Hỗ trợ chi phí đầu tư 

Tại Tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ”, ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng Ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng trong việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời áp mái.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, mỗi kWp (kilowatt-peak) công suất của điện mặt trời áp mái có thể tạo ra 1.200-1.500kWh/năm. Với giá khuyến khích Chính phủ ban hành thì có thể tạo ra khoảng 15 triệu đồng/kWp.

Tính riêng ở Đà Nẵng và TP. HCM thì tiềm năng công suất để lắp đặt phát triển điện mặt trời mái nhà có thể lên tới 7.000 MW công suất.

Thời gian qua điện mặt trời mái nhà đã tạo ra nhiều lượng điện năng phát lên lưới. EVN đã mua lại theo quy định, giúp hỗ trợ phần nào, đảm bảo cung-cầu năng lượng.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, EVN đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực công khai các quy trình, thủ tục, khả năng giải toả công suất của từng trạm biến áp... và tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà trong quá trình ký thoả thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện.

điện mặt trời mái nhà
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, EVN kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu, có những sáng kiến, cơ chế, gói hỗ trợ giảm thiểu chi phí lắp đặt, vận hành...

Tuy nhiên, ông Trần Viết Nguyên cũng cho rằng, phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam vẫn còn khá mới so với các nước phát triển, họ đi xa hơn chúng ta tới 20 năm. Như vậy, chúng ta cũng có một vài bất cập nhất định.

"Dù EVN và GreenID (Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh) đã nỗ lực thực hiện công tác truyền thông và quảng bá về điện mặt trời mái nhà, nhưng qua khảo sát, đánh giá, tỷ lệ người dân hiểu điện mặt trời mái nhà là gì và làm sao lắp đặt thì rất thấp", ông Nguyên nêu ví dụ.

Thêm vào đó, điện mặt trời mái nhà còn khá mới so với thị trường Việt Nam, nên một số khách hàng dù biết tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà rất tốt nhưng để họ đầu tư, lựa chọn sản phẩm, thiết bị chất lượng cao, chọn nhà thầu lắp đặt, thu xếp vốn đầu tư thì vẫn còn chưa rõ và ngần ngại.

Do vậy, EVN kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu, có những sáng kiến, cơ chế, gói hỗ trợ giảm thiểu chi phí lắp đặt, vận hành... từ đó mới có khả năng nhân rộng điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là đối với đối tượng các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, EVN kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn về điện mặt trời mái nhà.

Đáng chú ý, ông Nguyên đánh giá, sau cơ chế giá điện cố định theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg năm 2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ (giá FIT 2), đến năm 2021 sẽ có cơ chế chính sách mới.

“EVN kiến nghị Bộ Công Thương sớm nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách gối đầu tiếp theo nhằm phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Để đạt được kỳ vọng đến năm 2035 Việt Nam đạt 30.000 MWp công suất điện mặt trời mái nhà thì câu chuyện chính sách hết sức quan trọng”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho biết, Công ty đã bán được trên hơn 1 triệu sản phẩm Thái Dương năng và mới đây phát triển dòng sản phẩm FreeSolar dành cho các hộ sử dụng điện mặt trời áp mái. Tập đoàn Sơn Hà đã phối hợp với EVN, cũng như các ngân hàng để có được những chính sách tốt nhất trong việc sử dụng điện mặt trời mái nhà.

“Cần phải có cơ chế giá riêng đối với giá điện mặt trời áp mái, cũng như có chính sách để cổ vũ việc sử dụng năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, có chính sách phân loại công trình để xác định công trình sử dụng năng lượng tái tạo.

Đối với các hộ gia đình, nếu như chương trình “gia đình văn hoá” tạo nên niềm tự hào cho mỗi hộ dân, thì tại sao không đưa thêm các yếu tố về năng lượng tái tạo, sử dụng điện mặt trời áp mái để dần phổ cập rộng rãi hơn. Việc sử dụng năng lượng tái tạo biến thành niềm tự hào đối với mỗi người”, ông Tân chia sẻ.

điện mặt trời mái nhà
Trong khi đó, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, phát triển có hiệu quả điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì cơ chế giá FIT, với những quy định chặt chẽ hơn về quy mô công suất

Duy trì cơ chế giá FIT mới

Xung quanh câu chuyện phát triển điện mặt trời mái nhà, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh đánh giá, định hướng hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà đã được nêu rõ trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu tạo nguồn phân tán để giảm phụ tải tại chỗ, tránh gây áp lực phải xây dựng các tuyến truyền tải mới.

Về cơ chế chính sách, Chính phủ đã ban hành cơ chế giá FIT theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, các dự án điện mặt trời mái nhà được hưởng mức giá 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 Uscents/kWh).

Sau khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2019, dù Chính phủ chưa ban hành quyết định thay thế nhưng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2023/QĐ-BCT vào tháng 7/2019 phê duyệt Chương trình thúc đẩy ĐMTMN tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025.

Tiếp theo, với việc ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, điện mặt trời mái nhà được hưởng mức giá FIT cao nhất trong 3 loại hình đầu tư điện mặt trời là 1.943 đồng/kWh (tương đương 8,38 Uscents/kWh).

“Chắc chắn đầu tư điện mặt trời mái nhà sẽ bùng nổ trong giai đoạn tới cuối năm 2020”, ông Hà Đăng Sơn nhận định.

Để phát triển có hiệu quả điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Sơn nhấn mạnh là vẫn tiếp tục duy trì cơ chế giá FIT, với những quy định chặt chẽ hơn về quy mô công suất.

Cụ thể, các hệ thống điện mặt trời mới lên đến 100 kWp nhận được FIT cố định; các hệ thống điện mặt trời mới từ 100 đến 750 kWp phải bán năng lượng của chúng bằng cách tiếp thị trực tiếp cho bên mua; hệ thống điện mặt trời mới trên 750 kWp được yêu cầu tham gia vào các cuộc đấu thầu và không được sử dụng để tự sản xuất nội bộ…

Tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ” là một trong những sự kiện chính, nổi bật trong Tuần lễ năng lượng tái tạo năm 2020 với chủ đề “Đột phá để phục hồi và phát triển Xanh vì cuộc sống an lành”.

Sự kiện do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cùng các đối tác tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu ở cả 3 miền Bắc, Trung Nam.

Trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020, ngoài Tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ”, Chương trình còn bao gồm các sự kiện như: “Chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển các giải pháp điện mặt trời kết hợp nông nghiệp và điện mặt trời nổi”; “Chuyển dịch năng lượng sạch: Xu thế toàn cầu và hành động địa phương” và cuối cùng là “Phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam: Những đột phá kỳ vọng”… Sự kiện Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020 sẽ diễn ra đến 28/8.