẩm thực Việt Nam mang dấu ấn An Giang văn minh, lịch sự, nhằm thu hút và phục vụ khách du lịch và người dân. Các khu ẩm thực không chỉ giới thiệu cho khách du lịch những món ngon An Giang, mà còn cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhộn nhịp nhưng đảm bảo an ninh, có đường dạo bộ, có nơi giữ xe ô tô và xe gắn máy, có khu vực vệ sinh sạch sẽ.

Ba là, trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để đáp ứng mục tiêu phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần phải bổ sung đào tạo đội ngũ đầu bếp, các nghệ nhân dân gian và nhân viên phục vụ tại các nhà hàng bài bản và chuyên nghiệp.

Bốn là, nghiên cứu đẩy mạnh gắn kết du lịch với hoạt động làng nghề, đặc biệt quan tâm tới các làng nghề ẩm thực. Tại các làng nghề, cần đầu tư quan tâm cơ sở vật chất đảm bảo mỹ quan tại các điểm tham quan, an toàn về vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và chế biến. Tham quan làng nghề ẩm thực sẽ là cơ hội để du khách tìm hiểu cách thức tạo ra những sản phẩm ẩm thực địa phương độc đáo, nghe những câu chuyện về cội nguồn và sự phát triển của sản phẩm gắn liền với đời sống của người dân, về phong tục tập quán gắn liền với sản phẩm từ nghệ nhân làng nghề,... Chính từ đây, những giá trị nhân văn, những nét đẹp văn hóa bản địa gắn liền với sản phẩm ẩm thực sẽ được lan tỏa tốt hơn.

Năm là, tiếp tục hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch An Giang, trong đó xây dựng hình ảnh điểm đến về ẩm thực, đẩy mạnh hoạt động quảng bá về văn hóa ẩm thực An Giang đến với khách du lịch trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức, như: hội chợ ẩm thực, hội thảo về ẩm thực An Giang, phiên chợ ẩm thực, chương trình giới thiệu về ẩm thực An Giang do các nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng Việt Nam thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website, các mạng xã hội phổ biến có mức độ lan tỏa cao như Facebook, Instagram, Youtube,... 

5. Kết luận

An Giang là vùng đất giàu tiềm năng về phát triển du lịch, ẩm thực An Giang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để có thể phát triển thành một loại hình du lịch rất hấp dẫn du khách - Du lịch ẩm thực. Hướng đi mới này sẽ khai thác được nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo, đặc sắc mà tự nhiên tặng riêng cho An Giang, giúp bảo tồn và phát huy được các giá trị ẩm thực bản địa, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu mà tỉnh An Giang đã đề ra cho ngành Du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Để có thể hình thành và đưa vào khai thác du lịch ẩm thực tại An Giang cần có sự chỉ đạo và phối hợp đồng bộ giữa chính quyền tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch, các nhà hàng khách sạn cơ sở phục vụ ẩm thực và cộng đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục vận dụng chính sách phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch để phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở phục vụ ẩm thực có chất lượng tốt hơn, chú trọng hơn trong đào tạo nguồn nhân lực về chế biến và phục vụ ẩm thực bài bản và chuyên nghiệp hơn, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty du lịch tổ chức nghiên cứu và học tập kinh nghiệm phát triển du lịch từ các điểm đến du lịch ẩm thực, từ đó phát huy vận dụng trong thực tế của địa phương để từng bước hình thành các tour du lịch ẩm thực An Giang.

Với thế mạnh về du lịch và tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực của An Giang, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, sự phối hợp của các công ty du lịch và cộng đồng, trong tương lai, du lịch ẩm thực sẽ được hình thành và phát triển tại An Giang, không chỉ giúp cho du lịch An Giang thêm phong phú, mà sẽ thu hút được đông đảo khách hành hương và khách du lịch trong nước và nước ngoài du lịch tới An Giang.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Hữu Thùy Giang (2020). Du lịch ẩm thực và vấn đề đặt ra cho “Kinh đô ẩm thực”, https://baothuathienhue.vn/ dulich/du-lich-am-thuc-va-van-de-dat-ra-cho-kinh-do-am-thuc-a80515.html, xem 25/1/2021.
  2. C.M. Hall, L. Sharples, R. Mitchell, N. Macionis and B. Cambourne, Editors, Food Tourism Around the World: Development, Management and Markets, Butterworth Heinemann, Oxford (2003) ISBN 0-7506-5503-8 (392pp., £24.99). DOI:10.1016/j.ijhm.2005.04.009.
  3. Đỗ Thị Thanh Hoa (2019). Những xu hướng lan tỏa và định hình sản phẩm du lịch trong thời gian tới, Chuyên trang Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch, truy cập tại http://itdr.org.vn/nghien_cuu/nhung-xu-huong-lan-toa-va-dinh-hinh-san-pham-du-lich-trong-thoi-gian-toi/
  4. Long. D. (1998). Culinary Tourism: A Folklore Perspective on Eating and Otherness. Southern Folklore, 55, 181-204.
  5. The Guardian. (2019). 20 of the best food tours around the world, www.theguardian.com, truy cập tại https://www.theguardian.com/travel/2019/jun/26/20-best-food-tours-around-world-lisbon-lima-havana-hanoi
  6. Vương Xuân Tình (2018). Du lịch ẩm thực: Kinh nghiệm thế giới và thực hiện ở Việt Nam, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, 4, 45-51.
  7. UBND tỉnh An Giang (2017). Chương trình hành động số 59/CTr-UBND về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
  8. UNWTO. (2017). Second Global Report on Gastronomy Tourism. Truy cập tại https://www.e-unwto.org/ doi/pdf/10.18111/9789284418701

CULINARY TOURISM - A NEW DEVELOPMENT ORIENTATION

FOR AN GIANG PROVINCES TOURISM INDUSTRY

• NGUYEN VU THUY CHI

Faculty of Economics and Business Administration, An Giang University

Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

An Giang Province has favorable conditions for the development of culinary tourism, contributing to the provincial realization of turning the tourism industry into the provincial spearhead economic sector. This paper presents the potential of An Giang Province’s culinary tourism development. The paper also proposes some solutions to develop the culinary tourism in An Giang Province.

Keywords: culinary tourism, cuisine, tourism development, An Giang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]