100% đơn vị ban hành Kế hoạch tiết kiệm điện

Năm 2021, do ảnh hưởng quá lớn của đại dịch Covid-19, các công ty điện lực thành viên thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đều chưa triển khai được các Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện riêng trên địa bàn, mà phần lớn thực hiện theo định hướng của Tổng công ty, đó là ban hành Kế hoạch tiết kiệm điện tại đơn vị, có xây dựng mục tiêu và giải pháp thực hiện trong suốt cả năm. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới triển khai các chương trình truyền thông tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Tiết kiệm điện EVNSPC
Chương trình Giờ trái đất được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ tham gia

 

Ông Đoàn Thành Ân – Phó Ban Kinh doanh EVN SPC cho biết, ngoài việc ký hợp đồng với các Đài Phát thanh-Truyền hình địa phương thông tin tuyên truyền định kỳ, cập nhật thông tin mới và nêu các gương điển hình trong công tác tiết kiệm điện, thì các Công ty điện lực thành viên đều cập nhật thông tin lên Trang thông tin điện tử của riêng mình. Đồng thời, phối hợp với các Hội/đoàn thể xây dựng Quy chế phối hợp tuyên truyền trên địa bàn, thường xuyên liên lạc và trao đổi thông tin, tài liệu như những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Ngành điện, địa phương có liên quan đến hoạt động tuyên truyền vận động sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; giám sát hoạt động sử dụng điện và cung cấp điện; bảo vệ an toàn lưới điện; tham gia tích cực sự kiện Giờ trái đất, kêu gọi khách hàng, người dân hưởng ứng cùng tắt đèn từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 27/3/2021.

Một trong những hoạt động thu được nhiều kết quả trong năm 2021 là cuộc thi online “Tiết kiệm điện trong trường học” được Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai. Qua cuộc thi này đã giúp các em học sinh nhận biết thêm rất nhiều các kỹ năng và thông tin bổ ích trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và đây cũng là các thành tố cốt lõi trong việc tuyên truyền an toàn tiết kiệm điện trong nhà trường, gia đình và xã hội.

Ngoài ra, trong năm 2021, Công ty Điện lực Cà Mau còn phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng tham gia nhiệm vụ “Hỗ trợ triển khai ứng dụng mô hình cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Đây là Đề án thí điểm tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp tại Cà Mau do Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai, đã thu được các kết quả nhất định.

Tiết kiệm điện EVNSPC
Nhân viên Điện lực Đầm Dơi - PC Cà Mau hướng dẫn cụ thể từng vị trí có thể gây mất an toàn trong khi sử dụng điện tại đầm nuôi tôm.

 

Triển khai Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR)

Chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai trong nhiều năm. Tại SPC, hàng năm, Tổng công ty đều thực hiện báo cáo EVN về việc thống kê danh sách khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 3 triệu kWh trở lên mỗi năm, theo quy định. Trong năm 2019, Tổng công ty đã thực hiện được 10 sự kiện liên quan đến lĩnh vực này để đẩy mạnh tuyên truyền đến khách hàng, đặc biệt là hỗ trợ các khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm (gồm 3 sự kiện DR có kế hoạch và 7 sự kiện DR khẩn cấp), với tổng công suất tiết giảm là 1.640MW. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, năm 2020-2021, EVN SPC không được giao tổ chức các sự kiện này.

Vì vậy, Tổng công ty đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền, đoàn thể, các ban ngành địa phương để tiếp tục duy trì tuyên truyền vận động khách hàng sản xuất công nghiệp, khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về Chương trình DR tự nguyện phi thương mại trên tất cả các quận, huyện của 21 tỉnh phía Nam, trực thuộc Tổng công ty quản lý. Theo ông Ân, cho đến hết năm 2021, các đơn vị thành viên trong Tổng công ty đã ký được thỏa thuận DR với 1.789/1.859 khách hàng có lượng sử dụng điện ≥ 3 triệu kWh/năm, đạt 96,23%. Bên cạnh đó, cũng đã ký thỏa thuận với 3.072/3.240 khách hàng có lượng sử dụng điện mở rộng từ 1 triệu đến <3 triệu kWh/năm, đạt 94,8%.

Qua thực tế triển khai, mặc dù Tổng công ty nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, các phương tiện truyền thông… và nhận thức của người dân, doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi, nhưng do hiện nay thực hiện Chương trình DR theo phương thức phi thương mại và tự nguyện (không dùng cơ chế tài chính), nên chưa nhận được sự đồng thuận cao của khách hàng. Đây là một khó khăn mà tất cả các công ty điện lực trên cả nước đều phải đối mặt khi triển khai các chương trình DR đến khách hàng, mà muốn giải quyết được, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế tài chính cho các Chương trình DR.

Những vướng mắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà

Theo số liệu của SPC, tính đến 20/3/2022, SPC có 53.969 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 5.581 MWp. Đánh giá của SPC cho thấy, tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà tại khu vực miền Nam còn rất lớn, bức xạ mặt trời trên 4 giờ nắng/ngày; tài nguyên sẵn có như mái nhà xưởng các khu, cụm công nghiệp (phục vụ phụ tải tại chỗ). Bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành điện mặt trời mái nhà đã được chuẩn hóa, từ nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, số hóa trong công tác giám sát, chuẩn hóa trong việc lưu trữ hồ sơ, dữ liệu, xử lý các hợp đồng vi phạm kịp thời, đúng quy định…

Tiết kiệm điện EVNSPC
EVN SPC hiện có 53.969 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 5.581 MWp

 

Tuy nhiên, việc phát triển mảng năng lượng này hiện đang gặp khá nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ cơ chế chính sách chưa đồng bộ. Ông Ân chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực về giá khuyến khích, nhưng chưa có cơ chế khuyến khích mới, dẫn đến rất nhiều khách hàng chưa yên tâm đầu tư.

Mặt khác, theo quy định, trước khi ký hợp đồng bán điện, chủ đầu tư phải cam kết: Công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành. Mái nhà của công trình xây dựng phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình, có kết cấu đảm bảo chịu lực dưới tác động của tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu mái trong điều kiện thường và trong điều kiện cháy. Tuy nhiên, ngành Điện không có chức năng để kiểm tra các hạng mục công việc này có thực sự đúng theo cam kết hay không.

Khi nguồn điện đấu nối từ điện mặt trời mái nhà tăng, việc thay đổi trào lưu công suất liên tục trên các ngăn lộ trung áp có đấu nối nhiều từ nguồn này ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng. Bản thân lưới điện vận hành trong thời kỳ thừa nguồn năng lượng tái tạo phải thỏa thuận cắt giảm công suất điện mặt trời mái nhà cũng gây khó khăn cho SPC khi làm việc với khách hàng.

Vì vậy, SPC kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành quy định về đầu tư điện mặt trời mái nhà cho từng mô hình đầu tư (áp mái nhà ở, trang trại, nhà xưởng). Do hiện nay một số nội dung chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến các bên rất lúng túng khi phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, tạo điều kiện cho khách hàng yên tâm đầu tư (khuyến khích tích trữ năng lượng từ điện mặt trời và gió để sạc xe điện, cơ chế khuyến khích theo hướng trữ thấp điểm phát cho cao điểm, tích trữ cho nhu cầu cấp đông, logistics, xu thế cân đối cho hoạt động bảo quản nông sản, hải sản…). Đồng thời, cần ban hành quy định về xử lý các vi phạm chính sách phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà, vi phạm trong quản lý vận hành. Chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các hệ thống điện mặt trời mái nhà, trang trại nông nghiệp trên địa bàn phải thực hiện xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, v.v… theo đúng quy định.