Sản xuất sợi tại Nhà máy sợi Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long, KCN Hải Yên, TP Móng Cái.
Vừa sản xuất vừa đảm bảo phòng chống dịch tại Nhà máy sợi Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long, Khu công nghiệp Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu:

1- Ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

2- Bảo đảm mục tiêu kép: Phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh; duy trì sản xuất, kinh doanh để có nguồn lực phòng, chống dịch và phục vụ nhân dân.

3- Tập trung hỗ trợ các tỉnh có tâm dịch, trước hết là Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương để dập dịch thành công, trong đó đặc biệt lưu ý đến mục tiêu ngăn chặn dịch lây lan vào các khu công nghiệp, bệnh viện.

Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và gần đây nhất là Kết luận số 07-KL/TW ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ Chính trị về về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp tục kiên định tinh thần “chống dịch như chống giặc”; lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở với cấp ủy, tổ chức Đảng là hạt nhân phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn và đối tượng được phân công quản lý; trong đó có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng (nhất là lực lượng công an ở cơ sở), phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Tổ COVID cộng đồng, huy động sự ủng hộ, hưởng ứng, hợp tác tích cực và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của mọi người dân.

Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch bệnh đã đi qua; không lo sợ, hốt hoảng, lúng túng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì khi dịch xảy ra. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, trong đó phòng ngừa là cấp bách, thường xuyên, cơ bản, chiến lược, lâu dài và là quyết định; tấn công là chủ động, tích cực, quyết liệt, hiệu quả.

Phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, “4 tại chỗ”, tuyệt đối không trông chờ ỷ lại mà phải luôn luôn có tư tưởng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi, địa bàn và đối tượng quản lý, căn cứ vào tình hình thực tế cụ thể để tự quyết định theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp đối với những khó khăn, vướng mắc, vượt quá thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ. Trung ương, các địa phương có điều kiện sẵn sàng, kịp thời hỗ trợ các địa phương gặp phải khó khăn hoặc thiếu điều kiện, thiếu kinh nghiệm phòng, chống dịch.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải luôn nắm chắc tình hình, dự báo tốt tình hình, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn để kiểm nghiệm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị mình, trên cơ sở đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, phù hợp, khả thi, hiệu quả trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, mang lại niềm tin cho nhân dân.

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thể chế, chính sách, không cầu toàn, nóng vội, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, phù hợp; cái gì chưa có trong quy định hoặc có quy định nhưng đã vượt qua thực tế thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, trong đó cần rà soát, khắc phục ngay các sơ hở, bất cập trong các quy định về phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, trong các cơ sở y tế, các khu cách ly, phong tỏa...

Tổ chức thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất chiến lược vắc xin và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để xây dựng kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên phạm vi cả nước theo lộ trình phù hợp, khoa học, hiệu quả. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sản xuất vắc xin trong nước, nhất là liên quan đến đầu tư, nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, cấp phép...

Xác định phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời với việc phát triển kinh tế-xã hội là một lựa chọn đúng đắn, cần thiết nhưng vô cùng khó khăn, thách thức. Các cấp ủy, chính quyền cần lấy khó khăn, thách thức này làm động lực vươn lên, khẳng định, phát triển và bổ sung kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.