nhập khẩu khí đốt
Giới quan sát nhận định EU đang có cách tiếp cận bớt cứng rắn hơn trong cuộc đối đầu với Nga xung quanh vấn đề nguồn cung năng lượng (Ảnh: Bloomberg)

Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho biết Uỷ ban châu Âu (EC) đã đồng ý cho phép các công ty năng lượng trong Liên minh châu Âu (EU) có thể tiếp tục mua khí đốt từ Nga mà không vi phạm các biện pháp trừng phạt đang áp dụng đối với Nga. Động thái này cho thấy một cách tiếp cận bớt cứng rắn hơn của EU trong cuộc đối đầu với Nga xung quanh vấn đề nguồn cung năng lượng.

Theo hãng tin Bloomberg, EC đã gửi hướng dẫn điều chỉnh đến các nước thành viên EU từ hôm thứ Sáu tuần trước. Theo hướng dẫn này, EC cho biết “không ngăn cấm các doanh nghiệp mở một tài khoản ngân hàng tại một ngân hàng cụ thể để phục vụ cho việc thanh toán các hợp đồng cung cấp khí đốt với một nước cung cấp khí đốt, bằng đồng tiền được nêu trong các hợp đồng đó”.  

Hướng dẫn này không cấm các doanh nghiệp châu Âu mở một tài khoản tại ngân hàng Nga Gazprombank và sẽ cho phép các công ty mua khí đốt từ Nga miễn sao không vi phạm các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Tuy nhiên, hướng dẫn không đề cập đến yêu cầu mà phía Nga đã đưa ra là doanh nghiệp châu Âu mua khí đốt Nga phải mở một tài khoản thứ hai là tài khoản Ruble tại ngân hàng Gazprombank. Yêu cầu này được phía Nga xem là bắt buộc để xác nhận việc thanh toán đã hoàn tất.

Giới quan sát nhận định đây là một diễn biến tích cực trong việc giảm nhiệt cuộc khủng hoảng khí đốt tại EU trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga đáp ứng đến 40% tổng nhu cầu sử dụng khí đốt của EU. Sau thông tin trên, chốt phiên giao dịch ngày 16/5, giá khí đốt giao tháng 6 tại thị trường Hà Lan đã giảm 4,2%. Giá khí đốt tại thị trường Hà Lan được xem là giá tham khảo chuẩn cho các hợp đồng mua bán khí đốt khu vực châu Âu và trên thế giới.

Hãng tin Bloomberg cho biết, tập đoàn năng lượng hàng đầu Italy Eni dự kiến sẽ mở tài khoản Ruble và Euro tại Gazprombank trước ngày thứ Tư tuần này để có thể thực hiện việc thanh toán đúng hạn với phía Nga và tránh bất kỳ rủi ro nào về việc đứt gãy nguồn cung khí đốt. Trước đó, các hãng năng lượng lớn của châu Âu như Uniper (Đức) và OMV (Áo) cũng cho biết họ kỳ vọng việc mua khí đốt từ Nga sẽ tiếp tục được diễn ra.  

Trong ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck bày tỏ lạc quan rằng các doanh nghiệp năng lượng của Đức có thể tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt cho phía Nga mà không vi phạm các biện pháp trừng phạt của EU. Ngược lại, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki chỉ trích EU vì trở nên bớt cứng rắn trước vấn đề giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga.

“Tôi thất vọng khi thấy trong EU có sự đồng tình thanh toán tiền mua khí đốt bằng Ruble.  Ba Lan sẽ giữ vững nguyên tắc và không chịu ảnh hưởng từ sức ép của Nga”, ông Mateusz Morawiecki phát biểu trong ngày 15/5. Trong số các nước EU, Ba Lan và Bulgaria đã bị Nga cắt nguồn cung khí đốt từ hồi cuối tháng 4 vì không chấp nhận thanh toán bằng Ruble.